Động cơ và hứng thú học tập | Tóm tắt lý thuyết Tâm lý học giáo dục | HNUE

Tóm tắt kiến thức Động cơ và hứng thú học tập về: Động cơ; Hứng thú học tập,... Tài liệu học tập môn TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC tại trường ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NÔI giúp bạn học tập, ôn luyện và đạt điểm cao!

TÓM TẮT LÝ THUYẾT: ĐỘNG CƠ VÀ HỨNG THÚ HỌC TẬP

 I. Động cơ

1. Định nghĩa động cơ học tập

- Định nghĩa động cơ: Động cơ hoạt động là hợp lực giữa sự thúc đẩy bởi động lực tâm lí với sự hấp dẫn, lôi cuốn của đối tượng mà cá nhân cần chiếm lĩnh để thoả mãn nhu cầu hay mong muốn của mình.

- Định nghĩa động cơ học tập: Động cơ học tập của học sinh là hợp kim giữa sự thúc đẩy bởi động lực học, trong đó, nhu cầu học là cốt lõi với sự hấp dẫn, lôi cuốn của đối tượng học mà học sinh thấy cần chiếm lĩnh để thoả mãn nhu cầu học của mình.

2. Các loại động cơ học tập

Mọi hoạt động nói chung, hoạt động học tập của học sinh nói riêng được thúc đẩy, kích thích bởi hai loại động cơ: Động cơ trong và động cơ ngoài.

Việc phân chia động cơ trong và động cơ ngoài được căn cứ vào nguồn gốc tạo nên sức mạnh của động cơ.

- Động cơ học tập trong là động cơ liên quan trực tiếp đến hoạt động học tập, do chính sự tồn tại của hoạt động học: nhu cầu học, sự ham hiểu biết, hứng thú học, niềm vui và thử thách bản thân, sự thỏa mãn do thành tựu học tập đem lại.

- Động cơ học tập ngoài là động cơ rất ít liên quan trực tiếp tới hoạt động học tập mà thường là do kết quả của hoạt động học tập mang lại: Lời khen, phần thưởng, sự trừng phạt, ý thức trách nhiệm,... Tóm lại là toàn bộ các phẩm chất tâm lí cá nhân, các trạng thái tâm lí (vui vẻ/ lo âu,...) cá nhân và các yêu cầu, áp lực từ bên ngoài khi tiến hành hoạt động đều có thể trở thành nguồn ở để tạo ra động lực thúc đẩy hoạt động của cá nhân

Khi được thúc đẩy từ động cơ trong, học sinh ít cần đến sự khuyến khích hay trừng phạt, bởi vì chính hoạt động học và sản phẩm của nó là một phần thưởng cao quý. Học sinh học tập được thúc đẩy bởi động cơ trong thường ít phải diễn ra sự “đấu tranh động cơ” giữa giá trị của những phần thưởng do việc học mang lại với sự khó khăn, trở ngại do chính việc học nảy sinh. Còn khi hoạt động học được kích thích bởi động cơ ngoài, thì học sinh không quan tâm đến bản thân hoạt động học, mà chỉ quan tâm qua hoạt động đó ta sẽ được cái gì? được bằng cấp, phần thưởng hay tránh được sự trừng phạt từ phía nhà trường hay gia đình,...

Động cơ trong có tác dụng thúc đẩy và phát triển hoạt động học của học sinh và không làm suy giảm xu thế tích cực của hoạt động học, vì những thành tựu mà học sinh đạt được trong quá trình học là nguồn vô tận nuôi dưỡng và phát triển động cơ. Còn phần thưởng (động cơ ngoài) cũng kích thích tính tích cực hoạt động học, nhưng về bản chất sẽ giảm xu thế tích cực của hoạt động, vì sức mạnh kích thích phụ thuộc vào giá trị của phần thưởng và nhu cầu, sở thích của học sinh đối với phần thưởng đó.Từ đó dẫn đến sự nhờn phần thưởng hoặc trách phạt. Hiện tượng nhờn phần thưởng (hay trách phạt) làm thui chột hoạt động học, muốn tăng cường hoạt động học, phải tăng cường phần thưởng hay trách phạt.

Trong nhà trường, cả động cơ bên trong và động cơ bên ngoài đều rất quan trọng. Dạy học có thể tạo ra những động cơ bên trong bằng cách kích thích tính ham hiểu biết của học sinh và giúp cho học sinh cảm thấy đó là do tự mình tạo nên. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Nếu giáo viên luôn luôn trông đợi ở động cơ bên trong để hi vọng làm cho học sinh thường xuyên hăng hái, họ sẽ bị thất vọng. Có những tình huống cần sự động viên, khích lệ từ bên ngoài. Giáo viên cần khuyến khích và nuôi dưỡng những động cơ bên trong, đồng thời đảm bảo những động cơ bên ngoài củng cố được việc học tập. Để làm được điều này giáo viên cần biết những yếu tố tạo thành động cơ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ.

3. Một số gợi ý biện pháp kích thích học sinh trong học tập

a) Các biện pháp duy trì và phát triển nguồn bên trong

Để có thể duy trì và phát triển các nguồn bên trong của động cơ học tập, giáo viên có thể tham khảo những gợi sau:

- Hoàn thiện những yêu cầu cơ bản:

+ Cung cấp một môi trường lớp học có tổ chức.

+ Là một người giáo viên luôn quan tâm đến lớp học.

+ Giao những bài tập có thử thách nhưng không quá khó.

+ Làm cho bài tập trở nên có giá trị với học sinh.

- Xây dựng niềm tin và những kì vọng tích cực:

+ Bắt đầu công việc ở mức độ vừa sức của học sinh.

+ Làm cho mục tiêu học tập rõ ràng, cụ thể và có thể đạt tới được.

+ Nhấn mạnh vào sự tự so sánh hơn là cạnh tranh.

+ Thông báo cho học sinh thấy được rằng năng lực học thuật có thể được nâng cao.

+ Làm mẫu những mô hình giải quyết vấn đề tốt.

- Chỉ cho thấy giá trị của học tập:

+ Liên kết giữa bài học với nhu cầu của học sinh.

+ Gắn các hoạt động của lớp học với những nhu cầu, hứng thú của học sinh.

+ Kích thích tính tò mò, ham hiểu biết.

+ Làm cho bài học trở thành “niềm vui”.

+ Sử dụng biện pháp mới lạ và khác thường.

+ Giải thích mối liên quan giữa học tập hiện tại và học tập sau này.

+ Cung cấp sự khích lệ, phần thưởng nếu cần thiết.

- Giúp học sinh tập trung vào bài tập:

+ Cho học sinh cơ hội thường xuyên trả lời.

+ Cung cấp cơ hội cho học sinh để có thể tạo ra một sản phẩm cuối cùng nào đó.

+ Tránh việc nhấn mạnh quá mức vào việc tính điểm.

+ Giảm bớt rủi do khi thực hiện bài tập, không xem thường bài tập quá mức.

+ Xây dựng mô hình động cơ học tập.

+ Dạy những chiến thuật, kĩ thuật học tập.

b) Các biện pháp kích thích từ bên ngoài:

- Một số gợi ý về biện pháp khen thưởng và trách phạt theo lí thuyết học tập của B.F. Skinner.

Trong hệ thống lí luận của B.F. Skinner, thuật ngữ củng cố (khen thưởng) được dùng với nghĩa điển hình như sau:

+ Cái củng cố là sự kiện kích thích mà nếu nó xuất hiện trong quan hệ nhất định với phản ứng thì có xu hướng duy trì hay tăng cường phản ứng. Sự khen ngợi có thể là sự củng cố tốt, nếu giáo viên khen ngợi phản ứng đúng đắn của học sinh.

+ Nguyên tắc củng cố: Liên quan đến việc tăng dần tần số phản ứng khi các kết quả nhất định tức thì theo sau nó. Khi giáo viên củng cố hành vi đúng đắn của học sinh, họ đã làm tăng xác suất việc học sinh sẽ nhớ phản ứng và sử dụng nó trong tương lai, trong tình huống tương tự.

+ Bảo đảm nhận ra phần thưởng từ sự củng cố: Những người không phải là nhà sư phạm cũng có thể sử dụng "phần thưởng", cha - mẹ có thể mua cho con một que kem khi con "cư xử" ngoan ngoãn. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là sự củng cố. Nhà sư phạm nhìn quá trình này theo cách khác. Họ cần phải làm cho học sinh nhận ra rằng, mình được cô giáo khen (thưởng) vì có câu trả lời đúng hoặc cách giải quyết vấn đề hay. Nói cách khác, nhà sư phạm, khi sử dụng củng cố phải tuỳ thuộc vào hành vi được củng cố; phải làm sáng tỏ hành vi được củng cố và tin cậy vào củng cố.

