Vấn đề gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội | Tóm tắt lý thuyết Chủ nghĩa xã hội khoa học | DUE

Tóm tắt kiến thức Vấn đề gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội về: khái niệm, vị trí, chức năng của gia đình, vấn đề gia đình trong thời kỳ quá độ lên CNXH... Tài liệu học tập môn CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC tại trường ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG giúp bạn học tập, ôn luyện và đạt điểm cao!

TÓM TẮT LÝ THUYẾT: VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH
TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Khái niệm, vị trí và chức năng của gia đình

1. Khái niệm gia đình

- Gia đình là một cộng đồng người đặc biệt, có vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng:”Quan hệ thứ ba tham dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển lịch sử: hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi, nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình”.

- Cơ sở hình thành gia đình là hai mối quan hệ cơ bản, quan hệ hôn nhân (vợ và chồng) và quan hệ huyết thống (cha mẹ và con cái...). Những mối quan hệ này tồn tại trong sự gắn bó, liên kết, ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau, bởi nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người, được quy định bằng pháp lý hoặc đạo

- Quan hệ hôn nhân là cơ sở, nền tảng hình thành nên các mối quan hệ khác trong gia đình, là cơ sở pháp lý cho sự tồn tại của mỗi gia đình.

- Quan hệ huyết thống là quan hệ giữa những người cùng một dòng máu, nảy sinh từ quan hệ hôn nhân. Đây là mối quan hệ tự nhiên, là yếu tố mạnh mẽ nhất gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau

=> Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt, được hình thành, duy trì và củng cố chủ yếu dựa trên cơ sở hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng, cùng với những quy định về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình.

2. Vị trí của gia đình trong xã hội

2.1. Gia đình là tế bào của xã hội

- Gia đình có vai trò quyết định đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội. Ph. Ăngghen đã chỉ rõ: “Theo quan điểm duy vật thì nhân tố quyết định trong lịch sử, quy cho đến cùng, là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp. Nhưng bản thân sự sản xuất đó lại có hai loại. Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt: thực phẩm, quần áo, nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó; mặt khác là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống.

- Với việc sản xuất ra tư liệu tiêu dùng, tư liệu sản xuất, tái sản xuất ra con người, gia đình như một tế bào tự nhiên, là một đơn vị cơ sở để tạo nên cơ thể - xã hội. Không có gia đình để tái tạo ra con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được.

2.2. Gia đình là tổ ấm, mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hòa trong đời sống cả nhân của mỗi thành viên

Gia đình là môi trường tốt nhất để mỗi cá nhân được yêu thương, nuôi dưỡng, chăm sóc, trưởng thành, phát triển. Sự yên ổn, hạnh phúc của mỗi gia đình là tiền đề, điều kiện quan trọng cho sự hình thành, phát triển nhân cách, thể lực, trí lực để trở thành công dân tốt cho xã hội.

2.3. Gia đình là cầu nối giữa cá nhân với xã hội

- Gia đình là cộng đồng xã hội đầu tiên mà mỗi cá nhân sinh sống, có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của từng người.

- Mỗi cá nhân không chỉ là thành viên của gia đình mà còn là thành viên của xã hội. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đồng thời cũng là quan hệ giữa các thành viên của xã hội. Không có cá nhân bên ngoài gia đình, cũng không thể có cá nhân bên ngoài xã hội. Gia đình là cộng đồng xã hội đầu tiên đáp ứng nhu cầu quan hệ xã hội của mỗi cá nhân. Gia đình cũng chính là môi trường đầu tiên mà mỗi cá nhân học được và thực hiện quan hệ xã hội.

- Gia đình cũng là một trong những cộng đồng để xã hội tác động đến cá nhân. Nhiều thông tin, hiện tượng của xã hội thông qua lăng kính gia đình mà tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sự phát triển của mỗi cá nhân về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách v.v...

3. Chức năng cơ bản của gia đình

3.1. Chức năng tái sản xuất ra con người

Chức năng này không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm, sinh lý tự nhiên của con người, đáp ứng nhu cầu duy trì nòi giống của gia đình, dòng họ mà còn đáp ứng nhu cầu về sức lao động và duy trì sự trường tồn của xã hội

3.2. Chức năng nuôi dưỡng, giáo dục

- Chức năng này thể hiện tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm của cha mẹ với con cái, đồng thời thể hiện trách nhiệm của gia đình với xã hội. Thực hiện chức năng này, gia đình có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của mỗi người.

- Chức năng nuôi dưỡng, giáo dục có ảnh hưởng lâu dài và toàn diện đến cuộc đời của mỗi thành viên. Mỗi thành viên trong gia đình đều có vị trí, vai trò nhất định, vừa là chủ thể vừa là khách thể trong việc nuôi dưỡng, giáo dục của gia đình. Đây là chức năng hết sức quan trọng, mặc dù, trong xã hội có nhiều cộng đồng khác (nhà trường, các đoàn thể, chính quyền v.v...) cũng thực hiện chức năng này, nhưng không thể thay thế chức năng giáo dục của gia đình.

