Cơ sở tâm lý học của hoạt động dạy học | Tóm tắt lý thuyết Tâm lý học giáo dục | HNUE

Tóm tắt kiến thức Cơ sở tâm lý học của hoạt động dạy học về: Khái niệm hoạt động dạy; Dạy học và sự phát triển nhận thức của học sinh; Dạy học và trí nhớ của học sinh,... Tài liệu học tập môn TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC tại trường ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NÔI giúp bạn học tập, ôn luyện và đạt điểm cao!

TÓM TẮT LÝ THUYẾT: CƠ SỞ TÂM LÍ CỦA HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC

1. Khái niệm hoạt động dạy

1.1. Định nghĩa

Dạy là sự truyền lại của thế hệ trước cho thế hệ sau những kinh nghiệm mà xã hội đã sáng tạo và tích luỹ được qua các thế hệ.

Dạy theo phương thức nhà trường là sự truyền thụ những tri thức khoa học, những kĩ năng và phương pháp hành động, thông qua hoạt động chuyên biệt của xã hội: hoạt động dạy. Có thể gọi vắn tắt, dạy theo phương thức nhà trường là hoạt động dạy học.

Hoạt động dạy là hoạt động của người được đào tạo nghề dạy học (giáo viên), trong đó người dạy (giáo viên, giảng viên) sử dụng các phương pháp, phương tiện đặc thù để định hướng, trợ giúp, tổ chức và điều khiển hoạt động học của người học nhằm giúp họ lĩnh hội nền văn hóa xã hội, tạo ra sự phát triển tâm lý, năng lực người, hình thành nhân cách.

1.2. Đặc điểm hoạt động dạy trong nhà trường

- Thứ nhất: Hoạt động dạy trong nhà trường là hoạt động nghề, mang tính chuyên nghiệp. Người dạy (giáo viên, giảng viên) phải là người được đào tạo theo một trình độ nhất định.

- Thứ hai: Mục đích cuối cùng của hoạt động dạy không phải là hướng đến làm thay đổi người dạy mà hướng đến phát triển người học thông qua việc tổ chức cho người học tiến hành các hoạt động học, tùy theo nội dung và các tình huống học tập khác nhau

- Thứ ba: Hoạt động dạy không phải là hoạt động độc lập như các hoạt động khác. Hoạt động dạy bao giờ cũng kết hợp chặt chẽ với hoạt động học tạo thành hoạt động kép: hoạt động dạy và hoạt động học. Trong dạy học hiện đại, hoạt động học được thay đổi về bản chất so với dạy học truyền thống, do đó, hoạt động dạy cũng được thay đổi về chức năng và tính chất.

- Thứ tư: Nhìn một cách khái quát thì hoạt động dạy của giáo viên được cấu thành bởi ba yếu tố chính là nội dung, phương pháp và tổ chức. Ba yếu tố này chi phối hoạt động dạy của giáo viên, trong đó nội dung chương trình là yếu tố có tính pháp quy, không được phép thay đổi, còn giáo viên có thể chủ động điều khiển phương pháp và hình thức tổ chức dạy học sao cho hoạt động dạy đạt hiệu quả cao nhất.

2.  Dạy học và sự phát triển nhận thức của học sinh

2.1. Hoạt động nhận thức

2.1.1. Cảm giác

- Định nghĩa: Cảm giác là mức khởi đầu của một hoạt động nhận thức của cá nhân, là sự tiếp xúc ban đầu của từng giác quan đến đối tượng nhận thức.

- Quy luật của cảm giác:

+ Quy luật ngưỡng cảm giác

Muốn có cảm giác thì phải có kích thích tác động vào các giác quan và kích thích đó phải đạt tới một giới hạn nhất định. Giới hạn mà ở đó kích thích gây ra được cảm giác gọi là ngưỡng cảm giác. Cảm giác có 2 ngưỡng: Ngưỡng cảm giác phía dưới và ngưỡng cảm giác phía trên. Ngưỡng cảm giác phía dưới là cường độ kích thích tối thiểu đủ để gây ra cảm giác. Khả năng cảm nhận được kích thích này gọi là độ nhạy cảm của cảm giác. Ngưỡng cảm giác phía trên là cường độ kích thích tối đa mà ở đó vẫn còn gây được cảm giác. Phạm vi giữa ngưỡng dưới và ngưỡng trên gọi là vùng cảm giác được. Trong đó có một vùng phản ánh tốt nhất. Chẳng hạn: Cảm giác nghe với sóng âm thanh từ 16 héc-2 vạn héc thì nghe được, trong đó vùng phản ánh tốt nhất là 1000 héc. Ngưỡng sai biệt: Cảm giác còn phản ánh sự khác nhau giữa các kích thích, nhng kích thích phải có tỷ lệ chênh lệch tối thiểu về cường độ hay tính chất thì ta mới cảm thấy có sự khác nhau giữa 2 kích thích.

+ Quy luật thích ứng của cảm giác.

Thích ứng là khả năng thay đổi độ nhạy cảm của cảm giác cho phù hợp với sự thay đổi của cường độ kích thích. Sự thích ứng diễn ra theo quy luật sau: Cường độ kích thích tăng thì độ nhạy cảm giảm; Cường độ kích thích giảm thì độ nhạy cảm tăng. Quy luật thích ứng có ở tất cả các loại cảm giác, nhưng mức độ thích ứng khác nhau. Có loại cảm giác thích ứng nhanh như cảm giác nhìn, cảm giác ngửi, nhưng có loại cảm giác chậm thích ứng như cảm giác nghe, cảm giác đau. Khả năng thích ứng của cảm giác có thể thay đổi và phát triển do rèn luyện và tính chất nghề nghiệp.

+ Quy luật về sự tác động qua lại giữa các cảm giác.

Các cảm giác của con người không tồn tại một cách biệt lập, tách rời mà luôn tác động qua lại lẫn nhau. Sự tác động ấy diễn ra theo quy luật: Sự kích thích yếu lên một cơ quan phân tích này sẽ làm tăng độ nhạy cảm của một cơ quan phân tích kia; Một kích thích mạnh lên một cơ quan phân tích này sẽ làm giảm độ nhạy cảm của một cơ quan phân tích kia. Sự tác động lẫn nhau giữa các cảm giác có thể diễn ra đồng thời hay nối tiếp trên những cảm giác cùng loại hay khác loại. Sự thay đổi của một kích thích cùng loại xảy ra trước đó hay đồng thời gọi là sự tương phản trong cảm giác. Có hai loại tương phản: Tương phản nối tiếp và tương phản đồng thời.

2.1.2 Tri giác

- Định nghĩa: Tri giác là mức độ nhận thức cao hơn cảm giác, đó là sự kết hợp các giác quan trong hoạt động nhận thức, nhờ đó tạo ra phức hợp các cảm giác, hình thành ở chủ thể hình ảnh trọn vẹn về dáng vẻ của đối tượng.

- Các quy luật của tri giác.

Hoạt động tri giác của cá nhân có nhiều quy luật được ứng dụng rộng rãi trong dạy học. Dưới đây là một số quy luật phổ biến:

+ Quy luật về tính đối tượng của tri giác: Tri giác bao giờ cũng phải có đối tượng để phản ánh. Hình ảnh trực quan mà tri giác đem lại bao giờ cũng thuộc về một sự vật, hiện tượng của thế giới bên ngoài. Hình ảnh của tri giác phản ánh chính đặc điểm, tính chất của đối tượng mà con người tri giác. Nhờ mang tính đối tượng mà hình ảnh của tri giác là cơ sở định hướng và điều chỉnh hành vi, hoạt động của con người cho phù hợp với thế giới khách quan.

