Sự phát triển tâm lí cá nhân | Tóm tắt lý thuyết Tâm lý học giáo dục | HNUE

Tóm tắt kiến thức Sự phát triển tâm lí cá nhân về: Quan điểm duy vật biện chứng về sự phát triển tâm lý cá nhân, sự phát triển tâm lý cá nhân, các giai đoạn phát triển tâm lí cá nhân,... Tài liệu học tập môn TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC tại trường ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI giúp bạn học tập, ôn luyện và đạt điểm cao!

TÓM TẮT LÝ THUYẾT: Sự phát triển tâm lí cá nhân

1. Quan điểm duy vật biện chứng về sự phát triển tâm lý cá nhân

Quan điểm của tâm lý học duy vật biện chứng thừa nhận nguyên lý phát triển trong triết học Mác – Lênin là: Sự phát triển của sự vật, hiện tượng là quá trình biến đổi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Đó là một quá trình tích lũy dần về số lượng dẫn đến sự thay đổi về chất lượng, là quá trình nảy sinh cái mới trên cơ sở của cái cũ, do sự đấu tranh giữa các mặt đối lập ngay trong bản thân của sự vật, hiện tượng.

Quan điểm Macxit được vận dụng để xem xét sự phát triển tâm lý của trẻ em không phải là sự tăng hoặc giảm về số lượng, mà là một quá trình biển đổi về chất lượng tâm lý. Sự thay đổi về lượng của các chức năng tâm lý dẫn đến sự thay đổi về chất và đưa đến sự hình thành cái mới một cách nhảy vọt trên cơ sở của cái cũ, do sự đấu tranh giữa các mặt đối lập ngay trong bản thân của sự vật, hiện tượng.

Sự phát triển tâm lý gắn liền với sự xuất hiện những đặc điểm mới về chất – những cấu tạo tâm lý mới ở những giai đoạn lứa tuổi nhất định (ví dụ, nhu cầu tự lập ở trẻ lên 3…).

Trong các giai đoạn phát triển khác nhau, có sự cải biến về chất của các quá trình tâm lý và toàn bộ nhân cách trẻ.

Xét trong toàn cục, phát triển là một quá trình kế thừa.Sự phát triển tâm lý cá nhân là một quá trình cá nhân lĩnh hội nền văn hóa xã hội của loài người.

Bằng lao động của mình, con người ghi lại kinh nghiệm, năng lực… Trong các công cụ sản xuất, các đồ dùng hàng ngày, các tác phẩm văn hóa nghệ thuật…, con người đã tích lũy kinh nghiệm thực tiễn xã hội của mình trong các đối tượng do con người tạo ra và các quan hệ con người với con người. Ngay từ khi ra đời, đứa trẻ đã sống trong thế giới đối tượng và những quan hệ đó. Đứa trẻ không chỉ thích nghi với thế giới đồ vật và hiện tượng do con người tạo ra, mà còn lĩnh hội thế giới đó. Đứa trẻ đã tiến hành những hoạt động căn bản tương ứng với những hoạt động mà trước đó loài người đã thể hiện vào trong đồ vật, hiện tượng. Nhờ cách đó mà nó lĩnh hội được những năng lực đó cho mình.Quá trình đó làm cho quá trình tâm lý trẻ phát triển.

Như vậy, phát triển tâm lý là kết quả hoạt động của chính cá nhân với những đối tượng do loài người tạo ra.

Những biến đổi về chất trong tâm lý sẽ đưa cá nhân từ lứa tuổi này sang lứa tuổi khác. Bất cứ một mức độ nào của trình độ trước cũng là sự chuẩn bị cho trình độ sau. Yếu tố tâm lý lúc đầu ở vị trí thứ yếu, sau chuyển sang vị trí chủ yếu.

Tóm lại, sự phát triển tâm lý của cá nhân đầy biến động và diễn ra cực kì nhanh chóng. Đó là một quá trình không phẳng lặng, mà có khủng hoảng và đột biến. Chính hoạt động của cá nhân làm cho tâm lý của nó được hình thành và phát triển.

Mặt khác, sự phát triển tâm lý chỉ có thể xảy ra trên nền của một cơ sở vật chất nhất định (một cơ thể người với những đặc điểm bẩm sinh, di truyền của nó). Trẻ em sinh ra với những đặc điểm bẩm sinh, di truyền nhất định mới có sự phát triển tâm lí người. Vì vậy sự phát triển tâm lý của mỗi cá nhân dựa trên cơ sở vật chất riêng. Sự khác nhau này có thể ảnh hưởng tới tốc độ, đỉnh cao… của các thành tựu của con người cụ thể trong một lĩnh vực nào đó; có thể ảnh hưởng tới con đường và phương thức khác nhau của sự phát triển các thuộc tính tâm lý… Chúng là tiền đề, điều kiện cần thiết để phát triển tâm lý, những điều kiện đó không quyết định sự phát triển tâm lý, nó có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào một tổ hợp những yếu tố khác nữa. Vì vậy, trong quá trình phát triển của cá nhân, không chỉ quan tâm tới các yếu tố hoạt động, tương tác xã hội, yếu tố môi trường (tự nhiên, xã hội), mà còn phải quan tâm tới sự phát triển thể chất của cá nhân.

2. Sự phát triển tâm lý cá nhân

2.1. Cơ chế hình thành và phát triển tâm lí cá nhân

- Sự phát triển tâm lý cá nhân là quá trình chủ thể thông qua hoạt động và tương tác để lĩnh hội những kinh nghiệm lịch sử - xã hội và biến chúng thành những kinh nghiệm riêng của cá nhân.

