Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thông báo tuyển dụng nhân sự công tác tại Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học như sau:
I. SỐ LƯỢNG VÀ VỊ TRÍ TUYỂN DỤNG: 04
1. 03 Kỹ sư làm việc tại Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học
Nhiệm vụ
– Tham gia sản xuất các chương trình ngoại kiểm do trung tâm triển khai;
– Tham gia vào công tác trợ giảng các khoá đào tạo ngắn hạn của trung tâm;
– Tham gia vận hành máy móc, trang thiết bị thuộc các chương trình ngoại kiểm trung tâm triển khai;
– Thực hiện theo dõi, bảo trì, bão dưỡng hệ thống máy móc, trang thiết bị của trung tâm;
– Thực hiện tư vấn, đánh giá các phòng xét nghiệm theo Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học;
– Hỗ trợ triển khai dịch vụ Kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị của trung tâm;
– Xây dựng và duy trì ISO 9001; ISO 17043; ISO 17025; ISO 13528.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của lãnh đạo trung tâm.
2. 01 Kế toán viên
Nhiệm vụ:
– Theo dõi việc thanh toán các chương trình ngoại kiểm của các đơn vị theo khu vực được phân công;
– Lập dự toán thu – chi, trích lập các quỹ trong năm;
– Theo dõi việc thanh toán các hoạt động thường quy: hoá chất, vật tư, văn phòng phẩm, điện nước;
– Thực hiện công tác mua sắm cho trung tâm;
– Thanh quyết toán nguồn kinh phí liên thông;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của lãnh đạo trung tâm.
II. TIÊU CHUẨN CHUNG
– Ứng viên là công dân Việt Nam;
– Có tư cách đạo đức tốt, ý thức tổ chức kỷ luật và tuân thủ pháp luật; tinh thần trách nhiệm cao; nhiệt tình trong công tác.
– Có đủ sức khỏe; ngoại hình và tính cách phù hợp với công việc.
– Nhiệt tình và có định hướng làm việc lâu dài tại Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
III. TIÊU CHUẨN CỤ THỂ
3.1. Đối với Kỹ sư:
3.1.1. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng
– Trình độ chuyên môn: tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực công việc dự kiến phân công, ưu tiên các chuyên ngành thuộc khối ngành khoa học sức khoẻ, khoa học kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật và khoa học tự nhiên.
– Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp khoa học công nghệ.
– Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; ngoại ngữ phù hợp với vị trí việc làm.
3.1.2. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ:
– Có khả năng, am hiểu và nắm vững nguyên lý xét nghiệm.
– Am hiểu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xét nghiệm.
– Có khả năng vận hành bảo trì bảo dưỡng, quản lý máy móc trang thiết bị.
– Am hiểu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động bảo trì bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị.
– Có khả năng xây dựng và triển khai ISO 9001; ISO 17043; ISO 17025; ISO 13528;
– Có khả năng giao tiếp, làm việc nhóm.
– Có khả năng làm việc độc lập, chủ động trong công việc.
3.2. Đối với Kế toán viên:
3.2.1. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng
– Trình độ chuyên môn: tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành kế toán, kiểm toán hoặc tài chính;
– Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán;
– Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; ngoại ngữ phù hợp với vị trí việc làm.
3.2.2. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ:
– Có khả năng, am hiểu, tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, nguyên lý kế toán, các chế độ tài chính, thống kê, các chuẩn mực kế toán và thông tin kinh tế có liên quan;
– Nắm được các quy định cụ thể về hình thức và phương pháp kế toán; các chế độ kế toán áp dụng trong ngành, lĩnh vực kế toán nhà nước;
– Có khả năng tiếp thu, nắm bắt và kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hiện đại để trao đổi và sử dụng các tài liệu kế toán, thông tin kế toán, phần mềm kế toán, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử;
– Có khả năng giao tiếp, làm việc nhóm;
– Có khả năng làm việc độc lập, chủ động trong công việc.
IV. HỒ SƠ XIN VIỆC
– Thành phần
– Đơn xin việc.
– Sơ yếu lý lịch có dán ảnh và xác nhận của chính quyền địa phương mới nhất trong vòng 06 tháng (theo mẫu đính kèm).
– Giấy khám sức khỏe theo quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế (không quá 06 tháng so với thời điểm nộp hồ sơ).
– Bản sao văn bằng, chứng chỉ (sao y chứng thực).
– CMND/CCCD (sao y chứng thực), giấy khai sinh.
– 02 ảnh 3 x 4 cm.
– Chứng chỉ nghiệp vụ liên quan chức danh Kỹ sư, Kế toán viên
– Quyết định
nghỉ việc (nộp bổ sung khi được tuyển dụng trong trường hợp đang hoặc đã công tác tại cơ quan/đơn vị khác).
V. Thời gian và địa điểm nộp hồ sơ:
– Thời hạn nhận hồ sơ: Kể từ ngày ra Thông báo đến hết 16 giờ 30 phút ngày 29/3/2024.
– Địa chỉ liên hệ và nộp hồ sơ: Phòng Tổ chức cán bộ (Lầu 1, tòa nhà 15 tầng, trong giờ hành chính), Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh – số 217 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn tin: ump.edu.vn
Năm 1947: Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, thường gọi là Y khoa Đại học đường Sài Gòn, được thành lập, như một phân hiệu của trường Y khoa Hà Nội. GS. C.Massias được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng phân hiệu này. (GS. Pierre Daléas, Phó Khoa trưởng của Trường Y Dược Hà Nội phụ trách; GS. Pierre Daléas được xem là vị “Khoa trưởng” đầu tiên của trường.)
Năm 1954: Trường chính thức mang tên Trường Đại học Y Dược Sài Gòn, hay thường được gọi ngắn gọn là Trường Y khoa Sài Gòn hoặc gọi một cách trang trọng là Y Dược Đại học đường Sài Gòn (do Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quản lý).
Ngày 31.12.1961: Y Dược Đại học đường Sài Gòn được phân chia thành Y khoa Đại học đường Sài Gòn và Dược khoa Đại học đường Sài Gòn.
Ngày 12.08.1962: Ban Nha khoa thuộc Y khoa Đại học đường Sài Gòn trở thành Nha khoa Đại học đường Sài Gòn. Cả 3 trường hoạt động độc lập trong Viện Đại học Sài Gòn.
Ngày 16.11.1966: Y khoa Đại học đường Sài Gòn chính thức chuyển về Trung tâm Giáo dục Y khoa trên đường Hồng Bàng, Quận 5. Trung tâm có cơ sở vật chất khá tiện nghi, hiện đại lúc bấy giờ, được sử dụng chung cho 2 trường: Y khoa Đại học đường Sài Gòn và Nha khoa Đại học đường Sài Gòn, với 1 đại giảng đường 500 chỗ ngồi, 3 giảng đường với mỗi giảng đường có 300 chỗ ngồi, thư viện và đầy đủ các khu y học cơ sở cùng với các phòng thí nghiệm.
Ngày 27.10.1976: Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 426/TTg ngày 27/10/1976 về một số vấn đề cấp bách trong mạng lưới các trường đại học ở miền Nam, theo đó trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba trường: Y khoa Đại học đường Sài Gòn, Dược khoa Đại học đường Sài Gòn, Nha khoa Đại học đường Sài Gòn.
Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh có 3 khoa trực thuộc gồm Khoa Y, Khoa Răng Hàm Mặt và Khoa Dược, 10 phòng chức năng và 57 bộ môn tại 3 Khoa. Đơn vị chủ quản của trường là Bộ Y Tế.
Năm 1990: Trường xây dựng định hướng chiến lược phát triển Trường Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thành trường đa ngành trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, mục tiêu là phát triển thêm 4 khoa mới và một bệnh viện thuộc Trường.
Năm 1994: Xây dựng Khoa Khoa học Cơ bản trên cơ sở sáp nhập và tổ chức lại các bộ môn Khoa học Xã hội Nhân văn và các Bộ môn Khoa học cơ bản của các khoa. Khoa Khoa học cơ bản đảm trách giảng dạy các môn chung, các môn Khoa học Xã hội Nhân văn và các môn khoa học cơ bản cho tất cả các chương trình đào tạo.
Năm 1998: Xây dựng Khoa Y học Cổ truyền trên cơ sở sáp nhập trường Trung học Y tế Tuệ Tĩnh và Bộ môn Đông Y của Khoa Y đảm trách các chương trình đào tạo về Y học Cổ truyền và học phần y học cổ truyền cho các chương trình khác.
Năm 1998: Xây dựng Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp Trường Kỹ thuật Y tế Trung ương III. Khoa đảm trách đào tạo các chương trình về điều dưỡng và kỹ thuật y học.
Năm 1999: Xây dựng Khoa Y tế Công cộng trên cơ sở sáp nhập Bộ môn Y tế Công cộng của Khoa Y và Khoa Tổ chức - Quản lý của Viện Vệ sinh Y tế Công cộng. Khoa đảm trách đào tạo các chương trình về y tế công cộng, y học dự phòng và các môn học có liên quan.
Ngày 18.10.2000: Bệnh viện Đại học Y Dược được thành lập theo Quyết định số 3639/2000/QĐ-BYT ngày 18/10/2000, trên cơ sở sáp nhập 3 phòng khám Đa Khoa thuộc Khoa Y, Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học và Khoa Y học Cổ truyền. Hiện nay Bệnh viện ĐHYD TPHCM trở thành Bệnh viện hạng Nhất hiện đại với gần 1.000 giường bệnh, đáp ứng yêu cầu thực hành khám chữa bệnh. Bệnh viện là đơn vị đào tạo, đơn vị nghiên cứu lâm sàng, nơi ứng dụng và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong khám chữa bệnh có uy tín cả nước và có vai trò quan trọng trong hợp tác quốc tế.
Ngày 18.06.2003: Trường Đại Học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh được đổi tên thành Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHYD TP.HCM) theo Quyết định số 2223/QĐ-BYT ngày 18/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế.