TÓM TẮT LÝ THUYẾT: CƠ SỞ TÂM LÝ HỌC CỈA QUẢN LÝ LỚP HỌC
1. Khái niệm
Quản lí lớp học là các hoạt động tổ chức và quản lí tập thể học sinh trong giờ học; Quản lí hành vi cá nhân của học sinh. Các hoạt động bao hàm của cả giáo viên và của học sinh (tự tổ chức và tự quản lí) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện và phát triển tập thể lớp cũng như cá nhân học sinh. Như vậy, quản lí lớp học là một hợp phần hữu cơ của hoạt động dạy học và giáo viên phải nắm được những biện pháp tổ chức và quản lí cá nhân cũng như tập thể học sinh trong dạy học.
2. Nội dung quản lí lớp học
Để đạt mục tiêu của quản lí lớp học, cả giáo viên và học sinh phải thực hiện rất nhiều hoạt động. Dưới đây là một số nội dung chính của việc tổ chức và quản lí lớp học:
- Tổ chức và quản lí tập thể học sinh trong quá trình diễn ra hoạt động học tập, rèn luyện và các hoạt động tập thể khác
Quản lí lớp học, trước hết và quan trọng nhất là tổ chức và quản lí tập thể học sinh trong quá trình diễn ra các hoạt động học tập, rèn luyện cũng như các hoạt động tập thể khác của lớp học. Đồng thời đây cũng là lĩnh vực phức tạp nhất, đòi hỏi giáo viên và học sinh phải nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm:
+ Tổ chức và quản lí, duy trì nội quy, kỉ luật, nguyên tắc và quy trình hoạt động của tập thể và cá nhân trong giờ học
+ Quản lí hành vi của tập thể và cá nhân học sinh diễn ra trong học tập
+ Quản lí các mối quan hệ cá nhân và quan hệ nhóm xã hội trong tập thể học sinh và quan hệ giữa học sinh với giáo viên
+ Tổ chức và quản lí và duy trì các yếu tố tâm lí xã hội của tập thể lớp học như bầu không khí tâm lí, dư luận, truyền thống, sự tác động giữa các cá nhân, giữa các nhóm,... trong tập thể.
- Tổ chức và quản lí môi trường học tập của học sinh
Thực chất của tổ chức và quản lí môi trường học tập của học sinh là kiến tạo môi trường vật lí và môi trường tâm lí thuận lợi để hoạt động học tập và rèn luyện của học sinh có hiệu quả cao.
Việc kiến tạo môi trường vật lí lớp học bao gồm thiết kế không gian trường lớp đảm bảo các yêu cầu sư phạm (địa điểm trường lớp, kích thước, tính chất phòng học chức năng và phòng đa năng); Bố trí, sắp xếp bàn ghế giáo viên, học sinh và các tủ sách, đồ dùng học tập,... phù hợp với tính chất học tập và lứa tuổi học sinh,...
Việc tổ chức và quản lí môi trường tâm lí - xã hội của lớp học bao gồm các hoạt động của giáo viên và học sinh nhằm tạo bầu không khí thi đua học tập cho học sinh như các biện pháp tạo động lực và kích thích học sinh học tập: khen thưởng, động viên, trách phạt. Mấu chốt và mục tiêu cuối cùng của việc tổ chức và quản lí môi trường tâm lí xã hội của lớp học là tạo ra sự tự quản của học sinh. Các biện pháp khen thưởng, trách phạt của giáo viên chỉ có ý nghĩa giáo dục khi chúng biến thành các biện pháp của chính các em và được các em tự giác chấp nhận.
- Tổ chức và quản lí, duy trì sự phối hợp các mối quan hệ, các lực lượng xã hội trong việc hỗ trợ học sinh học tập
Tổ chức, quản lí và duy trì thường xuyên các mối quan hệ giữa giáo viên và cha mẹ học sinh là một trong những đảm bảo việc dạy học hiệu quả. Hàng loạt biện pháp được giáo viên và cha mẹ học sinh có thể sử dụng để duy trì các mối quan hệ này. Bên cạnh việc thiết lập quan hệ giữa giáo viên với cha mẹ học sinh, các mối quan hệ khác như quan hệ giữa giáo viên với các tổ chức xã hội ở địa phương, các nhà khoa học, văn nghệ sỹ, nghệ nhân,...