+ Kinh nghiệm lịch sử - xã hội:

  • Kinh nghiệm xã hội: là những kinh nghiệm được hình thành và tồn tại trong hoạt động của các cá nhân, của xã hội và trong các mối quan hệ giữa các chủ thể cùng sống trong xã hội đương thời. Những kinh nghiệm của xã hội được biểu hiện qua tri thức khoa học về tự nhiên xã hội và nhân văn, kinh nghiệm ứng xử giữa người với người giữa người với thế giới tự nhiên,…
  • Kinh nghiệm lịch sử: Sự tích lũy các kinh nghiệm xã hội trong suốt chiều dài phát triển của xã hội đã hình thành nên kinh nghiệm lịch sử (là những kinh nghiệm từ các thế hệ trước truyền lại). Kinh nghiệm lịch sử là dấu hiệu đặc trưng tạo nên sự khác biệt giữa con người với các loại động vật khác, chỉ có kinh nghiệm loài chứ không có kinh nghiệm lịch sử.

Kinh nghiệm lịch sử và kinh nghiệm xã hội kết hợp với nhau tạo thành hệ thống kinh nghiệm xã hội - lịch sử và tồn tại trong đời sống xã hội (được kết tinh trong các vật phẩm do con người sáng tạo ra và trong các quan hệ giữa con người với con người).

- Cơ chế chuyển kinh nghiệm xã hội lịch sử thành kinh nghiệm cá nhân (Cơ chế chuyển từ bên ngoài vào bên trong).

+ Quá trình phát triển tâm lý của cá nhân được thực hiện thông qua sự tương tác giữa cá nhân với thế giới bên ngoài.

  • Cơ chế từ bên ngoài vào bên trong theo J. Piaget: Tương tác giữa trẻ em với thế giới đồ vật (qua đó chủ thể hình thành kinh nghiệm về những thuộc tính vật lý của sự vật và phương pháp sáng tạo ra chúng) và tương tác giữa trẻ em với người khác (qua đó chủ yếu hình thành kinh nghiệm về các khuôn mẫu đạo đức, tư duy, logic…). Trong quá trình tương tác giữa trẻ em với thế giới đồ vật thường xuyên có sự hiện diện của người lớn và điều quan trọng là qua các quá trình tương tác, trẻ em học được cách sử dụng các đồ vật, tức là sử dụng được các kinh nghiệm xã hội mà con người sáng tạo ra và mã hóa vào trong đồ vật. Mọi sự phát triển tâm lý bình thường của trẻ em không thể diễn ra bên ngoài sự tương tác.Tương tác là nguyên lý bất di bất dịch của sự phát triển nói chung, trong đó có sự phát triển tâm lí.
  •  Giải thích của P.Ia. Galperin, theo cách giải thích này cơ chế chuyển vào trong có 3 điểm cơ bản: Thứ nhất, ở mức độ đầy đủ nhất quá trình chuyển vào trong được bắt đầu từ hành động với vật thật, bên ngoài và trải qua một số bước: Hành động với vật thật    Hành động với lời nói to    Hành động với   lời nói thầm không thành tiếng Hành động với lời nói thầm bên trong.

2.2. Các quy luật phát triển tâm lí cá nhân

- Quy luật 1: Sự phát triển tâm lí của cá nhân diễn ra theo một trình tự nhất định, không nhảy cóc, không đốt cháy giai đoạn

Sự phát triển và trưởng thành của cơ thể từ lúc bắt đầu là một hợp tử cho đến khi về già trải qua tuần tự các giai đoạn: thai nhi, tuổi thơ, dậy thì, trưởng thành, ổn định, suy giảm, già yếu và chết. Thời gian, cường độ và tốc độ phát triển các giai đoạn ở mỗi cá nhân có thể khác nhau, nhưng mọi cá nhân phát triển bình thường đều phải trải qua các giai đoạn đó theo một trật tự hằng định, không đốt cháy, không nhảy cóc, không bỏ qua giai đoạn trước để có giai đoạn sau. Sự hình thành và phát triển các cấu trúc tâm lí của cá nhân cũng diễn ra theo quy luật hằng định như vậy.

Ngày nay, do gia tốc phát triển diễn ra nhanh hơn, mặt khác, do đời sống xã hội thay đổi, nên các giai đoạn trưởng thành của trẻ em có thể được rút ngắn hơn, hiện đại hơn, nhưng trật tự phát triển của trẻ em vẫn không thay đổi. Vì vậy, trong giáo dục, tránh tình trạng bắt ép trẻ em phát triển sớm hơn so với khả năng và điều kiện của mình, biến trẻ thành các “ông cụ, bà cụ” non.

- Quy luật 2: Sự phát triển tâm lí cá nhân diễn ra không đều

+ Sự phát triển cả thể chất và tâm lí diễn ra với tốc độ không đều qua các giai đoạn phát triển từ sơ sinh đến trưởng thành. Xu hướng chung là chậm dần từ sơ sinh đến khi trưởng thành,nhưng trong suốt quá trình đó có những giai đoạn phát triển với tốc độ rất nhanh, có giai đoạn chậm lại, để rồi lại vượt lên giai đoạn sau.

+ Có sự không đều về thời điểm hình thành, tốc độ, mức độ phát triển giữa các cấu trúc tâm lí trong quá trình phát triển ở mỗi cá nhân. Chẳng hạn, thông thường, trẻ em phát triển nhận thức trước và nhanh hơn so với phát triển ngôn ngữ; ý thức về các sự vật bên ngoài trước khi xuất hiện ý thức về bản thân,...

+ Có sự không đều giữa các cá nhân trong quá trình phát triển cả về tốc độ và mức độ

Khi mới sinh và lớn lên, mỗi cá nhân có cấu trúc cơ thể riêng (về hệ thần kinh, các giác quan và các cơ quan khác của cơ thể). Đồng thời được nuôi dưỡng, được hoạt động trong những môi trường riêng (gia đình, nhóm bạn, nhà trường v.v). Sự khác biệt đó tạo ra ở mỗi cá nhân có tiềm năng, điều kiện, môi trường phát triển riêng của mình, không giống người khác. Vì vậy giữa các cá nhân có sự khác biệt và không đều về cả mức độ và tốc độ phát triển.

=> Kết luận:

Giáo dục trẻ em không chỉ quan tâm và tôn trọng sự khác biệt cá nhân trong qúa trình phát triển của các em mà còn cần phải tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân phát huy đến mức tối đa mọi tiềm năng của mình, để đạt đến mức phát triển cao nhất so với chính bản thân mình.

