CÂU HỎI GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG ĐIỀU DƯỠNG (CÓ ĐÁP ÁN)
Tình huống 1:
Trong buổi giao ban, điều dưỡng trực báo cáo số lượng nước tiểu của bệnh nhân A là 450ml/24 giờ, nhưng bác sĩ trực nói: “sáng nay tôi mới hỏi người nhà bệnh nhân, người nhà nói rõ tổng số nước tiểu của bệnh nhân ngày hôm qua là 800ml”. Trưởng khoa chủ trì buổi giao ban hỏi “Vậy kíp trực báo cáo chính xác tổng số nước tiểu của bệnh nhân ngày hôm qua là bao nhiêu tại sao BS báo 1 con số, điều dưỡng báo một con số?”.
Bạn nghĩ gì về tình huống này và giải pháp khắc phục như thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
- Chưa có sự trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa BS và ĐD trong điều trị và chăm sóc.
- Chưa khẳng định được kết quả nào chính xác.
Giải pháp khắc phục
- Xác minh lại thông tin từ điều dưỡng, người bệnh và gia đình người bệnh:
+ Nếu kết quả của ĐD trực là chính xác thì báo cáo ngay cho BS trưởng khoa biết.
+ Nếu kết quả của ĐD trực không chính xác: yêu cầu theo dõi lại
- Nhắc nhở ĐD trực phải chủ động báo cáo BS trực và ghi đầy đủ kết quả theo dõi số lượng nước tiểu vào hồ sơ bệnh án.
- Tổ chức họp điều dưỡng viên toàn khoa để:
+ Tập huấn, hướng dẫn lại quy trình theo dõi nước tiểu 24h;
+ Quán triệt về trung thực nghiêm túc trong theo dõi và báo cáo nước tiểu, không được hỏi NB/GĐNB;
+ Phổ biến lại và yêu cầu thực hiện đúng quy định theo dõi đánh giá NB tại điều 13 của Thông tư 07/2011/TT-BYT.
- Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định của ĐD.
Tình huống 2:
Trong đêm trực, một điều dưỡng tiêm kháng sinh cho người bệnh 50 tuổi, ngay sau khi rút mũi kim ra điều dưỡng thấy người bệnh tím tái khó thở, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được. Lúc này bác sĩ trực đang khám bệnh cho bệnh nhân tại khoa khác. Điều dưỡng thực hiện tiêm bắp cho người bệnh ½ ống Adrenalin 1mg, cho người bệnh thở oxy, đồng thời nhờ người mời bác sĩ đến khám và xử trí tiếp. Khi bước chân vào buồng bệnh, bác sĩ phê bình điều dưỡng đã tự ý dùng thuốc khi chưa có y lệnh ngay trước mặt bệnh nhân và người nhà.
Bạn có nhận xét gì và cách giải quyết ?
Trả lời
Nhận xét:
- Xử trí SPV đòi hỏi phải khẩn trương, ngay tại chỗ. Theo quy định của Thông tư số 51/2017/TT-BYT thì bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, nhân viên y tế khác phải xử trí ban đầu cấp cứu phản vệ theo quy định.
- Trong tình huống này, điều dưỡng đã phát hiện dấu hiệu phản vệ và xử trí kịp thời, đúng phác đồ
- Người bác sĩ chưa nắm rõ quy định phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ; cư xử chưa phù hợp quy tắc ứng xử.
Cách giải quyết:
- Động viên người điều dưỡng đã xử trí kịp thời phản vệ và khích lệ lần sau tiếp tục phát huy.
- Giải thích rõ cho BS trực hiểu việc ĐD được sử dụng Adrenalin trong cấp cứu PV khi không có BS (Thông tư số 51/2017/TT-BYT).
- Nếu BS trực chưa nhất trí thì ĐDT cần gặp BS trưởng khoa để giải quyết.
- Tổ chức tập huấn Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017
- Đôn đốc, nhắc nhở nhân viên:
+ Thực hiện đúng quy định dự phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ;
+ Luôn chuẩn bị đầy đủ thuốc và phương tiện để xử trí phản vệ;
+ Khai thác kỹ tiền sử dị ứng của NB trước khi tiêm.
- Biểu dương, khen thưởng cá nhân thực hiện tốt.
Tình huống 3:
Một phụ nữ đưa chồng bị chấn thương chân đến phòng cấp cứu của bệnh viện lúc 1h. Bác sĩ khám và viết phiếu cho người bệnh đi chụp phim. Người nhà dìu bệnh nhân đi chụp phim. Điều dưỡng trực miệng quát và chỉ tay về phía chiếc cáng bảo: ”Cáng đó lấy mà đẩy chồng đi, sao lại dắt chồng đi bộ”. Người nhà cố gắng dìu bệnh nhân nằm lên cáng. Vì chỉ có một mình với cái cáng nên chiếc cáng cứ xoay không đi thẳng hướng. Một người nhà bệnh nhân khác thấy vậy chạy đến giúp người bệnh lên cáng và cùng hỗ trợ đẩy bệnh nhân đi chụp phim.
Bạn có nhận xét gì và giải quyết tình huống này như thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
- ĐD trực chưa thực hiện đúng quy tắc ứng xử, thờ ơ, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm trước NB;
- Vi phạm Chuẩn đạo đức ĐDV, quy tắc ứng xử
Cách giải quyết:
- Ngay khi chứng kiến sự việc:
+ Nếu bản thân chưa tham gia chăm sóc người bệnh khác thì nhanh chóng phối hợp đưa NB đi chụp phim. Cảm ơn gia đình NB và người nhà NB khác đã giúp đỡ.
+ Nếu bản thân đang chăm sóc bệnh nhân thì nhờ nhân viên y tế khác hỗ trợ.
- Sau đó:
+ Gặp riêng điều dưỡng trực, phê bình, chấn chỉnh về tình thần thái độ trong khi làm nhiệm vụ.
+ Nêu tình huống xảy ra để rút kinh nghiệm tại buổi giao ban điều dưỡng.
+ Tiếp tục tập huấn quy tắc ứng xử theo TT 07/2014/TT-BYT và Chuẩn đạo đức ĐDV
+ Tăng cường kiểm tra giám sát, nhắc nhở các điều dưỡng về thái độ giao tiếp ứng xử.
+ Tham mưu đề xuất chế độ thưởng phạt, nghiêm khắc xử lý khi NVYT thờ ơ, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm với NB.
Tình huống 4:
Một cụ già khoảng 70 tuổi, sau khi đi khám bệnh và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, cụ muốn quay lại khoa khám bệnh theo lời dặn của bác sĩ. Vì tuổi cao nên cụ không nhớ đường quay về khu khám bệnh. Khi nhìn thấy một cô nhân viên y tế, cụ hỏi đường đi. Cô nhân viên này vừa nghe điện thoại vừa chỉ bâng quơ và nói: “nhà kia kìa, chỗ có nhiều ghế ngồi ấy”. Ông cụ đi mãi cũng chưa tìm thấy khoa khám bệnh.
Bạn hãy nhận xét gì tình huống này và nêu cách giải quyết của bạn?
Trả lời
Nhận xét: NVYT thờ ơ; chưa tôn trọng người cao tuổi chưa thực hiện đúng quy tắc ứng xử và chuẩn đạo đức điều dưỡng viên
Giải quyết:
- Nếu không có việc cấp bách, thì trực tiếp đưa NB về khoa KB, trao đổi với ĐD khoa KB tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ. Trường hợp đang có việc cần giải quyết thì nhờ người khác giúp đỡ NB.
- Nếu cô nhân viên đó là nhân viên của khoa mình thì gặp trực tiếp góp ý chân thành để khắc phục. Nếu công tác ở khoa khác thì nêu tình huống trong giao ban, trong sinh hoạt điều dưỡng để rút kinh nghiệm.
- Thường xuyên nhắc nhở việc thực hiện Quy tắc ứng xử theo TT 07/2014 và Chuẩn đạo đức điều dưỡng viên.
- Tăng cường giám sát kiểm tra thực hiện các quy định về giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế.
Tình huống 5:
Tại khoa X, đoàn kiểm tra nhắc nhở điều dưỡng trưởng phải khắc phục các tồn tại mà đoàn kiểm tra đã nêu và chấn chỉnh công tác quản lý buồng bệnh. Khi đoàn kiểm tra ra về, một điều dưỡng viên nói với điều Đưỡng trưởng khoa “Lúc nào kiểm tra mà chả có lỗi, lần trước cũng phê bình khoa mình không ngăn nắp gọn gàng, nhưng mà có sao đâu. Theo em chị lãnh đạo khoa như thế là tốt lắm rồi”
Bạn suy nghĩ gì về quan điểm của điều dưỡng viên trong tình huống trên và hướng giải quyết?
Trả lời
Nhận xét:
- Những nội dung đoàn kiểm tra nhắc nhở là có cơ sở.
- Điều dưỡng viên chưa nhận thức đúng về sự việc và có quan niệm sai lầm về công tác kiểm tra giám sát.
