1. Giao dịch viên là gì ?
Giao dịch viên (GDV) là những nhân viên ngân hàng làm việc tại các quầy giao dịch ở các chi nhánh, phòng giao dịch hay các điểm giao dịch của một ngân hàng. Đây là một vị trí phản ánh chất lượng nghiệp vụ, hình ảnh thương hiệu của ngân hàng, đòi hỏi yêu cầu cao về ngoại hình, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp khéo léo.
Nhiệm vụ của Giao dịch viên ngân hàng là trực tiếp tiếp xúc, xử lý và giải quyết các nhu cầu của khách hàng từ gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền, ủy nhiệm chi, thu hộ, chi hộ, mở tài khoản, xử lý thông tin tài khoản, hạch toán giao dịch và ghi chép lại tất cả giao dịch liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng phát sinh tại quầy của họ.
2. Mô tả 5 công việc chính của Giao dịch viên
Tiếp đón, tìm hiểu nhu cầu của các đối tượng khách hàng
Thông thường, khi tới ngân hàng, khách hàng sẽ được nhận số thứ tự để chờ xử lý giao dịch. Sau đó, Giao dịch viên sẽ có nhiệm vụ chào đón và tiếp nhận những yêu cầu của khách hàng. Trong quá trình này, họ cần phải thể hiện thái độ tận tâm để có thể hỗ trợ và tư vấn cho khách hàng những phương án phù hợp nhất.
Tư vấn, hướng dẫn khách hàng
Tùy theo nhu cầu hoặc những vấn đề mà khách hàng gặp phải, Giao dịch viên sẽ tiến hành xử lý như sau:
- Hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục giao dịch theo yêu cầu.
- Giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ theo mục tiêu kinh doanh của ngân hàng như mở thẻ tín dụng, vay tín chấp, mở sổ tiết kiệm,...
- Giải đáp các thắc mắc của khách hàng khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng và tìm hiểu thị hiếu tài chính của khách hàng.
- Giải quyết khiếu nại của khách hàng về sự cố khi sử dụng dịch vụ như lỗi chuyển khoản, rút tiền, mất thẻ tín dụng,...
- Phối hợp với các bộ phận khác để hỗ trợ khách hàng xử lý các vấn đề nhanh chóng và kịp thời nhất.
Thực hiện những thao tác nghiệp vụ
Công việc Giao dịch viên đòi hỏi phải thành thục những chuyên môn nghiệp vụ như sau:
- Thực hiện các lệnh chuyển tiền và rút tiền trong tài khoản.
- Đăng ký mở và phát hành các loại thẻ ngân hàng như thẻ ATM, thẻ tín dụng Visa, MasterCard,...
- Cấp lại mật khẩu, tạo tài khoản Internet Banking, khóa thẻ bị mất,...
- Xử lý các giao dịch thu mua và chuyển đổi ngoại tệ.
- Tư vấn và cung cấp các sản phẩm tài chính theo nhu cầu của khách hàng tại quầy nhanh chóng và kịp thời.
- Quản lý lưu lượng tiền mặt thu chi tại quầy và thực hiện báo cáo, đối soát giao dịch trong ngày đúng với số tiền mặt thu chi tại chi nhánh, trụ sở ngân hàng.
Chăm sóc khách hàng, duy trì và phát triển mối quan hệ
Giao dịch viên chính là cầu nối quan trọng giữa khách hàng và ngân hàng. Chính vì thế, họ cần thành thạo nghiệp vụ chăm sóc và phát triển mối quan hệ với khách hàng.
Trong đó, việc truyền tải đúng các tiêu chuẩn của dịch vụ với thái độ tận tâm là yêu cầu không thể thiếu dành cho Giao dịch viên. Nhờ vậy, họ có thể phát triển mối quan hệ bền vững với khách hàng và cung cấp được nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn.
Thực hiện hạch toán kế toán
Ngoài thực hiện giao dịch, giao dịch viên ngân hàng còn thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hạch toán, kế toán như:
- Hạch toán các giấy tờ, chứng từ có liên quan đến thu – chi, cân đối các khoản thu – chi để có thể đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng.
- Thực hiện các hạch toán theo yêu cầu của cấp trên.
- Thực hiện các báo cáo liên quan đến tiền mặt, báo cáo về giao dịch khi cần thiết.
