I. Đàm phán lương (deal lương) là gì?
Đàm phán lương (còn gọi là deal lương), là sự thương lượng về mức lương, các phụ cấp cũng như phúc lợi mà nhà tuyển dụng sẽ chi trả ứng viên khi làm việc tại công ty. Ý kiến được đưa ra và thảo luận giữa cả hai bên cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng. Bước này thường nằm ở phần cuối trong buổi phỏng vấn, sau khi ứng viên đã đáp ứng được tất cả yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Tại sao bước này rất quan trọng trước khi bạn vào làm việc tại một công ty? Bởi vì sau khi hài lòng với mức lương nhận được, bạn sẽ không còn thắc mắc mà thay vào đó là tập trung, vui vẻ làm tốt công việc của mình hơn. Ngoài ra việc xác định được mức lương sẽ giúp bạn lập được kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm trong thời gian sắp tới.
Đọc thêm: Top việc làm đang tuyển dụng mới nhất 2024
II. Cách deal lương hiệu quả trong buổi phỏng vấn
1. Xác định mức lương mình mong muốn nhận được
Việc đầu tiên khi chuẩn bị cho buổi deal lương đó là xác định được mức lương mình muốn nhận được. Đây là bước nghiên cứu, đánh giá tất cả các vấn đề liên quan đến công việc, bản thân, thị trường. Từ đó, bạn mới có cơ sở để đưa ra mức lương phù hợp nhất mà bạn mong muốn. Cụ thể hơn bạn cần chú ý đến các yếu tố sau:
- Tìm hiểu kỹ về yêu cầu công việc: Cùng một vị trí nhưng mỗi công ty sẽ có những yêu cầu khác nhau đối với nhân viên. Do đó bạn cần tìm hiểu kỹ về tính chất, yêu cầu, khối lượng công việc. Nếu khối lượng công việc nhiều, áp lực hoặc vị trí bạn ứng tuyển có vai trò quan trọng đối với công ty hiện tại. Thì bạn có thể suy nghĩ việc nâng mức lương mong muốn cao hơn. Nếu bạn có người quen làm cùng công ty thì nên hỏi thăm để nắm rõ hơn về điều này.
- Đánh giá năng lực làm việc của bản thân: Sau khi hiểu rõ yêu cầu công việc, bạn cần đối chiếu với năng lực của bản thân. Bạn tự tin có thể đáp ứng hết tất cả yêu cầu trên hay chỉ đáp ứng được một phần nào đó? Năng lực của bạn càng cao và phù hợp với vị trí thì bạn có thể mong muốn mức lương cao hơn. Và đương nhiên, nếu bạn nghĩ mình chưa quá xuất sắc thì nên nghĩ đến mức lương vừa phải, phù hợp với đóng góp của mình cho công ty.
Đọc thêm: 8 giá trị cốt lõi khi xây dựng giá trị bản thân
- Nghiên cứu mức lương trên thị trường hiện tại: Bạn có thể thử tìm hiểu trên mạng hoặc hỏi thăm người quen đã và đang làm ở vị trí đó tại các công ty khác để biết được mức lương trung bình. Sau đó bạn sẽ so sánh để biết mức lương công ty mình đề xuất thấp hay cao hơn mặt bằng chung. Biết được điều này giúp bạn dễ đàm phán hơn với nhà tuyển dụng khi phỏng vấn.
- So sánh với chính sách lương, phúc lợi của công ty ứng tuyển: Nếu bạn được đề nghị một mức lương thấp hơn mong đợi của bản thân hoặc thấp hơn công ty khác thì đừng vội phản biện. Thay vào đó, bạn hãy tìm hiểu rõ hơn về các chính sách, phúc lợi công ty cung cấp cho bạn. Ví dụ, tuy lương cố định không quá cao nhưng thưởng cao hoặc công ty thường xuyên nâng lương định kỳ. Khi đã hiểu rõ tất cả thì bạn mới nên quyết định về mức lương mình muốn.