Giải quyết:
- Góp ý với điều dưỡng viên ấy cần có thái độ cầu thi, nghiêm túc tiếp thu phê bình để tiến bộ.
- Nghiêm túc rút kinh nghiệm về các nội dung đoàn kiểm tra đã kết luận, khẩn trương có biện pháp khắc phục
- Tăng cường đi buồng.
- Tăng cường nhắc nhở trong giao ban khoa, sinh hoạt điều dưỡng.
- Niêm yết nội quy quy định quản lý buồng bệnh.
- Nhắc nhở người bệnh và người nhà thực hiện tốt nội quy BV
- Hướng dẫn người nhà sắp xếp vật dụng cá nhân, giường bệnh gọn gàng
- Tăng cường đôn đốc nhắc nhở; khen thưởng/phê bình các điều dưỡng viên phụ trách buồng bệnh.
Tình huống 6:
Trong khi đi buồng, điều dưỡng trưởng khoa nghe người nhà người bệnh nói chuyện với nhau. Một người nói “Cái cô điều dưỡng cao cao ấy, trông thì xinh đáo để mà nói năng thì chán chết, chẳng bao giờ cười”. Một giọng khác xen vào “Hôm nọ, nhà tôi mang đồ ăn vào lúc gần 8 giờ sáng đúng giờ cô ấy trực, cô ấy còn không mở cửa cho vào, làm cháo nguội hết, mẹ tôi không ăn nổi”.
Bạn có có nhận xét gì về tình huống này và cách giải quyết?
Trả lời
Nhận xét:
- Người nhà NB chưa thực hiện nội quy của bệnh viện về giờ thăm nuôi NB; ĐD không mở cửa trong tình huống trên là đã thực hiện đúng quy định về việc mở cửa.
- Điều dưỡng trực thiếu linh hoạt. Nên trực tiếp mang giúp cháo vào cho NB và giải thích để gia đình phối hợp.
Cách giải quyết:
- Giải thích với người nhà người bệnh là ĐD trực đã thực hiện đúng quy định nhưng chưa giải thích đầy đủ nên gây hiểu nhầm để họ thông cảm.
- Gặp trao đổi, góp ý với ĐD trực những nội dung về sự phàn nàn của gia đình NB, việc không mở cửa là đúng nguyên tắc, tuy nhiên cần linh hoạt giải quyết (mang giúp cháo vào cho NB). Cần thân thiện trong giao tiếp với NB/GĐNB, cần linh hoạt thông cảm, chia sẻ giúp đỡ NB.
- Nêu tình huống rút kinh nghiệm trong giao ban khoa.
- Tổ chức họp hội đồng người bệnh theo quy định.
Tình huống 7:
Phòng điều dưỡng kiểm tra và góp ý về việc “Trong giờ làm việc, điều dưỡng tập trung tại phòng hành chính, trong khi đó buồng bệnh lại vắng điều dưỡng, người nhà thì tràn vào để chăm sóc bệnh nhân”. Một điều dưỡng viên có ý kiến: “Ngoài việc ghi chép phiếu chăm sóc điều dưỡng, để kịp lên sổ thuốc và làm các cận lâm sàng cho NB, chúng em còn phải làm những việc khác như: phải ghi sẵn phiếu xét nghiệm, ghi sẵn y lệnh cho Bác sỹ ký, phải tổng hợp hồ sơ bệnh án, làm phiếu thanh toán ra viện cho NB. Đó chính là những lý do buồng bệnh thì vắng mà phòng hành chính thì đông”.
Bạn có suy nghĩ gì? Giải quyết tình huống này như thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
- Theo TT 07/2011/TT-BYT thì các ĐDV chưa hoàn thành nhiệm vụ CSNB nhưng lại thực hiện các công việc của BS (ghi phiếu XN, ghi sẵn y lệnh,…).
- Đây là một thực trạng đã và đang diễn ra tại các cơ sở khám bệnh, chữ bệnh, cần phải khắc phục.
Giải quyết:
- Cảm ơn, tiếp thu ý kiến góp ý của phòng ĐD
- Đề xuất với Bs trưởng khoa và BS điều trị về việc cho y lệnh, ghi giấy xét nghiệm đảm bảo kịp thời để ĐD không phải phụ giúp.
- Hướng dẫn điều dưỡng viên thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, không tham gia vào công việc của bác sỹ.
- Kiểm tra giám sát việc thực hiện.
- Cải tiến ghi chép hồ sơ CS theo dõi phù hợp đặc điểm người bệnh tại khoa mình.
- Bố trí điều dưỡng chăm sóc phù hợp năng lực và trình độ chuyên môn.
- Đôn đốc, nhắc nhở ĐD hành chính tập trung làm thủ tục cho NB ra viện.
- Xây dựng phương án, đề xuất lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện bố trí điều kiện làm việc để đảm bảo điều dưỡng thường xuyên có mặt tại buồng bệnh.
Tình huống 8.
Tại khoa hồi sức cấp cứu, người nhà bệnh nhân có ý kiến: ”Mẹ tôi bị tai biến nằm ở khoa đã 15 ngày. Hàng ngày tôi thấy, khoa chỉ cho người nhà vào thăm 3 lần (Sáng, trưa, tối), mỗi lần khoảng 2 giờ, còn lại người nhà phải ra ngoài. Vài lần vào thăm thấy mẹ tôi rất khát nước, quần ướt dầm dề và nằm nguyên tư thế ban đầu. Tôi nghĩ điều dưỡng khoa mình rất tốt, nhưng không đủ thời gian để chăm sóc liên tục cho từng người bệnh. Vậy tôi xin đề xuất được người nhà vào trong buồng bệnh chăm sóc người thân, vừa đỡ vất vả cho điều dưỡng, vừa chăm sóc chu đáo cho NB trừ những lúc làm các kỹ thuật chuyên môn ”.
Bạn có suy nghĩ gì và giải quyết tình huống này thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
- Ý kiến đề xuất của gia đình người bệnh là chính đáng.
- Khoa thực hiện không để người nhà thực hiện chăm sóc bệnh nhân nặng là đúng quy định.
- Điều dưỡng khoa chăm sóc NB chưa được chu đáo.
Giải quyết
- Cảm ơn người nhà đã phản ánh, xin lỗi và xin rút kinh nghiệm khắc phục.
- Rà soát lại tỷ lệ ĐD/bác sỹ đã đảm bảo theo quy định tại TTLT số 08/2007/TTLT-BNV-BYT. Nếu chưa đảm bảo, khẩn trương đề xuất lãnh đạo bệnh viện bổ sung.
- Báo cáo Trưởng khoa về ý kiến người nhà NB, đồng thời đề xuất các bác sỹ phân cấp chăm sóc bệnh nhân theo Điều 2 Thông tư 07/2011/TT-BYT. Nếu BN cấp I thì đòi hỏi điều dưỡng theo dõi, chăm sóc liên tục; cấp II, III tuỳ tình trạng người bệnh có thể cần sự hỗ trợ giúp đỡ của người nhà.
- Nhắc nhở điều dưỡng phải thường xuyên đến theo dõi chăm sóc NB chu đáo hơn, nhất là vấn đề vệ sinh thân thể, thay đổi tư thế.
- Tổ chức họp khoa: Thảo luận và đề xuất bác sỹ, điều dưỡng phối hợp tốt trong điều trị và chăm sóc, hạn chế xảy ra tình huống tương tự.
- Giám sát sự tuân thủ của ĐD trong việc phối hợp với GĐNB trong CS đáp ứng nhu cầu NB, không để GĐNB làm các công việc quá phạm vi cho phép
- Đề xuất lắp chuông báo tại giường cho bệnh nhân (nếu chưa có)
Tình huống 9:
Bệnh nhân Nguyễn Văn T 65 tuổi điều trị tại khoa Nội đã 3 ngày mà chưa biết tên cô điều dưỡng phụ trách phòng. Sáng nay gặp cô tại buồng bệnh, ông hỏi: “Cô cho tôi biết tên để tiện giao tiếp”. Cô điều dưỡng trả lời: “Tên của cháu được treo ngoài cửa ra vào”.
Bạn nhận xét gì về tình huống này và cách giải quyết khắc phục?
Trả lời
Nhận xét:
- Người ĐD chưa thực hiện đúng việc giới thiệu tên và chào hỏi NB một cách thân thiện (Theo Khoản1,Điều 5 của chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên)
- Chưa giải quyết kịp thời những đề nghị của NB (Theo Mục b, Khoản 3 Điều 6 của quy tắc ứng xử (TT 07/2014).
Giải quyết khắc phục
- Đối với điều dưỡng phụ trách phòng: Gặp riêng trao đổi góp ý chỉ ra điểm sai để khắc phục
- Nhắc nhở trong giao ban để rút kinh nghiệm
- Tổ chức họp điều dưỡng phổ biến lại Quy tắc ứng xử và chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng. Yêu cầu các điều dưỡng phải thực hiện nghiêm túc:
+ Thân thiện với NB và Gia đình trong giao tiếp
+ Khi NB mới vào khoa phải chào hỏi và giới thiệu tên với NB
+ Giải quyết kịp thời những đề nghị của NB.