- Quy luật 3: Sự phát triển tâm lí cá nhân diễn ra tiệm tiến và nhảy vọt

Theo nhà tâm lí học J.Piaget, sự hình thành và phát triển các cấu trúc tâm lí diễn ra theo cách tăng dần về số lượng (tăng trưởng) và đột biến (phát triển, biến đổi về chất).

Các nghiên cứu của S.Freud và E.Erikson đã phát hiện sự phát triển các cấu trúc nhân cách của trẻ em diễn ra bằng cách tăng dần các mối quan hệ với người lớn, dẫn đến cải tổ các cấu trúc nhân cách đã có, tạo ra cấu trúc mới, để thiết lập sự cân bằng trong đời sống nội tâm của mình.

Như vậy, trong quá trình phát triển các cấu trúc tâm lí thường xuyên diễn ra và đan xen giữa hai quá trình: tiệm tiến và nhảy vọt. Hai quá trình này có quan hệ nhân quả với nhau.

- Quy luật 4: Sự  phát  triển  tâm lí cá nhân gắn bó chặt chẽ giữa sự  trưởng thành cơ thể và sự tương tác với môi trường văn hoá- xã hội.

+ Sự phát triển của các cấu trúc tâm lí gắn liền và phụ thuộc vào sự trưởng thành của cơ thể và vào mức độ hoạt động của nó. Mức độ phát triển tâm lí phải phù hợp với sự trưởng thành của cơ thể. Nếu sự phù hợp này bị phá vỡ sẽ dẫn đến bất bình thường trong quá trình phát triển của cá nhân (chậm hoặc phát triển sớm về tâm lí so với sự phát triển của cơ thể).

+ Mặt khác, cá nhân muốn tồn tại và phát triển phải hoạt động trong môi trường hiện thực. Ở đó có rất nhiều lực lượng trực tiếp và gián tiếp tác động, chi phối và quy định hoạt động của cá nhân, trong đó môi trường văn hoá - xã hội là chủ yếu. Vì vậy, sự hình thành và phát triển tâm lí cá nhân diễn ra trong sự tương tác chặt chẽ giữa ba yếu tố: chủ thể hoạt động, yếu tố thể chất và môi trường. Sự tương tác giữa ba yếu tố này tạo nên tam giác phát triển của mọi cá nhân.

- Quy luật 5: Sự phát triển tâm lí cá nhân có tính mềm dẻo và có khả năng bù trừ.

Các nhà Tâm lí học hành vi cho thấy, có thể điều chỉnh, thậm chí làm mất một hành vi khi đã được hình thành. Điều này nói lên tính có thể thay đổi, thay thế được của các hành vi trong quá trình phát triển.

Các công trình nghiên cứu của A.Adler cho thấy, con người, ngay từ nhỏ đã có xu hướng vươn tới sự tốt đẹp. Trong quá trình đó, cá nhân thường ý thức được sự thiếu hụt, yếu kém của mình và chính sự ý thức đó là động lực thúc đẩy cá nhân khắc phục, bù trừ sự thiếu hụt đó. Đứa trẻ muốn nhìn tất cả nếu nó bị mù, muốn nghe tất cả nếu tai của nó bị khiếm khuyết, muốn nói nếu nó gặp khó khăn về ngôn ngữ,... Xu hướng bù trừ trong tâm lí là quy luật tâm lí cơ bản trong quá trình phát triển.Thậm chí, sự bù trừ có thể quá mức (siêu bù trừ), dẫn đến chuyển hoá sự yếu kém trở thành sức mạnh.

=> Như vậy, cả về phương diện hành vi bên ngoài, cả cấu trúc tâm lí bên trong và cơ chế sinh lí thần kinh của vỏ não đều cho thấy sự linh hoạt và khả năng bù trừ của cá nhân trong quá trình phát triển.

Việc phát hiện quy luật về tính mềm dẻo và bù trừ trong quá trình phát triển tâm lí đã vạch ra cơ sở khoa học cho việc điều chỉnh sự lệch lạc và khắc phục sự chậm trễ, hẫng hụt tâm lí của cá nhân do các tác động từ phía chủ thể và từ phía môi trường, đem lại sự cân bằng và phát triển bình thường cho cá nhân.

- Quy luật 6: Dạy học, giáo dục là con đường chủ yếu của sự phát triển tâm

Trẻ chỉ có thể lĩnh hội kinh nghiệm xã hội nhờ sự tiếp xúc với người lớn. Nhưng sự tiếp xúc của trẻ với người lớn có hiệu quả tốt với điều kiện là sự tiếp xúc đó phải được tổ chức đặc biệt và chặt chẽ, nhất là trong quá trình hoạt động sư phạm. Do vậy, giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với sự phát triển tâm lý trẻ em. Giáo dục và dạy học là con đường đặc biệt để truyền đạt những phương tiện hoạt động của con người (công cụ, ký hiệu), truyền đạt những kinh nghiệm xã hội cho thế hệ sau. Vai trò chủ đạo của giáo dục là do đó là quá trình tác động có mục đích, có ý thức của thế hệ trưởng thành đối với thế hệ trẻ nhằm hình thành những phẩm chất nhất định cho họ, đáp ứng được với những nhu cầu của xã hội.

- Kết luận: 

+ Tâm lý của con người mang tính chủ thể, những tác động của thế giới bên ngoài luôn luôn bị khúc xạ thông qua kinh nghiệm sống của con người. Do vậy, những học sinh khác nhau có thể có thái độ khác nhau trước cùng  một yêu cầu của thầy, cô giáo.

+ Con người là chủ thể hoạt động, chủ thể trước những tác động của môi trường. Do vậy, các tác động của bên ngoài quyết định tâm lý của con người một cách gián tiếp thông qua quá trình tác động qua lại của con người với môi trường thông qua hoạt động của con người trong môi trường đó.

