Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi cá nhân trong tổ chức? | Câu hỏi tự luận ôn tập môn Hành vi tổ chức | NEU

Hãy phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi cá nhân trong tổ chức? Câu hỏi tự luận ôn tập môn Hành vi tổ chức của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giúp bạn củng cố kiến thức, ôn và đạt kết quả cao cuối học kỳ.

Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi cá nhân trong tổ chức?

ẢNH HƯỞNG CỦA TÍNH CÁCH ĐẾN HÀNH VI

1. Tính cách và các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách cá nhân

1.1 Khái niệm, đặc điểm của tính cách

Tính cách là phong thái tâm lý cá nhân quy định cách thức hành vi của cá nhân đó trong môi trường xã hội và hoạt động. Tính cách của cá nhân thường mang những đặc điểm:

  • Thể hiện sự độc đáo, cá biệt.
  • Tương đối ổn định.
  • Được biểu hiện một cách có hệ thống trong các hành vi cá nhân

1.2 Các yếu tố ảnh hưởng đến tính cách

Tài liệu VietJackGiả định tình huống: A và B là hai anh em ruột, A là anh trai là một người khá trầm tính, nguyên tắc và cẩn thận, ngược lại, B lại có tính cách rất hoạt bát, thích khám phá và thích sự mạo hiểm, hãy giải thích sự đối lập về tính cách giữa A và B?

Có thể thấy, dù A và B là anh em ruột nhưng lại đối lập về tính cách do hai người tiếp xúc với các môi trường khác nhau, bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ bạn bè của họ; cũng có thể do cách giáo dục và kỳ vọng của gia đình đối với hai người khác nhau... Chính điều này đã khiến A và B có đặc điểm tính cách không giống nhau.

2. Các mô hình tính cách tiêu biểu

Các mô hình tính cách đã được học

  • Mô hình 6 cặp tính cách
  • Mô hình 5 tính cách lớn
  • Mô hình MBTI
  • Mô hình tính cách của Holland
  • Mô hình DISC

Mô hình chỉ số tính cách MBTI (Myer – Briggs)

Mô hình chỉ số tính cách MBTI là một trong những mô hình được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay, Nhiều công ty lớn như Apple Computer, AT&T, Citicorp, Exxon... và nhiều bệnh viện, trường học đã sử dụng MBTI trong hoạt động tuyển dụng và bố trí nhân sự.

Dựa trên nghiên cứu, các nhà tâm lý học Thụy Sĩ đã phân loại tính cách của cá nhân thành 16 loại dựa trên các yếu tố sau đây:

Tài liệu VietJackCác yếu tố trong bảng kết hợp với nhau tạo thành 16 loại tính cách theo MBTI: ESTP; ESTJ; ESFP; ESFJ; ENTP; ENTJ; ENFP; ENFJ; INTP; INTJ; INFJ; INFP; ISTP; ISFP; ISFJ; ISTJ.

3. Tính cách ảnh hưởng đến sự phù hợp giữa con người với công việc và tổ chức.

Tính cách dẫn đến việc hình thành hành vi bởi vậy có tác động không nhỏ đến sự phù hợp giữa con người với công việc và tổ chức.

3.1 Sự phù hợp giữa con người và công việc

Câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn ngành nghề:

A được nhận xét là một người rất có nguyên tắc, ưa thích các hoạt động có quy tắc, quy định, trật tự và rõ ràng, A phù hợp với công việc nào sau đây?

a. Kế toán

b. Nhà thơ

c. Môi giới bất động sản

d. Người đầu tư chứng khoán

Lựa chọn đáp án a vì tính cách của A được xếp vào nhóm người nguyên tắc, bởi vậy hành vi của A thường theo xu hướng tuân thủ, kỷ luật và tỉ mỉ. muốn làm những công việc có tính chất an toàn và hiệu quả vì vậy kế toán sẽ là nghề phù hợp nhất.

Trên thực tế, tính cách của mỗi cá nhân là rất khác nhau và đặc điểm nội dung, yêu cầu của các công việc cũng vậy, theo lý thuyết về tính cách làm việc và môi trường công việc của Holland, sự thỏa mãn công việc là cao nhất và mức độ thay thế là thấp nhất khi mà tính cách và nghề nghiệp phù hợp với nhau.