+ Các loại lịch trình củng cố:

  •  Củng cố liên tục: Khi hành vi mới đã được hình thành, nếu thỉnh thoảng nó được củng cố, hành vi đó sẽ được duy trì tốt hơn.
  •  Củng cố theo khoảng thời gian là củng cố xuất hiện vào những khoảng thời gian định trước. Trong đó có thể củng cố theo khoảng thời gian cố định, là phản ứng gây ra củng cố sau một khoảng thời gian cố định; theo khoảng thời gian thay đổi, trong đó củng cố phụ thuộc vào thời gian và phản ứng, nhưng thời gian giữa các củng cố thay đổi.
  • Củng cố theo tỉ lệ là củng cố xuất hiện sau một số lần phản ứng nhất định. Có thể thực hiện các loại củng cố theo tỉ lệ: Tỉ lệ cố định trong đó củng cố phụ thuộc vào một số lượng phản ứng nhất định; Tỉ lệ thay đổi trong đó số lượng phản ứng cần thiết để củng cố sẽ thay đổi từ củng cố này sang củng cố khác.

- Các hình thức củng cố và trách phạt:

Có khá nhiều phương pháp để khuyến khích hành vi đúng thông qua các hình thức củng cố: động viên (khen ngợi); Sử dụng nguyên tắc Premack; định hướng phân tích, thực hành những hành vi tích cực; sử dụng củng cố tiêu cực và trừng phạt.

+ Giải pháp khen ngợi hay lờ đi có thể rất có ích. Tuy nhiên, không phải bao giờ việc khen ngợi cũng mang lại kết quả tích cực, nếu giáo viên chỉ sử dụng mỗi giải pháp này trong mọi trường hợp. Có thể đưa ra một số gợi ý cho việc khen thưởng:

  •  Làm cho dễ hiểu và có tính hệ thống khi đưa ra lời khen (Chẳng hạn: Chắc chắn lời khen gắn với hành vi phù hợp. Học sinh phải hiểu rõ những hành vi được khen).
  • Khen thưởng đúng hành vi đáng được thưởng (Thưởng những thành tích đạt được theo mục tiêu đã xác định. Không thưởng những học sinh không liên quan).
  •  Xác định những tiêu chuẩn khen thưởng dựa trên năng lực và giới hạn cá nhân, (Khen ngợi những tiến bộ và việc làm có liên quan đến những cố ngắng trước đây của học sinh. Hướng chú ý của học sinh vào sự tiến bộ của mình chứ không so sánh với người khác).
  • Quy sự thành công của học sinh vào sự cố gắng nỗ lực và khả năng của học sinh để tạo sự tin tưởng và lặp lại thành tích (Không nói tới thành công do may mắn, do người ngoài hay do tài liệu dễ).
  • Làm cho phần thưởng trở thành củng cố thực sự.
  • Sự củng cố tiêu cực được đưa ra đối với những hành vi không mong đợi mà kết quả là làm cho hành vi mong đợi được củng cố (chưa đồng ý cho đi chơi bóng khi chưa hoàn thành xong bài tập). Việc lựa chọn củng cố tiêu cực làm tăng cường tính tự điều khiển của học sinh, buộc các em phải củng cố những hành vi mà trước đó không muốn.
  • Sự trừng phạt là cần thiết để chấm dứt một hành vi không mong đợi của học sinh. Một hình thức trừng phạt là sự chán ngấy. Tức là để cho học sinh tiếp tục hành vi đó cho tới khi họ chán ngấy (thoả mãn quá mức). Sự chán ngấy cũng có thể được bộc lộ từ phía giáo viên. Họ cần thể hiện sự chán ngấy của mình đối với hành vi nào đó của học sinh. Trong cả hai trường hợp, giáo viên cần kiên quyết, không khoan nhượng khi học sinh thực hiện hành vi (Chẳng hạn, một học sinh hay nói bậy, giáo viên có thể yêu cầu em đó viết tới 50 hoặc 100 lần câu nói đó, cho tới khi chán ngấy mới thôi). Sự khiển trách, cảnh cáo, sự cô lập xã hội... cũng là các hình thức trừng phạt để ngăn chặn và làm mất hành vi không mong đợi. Tuy nhiên, cần lưu ý: Nói chung, sự trừng phạt mang lại hiệu quả thấp hơn so với khen thưởng. Khi sử dụng trừng phạt hoặc củng cố tiêu cực, giáo viên cần lưu ý đến một số chỉ dẫn sau:
  • Cố gắng sử dụng củng cố tiêu cực hơn là trừng phạt.
  • Kiên quyết trong hành vi trừng phạt đã được đưa ra.
  • Chỉ trừng phạt hành vi của học sinh, không trừng phạt phẩm chất nhân cách các em.
  • Điều chỉnh sự trừng phạt so với mức độ vi phạm của học sinh.

c) Một số gợi ý giáo viên trong việc khen ngợi và phê bình học sinh:

- Giả sử bạn vừa lên lớp xong một bài, trong đó có giảng viên trường sư phạm dự và bạn đang thu xếp "đồ lề" khi học sinh cuối cùng rời khỏi lớp. Liệu những cách cư xử dưới đây của người giảng viên dự giờ sẽ tác động như thế nào đến niềm tin, động cơ và năng suất làm việc của bạn?