+ Con người là một chủ thể tích cực có thể tự giác thay đổi được chính bản thân mình – con người có thể tự giáo dục (ở tuổi thiếu niên, tự ý thức phát triển mạnh mẽ, các em có thể tự giáo dục một cách có ý thức). Nhưng quá trình tự ý thức của trẻ không tách khỏi tác động của môi trường. Nó được giáo dục, kích thích, hướng dẫn… và diễn ra trong quá trình đứa trẻ tác động qua lại tích cực với những người xung quanh.

+ Giáo dục, dạy học có vai trò chủ đạo đối với sự phát triển. Mối quan hệ giữa giáo dục, dạy học và phát triển là mối quan hệ biện chứng. Hai quá trình này không phải là hai quá trình diễn ra song song, mà chúng thống nhất với nhau, có quan hệ tương hỗ với nhau. Sự phát triển tâm lý của trẻ chỉ có thể diễn ra một cách tốt đẹp trong những điều kiện giáo dục và dạy học. Nhưng để giữ được vai trò chủ đạo, giáo dục và dạy học phải kích thích, dẫn dắt sự phát triển chứ không chờ đợi sự phát triển. Giáo dục phải đi trước một bước, phải đón trước sự phát triển, tạo nên ở trẻ quá trình giải quyết mâu thuẫn liên tục để thúc đẩy sự phát triển.

Tuy vậy, trong khi kích thích sự phát triển, đi trước sự phát triển một bước, giáo dục và dạy học cần tính đến những đặc điểm của mức độ đã đạt được ở trẻ, tính đến đặc điểm lứa tuổi và quy luật bên trong của sự phát triển. Do vậy, khả năng của giáo dục và dạy học rất rộng, nhưng không vô hạn. Muốn tâm lý của trẻ phát triển đúng đắn rất cần có sự tự giáo dục của trẻ trong tất cả các thời kỳ của cuộc đời.

3. Các giai đoạn phát triển tâm lí cá nhân

3.1. Đặc trưng của các giai đoạn phát triển cá nhân

Sự hình thành và phát triển các cấu trúc tâm lí mới của cá nhân trải qua nhiều giai đoạn. Một giai đoạn phát triển tâm lí của cá nhân có các đặc trưng sau:

- Thứ nhất: Mỗi giai đoạn phát triển tương ứng với một hoạt động chủ đạo của cá nhân. Hoạt động chủ đạo là hoạt động mà sự phát triển của nó quy định những biến đổi chủ yếu trong các quá trình tâm lí và các đặc điểm tâm lí của cá nhân ở giai đoạn phát triển của nó. Chẳng hạn, học tập là hoạt động chủ đạo của trẻ em lứa tuổi học sinh, vì các đặc trưng tâm lí của lứa tuổi này được hình thành và phát triển chủ yếu thông qua hoạt động này.

- Thứ hai: Mỗi giai đoạn được đặc trưng bởi các cấu trúc tâm lí mới mà ở các giai đoạn trước đó chưa có. Đây là đặc trưng điển hình nhất để xác định các giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, trong một thời điểm lứa tuổi có rất nhiều cấu trúc tâm lí mới được hình thành. Vì vậy, trên thực tế, cùng một lứa tuổi của cá nhân, có thể được gọi bằng các tên khác nhau, tuỳ theo cấu trúc tâm lí được nhà nghiên cứu phát hiện. Chẳng hạn, cùng giai đoạn lứa tuổi từ 1 đến 2 tuổi, J.Piaget quan tâm tới sự hình thành và phát triển các cấu trúc nhận thức, nên gọi là giai đoạn hình thành và phát triển các sơ cấu nhận thức cảm giác – vận động, còn S.Freud coi đó là giai đoạn hậu môn, vì theo ông, động cơ vô thức thúc đẩy các hành vi của trẻ em là các khoái cảm khi kích thích vào hậu môn. Mặt khác, do sự phát triển không đều, nên trong mỗi giai đoạn lứa tuổi, các cấu trúc tâm lí mới được hình thành ở các thời điểm khác nhau. Vì vậy, mốc giới tuyệt đối của các lứa tuổi thường không cố định mà có sự xê dịch đôi chút.

- Thứ ba:Trong mỗi giai đoạn phát triển đều có thời điểm rất nhạy cảm, thời điểm thuận lợi nhất để cá nhân hình thành và phát triển các cấu trúc tâm lí điển hình của giai đoạn đó. Chẳng hạn, thời kì 0 đến 1 tuổi là thời kì nhạy cảm để hình thành cấu trúc tâm lí “gắn bó mẹ con” hay trẻ em từ 7 đến 11 tuổi là thời kì thuận lợi để trẻ em phát triển các thao tác trí tuệ cụ thể, từ 15 đến 18 tuổi là thời kì thuận lợi để hình thành và phát triển ý thức xã hội hay trách nhiệm công dân v.v. Nếu nhà giáo dục nắm được thời điểm nhạy cảm của mỗi lứa tuổi sẽ dễ dàng hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong việc hình thành và phát triển cá nhân

- Thứ tư: Ở thời điểm chuyển tiếp giữa hai giai đoạn lứa tuổi thường xuất hiện các cuộc khủng hoảng. Đó là thời điểm cá nhân thường rơi vào trạng thái tâm lí không ổn định, rối loạn, hẫng hụt, hay xuất hiện những biến đổi bất ngờ, khó lường trước, làm ảnh hưởng rất lớn đến nhịp độ, tốc độ và chiều hướng phát triển của cá nhân trong các giai đoạn tiếp sau. Trong thời kì khủng hoảng, cá nhân rất khó tiếp xúc, rất khó tác động. Tại thời điểm đó, dường như có sự khép kín tâm hồn của cá nhân; xuất hiện xu thế thụt lùi, tạm dừng phát triển. Trong giai đoạn học phổ thông, ở các thời điểm khủng hoảng, học sinh thường ít hứng thú với việc học tập, giảm thành tích học tập, cuộc sống nội tâm thường dằn vặt, mệt mỏi và chán nản

Trong suốt quá trình phát triển của cá nhân thường xuất hiện nhiều cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng tuổi lên ba; khủng hoảng tuổi dậy thì và khủng hoảng tuổi già.