>> Tìm hiểu thêm các công việc Giao dịch viên:
Việc làm Giao dịch viên đang tuyển dụng
Việc làm Giao dịch viên ngân hàng lương cao
3. Cơ hội của công việc Giao dịch viên
Cơ hội phát triển mối quan hệ rộng rãi
Để mọi thứ trong cuộc sống được "thuận buồm xuôi gió" thì ông bà ta có câu "Nhất tiền tệ, nhì quan hệ". Công việc của Giao dịch viên sẽ mang đến cho bạn nhiều ưu thế để phát triển mối quan hệ rộng rãi vì bạn phải tiếp xúc với nhiều khách hàng mỗi ngày.
Nhờ đó, bạn có thể thuận lợi phát triển trong nhiều mặt của cuộc sống hơn khi có được sự tin cậy và hỗ trợ của các mối quan hệ này. Ngoài ra, công việc này còn giúp bạn phát triển các kỹ năng về giao tiếp, thuyết phục và nắm bắt tâm lý khách hàng,... Đây là những kỹ năng vô cùng cần thiết để có thể thành công hơn trong cuộc sống.
Môi trường làm việc trẻ trung, năng động và chuyên nghiệp
Ngân hàng là môi trường có tính minh bạch cao và đòi hỏi nhiều quy trình chuyên nghiệp để mang đến những sản phẩm tài chính chuẩn xác nhất cho khách hàng. Do đó, khi ứng tuyển vào vị trí Giao dịch viên, bạn sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với những trang thiết bị và công nghệ hiện đại nhất.
Ngoài ra, những người làm việc ở vị trí này đa phần đều là các bạn trẻ, có ngoại hình khá. Chính vì vậy, tinh thần làm việc của bộ phận này luôn tràn ngập sự năng động, mới mẻ và sáng tạo.
Chế độ lương, thưởng, đãi ngộ cực kỳ hấp dẫn
Có thể nói ngân hàng là nơi có cơ cấu vận hành cực kỳ ổn định so với các doanh nghiệp tư nhân. Chính vì vậy, chế độ lương, thưởng của ngân hàng cực kỳ cao khiến nhiều người mơ ước.
Hằng năm, ngân hàng thường có nhiều đợt thưởng theo quý, theo chỉ tiêu kinh doanh và thưởng lễ, Tết có thể gấp 3 đến 6 lần tháng lương cố định. Đây cũng chính là điều khiến nhiều bạn trẻ quan tâm đến các vị trí làm việc trong ngân hàng để có thể hưởng được nhiều phúc lợi hấp dẫn trên.
4. Khó khăn, thách thức của công việc Giao dịch viên
Yêu cầu về tốc độ và sự chuẩn xác 100% trong giao dịch
Công việc của Giao dịch viên yêu cầu phải xử lý thủ tục liên quan đến tiền nên đòi hỏi phải có sự chính xác tuyệt đối. Do đó, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực khi phải thao tác nhanh chóng và chuẩn xác giao dịch cho số lượng khách hàng rất đông mỗi ngày, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết cuối năm.
Áp lực chạy KPI chỉ tiêu kinh doanh
Bên cạnh phải đạt các chỉ tiêu về công việc, Giao dịch viên sẽ phải chạy thêm các chỉ tiêu về kinh doanh như huy động vốn, kêu gọi khách hàng vay,... Nếu không đạt chỉ tiêu kinh doanh mà phòng và chi nhánh đặt ra, bạn sẽ không được hưởng chế độ lương, thưởng theo đúng quy định. Do đó, áp lực này sẽ giúp bạn làm việc chăm chỉ và hiệu quả hơn để đạt được mục tiêu làm việc và hưởng lương, thưởng xứng đáng.
Trách nhiệm và rủi ro công việc
Giao dịch viên là người trực tiếp xử lý các giao dịch về tiền cho khách hàng hằng ngày nên đôi khi không tránh khỏi các sai sót khi xử lý nhiều yêu cầu trong thời gian ngắn. Khi có sự nhầm lẫn trong giao dịch, phân biệt sai tiền thật, giả,... bạn sẽ phải chịu trách nhiệm cho các thiệt hại đã gây ra.