- Tăng cường giám sát , kiểm tra việc thực hiện;
- Lấy ý kiến góp ý của NB và GĐNB để đánh giá chất lượng phục vụ của ĐD.
Tình huống 10:
Điều dưỡng A thực hiện y lệnh tiêm kháng sinh và nói với người bệnh: ‘Cháu tiêm kháng sinh cho bác”. BN rất sợ đau, sau khi tiêm vào bắp xong, điều dưỡng A nói với người bệnh: “Cháu tiêm xong rồi, bác nghỉ đi nhé” và đi ra khỏi buồng bệnh. Người bệnh rất đau cứ xuýt xoa mãi. Một người bệnh nằm giường sát bên cạnh liền nói: “Ông đau chứ gì? Vậy trước khi tiêm ông có đưa phong bì cho cô điều dưỡng không?”. Người bệnh ngạc nhiên hỏi: “Tiêm mà cũng cần phong bì à?”.
Bạn suy nghĩ gì và cách giải quyết tình huống trên như thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
Đây là tình huống dễ gây hiểu nhầm do điều dưỡng chưa thực hiện đúng quy trình tiêm. Chưa động viên giải thích tốt cho NB khi tiêm.
Giải quyết:
- Ngay khi chứng kiến sự việc: Gặp và giải thích cho NB về việc tiêm kháng sinh vào bắp thịt là rất đau, hơn nữa mức độ đau còn tuỳ thuộc ngưỡng chịu đựng của mỗi người. Khẳng định trong khoa không có tình trạng biếu tiền quà cho cán bộ y tế trong quá trình điều trị.
- Sau đó:
+ Nhắc nhở các điều dưỡng khi tiêm thực hiện đúng quy trình, đặc biệt chú ý động viên, giải thích cho bệnh nhân.
+ Tổ chức họp HĐNB định kỳ, phổ biến cho người bệnh, người nhà NB hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của NB.
+ Đề nghị NB phối hợp trong quá trình điều trị, nếu thấy có tiêu cực thì báo lãnh đạo khoa biết.
Tình huống 11:
Tại khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện, có 15 giường bệnh với 6 bác sĩ và có 10 điều dưỡng. Khoa thường xuyên có 20 người bệnh trở lên. Khi được lãnh đạo bệnh viện thông báo sẽ bổ sung cho Khoa thêm một biên chế, Chị Điều dưỡng trưởng khoa đề nghị xin được nhận thêm một điều dưỡng viên. Bác sĩ trưởng khoa quyết định nhận thêm một bác sĩ. Bởi vì, theo ông, nếu nhận bác sĩ thì khi thiếu điều dưỡng bác sĩ có thể làm điều dưỡng, nếu nhận điều dưỡng thì khi thiếu bác sĩ điều dưỡng không thể làm thay bác sĩ được.
Bạn có nhận xét gì và cách giải quyết tình huống trên như thế nào?
Trả lời
Nhận xét: Người BS trưởng khoa trong tình huống nhìn nhận chưa thật sự đầy đủ vì mỗi nghề nghiệp có chức năng, nhiệm vụ khác nhau.
Cách giải quyết
- Trao đổi, thuyết phục với BS trưởng khoa những vấn đề sau:
+ BS và ĐD là 2 nghề, được đào tạo khác nhau, có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Công tác điều dưỡng chăm sóc người bệnh muốn đạt được hiệu quả thì đòi hỏi sự chăm sóc chuyên nghiệp, bài bản.
+ Điều dưỡng viên được đào tạo chuyên ngành về chăm sóc, theo dõi người bệnh. BS có thể thực hiện công việc chăm sóc bệnh nhân nhưng không thể thay thế được điều dưỡng.
+ Tỷ lệ BS/ĐD của khoa là 1/1.7, như vậy chưa đảm bảo theo quy định tại TTLT số 08/2007/TTLT-BNV-BYT (1/3 - 1/3.5).
+ Hiện tại, khoa luôn trong tình trạng quá tải. Nếu không cải thiện có thể ảnh hưởng đến công tác chăm sóc người bệnh, giảm sự hài lòng NB.
- Đề xuất điều chỉnh, bố trí nhân lực để hỗ trợ cho các khoa trọng điểm, khoa quá tải bệnh nhân.
- Trong thời gian chưa bổ sung nhân lực, tiếp tục động viên, khuyến khích nhân viên làm việc.
Tình huống 12:
Tại phòng bệnh, một điều dưỡng viên sau khi truyền dịch cho người bệnh, khi rút kim truyền do bất cẩn để kim đâm vào tay gây chảy máu. Điều dưỡng viên bên cạnh chạy đến lấy tay ấn vào vết thương để cầm máu và an ủi “Không sao, bệnh nhân mới vào viện cấp cứu ngộ độc thức ăn, không phải HIV đâu”.
Bạn nhận xét gì và giải quyết tình huống này như thế nào?
Trả lời
Nhận xét: ĐDV chưa thực hiện đúng quy trình xử lý khi bị phơi nhiễm do kim đâm và nhận thức chưa đúng về nguy cơ lây nhiễm.
Cách giải quyết:
- Nhắc nhở, góp ý rút kinh nghiệm cho điều dưỡng viên các vấn đề :
+ Phải coi máu, dịch tiết của tất cả NB là nguy cơ lây nhiễm cao với các bệnh HIV, HBV, HCV, không phân biệt chẩn đoán.
+ Hướng dẫn điều dưỡng xử lý phơi nhiễm do vật sắc nhọn đúng quy trình:
+ Phải rửa ngay vùng da bị tổn thương bằng xà phòng và nước, dưới vòi nước chảy. Để máu ở vết thương tự chảy, không nặn bóp vết thương.
+ Báo cáo điều dưỡng trưởng khoa lâp biên bản, báo cáo tai nạn rủi ro do vật sắc ̣ nhọn cho cán bộ chuyên trách của BV để theo dõi
- Tổ chức tập huấn hướng dẫn chu đáo cho điều dưỡng toàn khoa về việc thực hiện đúng quy trình, quy định xử lý phơi nhiễm vật sắc nhọn.
Tình huống 13 :
Tại đầu giường một thai phụ đang chờ sinh có 01 hộp sữa dùng cho trẻ sơ sinh, hỏi thì chị bảo: Tôi nghe họ quảng cáo sữa này rất tốt cho trẻ mới đẻ nên tôi mua cho con uống.
Gặp trường hợp này bạn sẽ giải quyết thế nào ?
Trả lời
Đối với thai phụ: Dùng hiểu biết và kỹ năng của mình để tư vấn lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ cho thai phụ, cụ thể:
- Sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ .
- Sữa mẹ có chứa các chất kháng khuẩn và chống dị ứng.
- Thuận tiện đỡ tốn kém.
- Tăng cường mỗi quan hệ tình cảm mẹ con
- Giúp bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ
- Giúp kế hoạch hóa gia đình
Tóm lại: Nuôi con bằng sữa mẹ có nhiều lợi ích cho cả mẹ và con. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Đối với Hộ sinh chăm sóc: Nhắc nhở các Hộ sinh:
- Cần tư vấn lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ và không cho con uống sữa ngoài cho tất cả các bà mẹ khi vào khoa
- Thường xuyên nhắc nhở NB và kiểm tra nghiêm ngặt việc mua sữa ngoài cho con uống.
- Có biện pháp ngăn chặn biểu hiện môi giới hoặc bán sữa.
Tình huống 14:
Người bệnh khoa nội có chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, được BS cho chỉ định thuốc kháng sinh kết hợp Metronidazol 250mg ngày 2 lọ chia 2 lần lúc 8h và 16h. Hôm nay, là ngày cuối cùng đợt điều trị, mai ra viện. NB đề xuất và được cô Lan Điều dưỡng chăm sóc đồng ý và đã truyền 2 lọ kháng sinh vào lúc 8h sáng nay để chiều xuất viện sớm. NB đến chào khoa để về lúc 14h chiều và cũng vui vẻ báo đã được truyền hết thuốc từ sáng.
Bạn sẽ giải quyết tình huống này thế nào?
Trả lời
- Đối với NB cũng vui vẻ dặn dò NB chu đáo trước khi về.
- Đối với điều dưỡng Lan: Gặp riêng nhẹ nhàng phân tích cho Lan thấy sai sót chuyên môn về dùng thuốc và theo dõi dùng thuốc cho NB tại điều 10 của thông tư 07/2011/TT-BYT để khắc phục, cụ thể:
+ Dùng thuốc phải đúng theo y lệnh của BS điều trị
+ Thực hiện 5 đúng khi dùng thuốc cho NB
+ Hướng dẫn, giải thích cho NB tuân thủ điều trị
+ Phối hợp giữa BS và điều dưỡng trong dùng thuốc, nhằm tăng hiệu quả điều trị bằng thuốc và hạn chế sai sót trong chỉ đinh và sử dụng thuốc cho NB
- Đối với trách nhiệm ĐDTK của mình:
+ Tăng cường đi buồng nhắc nhở NB tuân thủ điều trị
+ Tổ chức họp điều dưỡng khoa để rút kinh nghiệm đồng thời phổ biến hướng dẫn lại quy định dùng thuốc và theo dõi dùng thuốc cho NB.
+ Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện y lệnh thuốc của điều dưỡng
Tình huống 15:
Phòng điều dưỡng kiểm tra tại khoa sản, phát hiện phiếu chăm sóc của NB Nguyễn Thị Hoa 40 tuổi bị băng huyết sau sinh do Hộ sinh Long theo dõi, ghi chép bị tẩy xoá, chỉnh sửa nhiều chỗ trong ngày.
Bạn giải quyết tình huống này thế nào khi được phòng điều dưỡng thông báo?
Trả lời
- Đối với Phòng điều dưỡng: Xin lỗi nhận khuyết điểm của khoa và hứa sẽ khắc phục không để tình trạng này tái diễn.
- Đối với Hộ sinh Long: Gặp riêng với thái độ nhẹ nhàng phân tích chỉ rõ cho Long nhận thấy sai sót của mình, cụ thể:
+ Vi phạm các hành vi bị cấm tại Khoản 10 điều 6 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Tẩy xóa sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh chữa bệnh.
+ Hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý (Khoản 1 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh).
+ Thực hiện ghi chép hồ sơ bệnh án theo quy định tại Điều 15 Thông tư 07/2011/TT-BYT ngày 26/1/2011 của BYT ban hành.
- Đối với trách nhiệm của mình: cần tiến hành
+ Họp hộ sinh khoa để rút kinh nghiệm đồng thời phổ biến hướng dẫn lại quy định ghi chép hồ sơ bệnh án
+Tăng cường kiểm tra giám sát việc ghi chép của Hộ sinh viên.
Tình huống 16:
Tại Khoa ngoại, Chị Hoàng Thị Mai 30 tuổi, buồng số 3, vào viện sáng nay với chẩn đoán TD tắc ruột. Lúc 23h, chị Mai đau bụng nhiều, mẹ chị Mai đến buồng trực gọi, ĐD Cao thị Xuyến vẫn ngồi yên trong phòng trực trả lời “Chị Mai sáng nay Bác sỹ đã khám và cho siêu âm, chụp phim cả rồi, không có gì cả, ngủ đi mai Bs đến khám lại”. Mẹ bệnh nhân đưa phong bì 200.000 đồng cho ĐD Xuyến, sau khi nhận phong bì, ĐD Xuyến đến xem Người bệnh, đo mạch, nhiệt, Huyết áp và báo BS đến khám cho xử trí tiêm thuốc. Sau khi tiêm thuốc NB đỡ đau ngủ ngon. Sáng mai ĐD Hoa đi tiêm nghe mấy người bệnh trong buồng số 3 nói lại “Cô Hoa ơi hôm qua, may mẹ chị Mai bỏ bì tiền cho cô ĐD trực nên mới được tiêm thuốc giảm đau mà ngủ yên, chứ không thì rên la cả đêm chúng tôi không ngủ được”. Sau khi tiêm xong Hoa vào buồng riêng báo cáo lại với Điều dưỡng trưởng Là ĐD trưởng khoa bạn sẽ giải quyết tình huống này thế nào?
Trả lời
- Biểu dương ĐD Hoa đã thực hiện tốt việc: Phát hiện công chức không thực hiện đúng quy định đã phản ánh đến cấp có thẩm quyền
- Gặp trực tiếp hai mẹ con chị Mai thăm hỏi động viên và hỏi rõ chi tiết sự việc để nắm thông tin chính xác.
- Sau đó gặp ĐD Xuyến với tinh thần vui vẻ chân thành để đối chiếu thông tin của người bệnh.
- Nếu ĐD Xuyến không nhận lỗi như lời người bệnh, sẽ mời cả hai mẹ con Mai vào phòng riêng đối chất với ĐD Xuyến để xác minh chính xác sự việc.
- Nếu ĐD Xuyến chấp nhận những ý kiến phản ánh của người bệnh thì phân tích chỉ rõ cho Xuyến thấy được lỗi của mình.
- Yêu cầu Xuyến viết cam kết không tái diễn lỗi như thế này nữa đồng thời gặp NB và gia đình người bệnh xin lỗi trả lại 200.000 với thái độ cầu thị được lượng thứ.
- Tổ chức họp ĐD để rút kinh nghiệm đồng thời phổ biến lại những nội dung trong Luật khám, chữa bệnh, Quy tắc ứng xử, Thông tư 07/2011/TT-BYT... cho tập thể ĐD nắm lại để phòng tránh sai phạm tiếp theo trong chăm sóc NB.
- Tăng cường đi buồng thân thiện với NB và gia đình NB để tiếp nhận thông tin phản ánh từ NB về tinh thần thái độ phục vụ của ĐD để kịp thời uốn nắn.
Tình huống 17:
Là ĐD Trưởng khoa, sáng nay đi buồng lúc 10 giờ thấy buồng số 4 tất cả các bệnh nhân đều có nửa số lượng thuốc viên để ở đầu giường, có 1 NB còn nguyên cả gói thuốc chưa uống viên nào, hỏi tại sao chưa uống, NB đó trả lời: chờ 11h30 mở cửa khoa con tôi đưa cơm vào ăn xong sẽ uống.
Bạn có suy nghĩ gì, hướng khắc phục tình huống này thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
Điều dưỡng chăm sóc chưa thực hiện đúng việc dùng thuốc cho NB (Theo Điều 10 của Thông tư 07/2011/TT-BYT).
Hướng khắc phục
Đối với Điều dưỡng phụ trách buồng:
- Mời Điều dưỡng vào buồng bệnh kiểm tra lại những NB nào chưa uống hướng dẫn đưa nước cho NB uống ngay và xin thu lại số thuốc còn lại để chiều phát cho NB uống đúng giờ.
- Mời vào phòng làm việc phân tích cho điều dưỡng này nhận thấy được những sai sót mà ĐD đã vi phạm:
+ Điều 10 của Thông tư 07/2011/TT-BYT đó là: Phải cho NB dùng thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian và bảo đảm NB uống thuốc ngay tại giường trước sự chứng kiến của ĐD.
+ Không hướng dẫn cụ thể cách uống của từng loại thuốc, nên NB cứ phải đợi ăn no đã mới uống
Đối với trách nhiệm ĐDTK của mình:
+ Tổ chức họp điều dưỡng khoa rút kinh nghiệm đồng thời phổ biến hướng dẫn lại quy định dùng thuốc và theo dõi dùng thuốc cho NB tại Thông tư 07/2011/TTBYT nhằm tránh sai sót khác xẩy ra.
+ Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện y lệnh thuốc của điều dưỡng viên.
Tình huống 18:
Tại Phòng hậu phẫu, có NB 50 tuổi với chẩn đoán: Hậu phẫu cắt 2/3 dạ dày ngày thứ 2, có chỉ định chuyển về khoa ngoại điều trị. Cô Mai Điều dưỡng gọi 2 người nhà vào bế NB lên xe cáng để chuyển. Cô hướng dẫn: “Đặt xe cáng cùng chiều sát giường, 2 người nhà trèo lên giường bế NB sang cáng, còn cô đứng sát cáng, dùng 2 tay níu áo quần NB cùng kéo NB sang cáng”. NB rên la kêu đau, nên người nhà nổi nóng quát cô điều dưỡng “Cô kéo mạnh quá làm mẹ tôi đau”. Sau khi vận chuyển về cô Lan điều dưỡng hành chính khoa (Mới vào biên chế) góp ý nhẹ nhàng với cô Mai “Dì ơi cháu xin góp ý với dì, đừng bế kiểu đó làm NB đau, cần vận chuyển NB theo 1 trong các kỹ thuật mình đã học, như: “Đặt cáng song song, ngược đầu và cách giường 1 mét, có thể 2 hoặc 3 người thực hiện: Cả 3 người cùng đứng bên cạnh giường, bế NB đúng kỹ thuật, theo nhịp 1,2,3 cùng nâng NB lên, quay 180 độ, đặt NB nhẹ nhàng lên cáng lên cáng” Lan nói chưa dứt lời Mai liền đáp “Mày mới ra trường cứ ngồi đấy mà làm cho đúng quy trình, bao giờ cho xong việc, tao làm đã 20 năm nay kinh nghiệm đầy, mới mổ xong đau là chuyện đương nhiên, nhưng mấy đứa con bà này lắm chuyện”
Được chứng kiến tình huống này bạn suy nghĩ gì? Hướng khắc phục thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
- Đây là một trong những tình trạng thường xảy ra trong nghề nghiệp: Người làm lâu năm thường: cắt bỏ bớt xén quy trình, làm theo kinh nghiệm cho nhanh xong việc.
- Điều dưỡng Mai thực hiện quy trình vận chuyển sai, thiếu khiêm tốn lắng nghe ý kiến đồng nghiệp
- Điều dưỡng Lan đã thẳng thắn góp ý đúng, hướng dẫn đúng quy trình.
Khắc phục:
Đối với các điều dưỡng viên
- Góp ý nhắc nhở điều dưỡng Mai phải học hỏi và thực hiện đúng quy trình vận chuyển NB, đồng thời phải biết: Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao (Theo điểm c Khoản 1 Điều 4 Quy tắc ứng xử)
- Khen ngợi điều dưỡng Lan đã hướng dẫn đúng quy trình vận chuyển NB và thực hiện tốt quy tắc ứng xử với đồng nghiệp,: Trung thực, chân thành, đoàn kết, có tinh thần hợp tác, chia sẻ trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau (theo Điểm a Khoản 1 Điều 4 quy tắc ứng xử)
Đối với trách nhiệm là Điều dưỡng trưởng khoa:
+ Nêu sự việc đã xảy ra tại buổi giao ban Khoa để rút kinh nghiệm
+ Tiếp tục tập huấn quy tắc ứng xử và quy trình vận chuyển NB
+ Tăng cường kiểm tra giám sát, chấn chỉnh, nhắc nhở ĐD về thái độ giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp và cần thực hiện đầy đúng quy trình kỹ thuật chuyên môn.
Tình huống 19:
Hôm nay tổ chức cuộc họp Hội đồng người bệnh cấp khoa (Lãnh đạo khoa bận không có ai tham dự, một mình bạn là Điều dưỡng trưởng khoa chủ trì) một người bệnh có ý kiến “Tôi vào viện đã 1 tuần rồi, được Bác sỹ cho đi chụp phim, siêu âm, xét nghiệm đầy đủ cả, nhưng không thấy bác sỹ thông cáo kết quả gì cả. Tôi muốn được biết kết quả và tình trạng bệnh của tôi có gì nguy hiểm không”. Nhiều người bệnh cùng đồng tình có ý kiến yêu cầu như thế.
Bạn có suy nghĩ gì và giải quyết tình huống này ra sao?
Trả lời
Nhận xét:
- Khoa thực hiện chưa tốt Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo Khoản 1 Điều 7 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định: NB Được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh.
Cách giải quyết:
- Tiếp thu ý kiến của người bệnh với thái độ ân cần, cầu thị. Thông cảm với bệnh nhân là bản thân không có thẩm quyền giải quyết việc này, sẽ báo cáo lại với Bác sỹ trưởng khoa
- Sau đó gặp bác sỹ trưởng khoa để phản ánh lại kiến nghị của người bệnh; đề xuất trưởng khoa yêu cầu các Bs điều trị thực hiện đúng theo quy định đó là:
+ Giải thích kịp thời những đề nghị, thắc mắc của người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh (Theo Điểm b Khoản 3 Điều 6 Quy tắc ứng xử):
+ Được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh (Khoản 1 Điều 7 của Luật khám chữa bệnh)
- Nhắc nhở các điều dưỡng chăm sóc thường xuyên thăm hỏi tâm tư nguyện vọng của NB để kịp thời đáp ứng những thắc mắc của NB, hoặc đề xuất phản ánh với Bác sỹ.
Tình huống 20 :
Một người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế đúng tuyến, sau khi kết thúc điều trị, làm thủ tục ra viện phải nộp thêm 500.000 đồng. Người nhà bệnh nhân thắc mắc: “Bố đã có bảo hiểm y tế rồi, tại sao còn phải nộp nhiều tiền thế? Bác sỹ có dặn dò gì không?”. Bệnh nhân trả lời: “Họ chỉ bảo nộp tiền thì bố nộp. Không nghe nói gì cả”. Người con cầm biên lai thu tiền đến phòng làm việc của khoa hỏi “Tại sao bố tôi có thẻ bảo hiểm y tế còn phải nộp 500.000 đồng và Bố tôi về nhà có phải uống thuốc gì nữa không?”
Được chứng kiến tình huống trên bạn có suy nghĩ gì ? Hướng giải quyết thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
Điều dưỡng chăm sóc chưa thực hiện đúng các quy định Quy tắc ứng xử đối với người bệnh ra viện: Chưa thông báo và dặn dò người bệnh những điều cần thực hiện sau khi ra viện. Chưa Công khai chi tiết từng khoản chi phí trong phiếu thanh toán giá dịch vụ y tế mà người bệnh phải thanh toán.
Hướng giải quyết:
- Giải thích rõ ràng với người nhà bệnh nhân.
- Gặp trao đổi nhẹ nhàng với điều dưỡng chăm sóc cần thực hiện tốt các quy định đối với NB, cụ thể:
+ NB được cung cấp thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giải thích chi tiết về các khoản chi trong hóa đơn thanh toán dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Khoản 2 Điều 11 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định).
+ Những việc phải làm đối với người bệnh ra viện hoặc chuyển tuyến (Theo Điểm a và b Khoản 4 Điều 6 của Thông tư 07/2014/TT-BYT qui định về quy tắc ứng xử):
a) Thông báo và dặn dò người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh những điều cần thực hiện sau khi ra viện.
b) Công khai chi tiết từng khoản chi phí trong phiếu thanh toán giá dịch vụ y tế mà người bệnh phải thanh toán; giải thích đầy đủ khi người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh có yêu cầu.
- Nêu sự việc để rút kinh nghiệm tại buổi giao ban khoa.
- Tiếp tục tập huấn quy tắc ứng xử theo TT 07/2014/ TT-BYT
- Tăng cường kiểm tra giám sát, phê bình nhắc nhở ĐD thực hiện tốt các quy định khi NB ra viện
Tình huống 21:
Tại Khoa nội NB 50 tuổi, giường số 1, được chẩn đoán Viêm đại tràng. Lúc 8h Điều dưỡng chăm sóc phát: 02 viên Metronidazole 250mg, 1 gói bột Tràng Vị Khang và dặn: “Bác lấy nước uống nhé”. Điều dưỡng đang sang phát thuốc cho NB giường số 3, nghe ho, nhìn sang thấy NB Giường số 1, đang ngồi ho sặc sụa, mặt hơi tím tái. Điều dưỡng liền sang dùng tay vuốt ngực và đưa nước bảo NB “bác cố nuốt thêm miếng nước nữa cho đỡ ho”. Nghe NB giường bên cạnh nói “Tôi thấy bà ấy đổ cả thuốc viên và thuốc bột vào miệng nuốt 1 lần luôn, nên sặc đó”.
Nếu đang chứng kiến tình huống này bạn sẽ xử lý như thế nào ? Hướng khắc phục?
Trả lời
Xử lý:
- Xác định đây là NB bị sặc thuốc bột, để thực hiện ngay một trong hai phương pháp Heimlich:
+ Phương pháp 1: Điều dưỡng đứng sau NB, vòng 2 tay ra phía trước, bàn tay phải nắm lại, bàn tay trái cầm lấy bàn tay phải áp sát vùng thượng vị, giật mạnh vòng tay về phía cơ hoành từ dưới lên, có thể làm vài lần.
+ Phương pháp 2: Ngay lập tức đến đứng sau lưng người bệnh, 1 tay vòng ra phía trước đỡ NB, 1 tay đập mạnh vào lưng (Vùng giữa 2 xương bả vai)
- Sau mỗi động tác cần đánh giá xem dị vật đã được tống ra chưa. Thành công khi NB ngừng ho và da trở lại bình thường.
- Nếu NB tím tái khó thở hơn thì khẩn trương mời Bác sỹ xử trí.
Hướng khắc phục:
- Mời điều dưỡng cho NB uống thuốc vào nhẹ nhàng phân tích sai đúng để khắc phục.
- Đưa tình huống ra giao ban để rút kinh nghiệm
- Tổ chức hướng dẫn cho điều dưỡng trong khoa về cách hướng dẫn NB uống thuốc, (nhất là thuốc Tràng Vị Khang phải pha nước ấm để uống, không đổ cả gói bột vào miệng dễ bị sặc)
- Hướng dẫn phương pháp cấp cứu khi NB bị sặc theo: Phương pháp Heimlich
Tình huống 22:
Tại Khoa tim mạch người bệnh 70 tuổi được chẩn đoán: Tăng huyết áp, có ý kiến với bạn: “Chị ơi tôi bị cao Huyết áp đã hơn 6 năm rồi, điều trị ở BV Huyện gần 1 tháng, nay chuyển lên BV mình đã 3 ngày rồi, nhưng tôi thấy Huyết áp lúc lên lúc xuống tôi lo lắng quá, như: Chiều hôm trước mới vào viện chú điều dưỡng đo 190/90mmHg, sáng hôm qua cô điều dưỡng đo lại xuống 150/80mmHg, chiều nay cháu học sinh đo lại lên 160/80mmHg. Nhờ cô báo bác sỹ điều trị giúp tôi với tôi lo lắng quá”.
