1. Tại sao phải giữ chân nhân viên giỏi?
Nhân sự là nguồn tài nguyên đáng quý nhất của tổ chức. Bởi vậy nếu không biết trọng dụng sẽ dễ dẫn đến việc lãng phí nguồn lực và giảm tới 200% hiệu suất làm việc. Nhiều nhà lãnh đạo chỉ đơn giản nghĩ rằng khi một nhân sự nghỉ việc thì chỉ cần tìm người mới và đào tạo họ lại từ đầu. Đây thực chất là hiện tượng chảy máu chất xám đáng báo động. Tình trạng nhân sự rời bỏ công ty có thể đem lại nhiều hệ lụy kéo theo như:
Tốn chi phí tuyển dụng và đào tạo người mới
Một nhân sự nhảy việc đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tìm một người hoàn toàn mới để lấp đầy chỗ trống mà họ để lại. Nghiên cứu của CAP (Center for American Progress) đã chỉ ra rằng chi phí trung bình để thay thế một nhân sự nghỉ việc là 16% tiền lương chi trả hàng năm cho các công việc lương thấp, 20% cho những vị trí tầm trung và lên tới 213% đối với các vị trí điều hành đòi hỏi trình độ cao. Có thể nói việc tuyển dụng nhân viên mới khá tốn kém so với chi phí bỏ ra cho một nhân sự đã có sẵn kinh nghiệm
Mất đi đội ngũ nhân viên dày dặn thâm niên và kinh nghiệm
Những nhân sự nghỉ việc, đặc biệt là người đã có thâm niên thường là những người hiểu rất rõ về công ty. Vì họ đã có một khoảng thời gian dài tiếp xúc và quen thuộc với cách thức vận hành cũng như tầm nhìn và mục tiêu mà tổ chức theo đuổi. Bởi vậy họ là những người có thể đem lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Việc mất đi đội ngũ nhân sự cốt cán có thể khiến cho năng lực phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp bị suy giảm.
Gây hoang mang cho những người ở lại
Khi tình trạng nghỉ việc xảy ra quá thường xuyên trong tổ chức, những nhân viên ở lại sẽ bắt đầu nghi vấn và đặt ra những câu hỏi như: công ty có đang thực sự đãi ngộ tốt với nhân viên, có vấn đề gì đang xảy ra? Việc nhân viên mất lòng tin và tinh thần sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu suất của doanh nghiệp, thậm chí hiệu ứng Domino có thể thôi thúc ý định nghỉ việc của những người ở lại.

2. Tại sao nhân viên giỏi lại nghỉ việc?
Bị thiếu tôn trọng và bị đánh giá không đúng năng lực
Đôi khi, nhà tuyển dụng chỉ quan tâm tới lợi nhuận, sản lượng, sự hài lòng của đối tác và năng suất. Những yếu tố này tất nhiên là quan trọng với một doanh nghiệp thành công, nhưng sẽ không thể đạt được mục tiêu này nếu những người làm ra nó đang bị ngược đãi.
Nhân viên cũng là những con người và họ cần được tôn trọng cũng như tạo động lực để cho ra hiệu suất tốt nhất. Nếu nhân viên không được trả công xứng đáng, không được tạo điều kiện làm việc linh hoạt, không được cung cấp đầy đủ lợi ích hay một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và vui vẻ, họ sẽ có xu hướng bỏ công việc.
Không có cơ hội phát triển nghề nghiệp
Người ta không còn muốn làm mãi một công việc hết ngày này qua ngày khác suốt cuộc đời mình. Họ muốn giống như đang được học tập, đang tiến bộ trong nghề nghiệp.
Nhân viên nào cũng mong muốn được đào tạo, được giáo dục để họ có thể phát triển các kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Họ muốn phát triển trong tổ chức mà mình làm việc và có thứ gì đó để công nhận cho những năm tháng làm việc vất vả của mình. Họ muốn sự đa dạng và hứng thú. Họ muốn được thử thách. Nếu một công việc không có cơ hội phát triển nghề nghiệp, thì nhiều khả năng là nhân viên sẽ nghỉ việc và tìm kiếm những cánh đồng xanh tươi hơn với những cơ hội tốt hơn.
