TÓM TẮT LÝ THUYẾT: BẢN CHẤT CỈA HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ TÂM LÝ TRONG NHÀ TRƯỜNG
1. Bản chất của hoạt động hỗ trợ tâm lý trong nhà trường
- Tâm lý học không chỉ cung cấp các kiến thức nền tảng cho việc tổ chức dạy học và giáo dục mà còn được ứng dụng trực tiếp vào việc đảm bảo cho sự phát triển tâm lý trẻ em một cách lành mạnh. Việc ứng dụng các nguyên tắc và kiến thức đó được thực hiện bởi một chuyên ngành Tâm lý ứng dụng có tên gọi là Tâm lý học học đường hay Tâm lý học trường học. Tâm lý học trường học (TLHTH) tập trung vào ứng dụng tâm lý học và giáo dục học nhằm giúp trẻ em và thanh thiếu niên đang hưởng thụ giáo dục có được điều kiện và cơ hội học tập cũng như phát triển bản thân tốt tới mức có thể. Hoạt động hỗ trợ tâm lý trong trường học được coi là nhiệm vụ cơ bản của Tâm lý học trường học.
- Hoạt động hỗ trợ tâm lý (HTTL) trong nhà trường là hoạt động hướng vào tất cả các học sinh, nhằm đảm bảo sức khỏe tâm lý (trong giới chuyên môn liên ngành thường thay từ sức khỏe tâm lý bằng sức khỏe tâm thần nhằm nói tới sự khỏe mạnh về tâm sinh lý - tâm lý và thể chất trong một cơ thể thống nhất) ổn định cho mỗi em, trên cơ sở đó tạo điều kiện tốt nhất cho các em tham gia học tập, rèn luyện và phát triển nhân cách.
- Hoạt động giáo dục sẽ thực hiện thuận lợi khi mà học sinh có tâm thế tốt - khỏe mạnh và sẵn sàng cả về thể chất, tâm lý. Hoạt động HTTL trong trường học góp phần chuẩn bị tâm thế của học sinh trước các hoạt động giáo dục trong nhà trường (theo cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng).
- Hoạt động HTTL trong nhà trường bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau:
+ Những hoạt động hướng vào nhóm học sinh bình thường nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng để các em có hiểu biết về bản thân, có năng lực ứng phó và xử lý những thách thức, khó khăn tâm lý mà các em có thể phải đối diện qua mỗi giai đoạn lứa tuổi
+ Những hoạt động hướng vào đối tượng học sinh có nhiều nguy cơ gặp khó khăn tâm lý (các nhóm yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn,…)
+ Những hoạt động HTTL hướng vào nhóm học sinh có khó khăn tâm lý, cần được phát hiện sớm, phối hợp can thiệp kịp thời
+ Những hoạt động HTTL nhằm hợp tác, nhận diện và chuyển những học sinh có rối nhiễu tâm lý nặng tới các cơ sở can thiệp lâm sàng phù hợp; Đồng thời phối hợp thực hiện hoạt động trợ giúp phù hợp trong thời gian học sinh được can thiệp chuyên sâu và sau khi kết thúc giai đoạn can thiệp chuyên sâu.
=> Kết luận:
- Hoạt động HTTL có chức năng trợ giúp trong việc bộc lộ, thể hiện tâm tư, chia sẻ mong muốn, khó khăn và nguyện vọng của học sinh- đại diện cho tiếng nói của các em; vì thế giáo viên và phụ huynh sẽ dễ hiểu các em hơn, dễ có chiến lược đón nhận và tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với các em.
- Nói một cách khái quát, hoạt động HTTL nhằm làm mạnh mỗi học sinh trong học đường, giúp các em có tâm thế và khả năng duy trì hoạt động học tập ổn định của mình, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân.
2. Hoạt động hỗ trợ tâm lý trong nhà trường
- Hỗ trợ tâm lý trong trường học trên thế giới tập trung vào ba mảng nội dung: Phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp; Với 03 cấp độ hoạt động hỗ trợ tâm lý trong nhà trường. Đây cũng là xu hướng chính trong hoạt động hỗ trợ tâm lý tại nhiều trường phổ thông hiện nay ở nước ta.