+ Quy luật về tính ý nghĩa của tri giác: Khi tri giác, chúng ta không chỉ tạo ra được hình ảnh trọn vẹn về sự vật, hiện tượng mà còn có thể chỉ ra được ý nghĩa của sự vật, hiện tượng đó.Tức là chủ thể tri giác có thể gọi tên, phân loại, biết được công dụng của sự vật, hiện tượng và khái quát nó trong một từ xác định.Tính ý nghĩa của tri giác gắn liền với tính trọn vẹn. Tri giác càng đầy đủ các thuộc tính cơ bản bề ngoài của đối tượng thì gọi tên đối tượng càng chính xác.

+ Quy luật về tính lựa chọn của tri giác: Tri giác của con người không thể đồng thời phản ánh các sự vật, hiện tượng đa dạng tác động mà chỉ lựa chọn một vài sự vật trong vô vàn các sự vật, hiện tượng đang tác động là đối tượng chi giác, còn các sự vật, hiện tượng khác được coi là bối cảnh. Khả năng tách đối tượng ra khỏi bối cảnh xung quanh để phản ánh đối tượng đó có hiệu quả hơn nói lên tính lựa chọn của tri giác. Tính lựa chọn của tri giác phụ thuộc vào:

  • Mục đích cá nhân. Do đó sự lựa chọn của tri giác không có tính cố định, vai trò của đối tượng và bối cảnh có thể thay đổi cho nhau tuỳ thuộc vào mục đích cá nhân và điều kiện xung quanh khi tri giác: Một vật lúc này là đối tượng, lúc khác có thể là bối cảnh và ngược lại. 
  • Đối tượng tri giác: Đối tượng càng nổi bật, sinh động, càng có sự khác biệt lớn với bối cảnh thì tri giác càng dễ dàng, đầy đủ. Ngược lại đối tượng mà ít có sự khác biệt lớn với bối cảnh, thậm trí hoà lẫn với bối cảnh thì tri giác đối tượng sẽ khó khăn.

+ Quy luật tính ổn định của tri giác: Điều kiện tri giác một sự vật, hiện tượng nào đó có thể thay đổi (vị trí trong không gian, khoảng cách, độ chiếu sáng…) song chúng ta vẫn tri giác được sự vật, hiện tượng đó như là sự vật, hiện tượng ổn định về hình dạng kích thước, màu sắc… Hiện tượng này nói lên tính ổn định của tri giác. Tính ổn định của tri giác là khả năng phản ánh sự vật, hiện tượng không thay đổi khi điều kiện tri giác thay đổi. Tính ổn định của tri giác phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Do bản thân sự vật, hiện tượng có cấu trúc tương đối ổn định trong thời gian, thời điểm nhất định.
  • Chủ yếu là do cơ chế tự điều chỉnh của hệ thần kinh cũng như vốn kinh nghiệm của con người về đối tượng.
  • Tính ổn định của tri giác không phải là cái bẩm sinh mà nó được hình thành trong đời sống cá thể, là điều kiện cần thiết của hoạt động thực tiễn của con người.

+ Quy luật tổng giác: Ngoài tính chất, đặc điểm của vật kích thích tác động vào các giác quan khi tri giác, trong quá trình tri giác còn có sự tham gia của vốn kinh nghiệm, của t duy, của nhu cầu, hứng thú, động cơ, tình cảm,… Nghĩa là sự tham gia của toàn bộ nhân cách. Sự tham gia của toàn bộ nhân cách vào trong quá trình tri giác gọi là hiện tượng tổng giác.

+ Quy luật ảo giác: Trong một số trường hợp, với điều kiện thực tế xác định, tri giác có thể không cho ta hình ảnh đúng về sự vật hiện tượng. Hiện tượng này gọi là ảo thị hay gọi tắt là ảo giác. Do giác là tri giác không đúng, bị sai lệch về sự vật, hiện tượng được tri giác.

2.1.3. Tư duy

- Định nghĩa: Tư duy là hoạt động tâm lí của chủ thể, là quá trình chủ thể tiến hành các thao tác trí óc như phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa,... để xử lí các hình ảnh, các biểu tượng, hay các khái niệm đã có về đối tượng, làm sáng tỏ bản chất, mối quan hệ phổ biến và quy luật vận động của đối tượng. Sản phẩm của hoạt động tư duy là các khái niệm về đối tượng.

- Các thao tác tư duy:

+ Phân tích: Là quá trình chủ thể tư duy dùng trí óc để phân chia đối tượng nhận thức thành các bộ phận, các thuộc tính, các thành phần khác nhau để nhận thức đối tượng sâu sắc hơn.

+ Tổng hợp: Là thao tác dùng trí óc để hợp nhất các thành phần đã được phân tích thành một chỉnh thể để giúp ta nhận thức đối tượng khái quát hơn.

=> Phân tích và tổng hợp là hai thao tác cơ bản của quá trình tư duy. Hai thao tác này có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau trong một quá trình tư duy thống nhất. Phân tích là cơ sở của tổng hợp. Tổng hợp được thực hiện theo kết quả của phân tích.

+ So sánh:

Là quá trình chủ thể tư duy dùng trí óc để xác định sự giống nhau hay khác nhau, sự đồng nhất hay không đồng nhất, sự bằng nhau hay không bằng nhau giữa các đối tượng nhận thức.

So sánh có quan hệ chặt chẽ và dựa trên cơ sở phân tích, tổng hợp. Càng phân tích, tổng hợp sâu sắc bao nhiêu thì so sánh càng đầy đủ, chính xác bấy nhiêu.

+ Trừu tượng hoá và khái quát hoá:

  • Trừu tượng hoá là quá trình chủ thể tư duy dùng trí óc để gạt bỏ những thuộc tính, những bộ phận, những quan hệ thứ yếu, không cần thiết xét về một phương diện nào đó, chỉ giữ lại những yếu tố cần thiết để tư duy.
  • Khái quát hoá là thao tác trí tuệ để bao quát nhiều đối tượng khác nhau thành một nhóm, một loại trên cơ sở những thuộc tính chung, bản chất, những mối quan hệ có tính quy luật. Kết quả của quá trình khái quát hoá cho ta một cái chung nhất cho hàng loạt sự vật, hiện tượng cùng loại.

=> Trừu tượng hoá và khái quát hoá là hai thao tác cơ bản, đặc trưng của con người. Hai thao tác này có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau. Khái quát hoá trên cơ sở trừu tượng hoá. Trừu tượng hoá càng cao thì khái quát hoá càng chính xác.

2.1.4 Tưởng tượng

- Định nghĩa: Tưởng tượng là hoạt động tâm lí của chủ thể, là quá trình chủ thể tiến hành các thao tác trí óc như chắp ghép, liên kết, nhấn mạnh, loại suy, mô phỏng v.v để xử lí các hình ảnh, các biểu tượng, hay các khái niệm đã có về đối tượng để làm sáng tỏ bản chất, mối quan hệ phổ biến và quy luật vận động của đối tượng. Sản phẩm của tưởng tượng là các biểu tượng mới

- Cách sáng tạo hình ảnh mới trong tưởng tượng.

Hình ảnh của tưởng tượng được sáng tạo bằng nhiều cách khách nhau:

+ Thay đổi kích thước, số lượng của vật hay thành phần của vật. Đây là cách sáng tạo hình ảnh mới bằng cách tăng thêm hay giảm đi kích thước, số lượng của vật thật hay thành phần của vật (Người khổng lồ, người tí hon, phật trăm mắt trăm tay …)

+ Nhấn mạnh một thuộc tính, một bộ phận nào đó của đối tượng. Đây là cách sáng tạo ra hình ảnh mới bằng cách nhấn mạnh đặc biệt hoặc đa lên hàng đầu một phẩm chất hay một quan hệ nào đó của sự vật, hiện tượng so với các sự vật, hiện tượng khác. Một biến dạng của phương pháp này là sự cường điệu một sự vật, hiện tượng nào đó (tranh biếm họa).

