Nhập môn tâm lý học giáo dục | Tóm tắt lý thuyết Tâm lý học giáo dục | HNUE

Tóm tắt kiến thức Nhập môn Tâm lý học giáo dục về: Bản chất hiện tượng tâm lý người; Chức năng của tâm lý người và Phân loại các hiện tượng tâm lý... Tài liệu học tập môn TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC tại trường ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NÔI giúp bạn học tập, ôn luyện và đạt điểm cao!

TÓM TẮT LÝ THUYẾT: NHẬP MÔN TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC

Bản chất hiện tượng tâm lý người

1. Tâm lí người là sự phản ánh hiện thực khách quan của não người thông qua chủ thể

1.1 Tâm lý người là sự phản ánh hiện thực khách quan của não theo quan điểm duy vật biện chứng:

- Khái niệm: 

+ Phản ánh là quá trình tác động qua lại giữa hai hệ thống vật chất, hệ thống này để lại dấu vết trên hệ thống kia; thông qua dấu vết đó, người ta có thể hiểu được hệ thống vật chất đã tạo ra dấu vết.

+  Phản ánh là thuộc tính chung của mọi dạng tồn tại của vật chất. Phản ánh diễn ra từ đơn giản đến phức tạp và có sự chuyển hoá lẫn nhau.

- Các loại phản ánh:

+ Phản ánh vật lý- là dạng phản ánh của các vật chất không sống (không có sự trao đổi chất với môi trường) như phản ánh cơ học... Đây là dạng phản ánh đơn giản, phản ánh nguyên si sự vật, hiện tượng.

+ Phản ánh sinh lý- là dạng phản ánh của các vật chất sống (có sự trao đổi chất với môi trường), như khi đi lạnh, người ta có thể sởn da gà ở hai cánh tay...Dạng phản ánh này không còn nguyên si như tác động ban đầu. Về mặt vật lý, khi gặp lạnh, các vật thể có thể co lại, gặp nóng thì nở ra. Nhưng với cơ thể sống, cánh tay con người có thể sởn da gà, môi có thể thâm lại.

+ Phản ánh tâm lý- là một dạng phản ánh của loại vật chất có tổ chức đặc biệt đó là não người.

Đây là dạng phản ánh đặc biệt vì:

  • Đó là sự tác động của hiện thực khách quan vào hệ thần kinh và não bộ con người - tổ chức cao nhất của vật chất. Chỉ có hệ thần kinh và não bộ con người mới có khả năng tiếp nhận tác động của hiện thực khách quan, tạo ra dấu vết vật chất trên não, dấu vết đó chứa đựng hình ảnh tinh thần (tâm lý). Bản chất của quá trình tạo ra dấu vết đó là các quá trình sinh lý, sinh hoá ở trong hệ thần kinh và não bộ.
  • Phản ánh tâm lý tạo ra "hình ảnh" về thế giới nhưng rất sinh động và không còn nguyên si như bản thân thế giới. Hình ảnh tâm lý là kết quả của quá trình phản ánh thế giới khách quan của não. Song hình ảnh tâm lý khác về chất so với các hình ảnh cơ, vật lý, sinh vật ở chỗ:
  • Hình ảnh tâm lý mang tính sinh động, sáng tạo. Mỗi người sẽ có hình ảnh khác nhau về sự vật nên hình ảnh tâm lý rất phong phú và đa dạng. Hay nói cách khác, hình ảnh tâm lý là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan.

Kết luận:

Tuy hình ảnh tâm lý mang tính chủ thể nhưng nội dung của hình ảnh tâm lý do thế giới khách quan quy định. Đây là luận điểm quan trọng phân biệt quan điểm duy vật và quan điểm duy tâm. Tâm lý người có nguồn gốc bên ngoài và là chức năng của não. Não là cơ quan phản ánh, tiếp nhận tác động của thế giới khách quan tạo ra hình ảnh tâm lý (hình ảnh của chính thế giới khách quan đó).

Như vậy, muốn có tâm lý người phải có hai điều kiện:

  • Thứ nhất: Phải có thế giới khách quan - nguồn gốc tạo nên hình ảnh tâm lý
  • Thứ hai: Phải có não người - Cơ quan phản ánh để tạo ra hình ảnh tâm lý.

