Phân tích các chức năng của giáo dục học?
1. Chức năng kinh tế - sản xuất
Giáo dục tái sản xuất sức lao động xã hội, tạo nên sức lao động mới có chất lượng cao hơn, thay thế sức lao động cũ đã lạc hậu, đã già cỗi hoặc đã mất đi bằng cách phát triển những năng lực chung và năng lực chuyên biệt của con người, nhằm tạo ra một năng suất lao động cao hơn, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.
Xã hội hiện đại đặt ra những yêu cầu cao đối với chất lượng nguồn nhân lực: có trình độ học vấn cao, có tay nghề vững vàng, năng động, sáng tạo, linh hoạt để thích nghi, đáp ứng được những yêu cầu của tiến trình phát triển xã hội. Dạy học theo tiếp cận năng lực là một trong giải pháp quan trọng để phát triển năng lực hành động cho người học trong các nhà trường, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Kết luận sư phạm:
- Giáo dục luôn gắn kết với thực tiễn xã hội.
- Tiếp tục thực hiện mục tiêu: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
- Hệ thống giáo dục nhà trường không ngừng đổi mới nhằm phát triển năng lực hành động cho người học, đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn nghề nghiệp.
2. Chức năng chính trị - xã hội
Giáo dục tác động đến cấu trúc xã hội, tức là tác động đến các bộ phận, các thành phần xã hội (các giai cấp, các tầng lớp, các nhóm xã hội...) làm thay đổi tính chất mối quan hệ giữa các bộ phận, thành phần đó bằng cách nâng cao trình độ văn hóa chung cho toàn thể xã hội.
Giáo dục trở thành phương tiện, công cụ để khai sáng nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, củng cố niềm tin, kích thích hành động của tất cả các lực lượng xã hội, nhằm duy trì, củng cố thể chế chính trị- xã hội cho một quốc gia nào đó.
Giáo dục xã hội chủ nghĩa góp phần làm cho cấu trúc xã hội trở nên thuần nhất, làm cho các giai cấp, các tầng lớp, các thành phần xã hội.. ngày càng xích lại gần nhau.
Ở nước ta, giáo dục là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Giáo dục phục vụ cho mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Kết luận sư phạm:
- Người giáo viên luôn phải nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước.
- Giúp học sinh hiểu, tin tưởng và thực hiện theo đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước
3. Chức năng tư tưởng – văn hóa
Giáo dục tham gia vào việc xây dựng một hệ tư tưởng chi phối toàn xã hội, xây dựng một lối sống phổ biến trong xã hội bằng cách phổ cập giáo dục phổ thông với trình độ ngày càng cao cho mọi tầng lớp xã hội. Thông qua giáo dục, những tư tưởng xã hội được thấm đến từng con người, giáo dục hình thành ở con người thế giới quan, giáo dục ý thức, hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Nhờ giáo dục, tất cả các giá trị văn hoá của nhân loại, của dân tộc, của cộng đồng được bảo tồn và phát triển, trở thành hệ thống giá trị của từng con người.
Kết luận sư phạm
- Đa dạng hóa các loại hình và phương thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm tạo cơ hội cho người dân được đi học và học suốt đời
- Sử dụng sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong ba chức năng xã hội của giáo dục, chức năng kinh tế - sản xuất là chức năng quan trọng nhất, nó là cơ sở để thực hiện chức năng chính trị - xã hội, chức năng tư tưởng – văn hóa.
Xem thêm:
Giáo trình học phần Giáo dục học đại cương
Đề thi cuối kỳ học phần Giáo dục học đại cương