+ Chắp ghép (kết dính). Đây là phương pháp ghép các bộ phận của nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau thành một hình ảnh mới. (Hình ảnh con rồng, nàng tiên cá).Ở đây, các bộ phận hình thành hình ảnh mới không bị thay đổi, chế biến mà chỉ được ghép lại với nhau theo quy luật xác định.

+ Liên hợp: Phương pháp này có điểm giống với phương pháp chắp ghép là tạo ra hình ảnh mới bằng cách liên hợp nhiều sự vật, hiện tượng với nhau, nhưng khác nhau ở chỗ khi tham gia vào hình ảnh mới thì các yếu tố ban đầu đều bị cải biên đi và sắp xếp lại trong những mối tương quan mới. Cách tưởng tượng này là sự tổng hợp mang tính sáng tạo rõ rệt.

+ Điển hình hoá: Đây là cách sáng tạo hình ảnh mới phức tạp nhất, trong đó những thuộc tính điển hình, những đặc điểm điển hình của nhân cách như là đại diện của một giai cấp, một nhóm xã hội được biểu hiện trong hình ảnh mới này (nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật). Phương pháp điển hình hoá là sự tổng hợp sáng tạo mang tính chất khái quát những thuộc tính và đặc điểm điển hình của nhân cách.

+ Loại suy (tương tự). Đây là cách sáng tạo hình ảnh mới trên cơ sở mô phỏng, bắt chước những chi tiết, những bộ phận, những sự vật có thực.

3. Dạy học và trí nhớ của học sinh

3.1. Khái niệm

- Trí nhớ là một quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm đã có của cá nhân dưới hình thức biểu tượng, bao gồm sự ghi nhớ, giữ gìn và tái tạo lại sau đó ở trong óc cái mà con người đã cảm giác, tri giác, xúc cảm, hành động hay suy nghĩ trước đây.

- Sản phẩm của trí nhớ là biểu tượng. Đó là những hình ảnh của sự vật, hiện tượng nảy sinh trong óc chúng ta khi không có sự tác động trực tiếp của chúng vào giác quan ta.

- Biểu tượng khác với hình ảnh (hình tượng) của tri giác ở chỗ: Nó phản ánh sự vật hiện tượng một cách khái quát hơn. Tuy nhiên, tính khái quát và trừu tượng của biểu tượng trí nhớ ít hơn biểu tượng của tưởng tượng.

3.2. Quên và cách chống quên

a) Khái niệm về sự quên

Quên là không tái hiện được hoặc tái hiện không đầy đủ những nội dung đã ghi nhớ trước đây vào thời điểm nhất định

Quên cũng có nhiều mức độ: quên hoàn toàn (không nhớ lại, nhận lại được), quên cục bộ (không nhớ lại nhưng nhận lại được). Nhưng ngay cả quên hoàn toàn cũng không có nghĩa là các dấu vết ghi nhớ đã hoàn toàn mất đi, không để lại dấu vết nào.Trong thực tế vẫn còn lại những dấu vết nhất định trên vỏ não, chỉ có điều ta không làm nó sống lại khi cần thiết mà thôi.

3.2.2. Cách chống quên (để có trí nhớ tốt)

a, Ghi nhớ tốt.

Phải tập trung chú ý cao khi ghi nhớ, có hứng thú, say mê vơi tài liệu ghi nhớ, có hứng thú, say mê với tài liệu ghi nhớ, ý thức được tầm quan trọng của tài liệu ghi nhớ và xác định được tâm thế ghi nhớ lâu dài đối với tài liệu.

Phải lựa chọn và phối hợp các loại ghi nhớ một cách hợp lý nhất, phù hợp với tính chất và nội dung của tài liệu, với nhiệm vụ và mục đích ghi nhớ. Trong hoạt động học tập, ghi nhớ logic là hình thức tốt nhất.Để ghi nhớ tốt tài liệu học tập đòi hỏi người học phải lập dàn bài cho tài liệu học tập, tức là phát hiện những đơn vị logic cấu tạo nên tài liệu đó. Dàn ý này được xem là điểm tựa để ôn tập (củng cố) và tái hiện tài liệu khi cần thiết.

Phải biết phối hợp nhiều giác quan để ghi nhớ, phải sử dụng các thao tác trí tuệ để ghi nhớ tài liệu, gắn tài liệu ghi nhớ với kinh nghiệm của bản thân.

b. Giữ gìn tốt (ôn tập tốt)

Phải giữ gìn một cách tích cực, nghĩa là phải ôn tập bằng cách tái hiện là chủ yếu. Việc tái hiện tài liệu có thể được tiến hành theo trình tự như sau:

+ Cố gắng tái hiện toàn bộ tài liệu một lần

+ Tiếp đó tái hiện từng phần, đặc biệt là những phần khó

+ Sau đó lại tái hiện toàn bộ tài liệu

+ Phân chia tài liệu thành những nhóm yếu tố cơ bản của nó.

+ Xác định mối liên hệ trong mỗi nhóm

+ Xây dựng cấu trúc logic của tài liệu dựa trên mối liên hệ giữa các nhóm

Phải ôn tập ngay, không để lâu sau khi ghi nhớ tài liệu.

Phải ôn tập xen kẽ, không nên ôn tập liên tục một môn học.

-   Ôn tập phải có nghỉ ngơi, không nên ôn tập liên tục trong một thời gian dài.

Cần thay đổi hình thức và các phương pháp ôn tập.

c. Cách thức hồi tưởng cái đã quên

Về nguyên tắc, mọi sự việc hiện tượng tác động vào não đều có thể tái hiện sau tác động.

- Quên không phải là mất tất cả, nếu cố gắng ta sẽ hồi tưởng lại được.

- Phải kiên trì hồi tưởng. Khi đã hồi tưởng sai thì lần hồi tưởng tiếp theo không nên lặp lại cách thức, biện pháp đã làm mà cần phải tìm ra biện pháp, cách thức mới.

- Cần đối chiếu, so sánh với những hồi ức có liên quan trực tiếp với nội dung tài liệu mà ta cần nhớ lại.

- Cần sử dụng sự kiểm tra của tư duy, trí tưởng tượng về quá trình hồi tưởng và kết quả hồi tưởng.

- Có thể sử dụng sự liên tưởng, nhất là liên tưởng nhân quả để hồi tưởng vấn đề gì đó.

Xem thêm: 

Tóm tắt lý thuyết Tâm lý học giáo 

Tóm tắt lý thuyết chương 1: Nhập môn Tâm lý học giáo dục 

Tóm tắt lý thuyết chương 2: Sự phát triển tâm lí cá nhân 

Tóm tắt lý thuyết chương 3: Cơ sở tâm lí học của hoạt động học 

Tóm tắt lý thuyết chương 4: Cơ sở tâm lí học của hoạt động dạy học 

Tóm tắt lý thuyết chương 5: Động cơ và hứng thú học tập 

Tóm tắt lý thuyết chương 6: Cơ sở tâm lí học của quản lí lớp học 

Tóm tắt lý thuyết chương 7: Cơ sở tâm lí học của giáo dục đạo đức, thái độ, giá trị và nhân cách 

Tóm tắt lý thuyết chương 8: Hỗ trợ tâm lý trong trường học 

Tóm tắt lý thuyết chương 9: Lao động sư phạm và nhân cách người thầy giáo 

Câu hỏi trắc nghiệm Tâm lý học giáo dục

Câu hỏi trắc nghiệm Cơ sở tâm lý học của hoạt động dạy học

Việc làm dành cho sinh viên:

Việc làm thực tập sinh tâm lý

Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất

Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên

Việc làm thực tập sinh quản lý đào tạo

Mức lương của thực tập sinh quản lý đào tạo là bao nhiêu?

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!