+ Bước thẳng ra khỏi lớp, chẳng nói năng gì.

+ Khen bạn một cách "dạt dào", thậm chí khen cả những khía cạnh mà bạn biết chắc là chưa tốt.

+ Phân tích chi li từng khuyết điểm bạn mắc phải, bảo bạn phải sửa sai và hàm ý rằng bạn phải cố gắng nâng cao trình độ hơn.

+ Khen một số khía cạnh trong giờ dạy, phê bình một số khía cạnh khác và kết thúc bằng cách nhận xét: nói chung bạn đã có cố gắng nhiều và các bài dạy của bạn đã có tiến bộ.

+ Bạn nhận được nhiều lời khen, chê, nhưng nhìn chung người giảng viên có hàm ý rằng giờ dạy của bạn còn kém.

Chắc hẳn bạn không muốn đón nhận các tình huống 1 hoặc 2 và nếu sau 30 buổi dạy đều gặp được phản ứng như tình huống 4 thì bạn sẽ thực sự cảm thấy tự tin, thành đạt và hạnh phúc trong sự nghiệp của mình.

- Học sinh, cho dù là trẻ em hay người lớn, ai cũng rất nhạy cảm với việc khen chê của giáo viên. Không ai muốn bị làm ngơ, làm người thừa trong tập thể. Nhu cầu được tôn trọng, được thừa nhận là nhu cầu cơ bản của con người. Lời khen có giá trị động viên rất lớn. Tất nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào nghệ thuật khen chê và thái độ của giáo viên đối với hành vi và đối với người được khen, chê. Vậy việc khen, chê của giáo viên đối với học sinh nên như thế nào để kích thích động cơ người học?

- Trước hết cần nhớ rằng khen chê là cả một nghệ thuật hấp dẫn. Dưới đây chỉ là một vài gợi ý nhỏ:

+ Cần tạo ra cơ hội để học sinh được khen:

  • Đề ra những mục tiêu có thể đạt được đối với mọi học sinh: Điều này đòi hỏi nhiệm vụ học tập phải được xác định rõ, cụ thể, kèm theo các điều kiện để thực thi chúng.
  • Chia nhỏ nhiệm vụ: Những nhiệm vụ khó hoặc kéo dài nên chia thành nhiều bước đi cụ thể, kiểm soát được để thực hiện và đánh giá riêng. Chỉ sau khi hoàn thành tốt bước trước mới tiến hành bước tiếp theo.
  •  Dành thời gian để học: Cần dành thời gian để học sinh học bài.
  • Biểu dương thành công từng phần. Trong mỗi việc nên tìm ra một cái gì đó đáng mừng để động viên. Nếu xét kĩ lưỡng việc làm của học sinh, chắc chắn ta sẽ tìm ra điểm tốt của họ.
  • Biểu dương cố gắng, tiến bộ và thành tích trong những việc làm đơn giản, cũng như những thành tích hiển hiện. Quan tâm động viên thích đáng đến các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vẫn khắc phục vượt qua.

+ Thái độ và hành vi của giáo viên khi khen:

  • Chú ý, tôn trọng và quan tâm, lắng nghe học sinh với tư cách một người bạn.
  • Chấp nhận trình độ, suy nghĩ, thái độ và hành vi của học sinh, không áp đặt.
  • Quan tâm tới công việc và khen, chê công việc của học sinh.
  •  Khi khen, chê phải có nhận xét cụ thể và chỉ rõ lí do cho học sinh biết, vì sao được khen, vì sao bị chê.
  • Thể hiện thái độ đánh giá cao đối với học sinh.
  • Không chê con người, chỉ chê công việc khi cần thiết.
  • Nhận xét cụ thể, rõ ràng điểm sai và hướng khắc phục.
  • Luôn tỏ ra thân thiện (nụ cười, ánh mắt, bắt tay...).
  • Có phần thưởng đặc biệt cho thành tích đặc biệt.