Thiếu công bằng
Không ai muốn làm việc trong một môi trường phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, phân biệt tuổi tác hay phân biệt đối xử theo bất cứ cách nào. Khi sự bất bình đẳng hoành hành ở môi trường làm việc, việc giữ được đội ngũ nhân viên là rất khó khăn. Công sở phải thích ứng với nhu cầu của mỗi cá nhân và cho phép sự đa dạng, linh hoạt. Đã qua rồi cái thời nhân viên phải chịu đựng những môi trường vẫn còn tồn tại thứ văn hóa đã lỗi thời.
Tinh thần làm việc thấp
Khi người ta không thấy vui ở nơi làm việc, thì việc bước qua cánh cửa phòng chỉ còn tính bằng phút. Khi ở đó mọi người hoài nghi, bất lịch sự với nhau, tìm ra bất cứ lý do gì để ì ạch trong công việc, và không có hậu quả hay hình phạt nào cho sự kém năng suất và kém năng lực đó thì cuối cùng người ta cũng bắt đầu tìm một chiến lược rút lui.
Xây dựng nhóm là yếu tố quan trọng của bất cứ môi trường làm việc nào. Mỗi cá nhân ở các cấp bậc cần thực sự quan tâm đến nhau và quan tâm đến những mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Khi có sự bất đồng trong giao tiếp và cảm giác bất lực khi đưa ra bất kỳ nỗ lực nào trong công việc, thì không ai còn muốn ở lại nơi đó nữa. Đây là một lý do hoàn hảo cho những người muốn bỏ việc trước khi nơi này bắt đầu gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của họ.
Không công nhận, không khen thưởng
Đôi khi ai cũng cần một cái xoa đầu. Có thể là một câu cảm ơn hay chỉ là sự công nhận những nỗ lực mà bạn đã bỏ ra. Không cần phải là một chiếc cúp vàng hay một khoản tiền thưởng hậu hĩnh, tuy nhiên việc này có thể có ích cho một chặng đường dài để tạo động lực cho nhân viên. Nếu bạn không bao giờ được cảm ơn hay được công nhận trong công việc, bạn có thể cảm thấy mình vô hình và vô giá trị. Quyết định bỏ việc có thể là quyết định dễ dàng nhất.
Dập tắt lòng nhiệt huyết
Sự đổi mới và những ý tưởng là nhịp tim của một tổ chức, vì thế ai cũng nên được trao cho cơ hội để thể hiện sáng kiến của mình. Một số nơi làm việc rất thiếu cởi mở với những thay đổi, ngay cả khi những thay đổi này mang lại sự cải thiện lớn trong năng suất công việc.
Mọi người thường bắt đầu một công việc mới với năng lực tích cực và ý tưởng mới mẻ, nhưng lại nhanh chóng bị cản đường bởi một quản lý thiếu tầm nhìn và nhàm chán. Khi sự nhiệt tình của bạn liên tục bị cản trở, bạn sẽ không chỉ tránh rủi ro, tránh thử những cái mới, mà bạn còn dễ bị dụ dỗ bỏ việc để đi tìm những cái mới.
Động viên nhầm người
Một số công sở có văn hóa thưởng nhầm người. Có một câu nói: Những ông chủ giỏi sẽ không thuê những người thông minh hơn họ. Trường hợp này sẽ xảy ra khi ông chủ có một cái tôi lớn và cảm thấy bị đe dọa bởi bất cứ ai thông minh và có năng lực hơn mình. Và một thực tế sẽ xảy ra là những người thể hiện sự phục tùng nhiều hơn là sáng tạo sẽ được khuyến khích và khen thưởng. Điều này nhằm mục đích bảo vệ hệ thống quyền lực hơn là phát triển một hệ thống nhân viên làm việc hiệu quả, có năng lực và chuyên nghiệp.
Nắm quyền thay vì cho phép tự chủ
Khi cấp bậc quan trọng hơn giá trị của mỗi người và quan trọng hơn sự đóng góp của họ cho công việc, thì công sở đó không chỉ mất đi những cơ hội tuyệt vời để nghe những ý kiến khôn ngoan và hợp lý, mà còn nghiền nát sự tự lực và các kỹ năng đưa ra quyết định quan trọng của nhân viên. Những lãnh đạo mạnh mẽ nên trao quyền cho nhân viên để họ tự lực và tận tâm vì lợi ích tốt hơn của doanh nghiệp. Tranh giành quyền lực không chỉ mâu thuẫn với mục đích chung và góp phần làm cho môi trường làm việc thêm độc hại.
