Mức lương và cơ hội việc làm của 8 chuyên ngành Công nghệ thông tin

Sự bùng nổ của khoa học công nghệ kéo theo sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin. Trong nhiều năm trở lại đây, ngành Công nghệ thông tin (CNTT) được săn đón khá nhiều, đang là ngành học HOT nhất với mức điểm chuẩn cực cao cùng tỷ lệ chọi hết sức gay gắt, đặc biệt tại những trường top đầu như Bách Khoa, Công nghệ,… Nhiều bạn trẻ thắc mắc nên học ngành gì trong Công nghệ thông tin, học ngành Công nghệ thông tin cần những tố chất gì. Trong bài viết dưới đây, 'Tin tức việc làm' sẽ cùng bạn khám phá các ngành CNTT, từ đó giúp bạn biết nên học chuyên ngành nào của công nghệ thông tin thì phù hợp nhất!

1. Cơ hội việc làm ngành Công nghệ thông tin

Hiện nay, Công nghệ thông tin chủ yếu được phát triển để kết nối và tự động hóa các quy trình làm việc từ hợp tác kinh doanh đến ứng dụng vào nghiên cứu khoa học, y tế. Khối ngành này xét tuyển các tổ hợp môn theo khối A00 (Toán - Vật lý - Hóa học), A01 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh), B00 (Toán - Hóa học - Sinh học), D01 (Ngữ văn - Toán - Tiếng Anh), D07 (Toán - Hóa học - Tiếng Anh) và C01 (Ngữ văn - Toán - Vật lý).

Không chỉ là một ngành học hấp dẫn mà ở đó, học viên được tiếp cận với rất nhiều thông tin, môn học thú vị, CNTT là ngành hot nhờ tính ứng dụng cao và tình trạng của thị trường lao động hiện nay: Cung không đủ cầu. Nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất 10 năm tới, dự kiến cần bổ sung 150.000 lao động mỗi năm. Ngay trong đại dịch Covid, khi nhiều lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng thì ngành công nghệ thông tin vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng. 

Mức thu nhập của nhân sự trong ngành công nghệ thông tin cũng rất hấp dẫn.Mặt bằng chung, mức lương của các vị trí phổ biến trong lĩnh vực công nghệ thông tin như Lập trình viên là từ 10 - 20 triệu/tháng, cao nhất khoảng 40 triệu/tháng; trong khi kỹ sư phần mềm có lương cao nhất có thể lên tới 100 triệu/tháng. Có rất nhiều vị trí không nhất thiết cần bằng đại học thì lương thấp nhất cũng khoảng 10 triệu/tháng, cao nhất lên tới 30 triệu/tháng.

Mặc dù mức lương không phải tất cả để đánh giá một ngành có hot hay không, có nên theo học ngành đó hay không nhưng rõ ràng thu nhập triển vọng, cơ hội việc làm lại là phần không thể thiếu ảnh hưởng tới quyết định của mọi người. Nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực cạnh tranh, thu nhập tốt, dễ xin việc thì chắc chắn học công nghệ thông tin là lựa chọn tốt.

2. Lựa chọn chuyên ngành của Công nghệ thông tin phù hợp

2.1. Khoa học máy tính (Computer Science)

Khoa học máy tính được được nhiều người lựa chọn nhất trong các ngành CNTT

Khoa học máy tính được xem là chuyên ngành được nhiều người lựa chọn nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây thường là chuyên ngành chỉ có ở đào tạo cho sinh viên đại học và sau đại học. 

Khoa học Máy tính là một chuyên ngành học giúp người học có khả năng làm chủ tất cả khía cạnh của máy tính bao gồm thiết kế, chế tạo, vận hành và sửa chữa các yếu tố như phần cứng, phần mềm, hệ thống hay mạng lưới. Các hoạt động này nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người sử dụng sản phẩm công nghệ. Có thể nói, Khoa học máy tính là ngành học dành riêng cho những ai thật sự yêu máy tính và muốn tìm hiểu ngọn ngành về máy tính một cách sâu sắc nhất. Vì vậy, ngành học này cũng được xem là ngành khoa học nền tảng và có đóng góp cho hầu hết mọi mặt trong cuộc sống hàng ngày.