3.2. Các giai đoạn phát triển tâm lí cá nhân dựa theo quan điểm hoạt động và tương tác của cá nhân

- Các nhà Tâm lí học theo lí thuyết hoạt động thường căn cứ vào đặc trưng mối quan hệ, sự tương tác giữa cá nhân với các yếu tố của môi trường và vào đặc trưng hoạt động của cá nhân để phân chia các giai đoạn phát triển. Tiêu chí để phân chia các giai đoạn ở đây là: Đối tượng chủ yếu trong quan hệ mà cá nhân hướng tới trong quá trình phát triển: các đồ vật hay con người. Từ đó dẫn đến, hoạt động chủ đạo trong lứa tuổi.

- Dựa theo quan niệm này có thể phân chia các giai đoạn phát triển của trẻ em như sau:

+ Thai nhi

+ Ấu nhi (0-3 tuổi): Lớp quan hệ chủ yếu là Mẹ và người lớn, thế giới đồ vật. Tương tác mẹ – con và hành động với đồ vật là hành động chủ đạo.

+ Mẫu giáo (3-6 tuổi): Quan hệ xã hội và thế giới đồ vật. Hoạt động chơi là hoạt động chủ đạo.

+ Nhi đồng (6 đến 11): Hoạt động chủ đạo là học tập

+ Thiếu niên (11 đến 15 tuổi): Tri thức khoa học và thế giới bạn bè. Hoạt động học tập và quan hệ bạn bè là chủ đạo.

+ Thanh niên (15 đến 25) : Tri thức khoa học - nghề nghiệp. Quan hệ xã hội. Hoạt động học tập - nghề nghiệp, Hoạt động xã hội là chủ đạo.

+ Trưởng thành (25 đến 60) Nghề nghiệp và quan hệ xã hội. Hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội

+ Tuổi già hơn 60 tuổi: Quan hệ xã hội

3.3. Hoạt động

a) Khái niệm: 

Hoạt động là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới (khách thể) để tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới, cả về phía con người (chủ thể).

b) Đặc điểm của hoạt động:

- Hoạt động bao giờ cũng là hoạt động có đối tượng: Đối tượng của hoạt động là cái mà con người tác động vào để thay đổi nó, biến nó thành sản phẩm hoặc tiếp nhận nó vào não tạo nên một cấu trúc tâm lí mới, năng lực mới…

- Hoạt động bao giờ cũng có chủ thể: Hoạt động do chủ thể thực hiện, chủ thể của hoạt động có thể là một hay nhiều người. Chủ thể luôn thể hiện tính tích cực hoạt động.

- Hoạt động bao giờ cũng có mục đích: Mục đích hoạt động là làm biến đổi thế giới và biến đổi bản thân chủ thể. Để đạt được mục đích, con người phải sử dụng các điều kiện và phương tiện cần thiết.

- Hoạt động vận hành theo nguyên tắc gián tiếp: Khi hoạt động con người tác động đến khách thể gián tiếp qua hình ảnh tâm lí trong đầu, gián tiếp qua việc sử dụng công cụ lao động, gián tiếp qua việc sử dụng ngôn ngữ. Chính hình ảnh tâm lí trong đầu, việc sử dụng công cụ lao động, việc sử dụng ngôn ngữ tạo nên tính gián tiếp của hoạt động.

3.4. Giao tiếp

- Khái niệm giao tiếp:

Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lý giữa người và người thông qua đó con người trao đổi với nhau về thông tin, cảm xúc, tri giác lẫn nhau, ảnh hưởng tác động qua lại với nhau.

- Vai trò của giao tiếp đối với sự hình thành và phát triển tâm lý, ý thức

4. Đặc điểm tâm lí lứa tuổi thiếu niên và thanh niên mới lớn

4.1. Đặc điểm tâm lí lứa tuổi thiếu niên

a) Đặc điểm của hoạt động học tập của thiếu niên (Học sinh THCS)

- Thứ nhất: Vấn đề phương pháp học tập hiệu quả là mối quan tâm hàng đầu trong học tập của học sinh THCS.

- Thứ hai: Động cơ học của học sinh THCS là tìm hiểu một cách hệ thống tri thức khoa học và áp dụng chúng vào giải quyết nhiệm vụ thực tiễn.Ở cuối tuổi THCS dần xuất hiện những động cơ học tập mới, có liên quan đến sự hình thành dự định nghề nghiệp và tự ý thức.

- Thứ ba: Có sự phân hoá thái độ đối với các môn học, có môn “thích”, môn “không thích”, có môn “cần”, có môn “không cần”... Thái độ khác nhau đối với các môn học của học sinh THCS phụ thuộc vào hứng thú, sở thích của các em, vào nội dung môn học và phương pháp giảng dạy của giáo viên.

- Thứ tư: Tính chất và hình thức hoạt động học của học sinh THCS cũng thay đổi. Học sinh THCS thường hứng thú với những hình thức học tập đa dạng, phong phú, (những giờ thảo luận, thực hành, thí nghiệm ở phòng thí nghiệm, ở vườn sinh vật; những buổi sinh hoạt theo chủ đề, văn nghệ, thể thao, ngoại khoá, tham quan, dã ngoại...).