Bạn có suy nghĩ gì và hướng khắc phục như thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
- Kết quả đo Huyết áp của NB chưa chuẩn, bởi vì 3 người đo tại 3 thời điểm khác nhau trong lúc Huyết áp NB chưa ổn định.
- Điều dưỡng chưa theo dõi sát NB tăng HA, mà chỉ đo ngày 1 lần, và chưa có sự trao đổi thông tin NB với nhau để báo cáo BS.
- Giao cho học sinh đi đo mà không có sự giám sát theo dõi của điều dưỡng.
Hướng khắc phục:
- Gặp riêng từng điều dưỡng phân tích lỗi để rút kinh nghiệm:
+ Đối với NB Huyết áp không ổn định cần theo dói sát ít nhất 3h/lần, và chỉ 1 người đo, cùng 1 máy, cùng 1 thời điểm
+ Khi thấy dấu hiệu bất thường phải báo cáo BS xử trí.
+ Nếu có thay ca hoặc nghỉ trực phải bàn giao trao đổi về các dấu hiệu bất thường của NB với nhau để được theo dõi sát.
- Nêu sự việc để rút kinh nghiệm tại buổi giao ban.
- Tổ chức tập huấn phổ biến hướng dẫn lại quy định hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện theo Thông tư 07/2011/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành và thực hiện đúng nguyên tắc đo huyết áp.
- Tăng cường kiểm tra giám sát, phê bình nhắc nhở ĐD thực hiện tốt các quy định, trình kỹ thuật chăm sóc NB.
Tình huống 23:
Tại khoa cấp cứu, một người nhà bệnh nhân đang bơm súp qua ống thông cho bệnh nhân, xung quanh không có điều dưỡng chăm sóc nào.
Chứng kiến tình huống này bạn sẽ xử lý như thế nào ? Hướng khắc phục?
Trả lời
Xử lý:
- Lập tức vào chỗ người nhà bệnh nhân, giải thích cho người nhà hiểu rõ đối với người bênh có chỉ định ăn qua ống thông phải do điều dưỡng viên, hộ sinh viên trực tiếp thực hiện.
- Trực tiếp thực hiện việc cho người bệnh ăn qua ống thông.
Hướng khắc phục:
- Gặp riêng điều dưỡng chăm sóc phụ trách phòng cấp cứu phân tích lỗi để rút kinh nghiệm: Đối với người bênh có chỉ định ăn qua ống thông phải do điều dưỡng ̣ viên, hộ sinh viên trực tiếp thực hiện (quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư
07/2011/TT-BYT)
- Nêu sự việc để rút kinh nghiệm tại buổi giao ban.
- Tổ chức tập huấn phổ biến hướng dẫn lại quy định hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện theo Thông tư 07/2011/TT-BYT.
- Nhắc nhở điều dưỡng nghiêm cấm người nhà thực hiện những kỹ thuật chăm sóc thuộc phần hành của nhân viên y tế.
- Tăng cường kiểm tra giám sát để đôn đốc ĐD thực hiện tốt các quy trình, quy định chăm sóc NB.
Tình huống 24:
Bệnh nhân Nguyễn Văn A đang điều trị tại khoa Ngoại được chỉ định tiêm kháng sinh và test trước khi tiêm. Điều dưỡng Hoa cùng một điều dưỡng do Hoa hướng dẫn thực hành cùng đi tiêm. Khi chuẩn bị tiêm, điều dưỡng Hoa có điện thoại mời về phòng hành chính có việc gấp. Trước khi đi, Hoa dặn chờ Hoa quay lại rồi tiêm. Khi Hoa quay lại thì bênh nhân A đã được tiêm kháng sinh. Hoa hỏi: Sao không chờ chị ra rồi tiêm, đã test chưa? Điều dưỡng thực hành trả lời: Trong sổ tổng hợp y lệnh không ghi thử phản ứng nên em nghĩ bệnh nhân này không cần thử test?
Bạn nhận xét gì về tình huống này và xử lý như thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
- Điều dưỡng thực hành đã sai khi tự động tiêm cho NB mà không có người hướng dẫn, không khai thác tiền sử NB trước khi tiêm.
- ĐD hành chính sao chép y lệnh chưa đầy đủ
Xử lý:
- Giải thích để người bệnh yên tâm và chuyển người bệnh sang phòng cấp cứu của khoa để theo dõi.
- Báo cáo bác sỹ điều trị và cử điều dưỡng có kinh nghiệm theo dõi sát tình trạng người bệnh.
- Gặp riêng điều dưỡng chăm sóc và điều dưỡng thực hành phân tích lỗi để rút kinh nghiệm
+ Đối với điều dưỡng thực hành: Phải thực hiện đúng quy định khi thực hành trên NB; không được thực hiện kỹ thuật khi không có người có trách nhiệm giám sát. Phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng của BN trước khi tiêm
+ Điều dưỡng chăm sóc: rút kinh nghiệm lần sau, giám sát chặt chẽ không để tình trạng tương tự xảy ra
- Nêu sự việc để rút kinh nghiệm tại buổi giao ban
- Tổ chức tập huấn phổ biến hướng dẫn lại quy định hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện theo Thông tư 07/2011/TT-BYT
- Tăng cường kiểm tra giám sát để đôn đốc nhắc nhở ĐD thực hiện tốt các quy trình, quy định chăm sóc NB.
Tình huống 25 :
Tại một phòng cấp cứu, người nhà bệnh nhân đang rất lo lắng trước tình trạng của người bệnh và đã to tiếng với điều dưỡng. Người điều dưỡng không giữ được bình tĩnh cũng đã to tiếng với bệnh nhân.
Bạn sẽ xử lý thế nào? Theo bạn khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, bạn phải như thế nào?
Trả lời
Cách xử lý:
- Thông cảm, giải thích với người nhà bệnh nhân để người nhà hiểu, tạo điều kiện cho người điều dưỡng thực hiện nhiệm vụ.
- Sau đó, gặp riêng người điều dưỡng giải thích nhẹ nhàng: Đây là một hành động chưa thực hiện đúng quy tắc ứng xử theo Thông tư 07/2014/TT-BYT của người điều dưỡng. Trong bất cứ tình huống và hoàn cảnh nào người điều dưỡng cũng phải giữ bình tĩnh để lắng nghe và giải thích cho người bệnh
- Nêu sự việc để rút kinh nghiệm trong giao ban.
Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, người điều dưỡng, hộ sinh cần:
- Phải có thái độ:
+Niềm nở, tận tình và lịch sự .
+Tác phong, ngôn ngữ đúng đắn, nghiêm túc, nhã nhặn.
+Thông cảm và tôn trọng người bệnh.
+Động viên, giải thích và an ủi người bệnh
- Không nên :
+ Trao đổi thiếu văn hóa trong lời nói.
+ Nhận xét, phê phán công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc của tuyến trước hoặc của cơ sở y tế có liên quan trước mặt người bệnh
+ Có biểu lộ lo lắng, sợ hãi, thất vọng, thờ ơ, lạnh nhạt, diễu cợt, nô đùa, cãi vã.
Tình huống 26.
Trong đêm một bà mẹ bế con 3 tuổi đang sốt cao vào phòng cấp cứu, cháu kêu khát nước. Điều dưỡng trực lập tức đo nhiệt độ thấy 390C. Bà mẹ rất nôn nóng, cứ giục điều dưỡng cho bệnh nhân uống hạ sốt. Điều dưỡng trực liền lấy 1 viên Paracetamol cho bệnh nhân uống.
Theo bạn, người điều dưỡng đó xử trí như vậy có đúng không? Là điều dưỡng trực bạn sẽ xử trí như thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
- Người điều dưỡng tự cho bệnh nhân uống thuốc là sai. Vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư 07/2011/TT-BYT quy định Dùng thuốc và theo dõi dùng thuốc cho người bệnh, cụ thể: Khi dùng thuốc cho người bệnh, điều dưỡng viên, hộ sinh viên phải: Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Là điều dưỡng trực tôi sẽ xử trí như sau?
- Giải thích động viên an ủi người bệnh yên tâm bình tỉnh để phối hợp cùng nhân viên y tế cấp cứu NB.`
- Sử dụng các biện pháp hạ nhiệt không dùng thuốc như: nới rộng quần áo, lau ấm, cho NB uống nước …
- Liên lạc và mời bác sỹ trực khám xử trí kịp thời cho người bệnh.
- Trong lúc chưa có bác sỹ, luôn bên cạnh theo dõi sát người bệnh và liên tục thực hiện lau ấm cho NB
- Khi bác sỹ khám cho y lệnh thì khẩn trương thực hiện theo y lệnh bác sỹ
Tình huống 27 :
Một bệnh nhân được người nhà đưa thẳng vào Khoa Nội trong đêm (không qua Khoa cấp cứu) trong tình trạng khó thở tím tái. Điều dưỡng trực Khoa Nội hướng dẫn người bệnh ra Khoa khám bệnh làm thủ tục nhập viện.