Trong năm học đầu tiên, bạn sẽ được học những môn đại cương về lịch sử máy tính, ứng dụng của ngành trong xã hội và lý thuyết cơ bản về mạng lưới hay hệ thống. Những năm tiếp theo bạn sẽ được trang bị kỹ năng như lập trình, cấu trúc hệ thống và phân tích thuật toán để có thể tạo ra được sản phẩm phần mềm. Ngoài ra bạn còn được học thêm về xây dựng trang web, hệ thống dữ liệu và hệ điều hành. 

Tốt nghiệp chuyên ngành khoa học máy tính, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên sẽ vô cùng rộng mở với các vị trí dưới đây: Lập trình viên PHP; Lập trình viên .NET; Lập trình viên Java; Lập trình viên Web; Lập trình viên Android, iOS; Nhân viên IT; Nghiên cứu, giảng dạy; Kỹ sư CNTT; Kỹ sư phần mềm; Chuyên viên phân tích dữ liệu. Mức lương của nhân sự mới tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính thường dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.

2.2. Công nghệ phần mềm (Software Engineering)

Công nghệ phần mềm là chuyên ngành nghiên cứu về hệ thống kỹ thuật, phần mềm máy tính. Cụ thể, ngành học này tập trung nghiên cứu về các hạ tầng phần mềm, cơ sở dữ liệu cũng như sự phát triển của các ứng dụng và hệ thống; đào tạo những môn học để cung cấp những kiến thức về thử nghiệm, phát triển phần mềm, kiểm tra và vận hành, phát hiện và khắc phục lỗi cho các phần mềm máy tính, thiết bị di động,… Chuyên ngành này tập trung vào việc xây dựng các ứng dụng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và chất lượng đời sống con người.

Sinh viên tốt nghiệp và sau khi ra trường với tấm bằng chuyên ngành kỹ thuật phần mềm có thể tham khảo danh sách các vị trí việc làm dành cho sinh viên cử nhân ngành Công nghệ phần mềm: Nhân viên IT; Nhân viên bảo trì phần mềm; Lập trình viên (Lập trình viên web, lập trình viên game, ứng dụng…); Kỹ sư hệ thống; Kỹ sư phần mềm; Nhân viên triển khai phần mềm; Tester (nhân viên kiểm thử phần mềm); Kỹ thuật viên mạng máy tính; Nhân viên kinh doanh phần mềm. Công nghệ phần mềm có mức lương trung bình là hơn 18 triệu đồng/tháng, nằm trong top 3 các ngành nghề có mức lương cao nhất.

2.3. Kỹ thuật máy tính (Computer Engineering)

Kỹ thuật máy tính được xem là một chuyên ngành khá thú vị trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là chuyên ngành kết hợp công nghệ thông tin với điện tử, trong đó tập trung vào việc nghiên cứu các nguyên lý, phương pháp, từ đó thiết kế và phát triển các hệ thống phần cứng và phần mềm phục vụ cho hoạt động của các thiết bị, bao gồm: mạch điện tử, bộ vi xử lý, chip, lập trình hệ thống nhúng, hệ thống điều khiển tự động, máy tính, siêu máy tính, thiết bị di động, ô tô thông minh, hệ thống IoT,….

Dưới đây là danh sách các vị trí việc làm dành cho sinh viên cử nhân ngành kỹ thuật máy tính tham khảo: Kỹ sư thiết kế; Kỹ thuật viên; Kỹ sư lập trình ứng dụng; Kỹ sư lập trình viên hệ nhúng; Kỹ sư quản trị hệ thống máy tính; Nghiên cứu, giảng dạy. Mức lương của kỹ sư ngành kỹ thuật máy tính dao động từ 10-15 triệu đồng/ tháng.