3.2 Sự phù hợp giữa con người và tổ chức

Tình huống: A vốn là một người hướng nội, an toàn và khá độc lập. A mới vào làm việc tại một công ty và nhận thấy rằng mọi người trong công ty thường làm việc theo hình thức nhóm và thường xuyên tổ chức đánh giá
thành tích công việc để nâng cao tinh thần cạnh tranh của nhân viên. Hãy dự đoán những khó khăn mà A sẽ gặp phải trong quá trình làm việc? Chỉ ra nguyên nhân?

- Khó khăn mà A sẽ gặp phải:

  • A có thể sẽ gặp khó khăn trong quá trình làm việc nhóm vì tính cách hướng nội và thói quen làm việc độc lập trước đây, hiệu quả làm việc sẽ bị giảm sút, không tìm thấy niềm vui và động lực khi đi làm.
  • A sẽ chịu rất nhiều áp lực vì làm việc trong môi trường có tính cạnh tranh cao trong khi tính cách lại thích sự an toàn.

- Nguyên nhân: tính cách của A không phù hợp với môi trường và văn hóa ở công ty mới.

Sự phù hợp của tính cách cá nhân với văn hóa tổ chức là vô cùng quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự thỏa mãn của cá nhân với công việc. Nhân viên sẽ rời bỏ tổ chức nếu họ thấy văn hóa tổ chức không phù hợp với tính cách bản thân. Ngược lại, khi có sự phù hợp giữa con người với tổ chức, cá nhân sẽ thỏa mãn hơn với công việc, cam kết hơn với tổ chức và tỷ lệ luân chuyển lao động giảm đáng kể.

4. Kết luận

  • Qua cơ sở các phân tích trên có thể khẳng định rằng hành vi chịu ảnh hưởng của tính cách cá nhân.
  • Tính cách quyết định cách thức hành động và ra quyết định cá nhân.
  • Tính cách ảnh hưởng đến cách cư xử của cá nhân, đặc biệt là trong môi trường nhóm, tập thể.

ẢNH HƯỞNG CỦA NHẬN THỨC ĐẾN HÀNH VI

1. Khái niệm

Đặt câu hỏi: Nếu đang đứng trước 2 sự lựa chọn, một công việc mình thích nhưng lương thưởng không cao và một công việc mình không thích nhưng lương thưởng và đãi ngộ tốt, bạn sẽ chọn công việc nào?

Với mỗi lựa chọn cá nhân đưa ra với cách lý giải riêng đều thể hiện nhận thức về tiêu chuẩn công việc. Vậy khái niệm nhận thức được hiểu như thế nào?

Nhận thức là một quá trình mà qua đó các cá nhân sắp xếp và diễn giải những ấn tượng cảm giác của mình về các sự vật, hiện tượng nào đó.

Những điều chúng ta nhận thức có thể khác với sự thật khách quan. Ví dụ với những phạm nhân đã ra tù, bên cạnh những cá nhân ứng xử bình đẳng với họ trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, vẫn có những người giữ thái độ dè chừng, xa lánh vì cho rằng bản tính con người khó thay đổi. Như vậy, hành vi của con người dựa trên nhận thức của họ về những gì họ coi là sự thật chứ không phải dựa trên chính sự thật đó.

2. Quá trình nhận thức

Để tìm hiểu về quá trình nhận thức, trước hết hãy đến với câu hỏi sau đây: Tìm ra chiếc lá giống hình minh họa?

Tài liệu VietJackQuá trình tìm ra đáp án diễn tả quá trình nhận thức. Trước hết, hình ảnh khách quan gửi đến các tín hiệu trong cảm giác (ở đây là thị giác và linh cảm), tiếp đó chọn lọc và phân tích các đặc điểm của hình minh họa so với 6 hình còn lại từ đó nhận thức được vấn đề và đưa ra quyết định.

Quá trình nhận thức được bắt đầu thông qua các tín hiệu của thế giới khách quan, từ đó dựa vào cảm giác kết hợp với sự chú ý có chọn lọc (quá trình chọn lọc những thông tin nhận được qua cảm giác) để hình thành nhận thức; đầu ra của quá trình là thế giới được nhận thức.

Tài liệu VietJack

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nhận thức

Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức của cá nhân

3.1 Các yếu tố của chủ thể nhận thức:

Khi một cá nhân nhìn vào một hiện tượng hay vấn đề nào đó và cố gắng diễn giải những gì mình nhìn thấy thì sự diễn giải đó sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của các đặc điểm mang tính cá nhân của chủ thể nhận thức. Các đặc điểm cá nhân ảnh hưởng đến nhận thức bao gồm thái độ, tính cách, động cơ, lợi ích, kinh nghiệm trong quá khứ, các kỳ vọng, trình độ chuyên môn, văn hoá...

