SWOT là một mô hình phân tích tình hình kinh doanh nổi tiếng. Mô hình này bao gồm 4 yếu tố đại diện bởi 4 chữ viết tắt là S - Strength (Điểm mạnh), W - Weaknesses (Điểm yếu), O - Opportunities (Cơ hội) và T - Threats (Thách thức).
SWOT được ứng dụng nhiều nhất trong lĩnh vực kinh doanh nhằm để phân tích tình hình cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ngoài ra nó còn được dùng cho mỗi cá nhân để phân tích bản thân, dựa vào đó lập kế hoạch cho tương lai.
Trong 4 thành phần của mô hình SWOT thì Strength và Weaknesses thuộc nhóm yếu tố bên trong doanh nghiệp. Hai yếu tố còn lại là Opportunities và Threats thuộc nhóm yếu tố bên ngoài doanh nghiệp.
Vậy hoạt động phân tích SWOT là tìm hiểu, đánh giá các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp thông qua 2 cặp yếu tố trên. Nó là cơ sở để nhà quản lý xác định mục tiêu và hướng đi cho các kế hoạch sắp tới của doanh nghiệp.
Mô hình SWOT được phát triển bởi Albert Humphrey vào những năm 1960 - 1970. Đây là kết quả của một dự án nghiên cứu do Đại học Stanford của Mỹ thực hiện. Ban đầu mô hình phân tích này có tên gọi SOFT: Satisfactory - Thỏa mãn, Opportunity - Cơ hội, Fault - Lỗi hay điều xấu trong hiện tại, Threat - Nguy cơ hay điều xấu trong tương lai.
Tuy nhiên, đến năm 1964, sau khi mô hình này được giới thiệu cho Urick và Orr tại Zurich - Thuỵ Sĩ, Albert đã cùng các cộng sự của mình đổi F thành W (Weakness) và SWOT ra đời từ đó. Đến đầu năm 2004 thì SWOT được hoàn thiện và ứng dụng trong nhiều doanh nghiệp. Vì nó giúp các nhà quản lý đưa ra cũng như thống nhất các mục tiêu của tổ chức mà không cần phụ thuộc vào tư vấn hay các nguồn lực tốn kém khác.
Đối với doanh nghiệp, mô hình phân tích SWOT giúp cho nhà quản lý nắm bắt được tình hình hiện tại về nguồn lực, lợi thế trong kinh doanh cũng như những điểm mà doanh nghiệp cần cải thiện. Bên cạnh đó, mô hình cũng giúp đánh giá được những nguy cơ từ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp và những cơ hội có thể nắm bắt trong hiện tại hoặc tương lai. Có được một cái nhìn tổng quan như vậy, nhà quản lý sẽ có cơ sở vững chắc để lên kế hoạch hiệu quả, tránh được cái rủi ro trong tương lai.
- Không mất bất kỳ chi phí nào: Bạn chỉ cần phải tiêu tốn chất xám mà không cần bỏ ra bất kỳ khoản tiền nào. Đây là ưu điểm lớn của mô hình SWOT bởi vì bạn không cần bỏ chi phí thuê các chuyên gia mà vẫn có thể tự mình tìm hiểu, thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau như người quen, Internet và báo cáo của công ty để phân tích.
- Kết quả quan trọng: Kết quả đưa ra từ phân tích mô hình SWOT rất quan trọng và có thể giúp ích cho tất cả các đối tượng muốn nắm bắt một cách tổng quát về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của bản thân, tổ chức hoặc doanh nghiệp. Kết quả đó là tiền đề cho các kế hoạch được triển khai thành công trong tương lai.
- Đột phá ý tưởng mới: Đã có nhiều ý tưởng và giải pháp kinh doanh được phát hiện thông qua việc phân tích mô hình SWOT. Khi nhìn một cách tổng quan tất cả các yếu tố thì bạn có thể nghĩ ra những ý tưởng mới lạ, độc đáo một cách dễ dàng hơn.
- Kết quả phân tích chưa chuyên sâu: Các yếu tố được đưa ra trong mô hình SWOT thường khá đơn giản và không đưa ra được các ý phản biện. Vì vậy, những phân tích thường chưa được sâu sắc, chưa thể hiện đầy đủ các khía cạnh khiến cho việc đề xuất phương pháp đôi khi không hiệu quả.
- Phân tích chủ quan: Một nhược điểm khá lớn của mô hình SWOT là thường nghiêng về ý kiến chủ quan của người lập mô hình mà thiếu xem xét đến các yếu tố khách quan hay nhiều vấn đề thực tế khác. Đôi khi người lập mô hình sẽ phân vân và không chắc chắn với những yếu tố mình đưa ra vì không biết nó có thật sự đúng với hiện thực hay không.
- Không đưa ra hành động cụ thể: Vì mô hình SWOT chỉ đưa ra một bức tranh tổng quát về tình hình của cá nhân, tổ chức mà chưa khai thác sâu. Thế nên, các phương pháp và hành động đưa ra thường chung chung và không được cụ thể lắm.
- Cần thực hiện nghiên cứu bổ sung: Một điều chắc chắn là nếu muốn lập một kế hoạch hoàn chỉnh thì bạn không nên chỉ dựa vào mô hình SWOT mà còn phải thực hiện các nghiên cứu khác. Ví dụ nghiên cứu hành vi, nhu cầu khách hàng thông qua các cuộc khảo sát định tính, định lượng. Các nghiên cứu này mới giúp bạn hiểu sâu sắc và lập kế hoạch hiệu quả.
6.1 Strengths – Điểm mạnh
Điểm mạnh mô tả những đặc điểm nổi trội của một cá nhân, tổ chức khiến họ trở nên đặc biệt hoặc có ưu thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Đối với doanh nghiệp, những điểm mạnh này đến từ nguồn lực bên trong như thương hiệu mạnh, cơ sở khách hàng trung thành, bảng cân đối kế toán mạnh, công nghệ độc đáo,...
Một số câu hỏi giúp bạn xác định điểm mạnh là:
- Bạn đang làm điều gì tốt nhất?
- Những nguồn lực nội tại mà bạn hay công ty có là gì?
- Công ty của bạn sở hữu lợi thế về con người, kiến thức, danh tiếng, kỹ năng, mối quan hệ, công nghệ như thế nào?
Điểm yếu là những điều có thể ngăn một tổ chức hoạt động ở mức tối ưu. Bạn cần nhận ra nó để có những giải pháp cải thiện kịp thời. Đối với doanh nghiệp những điểm yếu có thể tồn tại là thương hiệu yếu, doanh thu thấp hơn mức trung bình, mức nợ cao, chuỗi cung ứng không đầy đủ hoặc thiếu vốn,...
Một số câu hỏi giúp bạn xác định điểm yếu:
- Những việc nào bạn đang làm chưa đạt tiêu chuẩn?
- Có những lời nhận xét chưa tốt nào về bạn?
- Tại sao khách hàng lại lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của đối thủ?
- Nguồn lực về nhân viên, cơ sở vật chất hiện tại có tốt hay không?
Cơ hội là đề cập đến các yếu tố bên ngoài có thể mang lại sự thuận lợi hoặc một lợi thế cạnh tranh cho cá nhân, tổ chức. Điều này có thể đến từ sự nở rộ của thị trường, xu hướng công nghệ phát triển, đối thủ đang gặp vấn đề,... Ví dụ, nếu một quốc gia cắt giảm thuế quan, một nhà sản xuất ô tô có thể xuất khẩu ô tô của mình vào một thị trường mới, tăng doanh số và thị phần.
Một số câu hỏi giúp bạn xác định cơ hội:
- Những điều kiện khách quan nào từ bên ngoài có thể giúp bạn phát triển ưu điểm của mình?
- Những xu hướng công nghệ nào bạn có thể nắm bắt để phát triển?
- Các chính sách nào của Chính phủ có thể giúp bạn phát triển doanh nghiệp?
Thách thức là các yếu tố bên ngoài có thể gây hại cho sự phát triển của bản thân, tổ chức hay doanh nghiệp. Một số yếu tố có thể kể đến là đối thủ cạnh tranh, thiên tai, dịch bệnh, chính sách của Chính phủ, biến động thị trường,... Bạn không thể kiểm soát các nguy cơ nhưng có thể lường trước và đưa ra các phương án dự phòng.
Một số câu hỏi giúp bạn xác định thách thức:
- Những chính sách nào có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bạn?
- Có những đối thủ tiềm năng nào đang phát triển mạnh?
- Các yếu tố thiên tai, dịch bệnh có thể ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của bạn?
Nếu chỉ liệt kê và phân tích các yếu tố điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức riêng lẻ thì mô hình SWOT sẽ không phát huy được hết giá trị của nó. Vì vậy, mô hình này cần phải được mở rộng và phát triển thành một ma trận, kết hợp các yếu tố lại với nhau để đưa ra các chiến lược cụ thể. Các chiến lược đó bao gồm chiến lược SO, WO, ST và WT.
- Chiến lược S-O: Là chiến lược tận dụng các cơ hội hiện có từ bên ngoài để phát huy các nguồn lực, điểm mạnh của tổ chức, doanh nghiệp. Đây là chiến lược không cần tốn quá nhiều công sức mà lại mang đến hiệu quả cao và có khả năng thành công nhất. Chiến lược S-O thường là các chiến lược ngắn hạn.
- Chiến lược W-O: Là chiến lược nắm bắt các cơ hội hiện tại bằng cách cải thiện những điểm yếu, điểm chưa làm được của tổ chức, doanh nghiệp. Chiến lược này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi vì có thể khi bạn đã cải thiện được các điểm yếu thì cơ hội đã qua đi. Tuy nhiên nếu cố gắng hết sức thì vẫn có thể thành công, tạo ra bước tiến mới cho doanh nghiệp. Đây là một chiến lược trung hạn.
- Chiến lược S-T: Là chiến lược sử dụng điểm mạnh để hạn chế và đối phó với các nguy cơ từ bên ngoài. Chiến lược này giúp doanh nghiệp loại bỏ được các rủi ro, khống chế được tình hình không thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là một chiến lược ngắn hạn.
- - Chiến lược W-T: Là chiến lược khắc phục trước các điểm yếu để phòng tránh rủi ro cho tổ chức, doanh nghiệp. Bởi vì các rủi ro và nguy cơ thường đến từ điểm yếu của doanh nghiệp nên cần phải nhận ra nguy cơ từ sớm, khắc phục các điểm yếu ngay từ bây giờ. Chiến lược W-T là một chiến lược phòng thủ.
Việc làm dành cho sinh viên:
Việc làm thực tập sinh tài chính
Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất
Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên
Việc làm thực tập sinh ngân quỹ
Mức lương của thực tập sinh ngân hàng là bao nhiêu?