Quan điểm của chủ nghĩa duy vật về bản chất hiện tượng tâm lý người đã cho ta thấy: Muốn nghiên cứu tâm lý người phải tìm hiểu thế giới khách quan xung quanh con người, nơi con người sống và hoạt động. Đồng thời muốn hình thành, cải tạo, thay đổi tâm lý con người phải thay đổi các tác động của thế giới khách quan xung quanh con người, của hoàn cảnh mà trong đó con người sống và hoạt động.

1.2 Tâm lý người mang tính chủ thể

- Tính chủ thể của hình ảnh tâm lý thể hiện ở chỗ:

Mỗi chủ thể trong khi tạo ra hình ảnh tâm lý về thế giới đã đưa vốn hiểu biết, vốn kinh nghiệm, đưa cái riêng của mình vào trong hình ảnh đó, làm cho hình ảnh tâm lý trong mỗi con người có những sắc thái riêng, không ai giống ai.

- Tính chủ thể trong phản ánh tâm lý thể hiện ở chỗ:

+ Cùng một sự vật nhưng ở những chủ thể khác nhau sẽ xuất hiện những hình ảnh tâm lý khác nhau (khác nhau về mức độ, sắc thái).

+ Cũng có thể, cùng một sự vật tác động đến cùng một chủ thể nhưng vào những thời điểm khác nhau, ở những tình huống khác nhau với trạng thái cơ thể, trạng thái tinh thần khác nhau, sẽ cho những hình ảnh tâm lý với mức độ biểu hiện và sắc thái tâm lý khác nhau ở chính chủ thể ấy.

+ Mỗi chủ thể khác nhau sẽ có thái độ, hành vi khác nhau đối với các sự vật, hiện tượng.

+ Chính chủ thể mang hình ảnh tâm lý là người hiểu rõ nhất, thể nghiệm sâu sắc nhất về hình ảnh tâm lý đó. Những người ngoài không thể hiểu rõ bằng chính chủ thể đó.

- Nguyên nhân của sự khác biệt tâm lý giữa các cá nhân:

+ Thứ nhất, là sự khác biệt về mặt sinh học của con người. Con người có thể khác nhau về giới tính, về lứa tuổi và những đặc điểm riêng của cơ thể, giác quan, hệ thần kinh.

+ Thứ hai, con người còn khác nhau về hoàn cảnh sống và hoạt động, về điều kiện giáo dục và đặc biệt là mỗi cá nhân thể hiện mức độ tích cực hoạt động, tích cực giao lưu khác nhau trong cuộc sống. Nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân cơ bản quyết định sự khác biệt tâm lý của mỗi người.

Kết luận

Tâm lý con người không ai giống ai nên không nên đối xử với ai cũng như ai, phải chú đến đặc điểm riêng, tôn trọng cái riêng của mỗi con người, không nên áp đặt tư tưởng của mình cho người khác.

Tâm lý người mang tính chủ thể, vì thế trong dạy học cần quán triệt nguyên tắc sát đối tượng, vừa sức với đối tượng; trong giáo dục cần quán triệt nguyên tắc giáo dục cá biệt.

2. Tâm lý người mang bản chất xã hội - lịch sử

2.1 Tâm lý người mang bản chất xã hội

- Tâm lý người có nguồn gốc xã hội

Con người sống trong hoàn cảnh nào thì phản ánh hoàn cảnh đó. Vì thế, tâm lý người chỉ hình thành và phát triển trong thế giới người. Tách khỏi xã hội sẽ không có tâm lý người.

-  Tâm lý người có nội dung xã hội

Con người tham gia các quan hệ xã hội nào thì sẽ phản ánh nội dung của thế giới và các mối quan hệ đó. Trên thực tế, con người thoát ly khỏi các quan hệ xã hội, quan hệ người - người, đều làm cho tâm lý mất bản tính người (những trường hợp trẻ em do động vật nuôi từ bé, tâm lý của các trẻ này không hơn hẳn tâm lý loài vật).