- Tổ chức và quản lí hoạt động dạy học của giáo viên trên lớp
Việc quản lí các hoạt động dạy học của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp tổ chức và quản lí của lớp học cả về phương diện quản lí tập thể lớp, cá nhân và cả về phương diện tổ chức môi trường học tập. Những yếu tố cấu thành hoạt động dạy của người giáo viên như kế hoạch dạy học, nội dung và phương pháp dạy học, tài liệu / thiết bị học tập của học sinh, sự chuyển tiếp các tiết học, các phòng học,... đều chi phối cơ cấu tổ chức và quản lí hoạt động học tập của lớp học. Điều này đặt ra vấn đề tổ chức và quản lí hoạt động dạy của giáo viên; Kế hoạch hóa và công khai với học sinh phải được coi là một nội dung của tổ chức và quản lí lớp học hiệu quả.
3. Các phương pháp quản lí lớp học
Các giáo viên có thể sử dụng nhiều phương pháp để tiến hành công việc quản lí lớp học. Trong đó có 6 phương pháp phổ biến:
3.1. Phương pháp cứng rắn: Kiểm soát chặt chẽ của giáo viên
- Đây là phương pháp thiên về mệnh lệnh. Đòi hỏi giáo viên phải định rõ các quy định về hành vi và những hậu quả phải chịu nếu không tuân theo các quy định đó. Phải phổ biến rõ ràng đến mọi học sinh các quy định và hậu qủa đó. Theo cách này, dần hình thành ở học sinh tính kỉ luật và luôn ý thức được ai là người đứng đầu lớp. Học sinh dần hiểu được giáo viên mong đợi họ ứng xử theo một cách nhất định trong lớp học. Giáo viên phải phản ứng ngay tức khắc và đúng mức hành vi sai trái của học sinh. Những hành vi sai ở mức nhẹ sẽ gắn với hình phạt nhẹ, nhưng nếu tiếp tục tái diễn, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn. Người theo phương pháp này cho rằng hành vi sai trái có tính lan truyền và nếu không được ngăn chặn sớm sẽ lan tỏa. Nếu bỏ qua các hành vi sai trái ngay từ đầu sẽ dẫn đến hậu quả không kiểm soát được và ngày càng có nhiều học sinh gây rối.
- Yêu cầu của phương pháp này là giáo viên phải duy trì các hành vi kỉ luật dựa trên ý thức có trách nhiệm của chính học sinh. Giáo viên phải nhanh chóng chiếm được uy tín thủ lĩnh của lớp; đưa ra các quyết định; Tiếp xúc với học sinh trên thái độ điềm tĩnh, ôn hòa nhưng cương quyết; Phải kết hợp giữa yêu cầu rõ ràng và phản ứng nhanh, kịp thời đối với hành vi sai và kiên quyết đến cùng với sự nhiệt tình và khuyến khích đối với tất cả học sinh.
- Sử dụng phương pháp cứng rắn, giáo viên phải thiết lập sự quản lí chặt chẽ lớp học ngay từ đầu năm học bằng cách:
+ Đưa ra các yêu cầu tích hợp đối với các hành vi tích hợp
+ Nhận thức được những vấn đề kỉ luật đang tồn tại hay tiềm ẩn
+ Quyết định kết quả tiêu cực hay tích cực của hành vi phù hợp với học sinh hay hoàn cảnh
+ Học cách làm thế nào để duy trì đến cùng và thực thi kết quả này.
- Một số gợi ý cho các giáo viên áp dụng biện pháp kỉ luật cứng rắn:
+ Xác định rõ những kì vọng của mình cho học sinh
+ Thể hiện quan điểm (Khẳng định “Tôi thích, tôi muốn cái này”, “Tôi không thích cái này”)
+ Sử dụng giọng nói dứt khoát, có sức mạnh
+ Sử dụng giao tiếp bằng mắt, điệu bộ, cử chỉ để hỗ trợ ngôn ngữ
+ Đưa ra những lời khen một cách chân thật
+ Đặt ra các yêu cầu đối với học sinh và bắt buộc phải thực hiện
+ Đưa ra các giới hạn đối với học sinh và bắt buộc phải theo
+ Chỉ ra hậu quả của hành động và giải thích tại sao những hành động là cần thiết;
+ Bình tĩnh và kiên trì, tránh xúc động và sợ hãi
+ Kiên trì, bắt buộc những quy định tối thiểu và không từ bỏ.