2.4. Trí tuệ nhân tạo (AI) và Robotics 

Thông thường, chuyên ngành khoa học máy tính sẽ được gộp chung với ngành trí tuệ nhân tạo và robotics. Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mạnh mẽ gần đây của trí tuệ nhân tạo và Robotics nên hai chuyên ngành này đã được tách ra riêng biệt.

Mặc dù chuyên ngành trí tuệ nhân tạo và Robotics ở Việt Nam chưa được phát triển mạnh như ở nhiều quốc gia sở hữu nền khoa học kỹ thuật hiện đại khác, nhưng nếu được lựa chọn thì chuyên ngành nào robotics và trí tuệ nhân tạo là một chuyên ngành tiềm năng đáng để cân nhắc.

AI và Robotics là chuyên ngành tiềm năng đáng để cân nhắc.

Chương trình đào tạo của chuyên ngành này cung cấp cho sinh viên những kỹ năng chuyên môn cũng như kiến thức để áp dụng chế tạo ra máy móc tự động hóa phục vụ nhiều khía cạnh trong cuộc sống của con người. 

Dưới đây là những vị trí làm việc mà một sinh viên theo học ngành này có thể có cơ hội thử sức: Chuyên viên phát triển ứng dụng AI vào các phần mềm; Kỹ sư mạng máy tính; Chuyên viên về mảng Big Data; Chuyên gia nghiên cứu AI; Lập trình viên; Kỹ sư phát triển hệ thống tự động hóa và robot. Cơ hội làm việc trong ngành robot và trí tuệ nhân tạo rất tiềm năng, mức lương của nhân sự ngành này có thể lên tới 30-50 triệu đồng tháng.

2.5. Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (Computer Networks and Data Communication)

Tầm quan trọng của mạng kết nối, thông tin, dữ liệu và truyền thông số hóa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì thế, khi nói về việc nên học chuyên ngành nào của công nghệ thông tin, chắc chắn chúng ta không thể bỏ qua chuyên ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu. Trọng tâm trong chương trình học gồm có xây dựng, thiết kế và quản trị hệ thống mạng máy tính, vận hành hạ tầng truyền tải thông tin, truyền thông. Học ngành này, bạn có thể làm trong rất nhiều lĩnh vực từ truyền thông mạng xã hội, thương mại điện tử đến báo chí, quảng cáo trực tuyến... Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là một chuyên ngành nhỏ của công nghệ thông tin mà các bạn sinh viên có thể theo đuổi. Chương trình đào tạo của chuyên ngành sẽ cung cấp cho sinh viên khả năng thiết kế, xây dựng, cũng như quản trị hệ thống mạng máy tính.

Theo học chuyên ngành này, sinh viên có thể có cơ hội thử sức trong nhiều lĩnh vực. Dưới đây là những vị trí việc làm có thể ứng tuyển của ngành mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là: Kỹ sư mạng máy tính; Lập trình viên; Nhân viên IT; Nhân viên quản trị mạng; Kỹ sư hệ thống; Kỹ sư an ninh mạng; Nghiên cứu, giảng dạy. Tùy thuộc vào năng lực chuyên môn, vị trí làm việc mà mức lương sẽ có sự khác nhau, mức lương trung bình sẽ dao động trong khoảng từ 8 - 15 triệu đồng/tháng.

2.6. An toàn thông tin (An ninh mạng)  (Information Security)

Để trả lời câu hỏi nên học chuyên ngành nào của Công nghệ thông tin thì chuyên ngành an toàn thông tin hay còn gọi là an ninh mạng là một chuyên ngành rất đáng để các bạn sinh viên có thể theo học. An ninh mạng là ngành chuyên bảo vệ các mạng thông tin và máy tính khỏi nguy cơ bị xâm nhập và trộm cắp các thông tin bảo mật. Nhiệm vụ của ngành này là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và ứng phó các cuộc tấn công. Để có thể bảo vệ được các hệ điều hành, các chuyên gia an ninh mạng cần phải tạo ra các rào cản chắc chắn để có thể chống lại không chỉ những tấn công từ bên ngoài mà còn từ bên trong. 

