Tóm tắt lý thuyết Tư tưởng HCM về Đảng Cộng sản và nhà nước của dân, do dân và vì dân | VNU

Tóm tắt kiến thức về Đảng Cộng sản và nhà nước của dân, do dân và vì dân: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân,... Tài liệu học tập môn Tư tưởng Hồ Chí Minh tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội... giúp bạn học tập, ôn luyện và đạt điểm cao!

I. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam

1. Về tính tất yếu và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam:

- Hồ Chí Minh cho rằng: Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại và phát triển chính là do nhu cầu tất yếu của xã hội Việt Nam từ đầu năm 1930 trở đi.

- Trong tác phẩm Đường cách mệnh (năm 1927), Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng trước hết phải có “Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp ở mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.

- Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu, vai trò lãnh đạo của Đảng cũng là một tất yếu.

2. Đảng phải trong sạch, vững mạnh:

a. Đảng là đạo đức, là văn minh:

- Theo Hồ Chí Minh, đạo đức của Đảng thể hiện trên những điểm sau đây:

+ Mục đích hoạt động của Đảng là lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đó là sự nghiệp cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lê nin, làm cho dân tộc được độc lập, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc thực sự, đoàn kết hữu nghị với các dân tộc trên thế giới.

+ Cương lĩnh, đường lối, chủ trương và mọi hoạt động thực tiễn của Đảng đều phải nhằm mục đích đó. Đảng phải luôn luôn trung thành với lợi ích toàn dân tộc vì Đảng không có mục đích riêng; sự ra đời và phát triển của Đảng đều vì mục đích làm cho đất nước hùng cường đi lên chủ nghĩa xã hội, đưa lại quyền lợi cho dân.

+ Đội ngũ đảng viên phải luôn luôn thấm nhuần đạo đức cách mạng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, suốt đời phấn đấu cho lợi ích của dân, của nước.

- Theo Hồ Chí Minh, một đảng văn minh (hay còn gọi đó là “một Đảng cách mạng chân chính”) thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau đây:

+ Đảng văn minh là một Đảng tiêu biểu cho lương tâm, trí tuệ và danh dự của dân tộc.

+ Đảng ra đời là một tất yếu, phù hợp với quy luật phát triển văn minh tiến bộ của dân tộc và của nhân loại.

+ Đảng phải luôn trong sạch, vững mạnh, làm tròn sứ mệnh lịch sử cho nhân dân, dân tộc giao phó là lãnh đạo giành độc lập cho Tổ quốc và đưa lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

+ Trong giai đoạn cầm quyền, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Đảng không phải là tổ chức đứng trên dân tộc.

+ Đội ngũ đảng viên phải là những chiến sĩ tiên phong, gương mẫu trong công tác và cuộc sống hằng ngày.

+ Đảng có quan hệ quốc tế trong sáng, hoạt động không những vì lợi ích dân tộc Việt Nam mà còn vì độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác; Vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của các dân tộc trên thế giới.

- Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

b. Những vấn đề nguyên tắc trong hoạt động của Đảng:

- Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động.

- Tập trung dân chủ. Tập trung trên nền tảng dân chủ, dân chủ phải đi đến tập trung.

- Tự phê bình và phê bình.

- Kỷ luật nghiêm minh, tự giác.

- Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn.

Đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

- Đảng phải liên hệ mật thiết với nhân dân.

Đoàn kết quốc tế.

c. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên:

- Những yêu cầu chủ yếu đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên:

+ Phải tuyệt đối trung thành với Đảng.

+ Phải là những người nghiêm chỉnh thực hiện cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng.

+ Phải luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng.

+ Phải luôn luôn học tập nâng cao trình độ về mọi mặt.

+ Phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân.

+ Phải luôn luôn chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo.

+ Phải là những người luôn luôn phòng và chống các tiêu cực.

- Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ vì “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong công tác cán bộ, Hồ Chí Minh yêu cầu: Phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ; phải chú trọng huấn luyện cán bộ, huấn luyện một cách thiết thực, có hiệu quả; phải đề bạt đúng cán bộ; Phải sắp xếp, sử dụng cán bộ cho đúng; phải kết hợp “cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương”; Phải chống bệnh địa phương cục bộ; Phải kết hợp cán bộ trẻ với cán bộ cũ; Phải phòng và chống các tiêu cực trong công tác cán bộ; Phải thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ cán bộ.

II. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

1. Nhà nước dân chủ:

a. Bản chất giai cấp của nhà nước:

- Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước Việt Nam thể hiện trên mấy phương diện:

+ Một là, Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

+ Hai là, bản chất giai cấp của Nhà nước Việt Nam thể hiện ở tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự phát triển đất nước.

+ Ba là, bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước thể hiện ở nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nó là nguyên tắc tập trung dân chủ.

- Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước thống nhất với tính nhân dân và tính dân tộc, thể hiện cụ thể như sau:

+ Một là, Nhà nước Việt Nam ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của rất nhiều thế hệ người Việt Nam, của toàn thể dân tộc.

+ Hai là, Nhà nước Việt Nam ngay từ khi ra đời đã xác định rõ và luôn kiên trì, nhất quán mục tiêu vì quyền lợi của nhân dân, lấy quyền lợi của dân tộc làm nền tảng.

+ Ba là, trong thực tế, Nhà nước Việt Nam đã đảm đương nhiệm vụ mà toàn thể dân tộc giao phó là tổ chức nhân dân tiến hành các cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần tích cực vào sự phát triển tiến bộ của thế giới.

b. Nhà nước của nhân dân:

- Tất cả mọi quyền lực trong nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân.

- Nhân dân thực thi quyền lực thông qua hai hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ trong đó nhân dân trực tiếp quyết định mọi vấn đề liên quan đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc và quyền lợi của dân chúng. Dân chủ gián tiếp Đó là hình thức dân chủ mà trong đó nhân dân thực thi quyền lực của mình thông qua các đại diện mà họ lựa chọn, bầu ra và những thiết chế quyền lực mà họ lập nên. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, trong hình thức dân chủ gián tiếp:

+ Quyền lực nhà nước là “thừa ủy quyền” của nhân dân. Tự bản thân nhà nước không có quyền lực. Quyền lực của nhà nước là do nhân dân ủy thác do.

+ Nhân dân có quyền kiểm soát, phê bình nhà nước, có quyền bãi miễn những đại biểu mà họ đã lựa chọn, bầu ra và có quyền giải tán những thiết chế quyền lực mà họ đã lập nên.

+ Luật pháp dân chủ và là công cụ quyền lực của nhân dân. Luật pháp là của nhân dân, là công cụ thực thi quyền lực của nhân dân, là phương tiện để kiểm soát quyền lực nhà nước.

c. Nhà nước do nhân dân:

- Nhân dân “cử ra”, “tổ chức nên” nhà nước dựa trên nền tảng pháp lý của một chế độ dân chủ và theo các trình tự dân chủ với các quyền bầu cử, phúc quyết, v.v.

- Nhà nước do dân còn có nghĩa “dân làm chủ”. Nếu “dân là chủ” xác định vị thế của nhân dân đối với quyền lực nhà nước, thì “dân làm chủ” nhấn mạnh quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân với tư cách là người chủ.

- Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để nhân dân được thực thi những quyền mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định, hưởng dụng đầy đủ quyền lợi và làm tròn nghĩa vụ làm chủ của mình.

- Nhà nước do dân cần coi trọng việc giáo dục nhân dân, đồng thời nhân dân cũng phải tự giác phấn đấu để có đủ năng lực thực hiện quyền dân chủ của mình.

d. Nhà nước vì nhân dân:

Nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi, thực sự trong sạch, cần kiệm liêm chính.

- Trong Nhà nước vì dân, cán bộ vừa là đày tớ, nhưng đồng thời phải vừa là người lãnh đạo nhân dân.

2.Nhà nước pháp quyền:

a. Nhà nước hợp hiến, hợp pháp:

Hồ Chí Minh luôn chú trọng vấn đề xây dựng nền tảng pháp lý cho Nhà nước Việt Nam mới. Người đã sớm thấy rõ tầm quan trọng của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống chính trị - xã hội.

- Sau này, khi trở thành người đứng đầu Nhà nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh càng quan tâm sâu sắc hơn việc bảo đảm cho Nhà nước được tổ chức và vận hành phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, đồng thời, căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật để điều hành xã hội, làm cho tinh thần pháp quyền thấm sâu và điều chỉnh mọi quan hệ và hoạt động trong Nhà nước và xã hội.

b. Nhà nước thượng tôn pháp luật:

- Hồ Chí Minh luôn chú trong xây dựng hệ thống luật pháp dân chủ, hiện đại.

- Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng đưa pháp luật vào trong cuộc sống, đảm bảo cho pháp luật được thi hành và có cơ chế giám sát việc thi hành pháp luật.