- Thứ năm: Học sinh THCS ít phụ thuộc vào giáo viên hơn so với học sinh Tiểu học. Các em tiếp xúc với nhiều giáo viên có phong cách giảng dạy, có thái độ và yêu cầu khác nhau đối với học sinh, do đó các em có thể nảy sinh sự đánh giá, so sánh và tỏ thái độ khác nhau đối với các giáo viên. Từ đó có yêu cầu cao về phẩm chất và năng lực của các giáo viên, đặc biệt là về các phẩm chất nhân cách.

b) Đặc điểm giao tiếp với người lớn

- Trong giao tiếp với người lớn, có ba đặc điểm:

+Thứ nhất: Tính chủ thể cao và khát vọng độc lập trong quan hệ. Nhu cầu được tôn trọng, bình đẳng và được đối xử như người lớn; được hợp tác, cùng hoạt động với người lớn, không thích sự quan tâm, can thiệp, sự kiểm tra, sự giám sát chặt chẽ của người lớn trong cuộc sống, học tập và trong công việc riêng của các em; không thích người lớn ra lệnh. Nếu tính chủ thể và khát vọng độc lập được thoả mãn, thiếu niên sung sướng, hài lòng thể hiện sự cố gắng vươn lên. Ngược lại, sẽ nảy sinh nhiều phản ứng tiêu cực mạnh mẽ, tạo nên “xung đột” trong quan hệ với người lớn. Các em có thể cãi lại, bảo vệ quan điểm, ý kiến riêng bằng lời nói, việc làm, thậm chí chống đối người lớn hoặc bỏ nhà ra đi...

+ Thứ hai: Ở tuổi thiếu niên thường xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn trong nhận thức và nhu cầu. Một mặt, các em có nhu cầu thoát li khỏi sự giám sát của người lớn, muốn độc lập, nhưng do còn phụ thuộc và chưa có nhiều kinh nghiệm ứng xử, giải quyết nhiều vấn đề về hoạt hoạt động và tương lai, nên các em vẫn có nhu cầu, mong muốn được người lớn gần gũi, chia sẻ và định hướng cho mình; làm gương để mình noi theo. Mâu thuẫn giữa sự phát triển nhanh, bất ổn định về thể chất, tâm lí và vị thế xã hội của trẻ em với nhận thức và hành xử của người lớn không theo kịp sự thay đổi đó. Vì vậy, người lớn vẫn thường có thái độ và cách cư xử như với trẻ nhỏ.

+ Thứ ba: Thiếu niên có xu hướng cường điệu hoá, “kịch hoá” các tác động của người lớn trong ứng xử hàng ngày. Các em thường suy diễn, thổi phồng, cường điệu hoá quá mức tầm quan trọng của các tác động liên quan tới danh dự và lòng tự trọng của mình, coi nhẹ các hành vi của mình có thể gây hậu quả đến tính mạng. Vì vậy, chỉ cần một sự tác động nhỏ của người lớn, làm tổn thương chút ít đến các em thì tuổi thiếu niên coi đó là sự xúc phạm lớn, sự tổn thất tâm hồn nghiêm trọng, dẫn đến các phản ứng tiêu cực với cường độ mạnh. Ngược lại, các em dễ dàng bỏ qua các hành vi (của mình và của người khác) có thể gây hậu quả tiêu cực nghiêm trọng.

- Các kiểu quan hệ của người lớn với trẻ em tuổi thiếu niên:

+ Kiểu ứng xử dựa trên cơ sở người lớn thấu hiểu tâm lí tuổi thiếu niên

+ Kiểu ứng xử dựa trên cơ sở người lớn vẫn coi trẻ em tuổi thiếu niên là trẻ nhỏ, vẫn giữ thái độ ứng xử như với trẻ nhỏ.Trong kiểu này, người lớn thường vẫn áp đặt tư tưởng, thái độ và hành vi đối với các em như đối với trẻ nhỏ. Do vậy, thường chứa đựng mẫu thuẫn và dễ dẫn đến xung đột giữa người lớn và trẻ em. Để tránh xảy ra xung đột, người lớn cần có sự hiểu biết nhất định về phát triển thể chất và tâm lí tuổi thiếu niên, đặt thiếu niên vào vị trí của người cùng hợp tác, tôn trọng và bình đẳng; cần gương mẫu, tế nhị trong hành xử với các em.

c) Đặc điểm giao tiếp của thiếu niên với bạn ngang hàng

- Giao tiếp với bạn đã trở thành một hoạt động riêng và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tuổi thiếu niên. Nhiều khi giá trị này cao đến mức đẩy lùi học tập xuống hàng thứ hai và làm các em sao nhãng cả giao tiếp với người thân trong gia đình. Trong giao tiếp với bạn ngang hàng, thiếu niên thỏa mãn được nhu cầu bình đẳng và khát vọng độc lập.

- Nhu cầu giao tiếp với bạn ngang hàng phát triển mạnh và cấp thiết. Đây là lứa tuổi đang khao khát tìm một vị trí ở bạn bè, ở tập thể, muốn được sự công nhận của bạn bè. Nhu cầu có bạn thân (“bạn thông cảm”, “bạn tin cậy”...), đặc biệt với các em cuối cấp THCS. Người bạn thân được các em coi như “cái tôi thứ hai của mình”.

Trong cuộc sống thiếu niên không thể không có bạn. Các em có cảm xúc nặng nề nếu quan hệ với bạn bị nghèo nàn hay mất bạn. Sự tẩy chay của bạn bè, của tập thể có thể thúc đẩy thiếu niên sửa chữa nhược điểm để được hoà nhập với bạn, cũng có thể khiến các em tìm kiếm và gia nhập nhóm bạn khác, hoặc nảy sinh các hành vi tiêu cực như phá phách, gây hấn, cũng như các hành vi tiêu cực khác. Người lớn (cha mẹ và giáo viên) cần lưu ý điều này, vì khi thiếu niên xa rời tập thể, kết bạn thành nhóm tự phát ngoài trường học có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

- Quan hệ với bạn của thiếu niên là hệ thống độc lập và bình đẳng.

Thiếu niên coi quan hệ với bạn là quan hệ riêng của mình; muốn được độc lập, không muốn người lớn can thiệp. Trong quan hệ với bạn, các em muốn được bình đẳng, ngang hàng; mong muốn bạn phải có thái độ tôn trọng, trung thực, cởi mở, hiểu biết và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Mọi vi phạm sự bình đẳng trong giao tiếp, trong quan hệ như kiêu căng, chơi trội, coi thường bạn v.v, thường bị nhóm bạn lên án và tẩy chay.