Trọng tâm của chuyên ngành học là những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các vị trí trong lĩnh vực An ninh mạng. Trong chương trình học, sinh viên sẽ cung cấp nền tảng kiến thức về Công nghệ thông tin như: Mạng quản trị, Phân tích dữ liệu, Mạng lưới thông tin. An ninh mạng được xem là chuyên ngành có cơ hội thăng tiến trong công việc cũng như mức thu nhập có thể xem là hấp dẫn. Công việc chính của các nhân viên an toàn thông tin là phân tích dữ liệu, phòng ngừa và bảo vệ hệ thống thông tin mạng, cũng như chống lại sự xâm nhập của các tin tặc và hacker.

Dưới đây là những vị trí làm việc mà một cử nhân ngành an ninh mạng có thể tham khảo: Chuyên viên an toàn thông tin; Kỹ sư an ninh mạng; Chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu; Chuyên viên phân tích dữ liệu; Chuyên viên quản trị an ninh mạng; Chuyên viên điều tra tội phạm mạng; Lập trình viên ứng dụng, website, phần mềm. Tại Việt Nam, mức lương nhân viên ngành an ninh mạng khoảng 1,500 - 3,000 USD/tháng (khoảng 34,5 - 69 triệu đồng/tháng). Sinh viên mới ra trường cũng có thể nhận mức lương 500 - 700 USD/tháng (khoảng 11 - 16 triệu đồng/tháng), thậm chí là 1,500 USD/tháng (khoảng 35 triệu đồng/tháng) nếu như có chuyên môn tốt.

2.7. Hệ thống quản lý thông tin (Management Information Systems)

Ngành Hệ thống thông tin quản lý là kết hợp giữa kinh tế và công nghệ thông tin. Cụ thể hơn, lĩnh vực này tập trung vào thu thập và phân tích dữ liệu, làm cầu nối giữa các bên liên quan trong kinh doanh và hệ thống thông tin.

Trong sự phát triển và hiện đại hóa của nền kinh tế, việc quản lý hệ thống thông tin rất quan trọng đối với bất cứ tổ chức, công ty, doanh nghiệp nào. Mục đích chính là phân tích nhu cầu khách hàng hay điểm mạnh – yếu nhằm đề xuất những biện pháp cải thiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh hơn. 

Đây là một chuyên ngành có sức hấp dẫn không hề nhỏ. Dưới đây là những vị trí làm việc mà một cử nhân ngành hệ thống quản lý thông tin có thể tham khảo: Nhân viên Quản trị Mạng; Nhân viên IT; Quản trị viên hệ thống thông tin; Kỹ sư hệ thống; Chuyên viên phân tích dữ liệu; Lập trình viên; Kỹ sư thiết kế; IT Helpdesk; Nghiên cứu, giảng dạy. Đối với sinh viên ngành hệ thống thông tin quản lý mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm mức lương sẽ dao động từ 7- 10 triệu. Hoặc sinh viên ra trường có năng lực ở mức chuyên viên, con số này sẽ khoảng 10-16 triệu/tháng.

2.8. Big Data và Machine Learning

Chuyên ngành Big Data và Machine Learning chuyên đào tạo khả năng giải thuật cao cấp, khái quát dữ liệu. hiện nay, sinh viên  cử nhân chuyên ngành Big Data và Machine Learning có cơ hội làm việc hết sức rộng mở.

Dưới đây là những vị trí mà sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể tham khảo: Nhân viên IT; Nhân viên phân tích dữ liệu; Nhân viên quảng cáo trực tuyến; Nhân viên phần mềm tại các công ty. Mức lương trung bình của ngành này là xấp xỉ 27 triệu đồng/tháng. 

Vậy học công nghệ thông tin nên theo ngành nào là tốt nhất? Đây chắc chắn là thắc mắc chung của rất nhiều người khi quyết định theo ngành học này. Tuy vậy, việc chọn ngành sao cho phù hợp phải dựa vào nhu cầu, khả năng, tố chất của bản thân bạn. Hãy xem xét định hướng tương lai của mình như thế nào để đưa ra quyết định nên chọn chuyên ngành công nghệ thông tin nào cho phù hợp. Mỗi người sẽ có những định hướng riêng, tố chất riêng để thích hợp với các chuyên ngành khác nhau. 