3.3. Chức năng kinh tế và tổ chức tiêu dùng

- Cũng như các đơn vị kinh tế khác, gia đình tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và tái sản sản xuất ra tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Tuy nhiên, đặc thù của gia đình là đơn vị duy nhất tham gia vào quá trình sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động cho xã hội. Gia đình không chỉ tham gia trực tiếp vào sản xuất và tái sản xuất ra của cải vật chất và sức lao động, mà còn là một đơn vị tiêu dùng trong xã hội

- Thực hiện chức năng này, gia đình đảm bảo vệ nguồn sinh sống, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của các thành viên trong gia đình, hiệu quả hoạt động kinh tế của gia đình quyết định hiệu quả đời sống vật chất và tinh thần của mỗi thành viên gia đình. Đồng thời, gia đình đóng góp vào quá trình sản xuất và tái sản xuất ra của cải, sự giàu có của xã hội.

3.4. Chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý, duy trì tình cảm gia đình

Đây là chức năng thường xuyên của gia đình, bao gồm việc thỏa mãn nhu cầu tình cảm, văn hóa, tinh thần cho các thành viên, đảm bảo sự cân bằng tâm lý, bảo vệ chăm sóc sức khỏe người ốm, người già, trẻ em, sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình vừa là nhu cầu tình cảm vừa là trách nhiệm, đạo lý, lương tâm của mỗi người.

Cơ sở xây dựng gia đình trong thời kỳ quá độ lên CNXH 

1. Cơ sở kinh tế - xã hội

- Cơ sở kinh tế - xã hội để xây dựng gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là sự phát triển của lực lượng sản xuất và tương ứng trình độ của lực lượng sản xuất là quan hệ sản xuất mới, xã hội chủ nghĩa.

- Xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất là xóa bỏ nguồn gốc gây nên tình trạng thống trị của người đàn ông trong gia đình, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng, sự nổ dịch đối với phụ nữ.

2. Cơ sở chính trị - xã hội

- Cơ sở chính trị để xây dựng gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là việc thiết lập chính quyền nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong đó, nhân dân lao động được thực hiện quyền lực của mình không có sự phân biệt giữa nam và nữ.

- Nhà nước xã hội chủ nghĩa là cơ sở của việc xây dựng gia đình, thể hiện ở vai trò của hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình cùng với hệ thống chính sách xã hội đảm bảo lợi ích của công dân, các thành viên trong gia đình, đảm bảo sự bình đẳng giới, chính sách dân số, việc làm, y tế, bảo hiểm xã hội...

3. Cơ sở văn hóa

Sự phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ góp phần nâng cao trình độ dân trí, kiến thức khoa học và công nghệ của xã hội, đồng thời cũng cung cấp cho các thành viên trong gia đình kiến thức, nhận thức mới, làm nền tảng cho sự hình thành những giá trị, chuẩn mực mới, điều chỉnh các mối quan hệ gia đình trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

4. Chế độ hôn nhân tiến bộ

- Hôn nhân tự nguyện: Hôn nhân tự nguyện là đảm bảo cho nam nữ có quyền tự do trong việc lựa chọn người kết hôn, không chấp nhận sự áp đặt của cha mẹ.

- Hôn nhân một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng: Bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ được, nên hôn nhân một vợ một chồng là kết quả tất yếu của hôn nhân xuất phát từ tình yêu. Thực hiện hôn nhân một vợ một chồng là điều kiện đảm bảo hạnh phúc gia đình, đồng thời cũng phù hợp với quy luật tự nhiên, phù hợp với tâm lý, tình cảm, đạo đức con người.

- Hôn nhân được đảm bảo về pháp lý: Quan hệ hôn nhân, gia đình thực chất không phải là vấn đề riêng tư của mỗi gia đình mà là quan hệ xã hội. Tình yêu giữa nam và nữ là vấn đề riêng của mỗi người, xã hội
không can thiệp nhưng khi hai người đã thỏa thuận để đi đến kết hôn, tức là đã đưa quan hệ riêng bước vào quan hệ xã hội, thì phải có sự thừa nhận của xã hội, điều đó được biểu hiện bằng thủ tục pháp lý trong hôn nhân.

Xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên CNXH 

1. Sự biến đổi của gia đình Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

1.1. Biến đổi quy mô, kết cấu của gia đình

- Gia đình Việt Nam ngày nay có thể được coi là “gia đình quá độ” trong bước chuyển biến từ xã hội nông nghiệp cổ truyền sang xã hội công nghiệp hiện đại. Trong quá trình này, sự giải thể của cấu trúc gia đình truyền thống và sự hình thành hình thái mới là một tất yếu. Gia đình đơn (gia đình hạt nhân) đang trở nên rất phổ biến ở các đô thị và cả ở nông thôn - thay thế cho kiểu gia đình truyền thống từng giữ vai trò chủ đạo trước đây.