3. Làm thế nào để giữ chân nhân viên giỏi? 5 Bí quyết quan trọng để thành công
Chế độ làm việc linh hoạt như mong muốn
Cuộc cách mạng công nghiệp đã khiến ‘sáng cắp ô đi chiều cắp về’ là mô hình làm việc tiêu chuẩn. Mô hình này bị phá vỡ phần nào bởi đại dịch Covid. Và chúng ta cũng không biết được rằng 100 năm tới, những quy định cứng nhắc về giờ làm, chỗ làm việc có thể thay đổi đến đâu. Nhưng rõ ràng rằng một bộ phận lớn nhân sự đang mong muốn chế độ làm việc linh hoạt hơn.
Môi trường làm việc được sắp xếp linh hoạt được chứng minh là có thể giảm căng thẳng, tiết kiệm thời gian và giảm lượng khí thải carbon cho các đô thị. Tất nhiên, việc sắp xếp công việc linh hoạt chỉ phát huy tác dụng nếu được quản lý cẩn thận và có chủ đích.
Nếu không, nó có thể trầm trọng thêm các vấn đề như quá tải (vì quản lý sợ không kiểm soát được hiệu quả nên chủ ý gia tăng khối lượng công việc), bất bình đẳng giới (phụ nữ phải làm việc gia đình nhiều hơn nữa khi WFH), sự bất bình đẳng về cơ hội thăng tiến…
Quản lý bằng sự nhân văn
Nguyên tắc quản lý kiểu quyền lực tập trung (chỉ huy "chỉ tay năm ngón" và kiểm soát vi mô) với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận sẽ kéo dài tình trạng bất bình đẳng và không nhân văn với người lao động. Trong một xã hội mà người lao động ngày càng có nhận thức cao về quyền lợi của họ cũng như các giá trị khác trong cuộc sống, nguyên tắc quản lý này sẽ không được lòng người lao động.
Nghỉ việc là cách nhân viên nắm quyền kiểm soát, xem xét lại mối quan hệ của họ với công việc và thương lượng để có lợi ích, sự linh hoạt và được đối xử tốt hơn. Đó cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo nhìn nhận những thiếu sót. Bạn cần đặt mình vào vị trí của nhân viên, nhìn ra các vấn đề để áp dụng các quy trình mới cân bằng giữa nhu cầu của tổ chức với nhu cầu về phẩm giá và hạnh phúc của nhân viên.
Trả công xứng đáng
Đây là điều kiện tiên quyết. Có thể công ty của bạn mới khai sinh và chưa có tiềm lực tài chính đủ mạnh để cạnh tranh về tiền lương với các công ty đối thủ. Vậy bạn sẽ phải trả công xứng đáng cho nhân viên bằng những giá trị khác: kiến thức đào tạo, sự chăm sóc về phúc lợi, cơ hội sở hữu cổ phần hoặc ít nhất là tôn trọng giờ làm việc cam kết ban đầu. Một số công ty thậm chí còn thuê đầu bếp chất lượng, hỗ trợ tiền ăn để nhân viên không phải mang cơm trưa và có đồ ăn ngon làm động lực.
Tạo cơ hội phát triển bản thân
Nhân sự giỏi của bạn vừa hé lộ ý định xin nghỉ việc? Hãy thay đổi suy nghĩ của họ bằng cách đặt câu hỏi: "Nếu bạn có thể định hình công việc của mình ở đây đúng như mơ ước, thì nó sẽ như thế nào?". Sau đó tìm cách biến mơ ước của họ thành hiện thực.
Nhiều công ty thực hiện các cuộc khảo sát nội bộ và ẩn danh định kỳ để biết những thay đổi mà nhân sự mong muốn, sau đó điều chỉnh để quyền lợi hai bên đều được cân bằng. Đó là cách thể hiện rằng công ty coi trọng và sẵn sàng cung cấp cho nhân viên những cơ hội phát triển để thăng tiến. Nếu đi kèm đó là một kế hoạch phát triển năng lực rõ ràng và minh bạch, cũng như sự tạo điều kiện trên thực tế để nhân viên có cơ hội phát huy sáng tạo, phần lớn sẽ sẵn sàng ở lại, học hỏi để phát triển.