- Quan hệ với bạn của thiếu niên là hệ thống yêu cầu cao và máy móc. Quan hệ với bạn của tuổi thiếu niên được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực tình bạn cao và chặt chẽ.Trên cơ sở “Bộ luật tình bạn”. Thiếu niên yêu cầu rất cao về phía bạn cũng như bản thân. Các phẩm chất được đặc biệt coi trọng đều liên quan trực tiếp tới sự kết bạn như sự tôn trọng, bình đẳng, trung thực, trung thành, dám hi sinh quyền lợi của mình vì bạn v.v. Vì vậy, các thái độ và hành vi từ chối giúp bạn, ích kỉ, tham lam, tự phụ, hay nói xấu bạn, nịnh bợ, xu thời thường bị phê phán, lên án v.v. Các phẩm chất liên quan tới các thành tích trong học tập và tu dưỡng của bạn như sự thông minh, chăm chỉ, kiên trì, làm việc có nguyên tắc, phương pháp, nhiệt tình và có trách nhiệm đối với công việc chung của nhóm v.v, cũng được coi trọng.

- Sắc thái giới tính trong quan hệ với bạn ở thiếu niên

Ở thiếu niên các em đã xuất hiện những rung động, cảm xúc mới lạ với bạn khác giới.Tình bạn giữa các em trai và gái thường nảy sinh ở những lớp cuối cấp (lớp 8, lớp 9) và sự gắn bó giữa các em có thể sâu sắc. Sự quan tâm đến bạn khác giới có ý nghĩa đối với sự phát triển nhân cách thiếu niên. Có thể động viên những khả năng của thiếu niên, gợi nên những nguyện vọng tốt, cùng thi đua học tập, làm những việc có ích, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau...

Tuy hành vi bề ngoài có vẻ khác nhau nhưng thiếu niên đều có hiện tượng tâm lí giống nhau: quan tâm đặc biệt hơn đến bạn khác giới và mong muốn thu hút được tình cảm của bạn khác giới.

Trong tình bạn khác giới, các em vừa hồn nhiên, trong sáng, vừa có vẻ thận trọng, kín đáo, có ý thức rõ rệt về giới tính của bản thân. Tình cảm này nhiều khi chỉ thoáng qua, nhưng cũng có trường hợp khá bền vững, cũng có thể có sóng gió, rồi lại ổn định dần và để lại nhiều kỉ niệm sâu sắc.

Nếu gặp ảnh hưởng không thuận lợi, các em dễ bị sa vào con đường tình ái quá sớm, không có lợi cho việc phát triển bình thường của nhân cách. Trong trường hợp này, cha mẹ, các thầy cô giáo phải rất bình tĩnh, giúp thiếu niên tháo gỡ một cách tế nhị khi trong quan hệ của các các em có “trục trặc”. Nhìn chung nên tổ chức các hoạt động tập thể có ích, phong phú để giúp trẻ hiểu biết lẫn nhau, quan tâm tới nhau một cách vô tư, trong sáng.

d) Sự phát triển của tự ý thức

- Cấu tạo mới trung tâm và chuyên biệt trong nhân cách thiếu niên là sự nảy sinh ở các em cảm giác về sự trưởng thành, cảm giác mình là người lớn. Cảm giác về sự trưởng thành là cảm giác độc đáo của lứa tuổi thiếu niên.

Ở thiếu niên nảy sinh nhận thức mới, xuất hiện “cảm giác mình đã là người lớn”. Thiếu niên cảm thấy mình không còn là trẻ con nữa; các em cũng cảm thấy mình chưa thực sự là người lớn nhưng các em sẵn sàng muốn trở thành người lớn. “Cảm giác mình đã là người lớn” được thể hiện phong phú về nội dung và hình thức.

+ Sự hình thành tự ý thức là một trong những đặc điểm đặc trưng trong sự phát triển nhân cách của thiếu niên.

Tự ý thức được hình thành từ trước tuổi thiếu niên. Khi bước vào tuổi thiếu niên, các em đã được học tập và hoạt động tập thể, tích luỹ kinh nghiệm, tri thức và kĩ năng hoạt động nhất định. Chính những điều đó tạo tiền đề cho sự phát triển tự ý thức của thiếu niên, giúp cho các em phát triển tự ý thức một cách mạnh mẽ.

- Nội dung tự ý thức của thiếu niên

Các em quan tâm nhận thức về bản thân: quan tâm đến vẻ bề ngoài: quần áo, đầu tóc, phong cách ứng xử...Các em lo lắng, bận tâm về dáng vẻ bề ngoài vụng về, lóng ngóng của mình.

Thiếu niên bắt đầu phân tích có chủ định những đặc điểm về trạng thái, về những phẩm chất tâm lí, về tính cách của mình, về thế giới tinh thần nói chung. Các em quan tâm đến những cảm xúc mới, tự phê phán những tình cảm mới của mình, chú ý đến khả năng, năng lực của mình, hình thành một hệ thống các nguyện vọng, các giá trị hướng tới người lớn. Các em cố gắng bắt chước người lớn về mọi phương diện (vẻ bề ngoài cũng như cách ứng xử... của người lớn).

Các em khao khát tình bạn mang động cơ mới để tự khẳng định, tìm chỗ đứng của mình trong nhóm bạn, trong tập thể, muốn được bạn bè yêu mến.

Thiếu niên quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu mối quan hệ người -người (đặc biệt là quan hệ nam - nữ), đến việc thể nghiệm những rung cảm mới.

- Mức độ tự ý thức của thiếu niên

Tự ý thức của thiếu niên thường bắt đầu từ nhận thức được hành vi của mình; tiếp đến là nhận thức các phẩm chất đạo đức, tính cách và năng lực của mình; rồi đến những phẩm chất thể hiện thái độ với người khác: tình thương, tình bạn, tính vị tha, sự ân cần, cởi mở...); tiếp đến là những phẩm chất thể hiện thái độ đối với bản thân: khiêm tốn, nghiêm khắc với bản thân hay khoe khoang, dễ dãi..., cuối cùng mới là những phẩm chất phức tạp, thể hiện mối quan hệ nhiều mặt của nhân cách (tình cảm trách nhiệm, lương tâm, danh dự...).