- Quy mô gia đình ngày nay tồn tại xu hướng thu nhỏ hơn so với trước kia. Số thành viên trong gia đình trở nên ít đi. Quy mô gia đình Việt Nam ngày càng thu nhỏ, sự bình đẳng nam nữ được đề cao hơn, cuộc sống riêng tư của con người được tôn trọng hơn, tránh được những mâu thuẫn trong đời sống của gia đình truyền thống. Sự biến đổi này đang làm thay đổi chính bản thân gia đình và thay đổi hệ thống xã hội, làm cho xã hội trở nên thích nghi và phù hợp hơn với tình hình mới, thời đại mới

1.2. Biến đổi các chức năng của gia đình

- Chức năng tái sản xuất ra con người: ngày nay, nhu cầu đã có những thay đổi căn bản: thể hiện ở việc giảm mức sinh của phụ nữ, giảm số con mong muốn và giảm nhu cầu nhất thiết phải có con trai của các cặp
vợ chồng. Trong gia đình hiện đại, sự bền vững của hôn nhân phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố tâm lý, tình cảm, kinh tế, chứ không phải chỉ là các yếu tố có con hay không có con, có con trai hay không có con trai như gia đình truyền thống.

- Biến đổi chức năng kinh tế và tổ chức tiêu dùng: Kinh tế gia đình đã có hai bước chuyển mang tính bước ngoặt:

+ Thứ nhất, từ kinh tế tự cấp tự túc thành kinh tế hàng hóa, tức là từ một đơn vị kinh tế khép kín sản xuất để đáp ứng nhu cầu của gia đình thành đơn vị sản suất chủ yếu để đáp ứng nhu cầu của người khác hay của xã hội.

+ Thứ hai, là đơn vị kinh tế mà đặc trưng là sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc gia thành tổ chức kinh tế của nền kinh tế thị trường hiện đại đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu.

- Biến đổi chức năng giáo dục (xã hội hóa): ngày nay, giáo dục xã hội bao trùm lên giáo dục gia đình và đưa ra những mục tiêu, những yêu cầu của giáo dục xã hội cho giáo dục gia đình. Điểm tương đồng giữa giáo dục gia đình truyền thống và giáo dục của xã hội mới là tiếp tục nhấn mạnh sự hy sinh của cá nhân cho cộng đồng.

- Biến đổi trong chức năng thỏa mãn như cầu tâm sinh lý, duy trì tình cảm: Trong xã hội hiện đại, độ bền vững của gia đình không chỉ phụ thuộc vào sự ràng buộc của các mối quan hệ về trách nhiệm, nghĩa vụ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái; sự hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích gia đình, mà nó còn bị chi phối bởi các mối quan hệ hòa hợp tình cảm giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, sự đảm bảo hạnh phúc cá nhân, sinh hoạt tự do, chính đáng của mỗi thành viên gia đình.

1.3. Sự biến đổi quan hệ gia đình

- Biến đổi quan hệ hôn nhân và quan hệ vợ chồng: Dưới tác động của cơ chế thị trường, khoa học công nghệ hiện đại, toàn cầu hóa... khiến các gia đình phải gánh chịu nhiều mặt trái như: quan hệ vợ chồng -
gia đình lỏng lẻo, gia tăng tỷ lệ ly hôn, ly thân, ngoại tình, quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân, chung sống không kết hôn. Đồng thời, xuất hiện nhiều bi kịch, thảm án gia đình, người già cô đơn, trẻ em sống ích kỷ, bạo hành trong gia đình, xâm hại tình dục...

- Biến đổi quan hệ giữa các thế hệ, các giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình: Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, quan hệ giữa các thế hệ cũng như các giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình cũng không ngừng biến đổi.

2. Phương hướng cơ bản xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

- Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức của xã hội về xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam

- Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, kinh tế hộ gia đình

- Thứ ba, kế thừa những giá trị của gia đình truyền thống đồng thời tiếp thu những tiến bộ của nhân loại về gia đình trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay

- Thứ tư, phát triển và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa

Xem thêm:

Tóm tắt lý thuyết Chủ nghĩa xã hội khoa học

Tóm tắt lý thuyết Chương 1: Nhập môn Chủ nghĩa xã hội khoa học

Tóm tắt lý thuyết Chương 2: Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

Tóm tắt lý thuyết Chương 3: Chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Tóm tắt lý thuyết Chương 4: Dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa

Tóm tắt lý thuyết Chương 5: Cơ cấu xã hội - giai cấp và liên minh giai cấp, tầng lớp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Tóm tắt lý thuyết Chương 6: Vấn đề dân tộc và tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Việc làm dành cho sinh viên:

Việc làm thực tập sinh quản lý đào tạo

Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất

Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên

Việc làm gia sư, trợ giảng Tiếng anh mới nhất

Mức lương của thực tập sinh quản lý đào tạo là bao nhiêu?

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!