Ví dụ, khi bạn nghe một bản nhạc giao hưởng, người có kiến thức về âm nhạc có thể cảm nhận được cái hay của bản nhạc và đi vào phân tích sâu các khía cạnh. Ngược lại, với người không có kiến thức về âm nhạc chỉ đơn thuần nhận định dễ nghe/khó ngấm, hợp gu/không hợp gu.

3.2 Các yếu tố của đối tượng được nhận thức:

Các đặc điểm của đối tượng nhận thức có thể ảnh hưởng đến những gì được nhận thức.

Những vật được sắp xếp gần nhau có xu hướng được nhận thức cùng với nhau hơn là khi chúng đứng riêng lẻ. Ví dụ, một giám đốc bán hàng mới được cử đến địa bàn hoạt động A. Sau khi ông này đến làm việc không bao lâu, doanh số bán hàng tăng lên rất nhanh. Chưa chắc sự gia tăng doanh số và việc bổ nhiệm giám đốc mới có liên quan với nhau. Có thể do giám đốc tiền nhiệm trước đó đã tung ra những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của người dân trong vùng, hay do một số lý do khác. Nhưng chúng ta vẫn có xu hướng cho rằng hai sự việc đó có liên quan với nhau.

3.3 Các yếu tố môi trường:

Môi trường mà ở đó chúng ta xem xét các khách thể hay sự kiện cũng là yếu tố rất quan trọng. Thời điểm một khách thể hay sự kiện được xem xét, địa điểm, ánh sáng và bất kỳ yếu tố hoàn cảnh nào khác đều có thể ảnh hưởng đến quy trình nhận thức.

Chẳng hạn, một phụ nữ đẹp, ăn mặc sang trọng đi vào một sàn nhảy vào buổi tối thì chúng ta có thể nghĩ cô ta là một cô gái không tốt. Nhưng trong hoàn cảnh khác, vào buổi sáng thứ hai, cô gái này đi vào một tòa nhà cao ốc thì nhận thức của chúng ta về cô gái có thể khác hẳn. Chúng ta có thể nghĩ cô gái này là một nữ doanh nhân thành đạt.

4. Lý thuyết quy kết

Để phục vụ bộ môn Hành vi tổ chức liên quan trực tiếp đến con người, chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu nhận thức về con người. Lý thuyết này được đưa để giải thích về cách chúng ta đánh giá một người dựa vào ý nghĩa, giá trị mà chúng ta quy cho một hành vi nhất định của họ. Về cơ bản, lý thuyết này cho rằng: Khi quan sát hành vi của một cá nhân, chúng ta cố gắng xác định xem liệu hành vi đó xuất phát từ nguyên nhân bên trong hay bên ngoài.

  • Các hành vi có nguyên nhân từ bên trong là những hành vi trong phạm vi kiểm soát của cá nhân.
  • Các hành vi có nguyên nhân từ bên ngoài thường là kết quả của những nguyên nhân bên ngoài; nghĩa là hành vi của người đó được coi là do tình huống bắt buộc.

Việc xác định nguyên nhân của một hành vi phụ thuộc vào ba yếu tố:

- Tính riêng biệt

Tính riêng biệt đề cập tới việc liệu một cá nhân có thể hiện cùng hành vi trong những tình huống khác nhau. Những gì chúng ta muốn biết là liệu hành vi của một cá nhân diễn ra thường xuyên hay không.

- Sự liên ứng

Tính liên ứng xét đến cách ứng xử của những người khác liệu có giống với cá nhân đang phán xét. Nếu mọi người đối mặt với những tình huống tương tự phản ứng theo cách tương tự thì chúng ta có thể nói rằng hành vi thể hiện sự liên ứng.

- Sự nhất quán

Sự nhất quán của hành vi là mức độ mà cá nhân phản ứng theo cùng một cách tại những thời điểm khác nhau.

Theo thuyết quy kết: Một hành vi được kết luận có nguyên nhân xuất phát từ bên trong sẽ có tính riêng biệt và sự liên ứng thấp, sự nhất quán cao. Ngược lại, nếu hành vi có sự riêng biệt, tính liên ứng cao và sự nhất quán thấp, người quan sát có thể quy kết nguyên nhân do bên ngoài.