4.2. Đặc điểm tâm lí lứa tuổi thanh niên mới lớn

a) Lí tưởng sống của thanh niên mới lớn.

- Lí tưởng sống, theo đúng nghĩa của nó, được hình thành và phát triển mạnh ở tuổi thanh niên mới lớn. Ở tuổi thanh niên mới lớn, “hình mẫu người lí tưởng” không còn gắn liền với các cá nhân cụ thể mà có tính khái quát cao về các phẩm chất tâm lí, nhân cách điển hình của nhiều cá nhân trong các lĩnh vực hoạt động, nghề nghiệp, được thanh niên quý trọng và ngưỡng mộ, noi theo,...

- Lí tưởng sống của thanh niên mới lớn đã có sự phân hóa lí tưởng nghề và lí tưởng đạo đức cao cả. Lí tưởng này được thể hiện qua mục đích sống, qua sự say mê với việc học tập, nghiên cứu và lao động nghề nghiệp; qua nguyện vọng được tham gia các hoạt động mang lại giá trị xã hội lớn lao, được cống hiến sức trẻ của mình, ngay cả trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng của bản thân. Nhiều thanh niên luôn ngưỡng mộ và cố gắng theo các thần tượng của mình trong các tiểu thuyết cũng như trong cuộc sống.

- Có sự khác nhau khá rõ về giới giữa lí tưởng của nam và nữ thanh niên. Đối với nữ thanh niên, lí tưởng sống về nghề nghiệp, về đạo đức xã hội thường mang tính nữ và không bộc lộ rõ và mạnh như nam.

- Điều cần lưu ý là trong thanh niên mới lớn, vẫn còn một bộ phận bị lệch lạc về lí tưởng sống. Những thanh niên này thường tôn thờ một số tính cách riêng biệt của các nhân cách xấu như ngang tàng, càn quấy,... và coi đó là biểu hiện của thanh niên anh hùng, hảo hán,...

Việc giáo dục lí tưởng của thanh niên, đặc biệt là các thanh niên mới lớn cần đặc biệt lưu ý tới nhận thức và trình độ phát triển tâm lí của các em.

b)  Kế hoạch đường đời là một khái niệm rộng, bao hàm từ sự xác định các giá trị đạo đức, mức độ kì vọng vào tương lai, nghề nghiệp, phong cách sống,... Ở tuổi thanh niên mới lớn, tính tất yếu của sự lựa chọn trở lên rõ ràng. Từ nhiều khả năng ở tuổi thiếu niên dần dần hình thành nên đường nét của một vài phương án hiện thực và có thể được chấp nhận. Đến cuối tuổi thanh niên mới lớn, một trong số vài phương án ban đầu sẽ trở thành lẽ sống, định hướng hành động của họ.

Vấn đề quan trọng nhất và là sự bận tâm nhất của thanh niên mới lớn trong việc xây dựng kế hoạch đường đời là vấn đề nghề và chọn nghề, chọn trường học nghề. Xu hướng và hứng thú nghề đã xuất hiện từ tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, chỉ đến khi bước sang tuổi thanh niên thì xu hướng nghề mới trở nên cấp thiết và mang tính hiện thực. Hầu hết thanh niên mới lớn đều phải đối mặt với việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Việc lựa chọn nghề và trường học nghề luôn luôn là mối quan tâm lớn nhất và là sự khó khăn của đa số học sinh THCS và THPT. Về chủ quan, sự hiểu biết về nghề thanh niên  học sinh còn hạn chế.Nhiều thanh niên mới lớn chưa thực sự hiểu rõ mạng lưới nghề hiện có trong xã hội, chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa nghề và trường đào tạo nghề, nên ít em hướng đến việc chọn nghề mà chủ yếu chọn trường để học. Việc chọn nghề của số thanh niên này không phải với tư cách là chọn một lĩnh vực việc làm ổn định phù hợp với khả năng và điều kiện của mình, không phải là một nghề để mưu sinh, mà chủ yếu chỉ là sự khẳng định mình trước bạn hoặc chủ yếu là theo đuổi chí hướng có tính chất lí tưởng hoá của mình. Vì vậy, mặc dù các em ý thức được tầm quan trọng của việc chọn nghề nhưng hành vi lựa chọn của các em vẫn cảm tính. Về khách quan, trong nền kinh tế hiện đại, mạng lưới nghề rất đa dạng, phong phú và biến động, nên việc định hướng và lựa chọn giá trị nghề của thanh niên trở lên rất khó. Việc giáo dục nghề và hướng nghiệp cho học sinh luôn là việc làm rất quan trọng của trường phổ thông và của toàn xã hội.

Xem thêm: 

Tóm tắt lý thuyết Tâm lý học giáo 

Tóm tắt lý thuyết chương 1: Nhập môn Tâm lý học giáo dục 

Tóm tắt lý thuyết chương 2: Sự phát triển tâm lí cá nhân 

Tóm tắt lý thuyết chương 3: Cơ sở tâm lí học của hoạt động học 

Tóm tắt lý thuyết chương 4: Cơ sở tâm lí học của hoạt động dạy học 

Tóm tắt lý thuyết chương 5: Động cơ và hứng thú học tập 

Tóm tắt lý thuyết chương 6: Cơ sở tâm lí học của quản lí lớp học 

Tóm tắt lý thuyết chương 7: Cơ sở tâm lí học của giáo dục đạo đức, thái độ, giá trị và nhân cách 

Tóm tắt lý thuyết chương 8: Hỗ trợ tâm lý trong trường học 

Tóm tắt lý thuyết chương 9: Lao động sư phạm và nhân cách người thầy giáo 

Câu hỏi trắc nghiệm Tâm lý học giáo dục

Câu hỏi trắc nghiệm Sự phát triển tâm lí cá nhân

Việc làm dành cho sinh viên:

Việc làm thực tập sinh tâm lý mới nhất

Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất

Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên

Việc làm cộng tác viên tư vấn tâm lý học đường

Mức lương của thực tập sinh tâm lý là bao nhiêu?

 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!