3.2. Phương pháp khoa học ứng dụng: Sự tham gia tích cực của giáo viên
- Phương pháp khoa học ứng dụng trong quản lí lớp học được dựa theo phương pháp quản lí theo khoa học trong hoạt động quản lí. Một lớp học vận hành tốt, học sinh cư sử theo có nề nếp, có kỉ luật tốt và tích cực tham gia học tập, khi đã định hình một kiểu lớp học rõ ràng, hành vi của học sinh và những hoạt động có chỉ dẫn của GV. Trong đó việc chỉ dẫn học sinh khi các em tham gia vào công việc nào đó là một hướng được quan tâm, dựa trên nguyên tắc quản lí hướng vào công việc trong khoa học quản lí – tập trung vào công việc và hoàn thành công việc một cách thiết lực, ngắn nắp và có hiệu quả.
- Việc quả lí lớp học theo phương pháp khoa học bao gồm: Đề ra và truyền đạt cho học sinh tiêu chuẩn, quy trình và sự phân công công việc; giám sát công việc của học sinh và phản hồi về phía học sinh.
+ Đề ra và truyền đạt về sự phân công và yêu cầu về công việc. Giáo viên đề ra và giải thích rõ ràng cho học sinh biết và hiểu công việc, đặc điểm công việc, những tiêu chuẩn cần đạt và quy trình thực hiện. Giáo viên cũng có thể thiết kế các trang Web riêng làm phương tiện thông báo tới học sinh, cha mẹ biết sự phân công công việc và điểm số. Một số điều lưu ý khi truyền đạt công việc:
- Đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng về sự phân công. Có thể dùng cả lời nói, bảng viết để truyền đạt công việc. GV cần có bản sao giao cho học sinh và có thể yêu cầu các em ghi chép đầy đủ, cần lưu phân công công việc trên bảng thông báo chung.
- Dựng lên các tiêu chuẩn mẫu mức độ kết quả và thời hạn nộp bài. Trước khi làm công việc gì đó, học sinh cần biết quy định chung của công việc đó, các mẫu chung của việc trình bày. Thậm chí càng cụ thể càng tốt như mẫu giấy, bút để viết, kiểu chữ… Những thông báo này nhất thiết tất cả học sinh đều được biết. Trong trường hợp cần thiết phải có một nhóm học sinh giúp đỡ, thường xuyên nhắc nhở số học sinh có “vấn đề” trong việc tuân theo các mẫu chung này;
- Đề ra quy trình thực hiện rõ ràng, nhất là đối với học sinh vắng mặt trong buổi thảo luận chung.
+ Giám sát công việc của học sinh. Giám sát công việc của học sinh giúp giáo viên phát hiện những học sinh gặp khó khăn và khích lệ các em tiếp tục làm việc. Việc giám sát bao gồm, giám sát công việc của nhóm, của cá nhân; Giám sát hoàn thành công việc; Giữ lại các thông tin về công việc của học sinh.
+ Phản hồi về phía học sinh. Phản hồi nhanh chóng, thường xuyên và cụ thể là điều quan trọng để củng cố việc giám sát công việc và các bước tiến hành. Tiến trình công việc, bài tập về nhà, hoàn thành bài tập, bài kiểm tra nên được kiểm tra kịp thời.
Việc phản hồi có hiệu quả cần có sự tập trung chú ý vào những khó khăn.Chú ý vào phản hồi việc hoàn thành công việc (nhất là những bài tập về nhà) ngay từ những ngày đầu năm học là rất quan trọng. Lần đầu học sinh không hoàn thành nhiệm vụ với lí do không chính đáng, giáo viên phải nói chuyện ngay với học sinh. Nếu học sinh cần sự giúp đỡ, giáo viên giúp ngay, nhưng phải đảm bảo học sinh đó hoàn thành công việc đang làm. Nếu có vấn đề, giáo viên phải làm việc với cha mẹ, không nên để đến lúc tổng kết, cho điểm mới lưu tâm tới vấn đề này.
3.3. Phương pháp điều chỉnh hành vi: Sự can thiệp nhiều của giáo viên
- Phương pháp điều chỉnh hành vi là giáo viên sử dụng các liệu pháp rèn luyện và củng cố nhằm làm tăng sự xuất hiện của những hành vi đúng bằng cách khen thưởng và giảm hành vi không mong đợi từ phía học sinh thông qua trách phạt. Cơ sở tâm lí của phương pháp này là các nghiên cứu của Tâm lý học Hành vi.
- Những nguyên tắc cơ bản của phương pháp điều chỉnh hành vi:
+ Hành vi được hình thành từ chính hiệu quả của nó đối với học sinh, chứ không phải do nguyên nhân thuộc về tâm lí học sinh hay những điều kiện của nhóm học sinh
+ Hành vi được mạnh lên bởi các củng cố (phần thưởng) ngay tức thì. Những biện pháp củng cố tích cực là khen thưởng hay khen ngợi. Củng cố tiêu cực (củng cố loại trừ) là làm mất hay dừng lại các hành vi không mong đợi ở học sinh
+ Hành vi được mạnh lên nhờ sự củng cố có tính hệ thống. Nếu thiếu tính hệ thống, hành vi sẽ dần yếu đi.
=> Kết luận:
+ Học sinh phản ứng tốt với các củng cố tích cực hơn là với củng cố tiêu cực hay trách phạt. Trừng phạt có thể làm mất một số hành vi không mong đợi, nhưng cần hạn chế dùng nó.
+ Khi một hành vi tốt của học sinh không được khen thưởng kịp thời thì những hay vi sai trái hay xấu sẽ có chiều hướng phát triển, chiếm ưu thế và bị lợi dụng để thắng thế sự củng cố.
+ Liên tục củng cố một hành vì tốt, mỗi khi nó xuất hiện thường được tận dụng để hình thành một hành vi mới, đặc biệt là trong hoàn cảnh có điều kiện hay hoạt động học tập mới.
+ Một hành vi tốt đã được hình thành và ổn định thì tốt nhất là nên củng cố theo phương pháp gián đoạn – sự củng cố thi thoảng xảy ra.
- Chương trình củng cố gián đoạn bao gồm:
+ Chương trình củng cố có tính chất biến thiên (đưa ra củng cố bất ngờ) và khoảng thời gian thay đổi;đưa ra sự củng cố theo sau sự phản ứng đúng đầu tiên và sau khoảng thời gian nhất định
+ Chương trình có tần số không đổi (đưa ra sự củng cố sau khi đã chọn trước một số phản ứng trong số phản ứng cần củng cố)
+ Củng cố gián đoạn có tính cố định (đưa ra sự củng cố có tính gián đoạn tại các thời điểm đã được xác định).
=> Có rất nhiều hình thức củng cố sinh động phù hợp với lứa tuổi học sinh Nội quy được thiết lập và được thực hiện nghiêm túc. Học sinh nào làm theo nội quy được khen thưởng, học sinh nào không tuân thủ, phớt lờ hay bị nhắc nhở sẽ bị phạt.
- Một phương pháp hữu hiệu để điều chỉnh hành vi của học sinh là khai thác phương thức học tập qua quan sát và bắt chước hình mẫu (do nhà Tâm lí học Bandura khởi xướng). Phương pháp này nhấn mạnh khía cạnh học sinh thường hay quan sát và bắt chước những nhân vật mà chúng ưa thích, ngưỡng mộ, tức là những hình mẫu của chúng như cha mẹ, thầy/cô giáo, bạn bè, người nổi tiếng,... Việc xây dựng kỉ luật tốt cho học sinh thông qua bắt chước hình mẫu gồm các bước sau:
+ Thể hiện: Học sinh phải biết đích xác điều gì mình mong đợi. Bên cạnh việc được giải thích những hành vi mong đợi, học sinh còn được tự nhìn và tự nghe thấy điều đó “Mục sở thị”.
+ Sự chú ý: Học sinh được tập trung chú ý vào những điểm chính và được giải thích. Mức độ chú ý của học sinh liên quan tới tính chất của hình tượng mẫu và của học sinh.
+ Luyện tập: Học sinh có cơ hội luyện tập những hành vi đúng
+ Phản hồi chính xác: Học sinh nhận được sự phản hồi thường xuyên, cụ thể và ngay lập tức. Hành vi đúng được củng cố thêm, hành vi sai sẽ được ngăn chặn và sửa chữa.
+ Sự áp dụng: Học sinh có khả năng áp dụng việc học của mình vào các hoạt động trong lớp (chơi đóng vai, thi bắt chước v.v) và trong những tình huống thực tế.
Nhiều nghiên cứu cho thấy giáo viên không hiểu học sinh học theo bắt chước hình mẫu như thế nào sẽ không thể làm cho học sinh tiếp thu tốt bài dạy và có nhiều vấn đề về kỉ luật lớp học hơn những giáo viên thành công trong việc sử dụng hình mẫu.
