1. Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là gì?
Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là thuật ngữ dùng để diễn tả sự tích cực thái quá, có phần khiên cưỡng và giả tạo. Mục đích của trạng thái này là loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực đang ngự trị. So với cảm xúc tiêu cực, rõ ràng sự hào hứng và vui vẻ tốt hơn rất nhiều. Thế nhưng, tích cực độc hại xảy ra khi bạn thể hiện sự tích cực một cách không đúng nghĩa. Bên ngoài cười tươi, rạng rỡ nhưng ẩn sâu bên trong là một mớ hỗn độn chưa được giãi bày và bộc lộ.
Dùng sự tích cực để “vô hiệu hóa” những cảm xúc tiêu cực được cho là lối suy nghĩ độc hại. Kiểu suy nghĩ này sẽ khiến bạn không được sống với cảm xúc thật, nỗi buồn bên trong cứ lớn dần tạo thành sự u uất nặng nề. Cản trở quá trình “chữa lành” sau những tổn thương và giới hạn trải nghiệm của bạn đối với cuộc sống muôn màu.
2. Nhận diện tích cực độc hại – 5 Biểu hiện rõ nhất
Tích cực độc hại khó nhận biết vì sự độc hại này nằm ẩn sâu bên trong. Đôi khi chính bạn cũng không hề biết được sự tích cực mà bản thân đang thể hiện hóa ra là “chất độc” đang ăn dần ăn mòn tinh thần.
Khác hẳn với sự tích cực lành mạnh, tích cực độc hại có những biểu hiện như sau:
Luôn che giấu cảm xúc thật
Những người lạc quan luôn giữ được sự vui vẻ, hy vọng trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Thế nhưng họ chưa bao giờ che giấu những cảm xúc tồi tệ như lo lắng, bất an, buồn bã. Cảm xúc tiêu cực vẫn được thừa nhận và giải tỏa một cách lành mạnh, nhưng thay vì chìm đắm trong nỗi buồn, họ chọn thái độ lạc quan để đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.
Phủ định mọi cảm xúc tiêu cực
Sự tích cực độc hại được hiểu là trạng thái tích cực một cách thái quá và cực đoan. Trong bất cứ tình huống nào, cảm xúc tiêu cực cũng không được phép xuất hiện. Nếu bạn chỉ thể hiện sự tích cực và chưa bao giờ thừa nhận cảm xúc tiêu cực, nhiều khả năng bạn là người tích cực độc hại.
Gạt bỏ cảm xúc tiêu cực của người khác
Không chỉ phớt lờ cảm xúc tiêu cực của chính mình, những người tích cực độc hại cũng có xu hướng gạt bỏ cảm xúc tồi tệ của người khác. Thay vì đồng cảm, chia sẻ nỗi buồn, bạn phủ định hoàn toàn tâm trạng tồi tệ của đối phương.
Trước những câu an ủi có phần sáo rỗng, đối phương sẽ không tránh khỏi cảm giác xấu hổ vì đã để những cảm xúc tiêu cực có cơ hội hiện diện. Và như lời động viên từ bạn, họ cũng sẽ cố gắng dùng sự vui vẻ, lạc quan có phần khiên cưỡng để che giấu cảm xúc thật bên trong.
Đọc thêm: Nên làm gì khi rơi vào căng thẳng và lo âu? 6 cách vượt qua Stress
Phớt lờ vấn đề của bản thân
Một biểu hiện khác thường thấy ở những người tích cực độc hại là phớt lờ vấn đề bản thân đang gặp phải. Thay vì đối mặt và tìm cách giải quyết, bạn phớt lờ chúng với niềm tin mãnh liệt là điều này có thể khiến mình trở nên hạnh phúc.
Thế nhưng, vấn đề sẽ vẫn mãi ở đó nếu như không tìm cách giải quyết. Dù có cố gắng ngó lơ, vấn đề vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện trong tương lai nếu bạn không đối mặt và khắc phục. Phớt lờ vấn đề của bản thân khiến cuộc sống của bạn mãi “giậm chân tại chỗ”, bạn sẽ không thể học được kinh nghiệm sau những vấp ngã và tự giới hạn trải nghiệm đối với cuộc sống.
Những lời an ủi sáo rỗng
Người có tư duy tích cực độc hại thường an ủi người khác bằng những lời sáo rỗng. Đôi khi, những lời nói này xuất phát từ chủ đích tốt nhưng với tư duy “độc hại”, bạn sẽ khó đưa ra những lời động viên đúng nghĩa.
Những câu nói thường thấy ở người có tư duy tích cực độc hại:
- “Đừng lo lắng nữa, hãy vui vẻ lạc quan lên”
- “Mọi chuyện có thế thôi à, nhiều người còn phải đối mặt với những điều tồi tệ hơn”
- “Tôi thấy không có gì phải buồn cả, bạn nên vui vẻ lên”
- “Bạn đang quá yếu đuối đấy, vui vẻ lên nào”
Điểm chung của những câu nói trên là luôn phủ định cảm xúc tồi tệ của đối phương thay vì thừa nhận. Khi giãi bày tâm trạng, đối phương mong chờ nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu thay vì phủ định. Những câu nói này sẽ khiến họ nghĩ rằng, liệu bản thân có thật sự yếu đuối khi để cảm xúc tiêu cực lấn át hay không?
Đọc thêm: Vượt qua cô đơn trong môi trường công sở
3. Cách vượt qua “Sự tích cực độc hại”
Kiểm soát những cảm xúc tiêu cực thay vì chối bỏ chúng hoàn toàn
Những cảm xúc đó có thể gây căng thẳng, nhưng đồng thời chúng cũng cung cấp thông tin quan trọng để chúng ta tạo ra thay đổi trong cuộc sống.
Thành thật với những gì bạn đang cảm nhận
Khi đang đối diện với một tình huống khiến bạn căng thẳng, cảm giác lo âu, sợ hãi là điều hết sức bình thường. Những lúc như vậy, hãy tập trung chăm sóc bản thân tốt hơn ở những mặt khác và cải thiện những cảm giác đó từng chút một.
Chấp nhận sự tiêu cực
Nếu bạn đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bạn có quyền cảm thấy vô định về tương lai và hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp lên. Cảm xúc của con người luôn phức tạp và không hề đơn giản, tương tự những tình huống mà chúng ta đang phải đối mặt.
Tập trung lắng nghe người khác và thể hiện sự hỗ trợ chân thành
Khi ai đó chia sẻ với bạn về tình huống họ đang gặp phải, đừng dập tắt hy vọng được thấu cảm của họ bằng những lời động viên sáo rỗng. Thay vào đó, hãy cho họ biết rằng những gì họ đang cảm nhận là hoàn toàn bình thường và bạn đang ở cạnh họ để lắng nghe.
Để ý những cảm nhận của bản thân
Khi muốn có thêm động lực để cảm thấy vui vẻ hơn, người ta thường theo dõi những tài khoản mạng xã hội truyền đi thông điệp tích cực. Đây là một phương pháp hợp lý để cải thiện tâm trạng, nhưng bạn cần chú ý đến cảm xúc của mình sau khi xem qua những tài khoản này. Nếu bạn cảm thấy mình thật vô dụng và tội lỗi khi không sống tích cực hơn như những hình ảnh bạn thấy được trên mạng, đây là dấu hiệu của sự tích cực độc hại. Trong những trường hợp như vậy, điều bạn cần làm là hạn chế xem những hình ảnh tích cực từ các tài khoản mạng xã hội đó.
Đọc thêm: Lắng nghe tích cực (active listening) là gì? 10 cách để cải thiện kỹ năng này
4. Tác hại và hậu quả của tích cực độc hại
Cũng giống như mối quan hệ độc hại tình yêu độc hại… tích cực độc hại cũng sẽ “giết chết” bạn ở khía cạnh tinh thần. Rõ ràng, cảm xúc tiêu cực là điều không ai mong muốn, chẳng ai lại chọn nỗi buồn thay vì niềm vui và cảm giác hào hứng, lạc quan.