Bạn suy nghĩ như thế nào về việc làm của điều dưỡng khoa nội? Nếu là điều dưỡng trực khoa nội bạn bạn sẽ giải quyết tình huống trên như thế nào?
Trả lời
Suy nghĩ về việc làm của điều dưỡng khoa Nội.
- Đây là một việc làm sai của điều dưỡng Khoa Nội, thể hiện sự thiếu hiểu biết do không nắm chắc các quy chế bệnh viện và đã vi phạm quy chế cấp cứu đó là không cấp cứu kịp thời ngay cho người bệnh; gây phiền hà trong thủ tục hành chính
và đùn đẩy người bệnh.
Nếu là điều dưỡng trực tôi sẽ giải quyết tình huống trên như sau:
- Thực hiện đúng theo quy chế cấp cứu đó là:
+ Người bệnh cấp cứu vào bất cứ khoa nào trong bệnh viện cũng phải được đón tiếp ngay, thủ tục hành chính thực hiện sau.
+ Điều dưỡng phải tiếp đón kết hợp cùng gia đình đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu thích hợp nhất của khoa.
+ Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện cấp cứu, đo dấu hiệu sinh tồn, động viên an ủi người bệnh và khẩn trương mời bác sỹ trực đến khám và ra y lệnh xử trí cấp cứu kịp thời.
+ Nếu người bệnh trong tình trạng nguy kịch phải tập trung sơ cứu và mời bác sỹ hồi sức hỗ trợ.
+ Sau đó hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục hành chính.
Tình huống 28 :
Một Điều dưỡng chuyển bệnh nhân từ Khoa khám bệnh vào Khoa điều trị. Điều dưỡng Khoa điều trị đã từ chối nhận bệnh nhân do thiếu một số thủ tục hành chính và hai bạn tỏ thái độ nặng nề với nhau.
Bạn nghĩ gì về 2 điều dưỡng trên? Chứng kiến tình huống trên là Điều dưỡng trưởng khoa điều trị bạn giải quyết thế nào?
Trả lời
Nhận xét về 2 điều dưỡng:
- Đối với điều dưỡng Khoa khám bệnh chuyển bệnh chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, không chuẩn bị đầy đủ các thủ tục trước khi chuyển người bệnh vào khoa điều trị.
- Đối với điều dưỡng nhận bệnh: Quá nguyên tắc trong khi làm nhiệm vụ, gây khó khăn cho người bệnh.
Là Điều dưỡng trưởng khoa điều trị tôi sẽ giải quyết:
- Nhẹ nhàng yêu cầu điều dưỡng khoa tiếp nhận người bệnh vào khoa như thường quy, hướng dẫn điều dưỡng khoa khám bệnh bàn giao người bệnh xong trở về vị trí làm việc để tránh lãng phí thời gian, hẹn sẽ gặp và trao đổi sau.
- Giám sát điều dưỡng khoa mình trong việc tiếp nhận người bệnh nếu có vướng mắc sẽ hỗ trợ giải quyết.
- Sau khi hoàn tất thủ tục tiếp nhận người bệnh mời bác sỹ đến khám bệnh và thực hiện y lệnh của bác sỹ.
- Mời điều dưỡng khoa mình vào phòng riêng nhẹ nhàng giải thích rõ những ưu khuyết điểm để đồng nghiệp tiếp thu và khắc phục.
- Đến khoa khám bệnh gặp ĐD trưởng khoa KB và ĐD chuyển bệnh vừa rồi để trao đổi những vấn đề thiếu sót của điều dưỡng khoa KB và cùng nhau phối hợp tốt trong quá trình làm việc giữa 2 khoa.
- Nêu sự việc trong giao ban khoa để rút kinh nghiệm.
Tình huống 29 :
Tại Khoa nội, người bệnh sau khi đi chụp phim về ngồi đợi mãi chưa thấy điều dưỡng đến tiêm thuốc (Theo y lệnh hàng ngày của NB). Đến 11 giờ, người bệnh đến phòng làm việc gặp điều dưỡng chăm sóc buồng: “Cô ơi tôi đi chụp phim về lâu rồi tiêm cho tôi với kẻo muộn”. Cô điều dưỡng không nhìn người bệnh vừa
viết vừa trả lời: “Bác về mà không báo để tiêm mà còn kêu muộn, về giường tý nữa cháu đến tiêm”.
Bạn cho nhận xét về sự việc trên? Được chứng kiến sự việc này là Điều dưỡng trưởng bạn giải quyết thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
Điều dưỡng chăm sóc đã vi phạm:
- Vi phạm chuyên môn là: Không đưa đón người bệnh đi chụp phim
- Không thực hiện y lệnh thuốc theo giờ.
- Vi phạm quy tắc ứng xử và đạo đức điều dưỡng khi giao tiếp với người bệnh.
Đang chứng kiến sự việc với vai trò của Điều dưỡng trưởng khoa, tôi sẽ:
- Chào hỏi người bệnh với thái độ thân thiện, thông cảm và mời người người bệnh về giường để tiêm.
- Yêu cầu điều dưỡng chăm sóc khẩn trương đi tiêm thuốc cho NB, đồng thời có lời thông cảm vì tiêm muộn đối với người bệnh.
- Sau khi tiêm xong mời điều dưỡng vào buồng riêng, giải thích chỉ rõ những thiếu sót cần phải khắc phục của điều dưỡng chăm sóc:
+ Phải dẫn người bệnh đi làm các cận lâm sàng không để NB tự đi.
+ Bố trí thời gian đi làm các cận lâm sàng hợp lý để thực hiện thuốc đúng giờ cho NB (Không bắt NB phải đến gọi), không đổ lỗi cho NB.
+ Khi giao tiếp phải nhìn người bệnh với thái độ niềm nở trả lời đầy đủ các câu hỏi và sẵn sàng giúp đỡ người bệnh khi có yêu cầu
+ Trả lời đầy đủ các câu hỏi của người bệnh, người nhà người bệnh và khách với thái độ ân cần, quan tâm và lịch sự .
Tình huống 30:
Tại Khoa cấp cứu, người bệnh mới vào khoa được bác sỹ khám và cho chỉ định làm xét nghiệm. Điều dưỡng Mai lại lấy máu để xét nghiệm nhưng người bệnh không cho lấy máu và đòi ra viện để đi Huế khám. Điều dưỡng Mai đồng ý cho người bệnh ra về.
Bạn cho nhận xét về sự việc trên? Được chứng kiến sự việc này là Điều dưỡng trưởng bạn giải quyết thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
- Điều dưỡng Mai cho NB về không ký cam kết vào bệnh án là sai
- Điều dưỡng Mai chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 12 Luật Khám bệnh, chữa bệnh về Quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Đang chứng kiến sự việc với vai trò của Điều dưỡng trưởng khoa, tôi sẽ:
- Đến gặp người bệnh với thái độ thân thiện, giải thích cụ thể và mời người người bệnh trở lại ký cam kết.
- Gặp riêng, nhắc nhở điều dưỡng Mai những quy định tại Điều 12 Luật Khám bệnh, chữa bệnh:
+ Người bệnh được từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng thủ thuật hoặc phương pháp điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối của mình.
+ Người bệnh được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản ...
- Nêu sự việc trong giao ban khoa để rút kinh nghiệm.
- Tổ chức tập huấn phổ biến hướng dẫn lại một số quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
- Tăng cường kiểm tra giám sát để đôn đốc nhắc nhở ĐD thực hiện tốt các quy trình, quy định.
Tình huống 31:
Trong khoa bạn có một điều dưỡng thường xuyên mặc trang phục y tế cũ đã đổi màu, nhăn nhúm.
Bạn có cảm nghĩ gì về điều dưỡng đó? Là điều dưỡng trưởng, bạn sẽ khắc phục tình trạng này như thế nào?
Trả lời
Cảm nghĩ về người điều dưỡng mặc trang phục y tế nhăn nhúm, đổi màu:
- Người điều dưỡng đó đã thể hiện sự thiếu tôn trọng bản thân và thiếu tôn trọng nghề nghiệp, tạo ấn tượng không tốt đối với người tiếp xúc và làm mất lòng tin ở người bệnh.
- Vi phạm quy chế trang phục y tế do Bộ Y tế quy định.
Hướng giải quyết:
- Gặp riêng và động viên giải thích và đưa ra một số yêu cầu cần phải thực hiện trước khi đến khoa: Trang phục chỉnh tề, sạch đẹp, không nhăn nhúm.
- Thường xuyên truyền thông, giáo dục cho các điều dưỡng viên thấm nhuần các phẩm chất về mỹ học của người điều dưỡng, cụ thể:
+ Sự tươm tất trong ăn mặc: người ĐD nghiêm chỉnh chững chạc trong tấm áo choàng trắng, tóc gọn gàng trong chiếc mũ đẹp sẽ gây được lòng tin trong người bệnh.