+ Cấp độ 1 - các hoạt động dịch vụ phổ biến: Tác động đến tất cả, hoặc là một số lượng lớn học sinh trong trường học (khoảng 80% học sinh). Các dịch vụ ở cấp độ này mang tính chất phòng ngừa và làm lành mạnh hóa môi trường trường học để giảm thiểu những vấn đề khó khăn học sinh có thể gặp phải. Nếu chuyên viên tâm lý, giáo viên và nhà trường làm tốt các hoạt động có tính chất phòng ngừa ở cấp độ này thì có thể giúp giảm bớt thách thức và khó khăn khi phải thực hiện những hoạt động hỗ trợ ở các cấp độ cao hơn.
+ Cấp độ 2 - các hoạt động hỗ trợ tâm lý dành cho nhóm mục tiêu: Nhóm học sinh này có thể nằm trong khoảng từ 10-20%, là những học sinh mà các dịch vụ phổ biến có tính phòng ngừa đã không gây được ảnh hưởng một cách tích cực; các em này cần được can thiệp (tham vấn/trị liệu trực tiếp). Những học sinh này có thể có những khó khăn trong học tập như thành quả thấp, thiếu khả năng tập trung chú ý, thiếu động cơ học tập; hoặc có những vấn đề liên quan đến thái độ cư xử, hành vi không thích hợp.
+ Cấp độ 3 - hoạt động hỗ trợ tâm lý chuyên sâu: Dịch vụ ở cấp độ này tập trung vào những học sinh có nhu cầu và cần thiết phải có những can thiệp chuyên sâu. Nhóm này có thể chiếm từ 1-7%, là những học sinh có các vấn đề khó khăn nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần hoặc có những hành vi quá mức như bắt nạt, tấn công, phá hoại người hoặc tài sản của nhà trường. Những học sinh này sẽ được hưởng các biện pháp can thiệp tại trường nếu chuyên viên tâm lý có đủ thời gian; Còn lại đa số các trường hợp rơi vào cấp độ này đều được chuyên viên tâm lý, giáo viên hoặc phụ huynh chuyển ra trị liệu ở các cơ sở lâm sàng ngoài trường. Chính vì vậy hoạt động hỗ trợ tâm lý trong trường cần có những thông tin về các tổ chức cung cấp dịch vụ can thiệp và trị liệu tâm lý chuyên sâu ngoài trường.
- Trên thực tế mỗi trường khi thành lập phòng tâm lý học đường hoặc khi tổ chức hoạt động hỗ trợ tâm lý có thể có quy trình và cách can thiệp khác nhau. Quy trình hoạt động hỗ trợ tâm lý được thể hiện trong sơ đồ bên dưới mô tả quy trình giới thiệu và hỗ trợ tâm lý và can thiệp tâm lý của tổ hỗ trợ học sinh nói chung trong nhà trường. Quy trình này thể hiện rõ các chủ thể tham gia hoạt động hỗ trợ tâm lý, các bước và các biện pháp can thiệp nói chung.
- Quy trình giới thiệu và can thiệp của tổ hỗ trợ học sinh thể hiện tính hệ thống và toàn diện trong hoạt động hệ thống tâm lý tại trường học. Hiện nay trong các trường phổ thông có phòng tâm lý học đường hoặc có hoạt động hỗ trợ tâm lý thường người điều phối và phụ trách ca chính là chuyên viên tâm lý học đường.
3. Một số nguyên tắc đạo đức
- Tính đạo đức trong hoạt động hỗ trợ tâm lý học đường là điều quan trọng hàng đầu mà chuyên viên tâm lý và đặc biệt là các chủ thể tham gia hỗ trợ tâm lý cần biết và tuân thủ chặt chẽ. Đây là điểm then chốt, không thể lơ là và bỏ qua trong bất cứ hoạt động hỗ trợ tâm lý nào.
- Đạo đức trong động hỗ trợ tâm lý học đường là thước đo quyết định xem hành vi tư vấn của các chủ thể có đúng, có tốt, có làm sai, làm hại tới học sinh hay không. Nói cách khác chủ thể hỗ trợ tâm lý có thực sự tôn trọng học sinh hay không, có công bằng, trung thực không?
- Đạo đức trong hỗ trợ tâm lý giúp tránh rủi ro ở mức cao nhất, không hỗ trợ được nhiều thì cũng không gây hậu quả nặng nề hơn cho học sinh.