- Hồ Chí Minh chỉ rõ sự cần thiết phải nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực sử dụng luật của người dân, giáo dục ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật trong nhân dân.

- Hồ Chí Minh luôn nêu cao tính nghiêm minh của pháp luật.

- Hồ Chí Minh luôn luôn khuyến khích nhân dân phê bình, giám sát công việc của Nhà nước, giám sát quá trình Nhà nước thực thi pháp luật, đồng thời không ngừng nhắc nhở cán bộ các cấp, các ngành phải gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, trước hết là các cán bộ thuộc ngành hành pháp và tư pháp.

c. Pháp quyền nhân nghĩa:

Nhà nước phải tôn trọng, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền con người, chăm lo đến lợi ích của mọi người.

- Pháp luật có tính nhân văn, khuyến thiện.

3. Nhà nước trong sạch, vững mạnh:

a. Kiểm soát quyền lực nhà nước:

- Kiểm soát quyền lực nhà nước là tất yếu. Một khi đã nắm giữ quyền lực, cơ quan nhà nước hay cán bộ nhà nước đều có thể trở nên lạm quyền.

- Về hình thức kiểm soát quyền lực Nhà nước, theo Hồ Chí Minh, trước hết, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để kiểm soát có kết quả tốt, theo Hồ Chí Minh, cần có hai điều kiện là việc kiểm soát phải có hệ thống và người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín. Người còn nêu rõ hai cách kiểm soát là từ trên xuống và từ dưới lên. Người nhấn mạnh, phải “khéo kiểm soát”.

Vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước dựa trên cách thức tổ chức bộ máy nhà nước và việc phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước bước đầu cũng đã được Hồ Chí Minh đề cập đến.

- Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, vì thế, nhân dân có quyền kiểm soát quyền lực Nhà nước.

b. Phòng, chống tiêu cực trong Nhà nước:

- Hồ Chí Minh thường nói đến những tiêu cực sau đây và nhắc nhở mọi người đề phòng và khắc phục:

+ Đặc quyền, đặc lợi.

+ Tham ô, lãng phí, quan liêu.

+ “Tư túng”, “chia rẽ”, “kiêu ngạo”.

- Những nguyên nhân nảy sinh tiêu cực được Hồ Chí Minh tiếp cận rất toàn diện. Trước hết là nguyên nhân chủ quan, bắt nguồn từ căn “bệnh mẹ” là chủ nghĩa cá nhân, tự sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện của bản thân cán bộ. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khách quan.

- Phòng, chống tiêu cực trong Nhà nước là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trong nhiều tác phẩm khác nhau, ở nhiều thời điểm khác nhau, Hồ Chí Minh đã nêu lên nhiều biện pháp khác nhau. Khái quát lại, có thể thấy nổi bật một hệ thống biện pháp cơ bản như sau:

+ Một là, nâng cao trình độ dân chủ trong xã hội, thực hành dân chủ rộng rãi, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đó là giải pháp căn bản và có ý nghĩa lâu dài.

+ Hai là, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra phải thường xuyên. Cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc và tự giác tuân thủ pháp luật, kỷ luật.

+ Ba là, phạt nghiêm minh, nghiêm khắc, đúng người đúng tội là cần thiết, song việc gì cũng xử phạt thì lại không đúng. Cần coi trọng giáo dục, lấy giáo dục, cảm hóa làm chủ yếu.

+ Bốn là, cán bộ phải đi trước làm gương, cán bộ giữ chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng lớn.

+ Năm là, phải huy động sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước vào cuộc chiến chống lại tiêu cực trong con người, trong xã hội và trong bộ máy Nhà nước.

 

Xem thêm: 

Tóm tắt lý thuyết Tư tưởng Hồ Chí Minh

Tóm tắt lý thuyết chương 1: Đối tượng, phương pháp nghiên cứu, học tập và ý nghĩa học tập môn Tư tưởng Hồ Chí Minh

Tóm tắt lý thuyết chương 2: Cơ sở, quá trình hình thành và phát triển Tư tưởng Hồ Chí Minh

Tóm tắt lý thuyết chương 3: Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Tóm tắt lý thuyết chương 4: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản và nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Tóm tắt lý thuyết chương 5: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế

Tóm tắt lý thuyết chương 6: Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, đạo đức, con người

Việc làm dành cho sinh viên:

Việc làm gia sư môn lịch sử

Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất

Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên

Việc làm giáo viên lịch sử

Mức lương của giáo viên lịch sử là bao nhiêu?

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!