Bài tập TỔNG QUAN VỀ KINH TẾ HỌC VĨ MÔ (có đáp án) | Kinh tế vĩ mô | Học viện Ngoại Giao

Trọn bộ câu hỏi ôn tập Chương 1: Tổng quan về kinh tế học vĩ mô học phần KINH TẾ VĨ MÔ dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm, nhận định đúng sai, bài tập,... được biên soạn tại Học Viện Ngoại Giao giúp bạn củng cố kiến thức, ôn tập và đạt kết quả cao cuối học phần.

Bài tập Chương 1: Tổng quan về kinh tế học vĩ mô (có đáp án)

TÓM TẮT LÝ THUYẾT

Kinh tế học là môn khoa học xã hội nghiên cứu cách thức lựa chọn của các cá nhân và xã hội trong việc sử dụng các nguồn lực khan hiếm để sản xuất các sản phẩm đầu ra (hữu hình và vô hình) và phân phối chúng cho các thành viên khác nhau của xã hội.

Kinh tế học thực chứng là việc mô tả và phân tích sự kiện, những mối quan hệ trong nền kinh tế từ đó đưa ra các phát biểu có tính khoa học về hành vi kinh tế.

Kinh tế học chuẩn tắc, đưa ra các nhận định, các phán xét xem nền kinh tế phải như thế nào hoặc phải có chính sách kinh tế gì để đạt được một mục tiêu kinh tế.

Kinh tế vĩ mô nghiên cứu sự vận động và những mối quan hệ kinh tế chủ yếu của một đất nước trên bình diện toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Kinh tế vi mô nghiên cứu hoạt động, hành vi của các doanh nghiệp, hộ gia đình và người tiêu dùng…

Nền kinh tế là một hệ thống các hoạt động của con người liên quan đến sản xuất, phân phối, trao đổi, và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trong một quốc gia hoặc một khu vực địa lý nhất định.

Những vấn đề cơ bản của nền kinh tế: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai? Các vấn đề kinh tế cơ bản đều mang tính lựa chọn, vì các nguồn lực để sản xuất ra sản phẩm đều khan hiếm và tồn tại cách sử dụng khác nhau các nguồn lực trong việc sản xuất ra các sản phẩm khác nhau.

Các thành viên tham gia vào nền kinh tế: là các chủ thể ra các quyết định lựa chọn. Bao gồm: Người tiêu dùng; Các doanh nghiệp; Chính phủ; Người nước ngoài.

Cơ chế hoạt động của nền kinh tế là cách thức xã hội giải quyết ba vấn đề kinh tế cơ bản: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai? Cơ chế hoạt động của nền kinh tế gắn liền với hình thức tổ chức nền kinh tế của quốc gia.

Những nguyên lý của kinh tế học

  • Nguyên lý 1: Con người đối mặt với sự đánh đổi
  • Nguyên lý 2: Chi phí của một thứ là thứ mà bạn phải từ bỏ để có được nó
  • Nguyên lý 3: Con người hành động hợp lý suy nghĩ tại điểm cận biên
  • Nguyên lý 4: Con người đáp lại các kích thích
  • Nguyên lý 5: Thương mại làm cho mọi người đều có lợi
  • Nguyên lý 6: Thị trường là phương thức tốt để tổ chức hoạt động kinh tế
  • Nguyên lý 7: Đôi khi chính phủ cải thiện được kết cục thị trường
  • Nguyên lý 8: Mức sống của một nước phụ thuộc vào năng lực sản xuất của nước đó
  • Nguyên lý 9: Giá cả tăng khi chính phủ in quá nhiều tiền
  • Nguyên lý 10: Chính phủ đối mặt với sự đánh đổi ngắn hạn giữa lạm phát và thất nghiệp

Đối tượng nghiên cứu của kinh tế vĩ mô. Kinh tế vĩ mô là một phân ngành của kinh tế học nghiên cứu sự vận động và những mối quan hệ kinh tế chủ yếu của một đất nước trên bình diện toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Mục tiêu kinh tế vĩ mô

- Thành tựu của một đất nước được đánh giá theo 3 dấu hiệu chủ yếu:

- Sự ổn định kinh tế là kết quả của việc giải quyết tốt những vấn đề kinh tế cấp bách trong thời kỳ ngắn hạn như: Lạm phát, suy thoái, thất nghiệp.