Như vậy, khi xem xét nguyên nhân của những hành vi các nhân, chúng ta cần xem xét đồng thời 3 yếu tố: sự riêng biệt, sự nhất trí, sự nhất quán của hành vi; từ đó đưa ra kết luận về nguyên nhân dẫn đến hành vi là bên trong hay bên ngoài.

Tài liệu VietJackLý thuyết quy kết cho phép các nhà quản lý có những phán xét chính xác về nguyên nhân dẫn đến hành vi của cá nhân, từ đó có những biện pháp quản lý và kiểm soát phù hợp nhằm điều chỉnh hành vi của cá nhân.Xuất phát từ nguyên nhân quy cho hành vi của cá nhân, các nhà quản lý sẽ có những phản ứng và cách xử lý khác nhau đối với các cá nhân khác nhau nhưng có cùng hành vi.

Ứng dụng lý thuyết quy kết trong tình huống thực tế: Quan sát một cá nhân (Nguyễn A) đăng status phàn nàn về chất lượng dịch vụ của tổ chức trên các hội nhóm facebook. Để trả lời câu hỏi “Tại sao có sự phàn nàn này”, chúng ta lý giải thông qua lý thuyết quy kết như sau:

  Sự riêng biệt Sự liên ứng Sự nhất quán
Nguyên
nhân bên
trong
A thường than phiền về dịch vụ ở các tổ chức khác, đặc biệt là cùng ngành. Chỉ có A tỏ ra bất mãn, những bình luận phía dưới không đồng tình với A mà bày tỏ sự hài lòng dành cho dịch vụ của tổ chức. A từng phàn nàn với bộ phận chăm sóc khách hàng của tổ chức về trải nghiệm dịch vụ kém.
Nguyên
nhân bên
ngoài
A không than phiền về chất lượng dịch vụ ở các tổ chức khác. Những người khác có cùng quan điểm với A, đều phàn nàn và đánh giá thấp chất lượng dịch vụ mà tổ chức cung cấp. A từng feedback tốt về dịch vụ của tổ chức trong lần giao dịch trước.

ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁ TRỊ ĐẾN HÀNH VI

1. Giá trị

Theo Milton Rokeach, “Giá trị là niềm tin toàn cầu hướng dẫn các hành động và phán đoán trong nhiều tình huống khác nhau. Các giá trị thể hiện niềm tin cơ bản rằng một phương thức ứng xử cụ thể là phù hợp với cá nhân hoặc xã hội, hơn là một phương thức ứng xử ngược lại.” (trích dẫn). Giá trị mang ý tưởng của một cá nhân về những gì là đúng - sai, tốt - xấu, được ưa thích - không được ưa thích. Nó là những giá trị tương đối ổn định và bền vững, được tiếp thu một cách nguyên xi và mang tính tuyệt đối.

Giá trị cá nhân bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như gia đình, bạn bè, xã hội, kinh nghiệm và sự giáo dục của bản thân.

Ví dụ: Ở phổ thông ta học những gì được dạy học những môn trong trường, khi lên đại học qua tác động của cuộc sống, bạn bè ta thấy học giờ đây là học những gì ta cần cho công việc cho thực tế.

Giá trị có ý nghĩa rất quan trọng vì nó tạo nền tảng cho sự hiểu biết về thái độ, động lực của con người, từ đó ảnh hưởng đến nhận thức của con người về hành vi của cá nhân.

Con người sẽ sắp xếp những giá trị được coi trọng của mình theo thứ tự ưu tiên. Sự sắp xếp này tạo ra hệ thống giá trị.

Giá trị cá nhân chia thành 2 loại:

- Giá trị mục tiêu:

  • Trạng thái kết thúc như mong đợi
  • Mục tiêu một cá nhân mong muốn đạt được

- Giá trị phương tiện:

  • Cách ứng xử được ưa thích
  • Phương tiện để đạt tới giá trị mục tiêu.

2. Các mức độ của giá trị ảnh hưởng đến hành vi cá nhân:

Mức độ 1: Hành vi sẽ được thực hiện trên nhu cầu cá nhân và hệ quả của hành vi đó

Mức độ 2: Hành vi được thực hiện dựa trên quy định và kỳ vọng của xã hội

Mức độ 3: Hành vi được thực hiện theo các nguyên tắc cá nhân được hình thành trên cơ sở trải nghiệm của bản thân người đó.