+ Những điểm cần lưu ý khi chê học sinh:

  • Tìm hiểu kĩ, chỉ trách phạt học sinh khi nào thật đáng trách; khi khen nên hào phóng còn khi chê nên chặt chẽ.
  •  Về nguyên tắc hạn chế việc chê, trách học sinh trước tập thể và trước người khác, nhất là đối với học sinh lớn tuổi.
  • Không đột ngột quát tháo. Cần chỉnh lại chỗ sai của học sinh rồi giảng giải cho các em biết để sửa.
  •  Không để tình cảm riêng xen vào; nên tỏ thái độ hi vọng vào sự tiến bộ khi trách phạt.
  • Không trách phạt với thái độ mỉa mai, miệt thị.
  • Nói thẳng điểm sai sót và khuyết điểm.
  • Không nên chỉ căn cứ và hậu quả để phạt mà cần chỉ rõ nguyên nhân.
  • Trách người có lỗi, hạn chế trách tập thể.
  • Chỉ phạt vì công việc, không xúc phạm nhân cách hoặc đưa việc khác vào.
  • Sau khi trách, nên có lời động viên, khích lệ để học sinh có niềm tin và cố gắng sửa.

II. Hứng thú học tập

1. Khái niệm hứng thú học tập

- Định nghĩa hứng thú: Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó, vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống, vừa có khả năng mang lại khoái cảm cho cá nhân trong quá trình hoạt động.

- Định nghĩa hứng thú học tập

Hứng thú học tập chính là thái độ lựa chọn đặc biệt của chủ thể đối với đối tượng của hoạt động học tập, vì sự cuốn hút về tình cảm và ý nghĩa thiết thực của nó trong đời sống cá nhân.

2. Một số chiến lược tạo hứng thú học tập

Có thể lập một danh mục các chiến lược tạo hứng thú học tập cho học sinh và những việc cần tránh trong dạy học

Bảng 1: Các chiến lược làm tăng hứng thú học tập của học sinh trong dạy học

Những việc làm của giáo viên tạo được hứng thú học tập ở học sinh

Những việc làm của giáo viên làm học sinh không thích học

Thứ tự

Tạo ra những tiết học thoải mái, đa dạng các phương pháp, có nhiều hoạt động, kích thích học sinh tư duy, thực hành, áp dụng kiến thức vào cuộc sống, các câu hỏi gợi mở (đóng vai…)

Giáo viên quá nghiêm khắc, chỉ trách phạt, la mắng, hăm dọa khi học sinh vi phạm. 1

Động viên, khen thưởng học sinh đúng lúc.

Gò ép vào khuôn khổ, quy cách, máy móc, áp đặt.

2

Tạo mối quan hệ thân thiết với người học, tình cảm với học sinh.

Không khen học sinh, chỉ chê trách học sinh.

3

Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của học sinh.

Giáo viên không gần gũi học sinh. 4

Tạo cho học sinh có các hoạt động vui chơi và vui chơi lồng ghép với trang bị kiến thức.

Lớp học không vui, giáo viên luôn  tỏ vẻ khó chịu, lạnh lùng, căng thẳng, cau có khi vào lớp.

5

Lắng nghe và trao đổi với học sinh.

Giảng bài chưa thu hút học sinh, học sinh không hiểu, học quá khó với học sinh.

6

Tạo điều kiện cho học sinh bộc lộ, tự tin thông các hoạt động ngoại khóa, chính khóa.

Liên tục kiểm tra bài cũ đầu giờ thường xuyên, hay gọi học sinh không thuộc bài.

7

 

Xem thêm: 

Tóm tắt lý thuyết Tâm lý học giáo 

Tóm tắt lý thuyết chương 1: Nhập môn Tâm lý học giáo dục 

Tóm tắt lý thuyết chương 2: Sự phát triển tâm lí cá nhân 

Tóm tắt lý thuyết chương 3: Cơ sở tâm lí học của hoạt động học 

Tóm tắt lý thuyết chương 4: Cơ sở tâm lí học của hoạt động dạy học 

Tóm tắt lý thuyết chương 5: Động cơ và hứng thú học tập 

Tóm tắt lý thuyết chương 6: Cơ sở tâm lí học của quản lí lớp học 

Tóm tắt lý thuyết chương 7: Cơ sở tâm lí học của giáo dục đạo đức, thái độ, giá trị và nhân cách 

Tóm tắt lý thuyết chương 8: Hỗ trợ tâm lý trong trường học 

Tóm tắt lý thuyết chương 9: Lao động sư phạm và nhân cách người thầy giáo 

Câu hỏi trắc nghiệm Tâm lý học giáo dục

Câu hỏi trắc nghiệm Động cơ và hứng thú học tập

Việc làm dành cho sinh viên:

Việc làm thực tập sinh tâm lý

Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất

Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên

Việc làm thực tập sinh quản lý đào tạo

Mức lương của thực tập sinh tâm lý là bao nhiêu?

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!