2. Chuẩn bị các luận điểm và diễn tập trước khi phỏng vấn
Buổi đàm phán lương rất quan trọng, bạn phải trực tiếp đàm phán với nhà tuyển dụng nên phải chuẩn bị thật kỹ càng. Nhiều nhà tuyển dụng rất có kinh nghiệm trong việc áp đảo ứng viên bằng cách đưa ra những lập luận rất thuyết phục. Đương nhiên là với mục đích hạ mức lương xuống thấp nhất có thể để tiết kiệm chi phí nhân sự cho công ty. Đó là lý do bạn nên tin vào bản thân và nắm chắc những luận điểm xác đáng mà mình đã chuẩn bị. Bên cạnh đó, bạn có thể soạn ra trước những câu hỏi và nhờ bạn bè hay người thân diễn tập buổi phỏng vấn với mình. Điều đó sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều và tránh mắc lỗi khi phỏng vấn thật sự.
3. Đàm phán lương với nhà tuyển dụng
Và cuối cùng cũng đã đến bước đàm phán lương chính thức với nhà tuyển dụng. Chắc hẳn nhiều bạn sẽ khá lo lắng và run nếu đây là lần đầu bạn deal lương. Nhưng hãy thật bình tĩnh, tự tin, nắm rõ mức lương mình mong muốn và giữ một cái đầu lạnh. Sau đây là một số lưu ý quan trọng bạn nhớ:
- Đề xuất lương cao hơn một chút so với mức có thể chấp nhận được: Trước hết bạn đừng tự nói ra mức lương tại công ty cũ, cũng không vội vàng đưa ra mức lương mong muốn. Khi nhà tuyển dụng hỏi đến thì hãy nâng mức lương lên cao hơn khoảng 10-15% mức lương mà mình chấp nhận được. Bởi chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ hạ xuống một ít mức lương mà bạn vừa đề nghị. Thế nên, việc đề xuất lương cao hơn mức mong muốn giúp bạn có thể nhận được con số trong khoảng chấp nhận và cảm thấy hài lòng!
- Đưa ra một khoảng lương phù hợp, thay vì đề cập con số cụ thể: Nếu đã xác định được mức lương mong muốn nhận được khi làm việc tại vị trí ứng tuyển, bạn không nên đề nghị với nhà tuyển dụng con số cụ thể. Thay vào đó hãy đưa ra một khoảng chấp nhận được. Đây tựa như một thông điệp đến nhà tuyển dụng rằng bạn chỉ đồng ý đàm phán lương trong khoảng vừa đề nghị. Ví dụ như với vị trí nhân viên SEO, bạn nói ra mức lương mong muốn là từ 10 đến 15 triệu. Trong đó 10 triệu là mức lương thấp nhất mà bạn cảm thấy chấp nhận được.
Đọc thêm: Bạn đem lại giá trị gì cho doanh nghiệp? 7 lợi ích bạn đem lại cho công ty
- Thể hiện sự tự tin, thẳng thắn trong quá trình đàm phán lương: Sự tự tin của bạn cũng rất quan trọng vì điều đó khiến nhà tuyển dụng cho rằng bạn có năng lực và tin với khả năng của mình. Nếu bạn giỏi, có năng lực nhưng ngại và không thẳng thắn nói ra mức lương thì có thể bạn đã bỏ qua cơ hội cho chính mình. Bên cạnh đó, nó cũng khiến nhà tuyển dụng cũng không thoải mái khi nói chuyện với bạn.
III. Một số điều quan trọng cần lưu ý khi deal lương
1. Không nhắc đến vấn đề lương trước nhà tuyển dụng
Bạn không nên nhắc đến vấn đề lương trước khi nhà tuyển dụng đề cập đến. Bởi vì nó là một phần thiết yếu trong bất kỳ buổi phỏng vấn nào. Nhà tuyển dụng biết rõ điều đó và họ cũng đã chuẩn bị thời điểm thích hợp nhất để bàn bạc với bạn về vấn đề này. Nếu bạn hỏi trước thì có thể khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn quá quan tâm đến tiền bạc thay vì những gì mình có thể làm được cho công ty.
2. Cẩn thận và khéo léo khi nói về mức lương cũ
Mức lương cũ là điều nếu nhà tuyển dụng hỏi rõ thì bạn mới nên khéo léo trả lời. Còn nếu không, bạn nên giữ lại và không đề cập đến. Bởi vì có thể mức lương nhà tuyển dụng đưa ra cao hơn nhiều so với mức cũ mà bạn nhận được. Nếu biết được điều này, một số nhà tuyển dụng sẽ suy nghĩ hạ mức lương xuống một chút mà vẫn khiến bạn hài lòng.
3. Đặt câu hỏi để khai thác thêm thông tin khi deal lương
Như đã nói, việc đàm phán lương phải được thảo luận và được chấp thuận từ cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng. Do đó, thay vì chỉ nghe câu hỏi và trả lời thì bạn cần chủ động đặt câu hỏi nếu chưa rõ về vấn đề gì liên quan. Cụ thể bạn nên đặt câu hỏi về phúc lợi, thưởng KPI, bảo hiểm, trợ cấp ăn trưa, giữ xe,… Như vậy sẽ giúp bạn dễ hình dung bức tranh tổng quát về lương thưởng và những đãi ngộ khi làm việc tại công ty.
Đọc thêm: 18 phương pháp tập luyện nâng cao kỹ năng giao tiếp
4. Cân nhắc việc từ chối mức lương do nhà tuyển dụng đề xuất
Khi đàm phán chắc chắn sẽ có những bạn không được chấp thuận mức lương mình muốn. Nếu nhà tuyển dụng có đưa ra mức lương thấp hơn một chút thì bạn đừng nên từ chối công việc ngay. Mà hãy xem xét nhiều khía cạnh như tình hình tài chính của bản thân, có cần gấp một công việc để chi trả sinh hoạt phí hoặc giúp đỡ gia đình hay không.
5. Thương lượng thêm các quyền lợi bổ sung sau khi đã chốt lương
Sau khi đã chốt được lương, bạn cũng có thể thương lượng thêm một số quyền lợi bổ sung phù hợp. Nếu công ty cảm thấy yêu cầu đúng đắn và phù hợp thì có thể cung cấp thêm cho bạn đấy!
IV. Những câu nói cần tránh trong quá trình deal lương
1. Tôi cần
Nói ra quá nhiều yêu cầu về quyền lợi, phúc lợi cho bản thân là việc không nên. Nó khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn chỉ muốn được nhận mà không sẵn sàng cho đi. Thay vào nói “tôi cần” bạn hãy nói “tôi sẽ”. Có nghĩa là nói ra những cam kết và giá trị mà bạn sẽ cố gắng cống hiến cho công ty.
2. Tôi nghe nói người khác được trả lương cao hơn tại vị trí công việc này
Việc bạn tìm hiểu và có sự so sánh là điều hết sức bình thường. Nhưng để nói ra với nhà tuyển dụng là việc không nên. Bởi vì mỗi người đều có năng lực và khả năng khác nhau, dẫn đến mức lương khi deal cũng khác nhau. Bạn không nên nói ra điều này mà hãy tự hỏi tại sao người đó lại được đề nghị mức lương cao hơn và tìm cách nâng cao năng lực bản thân nhé!
3. Tôi không muốn phải thương lượng để có mức lương cao hơn
Có thể bạn đã hài lòng với mức lương của mình nhưng không nên nói ra câu này. Vì nó sẽ thể hiện bạn là một người thiếu chuyên nghiệp và không biết nắm bắt cơ hội. Thay vào đó hãy tận dụng cơ hội này để giúp mình nhận được nhiều quyền lợi hơn khi cống hiến cho công ty.
Đọc thêm: Giá trị bản thân là gì? 4 tiêu chí xác định giá trị bản thân
4. Có rất nhiều công ty khác đang cố gắng mời tôi về làm việc
Câu nói này làm cho nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn là một người không được khiêm tốn và hơi đề cao bản thân. Nếu không phải là một vị trí quá quan trọng thì có thể nhà tuyển dụng sẽ chọn một ứng viên chân thành và có thái độ tôn trọng công ty hơn.
5. Mức lương cao nhất mà tôi có thể nhận được là bao nhiêu?
Câu hỏi tuy chỉ có ý muốn nắm rõ thu nhập nhưng đôi khi có thể khiến nhà tuyển dụng hiểu nhầm rằng bạn quá quan tâm đến tiền bạc. Điều này sẽ khiến họ có cái nhìn không thiện cảm và đôi khi có những đánh giá sai lệch về bạn. Vì vậy hãy thận trọng nếu bạn dự định nói ra câu này nhé!
Hy vọng bài viết này của 1900 - tin tức việc làm sẽ giúp các bạn chuẩn bị thật tốt cho buổi deal lương sắp tới. Mong rằng bạn sẽ thật tự tin và chốt được mức lương mình mong muốn. Hãy chia sẻ và bình luận bên dưới nếu bạn thấy nó hữu ích nhé!