5. Điều kiện để trở thành một Giao dịch viên
Kiến thức chuyên môn
Vị trí GDV này không yêu cầu ngành học cụ thể, các ngành như Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính doanh nghiệp, v.v. vẫn có thể xin thi tuyển và làm Giao dịch viên ngân hàng. Tuy nhiên, bạn phải trang bị cho mình kiến thức bộ môn Kế toán ngân hàng.
- Kiến thức chung về khách hàng, thị trường và ngân hàng cạnh tranh
- Kiến thức về ngân hàng: sản phẩm dịch vụ ngân hàng, sản phẩm bán chéo, văn bản nghiệp vụ liên quan..
- Chuyên môn: Tốt nghiệp các trường đại học kinh tế. Vị trí giao dịch viên không quá kén chuyên ngành học, các bạn học kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính doanh nghiệp,… vẫn có thể thi và làm giao dịch viên. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt công việc của một giao dịch viên, đòi hỏi các bạn phải trang bị cho mình kiến thức bộ môn kế toán ngân hàng.
Về phẩm chất
- Nghề giao dịch viên được coi là một nghề đặc thù nên có một số yêu cầu về hình thức: Đối với Nam: 1m65, Nữ 1m58; không nói ngọng, không có âm giọng vùng miền quá nặng. Thông thường các ngân hàng khi tuyển dụng giao dịch viên thường yêu cầu chiều cao của nữ tối thiểu 1m58. Tuy nhiên với các bạn cao 1m55 có thể đi giầy cao gót để cải thiện chiều cao; các ngân hàng vẫn chấp nhận vì chênh lệch không quá nhiều.
- Trung thực, cẩn thận, tỉ mỉ.
- Thích những công việc ít đi lại.
- Hòa nhã, ưa thích giao tiếp. Có khả năng giao tiếp, tiếp thị sản phẩm là một lợi thế.
- Tiếng Anh giao tiếp tốt, thành thạo tin học văn phòng.
- Biết cách lắng nghe và kiểm soát tốt cảm xúc, có thái độ cầu thị trong công việc.
Kỹ năng giao tiếp, lắng nghe
Nhiệm vụ của giao dịch viên sẽ là tiếp xúc với khách hàng đầu tiên, do vậy GDV cần thể hiện thái độ chuyên nghiệp để khách hàng có thể cảm nhận được sự nhiệt tình, chu đáo từ phía Giao dịch viên.
Trong quá trình hướng dẫn, trao đổi về dịch vụ của ngân hàng, Giao dịch viên cần ăn nói lưu loát, trôi chảy và biết cách ứng xử khéo léo trước mọi tình huống để tăng tính thuyết phục cũng như tạo cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất bằng sự cởi mở và thân thiện.
Khả năng ngoại ngữ
Không bị đòi hỏi quá cao về chứng chỉ ngoại ngữ nhưng đây là một điểm cộng cho những ai biết sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Ngoại ngữ là cần thiết khi có khách hàng nước ngoài sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Trong lộ trình thăng tiến lên Hội sở và vị trí cao hơn, việc biết nhiều ngoại ngữ là một thế mạnh lớn.
Kỹ năng tin học văn phòng thành thạo
Các Giao dịch viên ngân hàng dành phần lớn thời gian làm việc trên máy tính. Chính vì vậy đây là một trong những kỹ năng rất cần thiết. Dưới đây là một số kỹ năng kỹ thuật cụ thể mà nhiều ngân hàng yêu cầu:
- Thành thạo Microsoft Office, đặc biệt là Excel.
- Kỹ năng nhập dữ liệu.
- Đánh máy nhanh.
- Biết sử dụng trơn tru phần mềm ngân hàng.
Giao dịch viên à một vị trí nhiều áp lực, có khối lượng công việc tương đối nhiều, tuy nhiên bù lại vị trí này có mức lương khá hấp dẫn. Như vậy, 1900 - tin tức việc làm vừa cung cấp những thông tin hữu ích về ngành và công việc giao dịch viên. Hy vọng qua bài viết bạn hiểu được tầm quan trọng của giao dịch viên và cũng như nhiều thông tin khác bổ ích
Việc làm dành cho sinh viên:
Việc làm thực tập sinh ngân hàng mới nhất
Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất
Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên
Việc làm cộng tác viên ngân hàng mới nhất
Mức lương của thực tập sinh ngân hàng là bao nhiêu?