MỐI QUAN HỆ GIỮA HỌC TẬP - NHẬN THỨC VÀ HÀNH VI

1. Học hỏi

Học hỏi là bất kỳ sự thay đổi tương ứng bền vững nào về hành vi diễn ra do kết quả của quá trình tích lũy kinh nghiệm

Tiếp cận hành vi cho rằng các cá nhân hành động để phản ứng lại sự ảnh hưởng của yếu tố môi trường theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Tùy vào ảnh hưởng mà cá nhân sẽ lặp lại hoặc điều chỉnh hành vi cũ trong tương lai.

=> Sự học hỏi là quá trình được kiểm soát bởi cá nhân.

2. Quá trình học hỏi

Đặt câu hỏi: Tại sao phải học hỏi và tại sao chúng ta lại cần phải quan tâm tới quá trình học hỏi của cá nhân?

  • Thứ nhất, học hỏi để chính bản thân được nâng cấp có giá trị hơn, từ đó bản thân trở nên tự tin, mạnh dạn hơn và hơn nữa là giúp bản thân trở nên an toàn hơn trong các trường hợp nguy hiểm.
  • Thứ hai, chúng ta phải quan tâm tới quá trình học hỏi bản thân vì nó giúp cá nhân thích nghi được với sự thay đổi của môi trường xung quanh (tổ chức, doanh nghiệp) và của môi trường kinh doanh. Bằng các cách thay đổi hành vi cho phù hợp với các điều kiện từ bên ngoài đang biến động, tự khắc bản thân sẽ trở thành những người lao động có giá trị và được trân trọng nhiều hơn.

Rút ra kết luận: Học hỏi là một quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức của bản thân và phải dẫn đến sự thay đổi tương đối bền vững về nhận thức và hành vi cá nhân

Học hỏi được xây dựng trên quy luật ảnh hưởng, quy luật cho rằng hành vi phụ thuộc vào những hệ quả của nó

Ví dụ như khi một hành vi gây ra hệ quả xấu, không thuận lợi cho cá nhân thì thường không được lập lại trong tương lai, và ngược lại, những hành động đem lại kết quả tốt, thuận lợi thì sẽ được lập lại trong thời gian tiếp theo.

Học tập bao gồm:

  • Kiến thức => khả năng gì, biết gì?
  • Hành vi => làm được gì?
  • Thái độ => Đạo đức

Tài liệu VietJackTrong tháp trên đã thấy, mức thấp nhất về kiến thức là Biết (chỉ có thể ghi nhớ sự kiện một cách đơn điệu, cứng nhắc). Trong khi đó, mức cao nhất là Đánh giá (đánh giá các giá trị của các ý kiến được đưa ra và các sự vật, hiện tượng.

=> Để có thể thích nghi được với các biến động liên tục, không ngừng của môi trường xung quanh và môi trường kinh doanh thì con người cần học hỏi liên tục và phát triển tồn tại tối thiểu ở mức Ứng dụng và Phân tích

Ứng dụng: Các cá nhân có thể sử dụng, áp dụng được các kiến thức ở level Hiểu và biết vào thực tế và có thể kíp ứng phó được các biến động môi trường

Phân tích: Cá nhân có thể chia tổng thể công việc, nhiệm vụ ra thành các phần nhỏ để dễ dàng thực hiện từ đó rút ngắn được thời gian nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả mong muốn

Có 2 cơ chế học hỏi là định hình và bắt chước

Tài liệu VietJack

- Cơ chế định hình:

  • Khi việc học hỏi diễn ra từng bước một, nó được định hình. Các nhà quản lý định hình hành vi của nhân viên bằng việc củng cố các hành vi và thái độ
  • Qua việc định hình, có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm từ các sai lầm. Hành vi Thử - Sai - Sửa phần lớn chúng ta đã làm chủ được những kỹ năng ví dụ như ghi chép, giao tiếp hoặc di chuyển, ...

- Cơ chế bắt chước:

  • Có thể học hỏi thông qua quan sát và bắt chước hành vi của họ
  • Bắt chước diễn ra nhanh chóng hơn theo cách thử - sai - sửa

Có thể phát triển bản thân qua nhiều hình thức học tập:

  • Bắt chước
  • Được hướng dẫn
  • Trải nghiệm: Là hình thức học tập hiệu quả nhất để phát triển bản thân. Từ trải nghiệm, cá nhân có cơ hội va chạm, tiếp xúc thực tế với các biến động môi trường => dễ dàng ghi nhớ và không mắc sai lầm Trong các lần tiếp theo

ẢNH HƯỞNG CỦA THÁI ĐỘ ĐẾN HÀNH VI

1. Thái độ và sự hình thành

Thái độ là sự thể hiện bằng lời nói, cử chỉ hành động về những sự vật hiện tượng và con người bằng những đánh giá, nhận xét có giá trị bao gồm về sự nhận thức, cảm xúc và hành vi của cá nhân. Thái độ mang tính chất tiêu cực hoặc tích cực qua những biểu hiện bên ngoài của người đưa ra thái độ

2. Các loại thái độ

2.1 Sự thỏa mãn công việc

"Sự thỏa mãn công việc chủ yếu phản ánh mức độ một cá nhân yêu thích công việc của mình". Đó chính là tình cảm hay cảm xúc của người nhân viên đó đối với công việc của mình. Một người được xem là có sự thỏa mãn công việc thì người đó sẽ có cảm giác thoải mái, dễ chịu, có đánh giá tích cực đối với công việc của mình.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thỏa mãn công việc: Đặc điểm công việc, mối quan hệ với đồng nghiệp, môi trường và điều kiện làm việc, phong cách lãnh đạo và các chính sách thù lao lao động, cách đánh giá thực hiện công việc của tổ chức. Kết quả nghiên cứu chứng tỏ các yếu tố thuộc về đặc điểm công việc là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất đến sự thỏa mãn công việc của người lao động, tiếp sau đó là sự phản hồi trong công việc, mối quan hệ với đồng nghiệp và thù lao lao động.

Những đặc điểm của công việc: cá nhân có xu hướng thích những công việc mà ở đó họ có cơ hội để vận dụng kỹ năng và năng lực của mình, họ có quyền tự chủ trong công việc và nhận được thông tin phản hồi về kết quả thực hiện công việc. Họ cũng ưa thích các công việc đòi hỏi phải sử dụng trí tuệ của mình để thực hiện. Một công việc quá đơn giản hay quá phức tạp sẽ không tạo được thái độ tích cực của cá nhân với công việc. Họ sẽ rất dễ chán nản nếu công việc đơn giản hoặc có cảm giác thất bại khi liên tục không hoàn thành được công việc có tính phức tạp quá cao.

Môi trường làm việc: một môi trường làm việc an toàn, thuận tiện, sạch sẽ và có các điều kiện giải trí tối thiểu sẽ có tác dụng làm tăng sự thỏa mãn của người lao động đối với công việc.

Các chính sách của tổ chức: chính sách thù lao rõ ràng với mức lương, thưởng được trả trên cơ sở phân tích mức độ phức tạp của công việc và sự hoàn thành công việc sẽ góp phần nâng cao sự thỏa mãn của cá nhân đối với công việc. Bên cạnh đó, một chính sách thăng tiến hợp lý và công bằng cũng góp phần làm cho người lao động cảm thấy thỏa mãn hơn với công việc.)

2.2 Mối liên hệ giữa sự thỏa mãn công việc và hành vi cá nhân

Khi nhân viên thấy thỏa mãn với công việc:

  • Khả năng thể hiện công việc: những nhân viên thấy thỏa mãn với công việc thường có khả năng tạo ra năng suất cao hơn Và những nhân viên có khả năng tạo ra năng suất cao hơn thường thỏa mãn với công việc hợn.
  • Hành vi công dân trong tổ chức: Sự thỏa mãn công việc khiến hành vi cá nhân trong tổ chức trở nên công bằng hơn,
  • Thỏa mãn khách hàng: Những nhân viên thấy thỏa mãn trong công việc sẽ nâng cao sự thỏa mãn và trung thành với khách hàng
  • Tần suất vắng mặt nơi làm việc: Những nhân viên thỏa mãn trong công việc ít có xu hướng bỏ việc hơn.
  • Lòng trung thành của nhân viên cao hơn dẫn đến việc cam kết nhiều hơn, gắn bó lâu dài hơn.
  • Mang lại lợi nhuận cao hơn cho các công ty