+ Tính đúng mức, không hào nhoáng, không chưng diện trước người bệnh: Trang điểm sặc sỡ, móng tay bôi sơn và để dài, đồ trang sức quá thừa sẽ ảnh hưởng xấu đến người bệnh tạo ra cảm giác thiệt thòi cho người bệnh.
+ Vẻ bên ngoài tề chỉnh: Nếu y phục xộc xệch, áo choàng nhàu nát, bẩn thỉu, tay bẩn, tóc rối bù, trong người toát ra mùi mồ hôi, mùi thuốc lá sẽ làm người bệnh khó chịu không tin tưởng và làm tổn hại đến uy tín của cán bộ y tế.
+ Kiêng có tật xấu .
- Tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở các điều dưỡng thực hiện tốt.
Tình huống 32:
Phòng điều dưỡng nhận được thông tin phản ảnh của điều dưỡng viên Khoa Lây: “Trong khoa có điều dưỡng A, gia đình giàu có, tính tình kiêu hãnh thiếu thân thiện với mọi người, việc làm thì chiếu lệ loa qua không chu đáo. Nhưng giỏi xu nịnh Điều dưỡng trưởng khoa nên bạn A muốn nghỉ lúc nào cũng được, muốn đổi trực cho ai cũng được, rồi hay kiếm chuyện làm quà mách lẻo với Điều dưỡng trưởng khoa, có khi chúng em bị Điều dưỡng trưởng mắng bâng quơ rất khó chịu… em rất sợ không dám góp ý. Mong Phòng có cách giúp chúng em chấm dứt tình trạng trên”. Sau khi xác minh thì nhiều điều dưỡng trong khoa cũng có ý kiến như vậy và kiểm tra bảng trực 6 tháng đầu năm nay thì bạn A là người đổi trực nhiều nhất.
Được nhận thông tin này từ Phòng điều dưỡng, là Điều dưỡng trưởng Khoa Lây bạn có suy nghĩ gì và hướng giải quyết khắc phục thế nào?
Trả lời
Nhật xét:
- Đây là biểu hiện thiếu công minh trong đối xử và điều hành của người điều dưỡng trưởng khoa
- Việc này có thể gây áp lực, thiếu lòng tin của các điều dưỡng viên khác, vì vậy cần khắc phục ngay.
Giải quyết khắc phục
- Khi nhận được thông tin từ Phòng điểu dưỡng: cảm ơn phòng và hứa sẽ xác minh, làm rõ sự việc một cách sớm nhất để báo cáo lại Phòng điều dưỡng.
- Sau đó, gặp riêng từng điều dưỡng trong khoa với thái độ cầu thị, chân thành, cởi mở để lấy ý kiến đánh giá về bản thân và nhận xét về điều dưỡng A.
- Tự suy xét lại sự đối xử và điều hành của mình trong thời gian qua.
- Tìm biện pháp để nghiêm túc khắc phục sửa chữa, đồng thời cần có thái độ nghiêm túc với điều dưỡng A.
- Tổ chức họp điều dưỡng khoa mời Phòng điều dưỡng đến dự, để nhận lỗi và hứa khắc phục nhằm tăng tình đoàn kết nội bộ trong khoa đồng thời làm tăng lòng tin với tập thể khoa và Phòng điều dưỡng.
Tình huống 33:
Tại buồng bệnh có nhiều người nhà ngồi trên giường, trong lúc Điều dưỡng chăm sóc vẫn tiến hành thực hiện y lệnh cho người bệnh. Vừa thấy Phòng Điều dưỡng cùng Điều dưỡng trưởng khoa đang đi buồng, cô điều dưỡng chăm sóc mới nói “Mời tất cả người nhà ra ngoài và cất đồ gọn gàng vào tủ cá nhân nhanh, đoàn kiểm tra đến, cháu sẽ bị phê bình”
Là điều dưỡng trưởng khoa bạn có suy nghĩ gì và giải quyết tình huống trên như thế nào?
Trả lời
Suy nghĩ:
- Đây là việc làm đối phó thường gặp của các điều dưỡng thiếu tinh thần trách nhiệm, cần phải chấn chính kịp thời.
Cách giải quyết:
- Vui vẻ nhẹ nhàng mời người nhà ra ngoài theo lịch thường quy của khoa.
- Sau giờ làm việc mời điều dưỡng chăm sóc vào phòng riêng phân tích cho hiểu được những thiếu sót trong việc làm và những lời nói với người bệnh thiếu trách nhiệm của mình, đó là:
+ Chủ động mời người nhà ra khỏi phòng và thu xếp buồng bệnh gọn gàng trước lúc thực hiện y lệnh, không vì sợ đoàn kiểm tra phê bình mới thực hiện.
+ Khi giao tiếp với người bệnh cần phải nhẹ nhàng lịch sự, không tạo cảm giác khó chịu cho người nhà.
+ Bình tĩnh nhận sai về mình khi đoàn kiểm tra đến, không nên đối phó.
- Nêu rút kinh nghiệm trong giao ban khoa.
- Thường xuyên kiểm tra giám sát việc quản lý buồng bệnh của các điều dưỡng viên.
Tình huống 34:
Tại khoa Nhi: Chiều nay Điều dưỡng trưởng khoa có lịch đi nghiệm thu hàng Vật tư tiêu hao tại Khoa dược, nhưng cuối buổi sáng có một điều dưỡng chăm sóc đề xuất: “Chị ơi, bệnh nhân A không hợp tác thực hiện y lệnh. Em thuyết phục mà không được lại còn to tiếng và đòi kiện lên Ban giám đốc. Bởi vậy, em nhờ chị ở nhà làm công tác tưởng cho bệnh nhân giúp em. Còn việc nghiệm thu chị ủy quyền cho Điều dưỡng hành chính cũng được”. Điều dưỡng trưởng khoa không đồng ý và vẫn đi nghiệm thu.
Bạn có nhận xét gì về tình huống này? Nếu là bạn cách giải quyết thế nào?
Trả lời
Nhận xét:
- Đây là tình trạng một điều dưỡng trưởng thiếu tinh thần trách nhiệm và thiếu quan tâm những ý kiến để xuất của các điều dưỡng viên, cần phải nghiêm túc sửa chữa.
Cách giải quyết:
- Nhận lời điều dưỡng chăm sóc, giúp làm công tác tư tưởng cho người bệnh.
- Ủy quyền lại cho điều dưỡng hành chính đi nghiệm thu hàng để ở nhà giải quyết công việc, như vậy mới đúng vai trò của người Điều dưỡng trưởng khoa.
- Chú ý phát huy vai trò của điều dưỡng trưởng khoa, cụ thể:
+ Phải biết bố trí lịch công tác phù hợp, biết lựa chọn những công việc ưu tiên trực tiếp giải quyết để thể hiện vai trò quản lý của người điều dưỡng trưởng và hỗ trợ các điều dưỡng viên khi cần.
+ Biết ủy quyền đúng lúc.
+ Biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến đồng nghiệp, để chia sẻ khó khăn và giúp đỡ họ tiến bộ.
+ Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người Điều dưỡng trưởng khoa.
Tình huống 35 :
Tại cuộc họp Hội đồng người bệnh của Khoa nội, có 1 người bệnh (Lãnh đạo tỉnh) có nhiều ý kiến khen ngợi khoa, nhưng có một câu phê bình nhắc nhở: “Hồi xưa nhân viên y tế mang khẩu trang nghiêm túc, đợt này nằm viện tôi không yên tâm điều trị vì thấy nhân viên trong khoa ít khi mang khẩu trang, rất nguy hiểm”
Là người chủ trì cuộc họp bạn sẽ giải quyết trường hợp này thế nào?
Trả lời
- Xin cám ơn ý kiến của người bệnh
- Giải thích cho người bệnh hiểu được mục đích của đeo khẩu trang: Đeo khẩu trang đề phòng tránh lây nhiễm mầm bệnh qua đường thở, đường miệng, tránh gây ô nhiễm môi trường.
- Giải thích cho NB hiểu rõ, hiện nay BYT có quy định rõ việc sử dụng khẩu trang chỉ áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Trong phòng phẫu thuật, thủ thuật, buồng bệnh vô khuẩn.
+ Khi tiếp xúc người bệnh có nguy cơ lây bệnh theo đường hô hấp
+ Khi tiếp xúc chăm sóc người bệnh có vết thương hở
+ Khi làm các thủ thuật có nguy cơ bắn dịch hoặc máu
+ Khi tiếp xúc chăm sóc người bệnh suy giảm miễn dịch
- Có ý kiến với cuộc họp: Đề nghị tất cả người bệnh và người nhà thường xuyên có ý kiến góp ý với khoa hoặc với bệnh viện về những vấn đề chưa rõ hoặc chưa hài lòng để được giải đáp kịp thời, tránh sự hiểu nhầm đối với nhân viên y tế.
Việc làm dành cho sinh viên:
Việc làm điều dưỡng viên
Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất
Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên