TÓM TẮT LÝ THUYẾT: NHẬP MÔN XÃ HỘI HỌC
Khái niệm xã hội học?
- Thuật ngữ “Xã hội học” có nguồn gốc từ chữ La tinh Societas nghĩa là xã hội và chữ Hy Lạp Logos có nghĩa là học thuyết. Như vậy, xã hội học được hiểu là học thuyết về xã hội.
- Khách thể nghiên cứu của xã hội học là hiện thực xã hội
Tuy nhiên, hiện thực xã hội cũng là khách thể nghiên cứu của các khoa học xã hội khác như: lịch sử, dân tộc học, tâm lý học, pháp luật, đạo đức học, kinh tế học... Sự khác biệt của xã hội học với các khoa học xã hội là ở chỗ nó nghiên cứu xã hội với tư cách là một chỉnh thể của các hoạt động và quan hệ trong xã hội, với tư cách là một tổ chức chỉnh thể vận động và phát triển.
- Cho đến nay, còn nhiều ý kiến khác nhau khi định nghĩa về xã hội học. Theo giáo trình của TS. Tạ Minh: “XHH là một ngành khoa học xã hội nghiên cứu về con người với tư cách là chủ thể xã hội. Nghiên cứu cách thức ứng xử và quan hệ của con người trong các nhóm xã hội, trong các cộng đồng và các tổ chức hình thành nên xã hội.”
Tóm lại, xã hội học là một bộ môn khoa học xã hội nghiên cứu những quy luật chung của sự tồn tại, hoạt động và phát triển của xã hội, các mối quan hệ xã hội, sự tác động qua lại giữa các thành phần cơ bản của xã hội tạo thành xã hội như một chỉnh thể.
Đối tượng của Xã hội học
Trong lịch sử đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau về đố đối tượng nghiên cứu của xã hội học:
1. Theo cách tiếp cận vĩ mô
- Đối tượng nghiên cứu của XHH là cấu trúc xã hội hay cơ cấu xã hội, hệ thống xã hội:
+ Hệ thống xã hội bao gồm các yếu tố cơ bản nào cấu thành?
+ Các yếu tố cấu thành hệ thống xã hội được sắp đặt theo trật tự nào và giữa chúng có mối liên hệ với nhau như thế nào?
+ Các đại biểu của cách tiếp cận này là: Auguste Comte, C.Mác, Herbert Spencer,...
2. Theo cách tiếp cận vi mô
+ Đối tượng nghiên cứu của XHH là hành vi (hành động) xã hội của con người. XHH phải trả lời hai vấn đề:
- Sự khác nhau về hành vi (hành động) giữa các cá nhân, giữa các nhóm, các cộng đồng xã hội khác nhau.
- Sự tác động của các hệ thống chuẩn mực, văn hóa, tín ngưỡng tới hành vi (hành động) và cách ứng xử của chủ thể. các mối tương tác giữa cá nhân - cá nhân, cá nhân - nhóm và cộng đồng - cộng đồng.
+ Đại biểu của cách tiếp cận này: Max Weber.
3. Theo cách tiếp cận tổng hợp
Đối tượng nghiên cứu của xã hội học là xã hội loài người và hành vi xã hội của con người. Còn gọi là cấp nghiên cứu trung gian, đó là việc phân tích theo nhóm, theo tập hợp mẫu và nghiên cứu tình huống. Thực chất đây là cách tiếp cận tích hợp giữa cách tiếp cận vi mô và cách tiếp cận vĩ mô.
- Tóm lại, đối tượng nghiên cứu của XHH là:
1. Con người xã hội, hệ thống xã hội, mối tương quan giữa con người với con người trong xã hội, giữa con người và hệ thống xã hội.
2. Các quy luật xã hội chung và đặc thù của sự phát triển và vận hành của các hệ thống xã hội xác định về mặt lịch sử.
3. Các cơ chế tác động và các hình thức biểu hiện của các quy luật đó trong hoạt động của các cá nhân, nhóm xã hội, cộng đồng xã hội, các giai cấp và dân tộc.
Tuy nhiên, xã hội luôn vận động, biến đổi không ngừng, do đó đối tượng nghiên cứu của XHH luôn được bổ sung, phát triển những vấn đề mới để phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể.
Chức năng của xã hội học
1. Chức năng nhận thức
-Trang bị cho người học những tri thức khoa học về sự phát triển xã hội như các quy luật của sự phát triển xã hội, nguồn gốc và cơ chế của các quá trình phát triển xã hội.
- Góp phần tìm ra những mô hình xã hội tối ưu, góp phần xây dựng và làm sáng tỏ lý luận và phương pháp luận nhận thức về xã hội.
- Tri thức XHH là tiền đề để nhận thức sâu hơn về triển vọng phát triển của đời sống xã hội cũng như các mặt, khía cạnh riêng biệt của nó
- Tri thức xã hội học còn đóng vai trò là những nguyên lý và chuẩn mực cho các tiến trình nghiên cứu khoa học của các khoa học xã hội khác.
2. Chức năng thực tiễn
- Tri thức xã hội giúp con người có thể kiểm soát những quan hệ xã hội của bản thân và điều hòa các quan hệ đó cho phù hợp với yêu cầu khách quan của tiến trình xã hội.
- Bằng việc nhận thức sâu sắc các quy luật và xu hướng phát triển của xã hội, XHH là công cụ quan trọng để quản lí xã hội một cách khoa học.
- XHH là nguồn cung cấp thông tin, những đề xuất và kiến nghị nhằm đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý, góp phần củng cố mối liên hệ giữa khoa học với đời sống thực tế. Vì vậy, có thể coi XHH là một bộ phận hữu cơ của công tác quản lý xã hội, là một khâu nối liền hoạt động lí thuyết với hoạt động thực tiễn của công tác quản lý.
- Các tài liệu thực nghiệm của các cuộc nghiên cứu XHH không những là phương tiện hữu ích để kiểm nghiệm các hoạt động thực tiễn mà còn giúp các nhà quản lý hiểu biết đúng hàng loạt các hiện tượng, các quá trình XHH mới nảy sinh.
3. Chức năng tư tưởng
- Trang bị cho con người thế giới quan khoa học. Bằng việc trang bị cho con người tri thức về các quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, XHH đã tạo cho con người niềm tin vào tương lai phía trước và luôn vững tin vào hành động của mình.
- XHH có vai trò to lớn trong việc tổ chức và quản lý các quá trình tư tưởng qua việc thường xuyên điều tra quá trình tác động, giáo dục tư tưởng cũng như các khía cạnh hoạt động tư tưởng của nhân dân lao động.
- Góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, giáo dục ý thức về độc lập, tự do, về vai trò, trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp phát triển xã hội.
- Giúp người nghiên cứu hình thành và phát triển phương pháp tư duy khoa học và khả năng phê phán, chống lại các quan điểm phi khoa học, hình thành ý thức cộng đồng trong hành động xã hội.
4. Chức năng dự báo
- Dựa vào sự phân tích các hiện trạng của xã hội và những mặt, quá trình riêng lẻ của nó, XHH có nhiệm vụ làm sáng tỏ triển vọng của sự vận động và phát triển của xã hội trong tương lai.
Cơ cấu và phân loại xã hội học
1. Căn cứ mức độ trừu tượng, khái quát của tri thức xã hội học
Xã hội học lí thuyết |
Nghiên cứu một cách khách quan, khoa học về hiện tượng và quá trình xã hội nhằm phát hiện những vấn đề lí luận mới : các khái niệm, phạm trù hay lí thuyết mới. |
Xã hội học thực nghiệm |
Nghiên cứu các hiện tượng và quá trình xã hội bằng việc vận dụng lí luận và thực chứng với những quan sát, đo lường, thí nghiệm để kiểm nghiệm các giả thuyết khoa học. |
Xã hội học ứng dụng |
Vận dụng lí luận vào việc phân tích, tìm hiểu, nghiên cứu và giải quyết các hiện tượng và quá trình xã hội, các tình huống, các sự kiện của thực tiễn đời sống xã hội hay nói cách khác, chính là đưa tri thức xã hội vào cuộc sống. |
2. Căn cứ vào cấp độ riêng – chung, bộ phận – chỉnh thể của tri thức và lĩnh vực nghiên cứu
Xã hội học đại cương |
Nghiên cứu các quy luật, tính quy luật, thuộc tính và các đặc điểm chung nhất của các hiện tượng và quá trình xã hội. |
Xã hội học chuyên ngành (chuyên biệt) |
Là sự vận dụng lí luận xã hội học đại cương vào các nghiên cứu các quan hệ xã hội và các lĩnh vực đời sốngxã hội ở tầm vĩ mô.
Mỗi ngành xã hội học chuyên biệt lại có một hệ thống lí luận riêng để nghiên cứu các lĩnh vực đời sống xã hội: (xã hội học nông thôn; xã hội học đô thị; xã hội học gia đình; xã hội học giáo dục…)
|
3. Căn cứ vào quy mô, kích cỡ lớn nhỏ của hệ thống xã hội:
Xã hội học vĩ mô |
Nghiên cứu cơ cấu xã hội, thiết chế xã hội, tương tác xã hội giữa các (hệ thống) xã hội và của xã hội có quy mô lớn (một quốc gia, một dân tộc, một chế độ xã hội, một khu vực trên thế giới...) XHH vĩ mô nghiên cứu hiện tượng, quá trình xã hội với tư cách là chỉnh thể trọn vẹn. |
Xã hội học vi mô |
Nghiên cứu các quy luật phát sinh, vận động và phát triển của nhóm xã hội có quy mô nhỏ. XHH vi mô còn nghiên cứu các quá trình, các hiện tượng xảy ra trong nhóm nhỏ, cũng như hành động xã hội và tương tác xã hội giữa các cá nhân. |
Khái quát lịch sử hình thành xã hội học
1. Lịch sử hình thành và phát triển xã hội học trên thế giới và tại Việt Nam
1.1 Thế giới
+ Sự ra đời của XHH trước hết xuất thân từ nhu cầu nhận thức về xã hội. Xã hội không ngừng biến đổi, con người có nhu cầu nhận biết về thực trạng, tìm kiếm nguyên nhân để lý giải cho sự nảy sinh và phát triển của các hiện tượng xảy ra trong xã hội.
+ Trước thế kỉ XVIII, XHH bị hòa tan vào trong các khoa học khác. Đầu thế kỉ XIX, XHH dần được quan tâm như một ngành khoa học độc lập. Giữa thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, các trường đại học ở Hoa Kỳ, Đức, Anh bắt đầu có bộ môn XHH
1.2 Việt Nam
XHH là một ngành khoa học mới so với nhiều ngành khoa học khác nhưng nó đã có những tác động nhất định trong việc nhận thức và ứng dụng vào quản lí xã hội, đánh giá, dự báo và định hướng giải pháp cho các vấn đề trong đời sống xã hội.
Sự phát triển XHH tại VN:
- 1976: Việt Nam có Phòng Xã hội học thuộc Viện thông tin khoa học xã hội.
- 1977: Ban Xã hội học được thành lập
- 1980: Viện xã hội học ra đời
- 1986: XHH được đưa vào giảng dạy ở các trường học
- 1992 - 1993: Khoa Xã hội học chính thức ra đời ở trường ĐH Tổng hợp Hà Nội
- Nay: XHH phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều giá trị tích cực.
2. Điều kiện - tiền đề của sự ra đời XHH
2.1 Điều kiện kinh tế - xã hội
- Thứ nhất về kinh tế
Các cuộc CM công nghiệp đã đánh dấu bước nhảy vọt về chất trong lĩnh vực sản xuất: từ nền kinh tế đơn giản, lao động chân tay tiến tới sử dụng máy móc, làm cho năng suất lao động tăng nhanh, đẩy mạnh quá trình biến đổi kinh tế ở các nước.
- Thứ hai về xã hội: các cuộc CM công nghiệp cũng đã tác động mạnh mẽ đến xã hội
Các cuộc CM công nghiệp cũng đã tác động mạnh mẽ đến xã hội, làm thay đổi lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Chủ nghĩa tư bản phát triển làm thay đổi cơ cấu xã hội: nông dân bị tách ra khỏi ruộng đất trở thành người làm thuê, bán sức lao động. Của cải, đất đai, tư bản không còn tập trung trong tay tầng lớp phong kiến, quý tộc, tăng lữ mà rơi vào tay giai cấp tư sản. Các hình thức tổ chức xã hội theo kiểu phong kiến trước đây cũng bị biến đổi mạnh mẽ.
Cùng với những biến đổi to lớn đó là sự xuất hiện những nhân tố mới, thực trạng xã hội mới như: mâu thuẫn giai cấp, dân tộc, tôn giáo, quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp; chiến tranh, phân hóa giàu nghèo, bùng nổ dân số, sự di dânn, sự hình thành lối sống đô thị, nạn thất nghiệp, tệ nạn xã hội,... các vấn đề xã hội đòi phải được nghiên cứu và giải quyết một cách khoa học.
Tóm lại, sự xuất hiện và phát triển hệ thống kinh tế TBCN đã phá vỡ trật tự xã hội phong kiến, gây những xáo trộn và biến đổi trong đời sống kt-xh. Từ đó nảy sinh nhu cầu thực tiễn phải lập lại trật tự, ổn định xã hội và nhu cầu nhận thức để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh từ cuộc sống đang biến động đó. Trong bối cảnh kt-xh như vậy, XHH ra đời để đáp ứng nhu cầu nhận thức các biến đổi xã hội và lập lại trật tự xã hội.
2.2 Điều kiện chính trị
- Cuộc CM tư sản:
CMTS Hà Lan 1566-1648, CMTS Anh 1640-1688, CMTS Pháp 1789 - 17941794 đã lật đổ chế độ phong kiến, xóa bỏ mọi cản trở cho sự phát triển nền kinh tế TBCN, thiết lập nền cộng hòa tư sản và tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái. Đồng thời, thắng lợi cuộc CMTS đã làm hình thành hai giai cấp cơ bản trong xã hội: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Quyền lực chính trị chuyển sang tay giai cấp tư sản và một thiểu số người nắm giữ tư liệu sản xuất. Điều đó đã tạo điều kiện cho tự do buôn bán, tự do sản xuất, tự do ngôn luận tư sản và đặc biệt là tự do bóc lột sức lao động của công nhân. Đây là những đặc điểm chung của đời sống chính trị châu Âu lúc bấy giờ.
- Những biến động về chính trị đã ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến xã hội, tạo điều kiện cho xã hội học ra đời với tư cách là một khoa học độc lập và đặt ra cho XHH những vấn đề nghiên cứu cụ thể, bức thiết. Đây là tiền đề ra đời của XHH nhằm xem xét quá khứ, giải quyết hiện tại, dự báo tương lai và mô tả, xem xét xã hội trên cơ sở khoa học.
3. Tiền đề khoa học - trí thức
- Các phát triển khoa học của nhân loại thời cổ (toán học của Pytago, Hình học của Ơ-clet, Vật lí của Acximet) được khôi phục sau cuộc CMTS Pháp. Về khoa học xã hội cũng như tư tưởng của Đề- cát- tơ, Platon được kế thừa và phát huy.
Sự phát triển của trí thức nhân loại dẫn tới sự phân hóa các ngành khoa học khác nhau. Trong đó có xã hội học.
Một số quan niệm/ mô hình lý thuyết trong xã hội học
1. Lý thuyết cấu trúc – chức năng
- Lý thuyết này tập trung phân tích thành phần tạo nên cấu trúc, mối liên hệ của chúng và cơ chế hoạt động, tác dụng đối với sự ổn định trong cấu trúc.
- Một xã hội tồn tại được là do các bộ phận cấu thành nên hoạt động nhịp nhàng với nhau để đảm bảo sự cân bằng, bất kì một sự thay đổi ở một thành phần nào cũng kéo theo sự thay đổi ở thành phần khác.
- Cấu trúc của hệ thống xã hội cơ bản là cấu trúc các mối liên hệ giữa các tác nhân tham gia vào quá trình tương tác. Chức năng là vai trò, nhiệm vụ mà mỗi một thành phần trong hệ thống phải thực hiện để đảm bảo cho hệ thống xã hội tồn tại, vận động và phát triển.
2. Lý thuyết xung đột xã hội
- Nhấn mạnh đến yếu tố xung đột, cạnh tranh, áp bức
- Xã hội biến đổi liên tục vì có nhiều nhóm xung đột, kết quả là sự cân bằng quyền lực có thể thay đổi
- Nguyên nhân mâu thuẫn xuất phát từ những vấn đề khác nhau (xung đột về vật chất, giá trị và phương châm sống, quyền lực, khác biệt địa vị - vai trò… Xung đột bao trùm lên tất cả phạm vi hoạt động sống con người.
- Xung đột xã hội là sự đối đầu công khai, mâu thuẫn giữa hai hoặc nhiều hơn chủ thể và người tham gia vào tương tác xã hội mà nguyên nhân là sự bất đồng về nhu cầu, lợi ích và giá trị.
3. Lý thuyết tương tác biểu tượng
- Nhấn mạnh sự tương tã của con người qua biểu tượng.
- Đặc tính cá nhân được hình thành thông qua sự tương tác của cá nhân với cá nhân và các nhóm. Trong tương tác, mỗi người nhận biết “mình là ai” và “phải làm gì” thông qua phản ứng của người khác. Ứng xử phù hợp với sự mong đợi của người xung quanh.
- Nếu mọi người trong nhóm không chia sẻ cùng một ý nghĩa cho một biểu tượng đưa ra thì nhận thức sẽ bị lẫn lộn.
- Hành vi của con người sẽ thay đổi theo những khung cảnh khác nhau. Sự tương tác để lại các biểu tượng tượng trưng cho các giá trị xã hội.
Xem thêm
Tóm tắt lý thuyết Xã hội học đại cương
Tóm tắt lý thuyết Xã hội học đại cương: Nhập môn Xã hội học
Tóm tắt lý thuyết Xã hội học đại cương: Xã hội và văn hóa
Tóm tắt lý thuyết Xã hội học đại cương: Quá trình xã hội hóa, vị trí và vai trò xã hội
Tóm tắt lý thuyết Xã hội học đại cương: Tổ chức xã hội và thiết chế xã hội
Tóm tắt lý thuyết Xã hội học đại cương: Phân tầng xã hội và di động xã hội
Câu hỏi trắc nghiệm Xã hội học đại cương
Câu hỏi trắc nghiệm Xã hội học đại cương: Tổ chức xã hội và thiết chế xã hội
Việc làm dành cho sinh viên:
Việc làm nhân viên trách nhiệm xã hội mới nhất
Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất
Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên
Việc làm thực tập sinh trách nhiệm xã hội
Mức lương của thực tập sinh trách nhiệm xã hội là bao nhiêu?