- Tăng trưởng kinh tế đòi hỏi giải quyết tốt những vấn đề dài hạn có liên quan tới việc phát triển kinh tế như đầu tư, cung cầu trong dài hạn

- Công bằng trong phân phối vừa là vấn đề xã hội vừa là vấn đề kinh tế Để đạt được sự ổn định, tăng trưởng và công bằng các chính sách kinh tế vĩ mô phải hướng tới các mục tiêu cụ thể sau:

- Mục tiêu sản lượng:

  • Sản lượng thực tế cao tương ứng với mức sản lượng tự nhiên
  • Tốc độ tăng trưởng cao và vững chắc

- Mục tiêu việc làm:

  • Tạo được nhiều việc làm tốt
  • Hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp (duy trì mức thất nghiệp tự nhiên)

- Mục tiêu ổn đinh giá cả: hạ thấp và kiểm soát lạm phát trong điều kiện kinh tế thị trường tự do

- Mục tiêu kinh tế đối ngoại: Ổn định tỷ giá hối đoái; Cân bằng cán cân thanh toán.

- Mục tiêu công bằng: vừa là vấn đề xã hội vừa là vấn đề kinh tế

Các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô

  • Chính sách tài khóa
  • Chính sách tiền tệ
  • Chính sách thu nhập
  • Chính sách kinh tế đối ngoại

Phương pháp nghiên cứu kinh tế vĩ mô. Phương pháp phân tích cân bằng tổng thể; Phương pháp trừu tượng hóa.

Mối quan hệ giữa các biến số kinh tế vĩ mô cơ bản: Tổng sản phẩm trong nước và tăng trưởng kinh tế; Chu kỳ kinh tế và sự thiếu hụt sản lượng; Tăng trưởng kinh tế và thất nghiệp; Tăng trưởng và lạm phát; Lạm phát và thất nghiệp.

CÁC CÂU HỎI BÀI TẬP 

1. Nhận định đúng/ sai

Câu 1. Nhận định “Lạm phát năm 2007 ở Việt Nam thấp hơn năm 2008” là nhận định chuẩn tắc.

Sai. Là nhận định thực chứng vì hàm chứa những mô tả khách quan về tỷ lệ lạm phát của Việt Nam năm 2007 và 2008

Câu 2. Nhận định “Cắt giảm trợ cấp thất nghiệp sẽ làm giảm tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên” là nhận định thực chứng.

Đúng. Là nhận định thực chứng vì lý giải các vấn đề mang tính nhân quả.

Câu 3. Đánh đổi là điều không tránh khỏi vì mong muốn thì hữu hạn còn các nguồn lực vô hạn.

Sai. Đánh đổi là điều không tránh khỏi vì mong muốn thì vô hạn còn các nguồn lực khan hiếm.

Câu 4. Nghiên cứu sự vận động và những mối quan hệ kinh tế chủ yếu của một nền kinh tế là nội dung nghiên cứu của Kinh tế vi mô.

Sai. Nghiên cứu sự vận động và những mối quan hệ kinh tế chủ yếu của một nền kinh tế là nội dung nghiên cứu của Kinh tế vĩ mô.

Câu 5. Kinh tế vĩ mô là môn học nghiên cứu hành vi của những thành viên tham gia vào nền kinh tế.

Sai. Kinh tế vĩ mô là môn học nghiên cứu sự vận động và những mối quan hệ kinh tế chủ yếu của một nền kinh tế. Kinh tế vi mô là môn học nghiên cứu hành vi của những thành viên tham gia vào nền kinh tế.

2. Lựa chọn phương án trả lời đúng nhất

Câu 1. Kinh tế vĩ mô nghiên cứu:

a. Tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ trong nước.

b. Lạm phát và thất nghiệp

c. Tỷ giá hối đoái và cán cân thương mại.

d. Tất cả các phương án trên.

Câu 2. Kinh tế học chuẩn tắc đưa ra:

a. Mô tả và phân tích sự kiện, những mối quan hệ trong nền kinh tế.

b. Các phát biểu có tính khoa học về hành vi kinh tế.

c. Các nhận định, đánh giá chủ quan của các cá nhân.

d. Những nhận định đã được kiểm chứng trên thực tế.