3.4. Phương pháp quản lí nhóm - Sự can thiệp có điều độ của nhiều giáo viên
- Quản lí nhóm là phương pháp quản lí liên quan tới việc giải quyết mối quan hệ giữa ứng xử của giáo viên với hành vi của học sinh, trong đó phản ứng ngay tức thì của giáo viên đối với những hành vi sai của học sinh để ngăn chặn chúng trước khi lan rộng ra các thành viên của nhóm.
- Theo nhà Tâm lí học Jacob Kounin, trong lớp học thường diễn ra “hiệu ứng lan tỏa”. Nếu một học sinh có hành vi trái hay không mong đợi, nhưng ngay lập tức giáo viên ngăn chặn thì nó vẫn chỉ là một vụ việc đơn lẻ và không rắc rối. Nhưng nếu hành vi không mong đợi đó không được chú ý hay vẫn được tiếp diễn trong thời gian dài thì nó có thể lan rộng trong cả nhóm, nghiêm trọng hơn có thể thành thói quen.
Kounin phân tích các hành động phục vụ cho quản lí lớp học thành hai nhóm: Hành vi của học sinh và hành vi quản lí của giáo viên. Hành vi của học sinh được dựa vào mức độ tham gia công việc và mức độ vô đạo đức. Mức độ tham gia công việc là thời gian học sinh tập trung vào công việc học tập.Học sinh dành nhiều thời gian cho công việc sẽ ít có vấn đề về kỉ luật hơn so với học sinh ít dành thời gian cho học tập.Nếu giáo viên huy động được nhiều học sinh vào các hoạt động học tập thì sự chán nản hay gây rắc rối về kỉ luật sẽ ít có cơ hội xảy ra. Mức độ vô đạo đức bao gồm từ không có hành vi sai trái đến những hành vi sai phạm nghiêm trọng. Hành vi sai trái ở mức độ nhẹ là hành vi, mà học sinh không cố ý gây ra đối với người khác, hoặc do lúc đó không làm việc. Biểu hiện như thì thầm trong lúc nghe giảng, chuyển giấy cho nhau, làm điệu bộ trên nét mặt,... Hành vi sai phạm nghiêm trọng là hành vi gây gổ hay gây hại đến người khác hoặc vi phạm luật pháp. Điều cốt yếu trong quản lí lớp học là phải ngăn chặn và làm mất hành vi sai ở mức độ nhẹ, không để thoái hóa thành những hành vi vi phạm nghiêm trọng, bằng cách giải quyết vấn đề ngay từ khi nó mới nảy sinh.
- Những biện pháp ngăn chặn là những biện pháp của giáo viên để làm ngừng lại những hành vi sai trái của học sinh. Điều này phụ thuộc vào hai khả năng của giáo viên:
+ Sự tháo vát, là khả năng phản ứng lại những hành vi của đúng học sinh và đúng thời điểm. Sự tháo vát còn bao hàm cả việc GV trao đổi thông tin với học sinh, mà người đó biết có chuyện gì đang xảy ra hay làm cho học sinh cảm thấy như thầy giáo “có tai mắt đằng sau”
+ Hành vi chồng chéo nói tới khả năng giáo viên có thể giải quyết cùng một lúc nhiều công việc; Không chỉ chú ý đến một vài học sinh trong cùng thời điểm, mà có thể quan sát nhiều học sinh cùng một lúc.
3.5. Phương pháp thừa nhận: Sự can thiệp vừa phải của giáo viên
- Phương pháp thừa nhận trong quản lí lớp học được dựa trên cơ sở của thuyết nhân văn trong tâm lí học.Theo thuyết này, trẻ em có nhu cầu cao được người lớn thừa nhận, tôn trọng và nhu cầu được khẳng định. Trong học tập, các em nỗ lực để được thừa nhận và được cư xử đúng mức, hơn là việc học tập được quy đổi là đúng hay sai. Trong học tập, nếu học sinh không được giáo viên hay bạn bè trong lớp thừa nhận, các em sẽ hướng sang những mục đích khác, sai lầm và dẫn đến những hành vi sai trái.
- Các mục đích sai lầm có thể có những dạng điển hình:
+ Thu hút sự chú ý của mọi thành viên trong nhóm. Những hành vi không được thừa nhận sẽ có mong muốn gây sự chú ý đối với người khác, lôi kéo sự chú ý của người khác
+ Tìm kiếm quyền lực. Học sinh cũng có thể thực hiện ước muốn được người lớn thừa nhận bằng cách không tuân theo người lớn để đạt được cái mà chúng coi là quyền lực. Sự biểu hiện của thái độ này bằng cách cãi nhau, trêu trọc, nổi cáu hay có những hành vi thù địch ở mức độ thấp hoặc cao
+ Tìm kiếm sự trả thù. Khi không được thừa nhận, nhiều học sinh có hành vi trả thù. Những học sinh tìm kiếm sự trả thù sẽ không quan tâm tới việc bị trừng phạt
+ Sự rút lui. Nếu học sinh cảm thấy không được giúp đỡ và bị từ chối, các em sẽ có hành vi rút khỏi mọi hoàn cảnh có tính xã hội hơn là thể hiện sự chống đối, để bạo vệ lòng tự trọng của mình. Sự rút lui thể hiện cảm giác về sự thiếu năng lực của các em.Nếu không giúp đỡ, các em sẽ trở lên cô lập.
=> Điều quan trọng là giáo viên cần nhận ra các hành vi có mục đích sai lầm để từ đó có biện pháp trợ giúp. Chẳng hạn:
+ Nếu học sinh ngừng một hành vi nào đó, sau đó lại lặp lại, thì đó là mục đích gây sự chú ý của mọi người
+ Nếu học sinh không ngừng và gia tăNg những hành vi sai trái của mình thì mục đích là tìm kiếm quyền lực
+ Nếu học sinh trở lên thù địch và bạo lực, mục đích của chúng là tìm kiếm sự trả thù
+ Nếu học sinh từ chối không hợp tác hay tham gia, mục đích là sự rút lui.
Sau khi nhận dạng được mục đích sai lầm, giáo viên cần phải đối mặt với học sinh, giải thích cho các em những việc đang làm. Giáo viên cần phải chắc chắn rằng, học sinh đã nhận thức và hiểu được hậu quả của những hành vi sai trái của mình và giáo viên phải áp dụng ngay những biện pháp nghiêm khắc với thái độ điềm tĩnh, khoan dung, không hả hê hay đắc thắng. Mục đích là làm cho học sinh từ bỏ hành vi đó và kiểm soát được các hành vi của mình
3.6. Phương pháp tiếp cận hợp lí: Sự can thiệp vừa phải của giáo viên
Tiếp cận hợp lí (tiếp cận thành công) dựa vào tâm lí học nhân văn và mang đậm màu sắc dân chủ.Bản chất của cách tiếp cận này là tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh trên cơ sở tạo ra một môi trường tốt để các em có nhiều cơ hội học tập và phấn đấu. Học sinh có được cảm giác về giá trị của mình và có được thành công nhờ lựa chọn đúng. Con đường dẫn đến các giá trị tích cực và thành công bắt đầu bởi mối quan hệ tốt với người thầy và bạn bè. Điểm nhấn mạnh là giúp đỡ - đó chính là những gì nghề giáo cần đến - và vì thế cách tiếp cận này thu hút nhiều giáo viên thực hiện
Xem thêm:
Tóm tắt lý thuyết Tâm lý học giáo
Tóm tắt lý thuyết chương 1: Nhập môn Tâm lý học giáo dục
Tóm tắt lý thuyết chương 2: Sự phát triển tâm lí cá nhân
Tóm tắt lý thuyết chương 3: Cơ sở tâm lí học của hoạt động học
Tóm tắt lý thuyết chương 4: Cơ sở tâm lí học của hoạt động dạy học
Tóm tắt lý thuyết chương 5: Động cơ và hứng thú học tập
Tóm tắt lý thuyết chương 6: Cơ sở tâm lí học của quản lí lớp học
Tóm tắt lý thuyết chương 7: Cơ sở tâm lí học của giáo dục đạo đức, thái độ, giá trị và nhân cách
Tóm tắt lý thuyết chương 8: Hỗ trợ tâm lý trong trường học
Tóm tắt lý thuyết chương 9: Lao động sư phạm và nhân cách người thầy giáo
Câu hỏi trắc nghiệm Tâm lý học giáo dục
Câu hỏi trắc nghiệm Cơ sở tâm lí học của quản lý lớp học
Việc làm dành cho sinh viên:
Việc làm thực tập sinh tâm lý
Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất
Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên
Việc làm thực tập sinh quản lý đào tạo
Mức lương của thực tập sinh tâm lý là bao nhiêu?