Điều quan trọng là bạn cần tìm được ngôi trường đại học có ngành công nghệ thông tin đào tạo chất lượng và rèn luyện cho mình những tố chất cần có ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Học ở một ngôi trường chất lượng và phát triển năng lực cá nhân sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội việc làm cho dù bạn chọn chuyên ngành công nghệ thông tin nào đi nữa.

3. Học Công nghệ thông tin ở trường nào?

Tại miền Bắc, bạn có thể học ngành công nghệ thông tin tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội – đây là ngôi trường đứng đầu trong khối ngành CNTT. Ngoài Bách khoa, thí sinh có thể chọn trường ĐH Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Kỹ thuật mật mã, Đại học FPT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông, Đại học Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Hàng hải Việt Nam,…

Với các thí sinh tại khu vực miền Trung và miền Nam, bạn có thể chọn Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ Sài Gòn, Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Hoa Sen, Đại học Duy Tân, Đại học Vinh,…

4. Tố chất sinh viên ngành Công nghệ thông tin 

Những tố chất của ngành cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn giải đáp nên chọn chuyên ngành công nghệ thông tin nào. Cùng tìm hiểu xem nếu muốn học ngành này thì các bạn cần có những phẩm chất gì nhé.

- Niềm sở thích và đam mê công nghệ: Đối với ngành nghề nào cũng vậy, đam mê với ngành sẽ là điều quan trọng giúp các bạn có thể làm quen và hòa nhập tốt với ngành nghề này. Khi các bạn có sở thích, đam mê thì chắc chắn sẽ có thêm động lực để theo đuổi ngành này dù cho khó khăn, áp lực thế nào đi nữa. Để theo đuổi và có thể thăng tiến cao trong công việc thì chắc chắn không thể thiếu đi tố chất này được.

- Sự thông minh cùng sáng tạo: Đây là một tố chất quan trọng và cần thiết nếu bạn muốn học và làm việc trong ngành công nghệ thông tin. Có được tố chất này thì bạn sẽ dễ thành công hơn trong ngành. Công nghệ thông tin là ngành nghề đòi hỏi sự tư duy, phân tích cao, khả năng tối ưu để tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả để ứng dụng thực tiễn. Do đó nếu bạn có tố chất này thì chọn ngành công nghệ thông tin nào đi nữa cũng mang đến sự thành công cho bạn.

- Sự chính xác trong công việc: Đây là một trong những yêu cầu quan trọng của công việc. Có thể nói sự chính xác là yêu cầu bắt buộc của ngành khoa học này. Trong quá trình xây dựng, thiết kế phần mềm, ứng dụng nếu không đảm bảo sự chính xác thì chắc chắn các sản phẩm sẽ gặp lỗi khi hoạt động, thậm chí không thể hoạt động được.

- Thường xuyên trau dồi kiến thức, ham học hỏi: Ngành công nghệ thông tin luôn có sự thay đổi và cải tiến. Do đó, các bạn cần phải trau dồi kiến thức một cách thường xuyên để cập nhật được những thông tin cần thiết cho ngành học của mình. Có như vậy thì bạn mới thành công và thăng tiến nhanh được.

- Trình độ đọc hiểu ngoại ngữ: Có thể thấy, ngành công nghệ thông tin là ngành mang tính chất toàn cầu. Vì vậy, nếu muốn trở thành nhân viên công nghệ thông tin giỏi thì các bạn phải có vốn ngoại ngữ. Có vốn ngoại ngữ thì bạn có thể tiếp cận và thực hành một cách nhanh chóng hơn trong quá trình học tập và làm việc trong ngành.

Việc làm dành cho sinh viên:

Việc làm thực tập sinh lập trình mới nhất

Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất

Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên

Việc làm thực tập sinh IT mới nhất

Mức lương của thực tập sinh lập trình là bao nhiêu?

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!