Câu 3. Nhận định thực chứng:

a. Các nhận định, đánh giá chủ quan của các cá nhân.

b. Đưa ra các nhận định, các phán xét xem nền kinh tế phải như thế nào.

c. Là những nhận định liên quan đến việc đánh giá giá trị.

d. Là những nhận định được kiểm chứng bằng thực tế.

Câu 4. Mục tiêu ổn định giá cả nghĩa là:

a. Hạ thấp và kiểm soát có hiệu quả tỷ lệ lạm phát trong điều kiện thị trường tự do.

b. Sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đạt mức sản lượng cao tương ứng mức sản lượng tiềm năng đồng thời có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao và vững chắc.

c. Hạ thấp được tỷ lệ thất nghiệp và duy trì tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên.

d. Ổn định tỷ giá hối đoái và cân bằng cán cân thanh toán.

Câu 5. Vấn đề nào sau đây không thuộc nội dung nghiên cứu của kinh tế vĩ mô?

a. Tăng cung tiền và lạm phát.

b. Tăng trưởng thị phần tín dụng của BIDV và Vietinbank trên thị trường.

c. Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam.

d. Ảnh hưởng của thâm hụt ngân sách đến tiết kiệm quốc dân.

ĐÁP ÁN

1 2 3 4 5
D C D A B

3. Phân tích tình huống kinh tế

Tình huống 1. Chính sách tiền tệ trước bối cảnh đại dịch Covid-19 Diễn biến suy giảm của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh đại dịch khó kiểm soát, phần lớn các quốc gia trên thế giới đã phải triển khai các gói chính sách hỗ trợ kinh tế mạnh mẽ. Theo đó, chính sách tiền tệ (CSTT) liên tục được nới lỏng thông qua việc cắt giảm lãi suất chính sách, tiếp tục thực hiện các chương trình mua trái phiếu với quy mô lớn, triển khai nhiều chương trình cho vay tín dụng ưu đãi… Tính đến cuối năm 2020, theo thống kê của Tổ chức Central Bank News đã có khoảng 90 lượt cắt giảm lãi suất, trong đó có nhiều NHTW thực hiện cắt giảm lãi suất nhiều hơn 2 lần trong năm.

Câu hỏi: Bạn hãy chỉ ra nhận định thực chứng và nhận định chuẩn tắc từ thông tin của bài viết trên.

Gợi ý trả lời:

Mô tả tình trạng kinh tế thế giới, và động thái của các NHTW là nhận định thực chứng Đưa ra khuyến nghị chính sách là nhận định chuẩn tắc

Tình huống 2. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trước bối cảnh đại dịch Do hội nhập kinh tế sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng cũng thể hiện sức chống chịu đáng kể. Tăng trưởng GDP ước đạt 2,9% năm 2020. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương, nhưng đại dịch đã để lại những tác động dài hạn đối với các hộ gia đình - thu nhập của khoảng 45% hộ gia đình được khảo sát giảm trong tháng 1 năm 2021 so với tháng 1 năm 2020. Nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,6% năm 2021 nếu Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan của vi-rút đồng thời các ngành sản xuất hướng xuất khẩu hoạt động tốt và nhu cầu nội địa phục hồi mạnh mẽ.

Câu hỏi: Bạn hãy chỉ ra nhận định thực chứng và nhận định chuẩn tắc từ thông tin của bài viết trên.

Gợi ý trả lời:

Mô tả tình trạng kinh tế Việt Nam trước bối cảnh Covid-19 là nhận định thực chứng Đưa ra khuyến nghị chính sách về kiểm soát dịch bệnh, về thúc đẩy sản xuất, về thúc đẩy xuất khẩu… là nhận định chuẩn tắc

Xem thêm:

Bài tập Kinh tế vĩ mô Chương 1: Tổng quan về kinh tế học vĩ mô

Bài tập Kinh tế vĩ mô Chương 3: Sản lượng cẩn bằng

Bài tập Kinh tế vĩ mô Chương 6: Lạm phát thất nghiệp

Việc làm dành cho sinh viên:

Việc làm thực tập sinh kiểm toán

Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất

Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên

Việc làm cộng tác viên kế toán

Mức lương của Thực tập sinh kiểm toán là bao nhiêu? 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!