Tuy nhiên, cảm xúc tồi tệ là một phần của cuộc sống, sự đa dạng của các cung bậc xúc cảm mang đến trải nghiệm phong phú. Nếu chỉ thể hiện cảm xúc tích cực một cách “độc hại”, bạn sẽ phải đối mặt với những tác hại khôn lường:
Gia tăng căng thẳng
Tất cả mọi người đều được khuyến khích nên học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, kiểm soát khác hoàn toàn với phủ định và phớt lờ. Bạn nên quản lý cảm xúc để tránh những hành vi bộc phát và hạn chế mâu thuẫn trong các mối quan hệ.
Nhưng khi chỉ có một mình hay ở cạnh ai đó tin tưởng, nên bộc lộ cảm xúc thật thay vì che giấu. Dồn nén mọi cảm xúc tiêu cực vào bên trong sẽ khiến cho tinh thần ngày càng nặng nề, ngột ngạt. Dù không thể hiện ra bên ngoài, cảm xúc tiêu cực vẫn hiện diện ở đó làm gia tăng căng thẳng và thúc đẩy tăng sản xuất hormone cortisol.
Tăng mức độ của các cảm xúc tiêu cực
Giải tỏa kịp thời là cách tốt nhất để triệt tiêu những cảm xúc tiêu cực. Khi thấy không vui, bạn có thể khóc lóc, chia sẻ với bạn bè và những người đáng tin cậy. Sau đó, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn và sự buồn bã dường như đã vơi đi đáng kể.
Trong khi đó nếu cố gắng che đậy bằng thứ cảm xúc giả tạo, nỗi buồn dồn nén sẽ ngày càng chồng chất. Những cảm xúc tiêu cực vì thế sẽ tăng dần về mức độ và đến một lúc nào đó sẽ “bùng nổ” đúng nghĩa.
Hình thành chuỗi cảm xúc thứ cấp
Cảm xúc thứ cấp là những cung bậc xúc cảm hình thành từ những cảm xúc ban đầu. Chẳng hạn như nếu cảm thấy lạc quan, bạn sẽ hình thành cảm giác vui vẻ và hy vọng vào một điều gì đó. Ở những người tích cực độc hại, cảm xúc tiêu cực bị dồn nén sẽ kéo theo một chuỗi cảm xúc thứ cấp. Ví dụ cảm giác buồn bã sẽ kéo theo một loạt những cảm xúc khác như bi quan, thất vọng, lo âu...
Gia tăng các vấn đề tâm lý
Trong những năm gần đây, tích cực độc hại (Toxic Positivity) được quan tâm nhiều hơn. Vì các chuyên gia thấy rằng, lối tư duy này làm gia tăng các vấn đề tâm lý, đặc biệt là trầm cảm.
Khi ai đó luôn cố gắng che đậy nỗi buồn bằng niềm vui giả tạo, cảm giác buồn bã vẫn sẽ hiện diện ở đó. Theo thời gian, nỗi buồn tăng lên, ngày càng nặng nề và sâu sắc. Kéo theo đó là một loạt các cảm xúc thứ cấp như bi quan, đau khổ, chán nản, mất hứng thú, vô vọng… Nếu nỗi buồn quá lớn, bạn sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm trong một thời gian dài.
Không ít người trong chúng ta gặp phải trạng thái tích cực độc hại. Hi vọng với bài viết dưới đây mà 1900 - tin tức việc làm cung cấp, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích để áp dụng vào cuộc sống.
>> Khám phá thêm các chuyên mục hấp dẫn và hữu ích khác tại 1900.com.vn:
Review các công ty hàng đầu
Cẩm nang nghề nghiệp chi tiết nhất
Tham khảo mức lương hơn 1000 công việc phổ biến
Tổng hợp TOP công ty hàng đầu đa lĩnh vực