- Dưới đây chúng tôi giới thiệu một số nguyên tắc đạo đức chung mà các chủ thể tham gia hỗ trợ tâm lý cho học sinh cần tuân thủ.
3.1 Tôn trọng phẩm giá và quyền của học sinh
Các chuyên viên tâm lý học đường và các chủ thể tham gia hỗ trợ tâm lý phải đảm bảo chỉ tôn trọng quyền tự chủ và quyền tự quyết của học sinh (của người đại diện cho học sinh - cha mẹ/ông bà,…), tôn trọng sự riêng tư, tính bảo mật, và cam kết hỗ trợ tâm lý đúng đắn, công bằng cho tất cả học sinh. Sự tôn trọng này cần được thể hiện cả trong lời nói và hành động của các chủ thể hỗ trợ tâm lý và chuyên viên tâm lý học đường.
3.2 Năng lực và trách nhiệm hỗ trợ tâm lý học đường
Tham gia hoạt động hỗ trợ tâm lý là tham gia hoạt động để mang lại lợi ích cho những người khác, cụ thể là cho học sinh. Để làm điều này, các chủ thể tham gia hỗ trợ tâm lý phải hoạt động trong phạm vi năng lực của mình, sử dụng kiến thức khoa học từ tâm lý học và giáo dục học để giúp học sinh và gia đình các em. Khi tham gia hỗ trợ tâm lý cần tránh hoặc dừng lại hoạt động trợ giúp nếu nhận thấy mình lúng túng, thiếu kiến thức và kỹ năng; Trong trường hợp này chủ thể trợ giúp có thể tìm kiếm nguồn hỗ trợ hoặc chuyển tới nhà tâm lý có chuyên môn sâu.
3.3 Tôn trọng và trung thực trong quan hệ hỗ trợ tâm lý
Để nuôi dưỡng và duy trì sự tin tưởng, các chuyên viên tâm lý học đường và các chủ thể tham gia hỗ trợ tâm lý phải trung thành với sự thật và tuân thủ những quy định về chuyên môn Tâm lý học, Giáo dục học; Cần thẳng thắn về trình độ, năng lực và vai trò của mình; Làm việc trong sự hợp tác đầy đủ với các đối tượng có liên quan để đáp ứng nhu cầu của học sinh và gia đình; Tránh các mối quan hệ đa chiều làm giảm hiệu quả hỗ trợ tâm lý
3.4. Có trách nhiệm với gia đình trường học và cộng đồng
Các chủ thể hỗ trợ tâm lý và các chuyên viên Tâm lý học đường tham gia các hoạt động thúc đẩy môi trường trường học, gia đình và cộng đồng lành mạnh; Duy trì lòng tin của học sinh, phụ huynh vào nhà trường/giáo viên và chuyên viên Tâm lý học đường bằng cách tôn trọng pháp luật và khuyến khích những hành vi đạo đức phù hợp. Thúc đẩy sự tiến bộ về chuyên môn cho lĩnh vực hỗ trợ tâm lý bằng cách tham gia hướng dẫn, giám sát các chủ thể thực hành/các nhà thực hành ít kinh nghiệm.
Xem thêm:
Tóm tắt lý thuyết Tâm lý học giáo
Tóm tắt lý thuyết chương 1: Nhập môn Tâm lý học giáo dục
Tóm tắt lý thuyết chương 2: Sự phát triển tâm lí cá nhân
Tóm tắt lý thuyết chương 3: Cơ sở tâm lí học của hoạt động học
Tóm tắt lý thuyết chương 4: Cơ sở tâm lí học của hoạt động dạy học
Tóm tắt lý thuyết chương 5: Động cơ và hứng thú học tập
Tóm tắt lý thuyết chương 6: Cơ sở tâm lí học của quản lí lớp học
Tóm tắt lý thuyết chương 7: Cơ sở tâm lí học của giáo dục đạo đức, thái độ, giá trị và nhân cách
Tóm tắt lý thuyết chương 8: Hỗ trợ tâm lý trong trường học
Tóm tắt lý thuyết chương 9: Lao động sư phạm và nhân cách người thầy giáo
Việc làm dành cho sinh viên:
Việc làm thực tập sinh tâm lý
Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất
Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên
Việc làm thực tập sinh quản lý đào tạo
Mức lương của thực tập sinh quản lý đào tạo là bao nhiêu?