Văn hóa công bằng và kết nối
Các lãnh đạo trong doanh nghiệp cần coi việc xây dựng mối quan hệ với nhân viên một cách quan tâm, tôn trọng như một phần của công việc. Đồng thời cũng nên khuyến khích nhân viên kết nối, hỗ trợ nhau trong công việc (liên kết xã hội thường có tác động tích cực đáng kể đến năng suất). Đây là cách để bạn kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và điều chỉnh các khúc mắc trước khi nó trở thành vấn đề khiến nhân viên nhảy việc.
Đầu tư vào phúc lợi
Công ty bạn có thể cung cấp sự hỗ trợ, chăm sóc về sức khỏe tinh thần, ghi nhận và tưởng thưởng những hy sinh cá nhân của mọi người trong đại dịch, tạo điều kiện linh động về thời gian cho các bậc cha mẹ có con nhỏ? Chắc chắn, nhân viên của bạn sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi nhận lời mời làm việc khác.
Lãnh đạo giỏi, có tài
Một điều không thể phủ nhận là bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần tới nhân tài. Do đó, việc các nhân tài tìm tới doanh nghiệp thường băn khoăn lãnh đạo có giỏi hay không. Họ có thể giúp bạn phát triển năng lực của mình cũng như dễ dàng đạt vị trí họ mong muốn không. Do đó, nhân tài trong doanh nghiệp thường sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có những người lãnh đạo giỏi để họ có thể học tập và nể trọng.
Để tuyển dụng nhân tài, trước hết doanh nghiệp cần có những nhà quản lý tài năng nhất. Để xây dựng được điều này, các chế độ phúc lợi, môi trường làm việc chính là yếu tố quan trọng.
Xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng
Những người tài sẽ chọn những ông chủ giỏi, các công ty có chiến lược phát triển lâu dài. Không có chiến lược rõ ràng, sự đóng góp của nhân viên sẽ trở lên vô cùng lãnh phí. Chắc chắn khi tuyển dụng nhân tài, không một người tài nào muốn làm việc tại các công ty không có tương lai, không có môi trường để họ phát triển và cống hiến.

Tận dụng phỏng vấn nghỉ việc
Phỏng vấn nghỉ việc là hình thức vẫn còn xa lạ với nhiều nhà quản lý. Nhưng đây là một thao tác tuy không mất quá nhiều thời gian (30 phút - 1 tiếng trao đổi với nhân sự có ý định nghỉ việc), nhưng lại có thể tiết kiệm rất nhiều công sức và chi phí tuyển dụng thay thế. Kể cả khi đó không phải nhân viên xuất sắc mà bạn muốn ưu tiên giữ lại, thì cũng nên nhớ trong một tổ chức chỉ có 5-10% nhân sự lõi xuất sắc, tức là 90% nhân sự thông thường còn lại có thể gặp phải vấn đề tương tự. Vì thế, phỏng vấn nghỉ việc cũng giúp bạn nhận ra những vấn đề cần cải thiện để giữ chân số đông nhân viên.
Chính thái độ cầu thị và mong muốn thay đổi để tạo ra một môi trường làm việc tích cực hơn của bạn có thể giúp thay đổi ý định của nhân viên. Trừ khi họ có một lời đề nghị tốt hơn rõ ràng, nhân viên cũng nhận thức được chi phí và thời gian phải bỏ ra trong thời gian đi tìm công việc mới. Một môi trường làm việc hạnh phúc không đảm bảo hoàn toàn cho một công ty phát triển, nhưng chắc chắn sẽ là nền tảng cần thiết để nhân viên yên tâm cống hiến và tập thể vượt qua sóng gió khi cần.
Giữ chân nhân viên giỏi là đầu tư dài hạn – không phải “giữ người bằng sợi dây trói”. Doanh nghiệp cần trở thành nơi người giỏi muốn ở lại, không phải nơi cố gắng giữ họ lại.
Đọc thêm:
10 Cách xây dựng phát triển đội ngũ nhân viên mạnh
Chiến lược thu hút nhân tài cho doanh nghiệp
6 Chiến lược phát triển doanh nghiệp bền vững đến 2030