3. Quan hệ giữa thái độ và hành vi

Vài thập kỷ gần đây, các nhà xã hội học đã bàn luận về vai trò của thái độ như là sự báo trước (xu hướng) của hành vi tương ứng với mục đích của thái độ Irving Crespi đã nhắc tới trong tác phẩm “President Address” với Hiệp hội Mỹ cho những nghiên cứu về quan điểm của công chúng (dư luận xã hội), ông cho rằng: “rất khó để thấy được bất cứ lời nhận xét, tranh luận nào của những người nghiên cứu thái độ, những người mà đã không thừa nhận sự tồn tại của mối quan hệ hợp pháp giữa thái độ và hành vi”. Và khẳng định một cách chính xác nhất rằng: Thái độ chiếm khoảng 10% sự đa dạng của hành vi (tức là nó chi phối xu hướng của hành vi).

Mối quan hệ giữa hành vi và thái độ càng thể hiện rõ khi chúng ta xem xét thái độ và hành vi cụ thể. Thái độ càng được xác định cụ thể thì càng dễ dàng trong việc xác định một hành vi liên quan, đồng thời khi đó khả năng chỉ ra mối quan hệ giữa thái độ và hành vi càng lớn. Thông thường, thái độ và hành vi của con người thường thống nhất với nhau. Tuy nhiên, trên thực tế thái độ và hành vi đôi khi không thống nhất hoặc mâu thuẫn với nhau.

Một yếu tố khác cũng có ảnh hưởng rất lớn tới quan hệ thái độ - hành vi đó là những ràng buộc xã hội đối với hành vi. Đôi khi sự không thống nhất giữa thái độ và hành vi do các áp lực xã hội buộc cá nhân phải cư xử theo một cách nhất định.

Như vậy, phần lớn các nghiên cứu về quan hệ giữa thái độ và hành vi đều cho thấy chúng có quan hệ với nhau. Cụ thể hơn thái độ có ảnh hưởng đến hành vi và thường thống nhất với hành vi.

Tuy vậy, thái độ và hành vi có thể mâu thuẫn với nhau vì khi một người có những thái độ khác nhau đối với một sự vật hoặc hiện tượng hoặc khi có sự không nhất quán giữa hành vi của một người với thái độ của người đó.

Mâu thuẫn giữa thái độ và hành vi của cá nhân do nguyên nhân bên ngoài, và áp lực giảm mâu thuẫn sẽ ít hơn khi hành vi đó được tiến hành xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của cá nhân. Chẳng hạn, nhân viên không thích làm thêm giờ nhưng trên thực tế họ vẫn phải làm ngoài giờ do công việc quá nhiều hay do yêu cầu của cán bộ quản lý. Hoặc, hành vi sản xuất hàng giả mâu thuẫn với thái độ trung thực của người lao động.

Tình trạng mâu thuẫn căng thẳng có thể sẽ được giảm bớt khi nó có những phần thưởng làm ổn định, cân bằng hành vi cá nhân. Chẳng hạn, mâu thuẫn giữa hành vi sản xuất hàng giả với thái độ trung thực của người lao động có thể được giảm bớt khi người lao động được nhận tiền thưởng cao. (vì thành tích đem lại lợi nhuận cao chứ không phải trực tiếp cho hành vi sản xuất hàng giả). Trong trường hợp này, phần thưởng đã góp phần giảm mâu thuẫn giữa thái độ và hành vi mặc dù mâu thuẫn vẫn tồn tại. Khi đó người lao động cảm thấy bớt nặng nề và thoái mái hơn.

Lý thuyết mâu thuẫn này có thể giúp dự đoán thiên hướng tham gia vào việc thay đổi thái độ và thay đổi cả hành vi của một cá nhân. Chẳng hạn, nếu do yêu cầu công việc mà cá nhân có những hành vi mâu thuẫn với thái độ của mình, họ sẽ có xu hướng sửa đổi thái độ để làm cho nó tương thích với những hành vi họ phải làm. Ngoài ra, tình trạng mâu thuẫn càng lớn – sau khi nó đã được điều hoà bởi các yếu tố như tầm quan trọng, sự lựa chọn và phần thưởng – thì áp lực phải giảm sự mâu thuẫn càng lớn.

Việc làm dành cho sinh viên:

Việc làm thực tập sinh tâm lý

Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất

Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên

Việc làm thực tập sinh quản lý đào tạo

Mức lương của thực tập sinh tâm lý là bao nhiêu?

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!