-  Tâm lý người là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp của con người trong các quan hệ xã hội

Con người vừa là một thực thể tự nhiên vừa là một thực thể xã hội. Phần tự nhiên ở con người (như đặc điểm cơ thể, giác quan, thần kinh, bộ não) được xã hội hoá ở mức cao nhất. Là một thực thể xã hội, con người là chủ thể của nhận thức, chủ thể của hoạt động, giao tiếp với tư cách một chủ thể tích cực, chủ động sáng tạo. Tâm lý người là sản phẩm của hoạt động con người với tư cách là chủ thể xã hội, vì thế tâm lý người mang đầy đủ dấu ấn xã hội lịch sử của con người.

-  Tâm lý của mỗi cá nhân là kết quả của quá trình lĩnh hội

Lĩnh hội vốn kinh nghiệm xã hội, nền văn hoá xã hội, thông qua hoạt động, giao tiếp (hoạt động vui chơi, học tập, lao động, công tác xã hội), trong đó giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Hoạt động của con người và mối quan hệ giao tiếp của con người trong xã hội quyết định sự hình thành và phát triển tâm lý người.

Kết luận: 

Muốn phát triển tâm lý con người cần tổ chức tốt các hoạt động và giao tiếp để con người tham gia. Qua hoạt động và giao tiếp, con người sẽ có thêm nhiều điều kiện để lĩnh hội nền văn hóa xã hội lịch sử biến thành kinh nghiệm của mình. (Đi một ngày đàng, học một sàng khôn).

2.2 Tâm lý người mang tính lịch sử

-   Tâm lý của mỗi con người hình thành, phát triển và biến đổi cùng với sự thay đổi các điều kiên kinh tế-xã hội mà con người sống.

Sự thay đổi tâm lý người thể hiện ở hai phương diện.

+ Đối với tâm lý của cộng đồng người, tâm lý của cộng đồng thay đổi cùng với sự thay đổi các điều kiện kinh tế - xã hội chung của toàn cộng đồng.

+ Đối với tâm lý từng con người cụ thể, tâm lý con người thay đổi cùng với sự phát triển của lịch sử cá nhân. Khi con người thay đổi về lứa tuổi, về vị thế xã hội, về các điều kiện sống và làm việc thì tâm lý con người có thể thay đổi.

Kết luận: 

Tâm lý người có tính lịch sử nên khi nghiên cứu tâm lý người cần quán triệt quan điểm lịch sử cụ thể. Đồng thời phải nghiên cứu tâm lý người trong sự vận động và biến đổi, tâm lý người không phải bất biến.

Khi đánh giá con người, cần có quan điểm phát triển, không nên thành kiến với con người; cũng không nên chủ quan với con người và với chính mình

Chức năng của tâm lí người

Thế giới khách quan quy định tâm lý con người, nhưng chính tâm lý con người lại tác động trở lại thế giới bằng tính năng động sáng tạo của nó thông qua hoạt động, hành động, hành vi. Mỗi hoạt động, hành động của con người đều do "cái tâm lý" điều hành. Sự điều hành ấy biểu hiện qua những mặt sau:

1. Tâm lý có chức năng chung là định hướng cho hoạt động

Định hướng hoạt động ở đây muốn nói tới vai trò của mục đích, động cơ hoạt động.Trước khi hoạt động, bao giờ con người cũng xác định mục đích của hoạt động đó, họ biết rõ mình sẽ làm gì. Đó chính là sự chuẩn bị tâm lý để bước vào hoạt động. Tâm lý là động lực thôi thúc, lôi cuốn con người hoạt động, giúp con người vượt mọi khó khăn vươn tới mục đích đã đặt ra.

2. Tâm lý có chức năng điều khiển, kiểm soát quá trình hoạt động

Điều chỉnh, kiểm soát bằng chương trình, kế hoạch, cách thức tiến hành hoạt động, làm cho hoạt động của con người trở nên có ý thức và đem lại hiệu quả nhất định.

Tâm lý giúp con người điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với mục đích đã xác định, đồng thời phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế cho phép.

Nhờ có các chức năng định hướng, điều khiển, điều chỉnh hoạt động nói trên mà tâm lý giúp con người không chỉ thích ứng với thế giới khách quan, mà còn nhận thức, cải tạo và sáng tạo ra thế giới. Chính trong quá trình đó, con người nhận thức rõ về mình và cải tạo chính bản thân mình.

Phân loại hiện tượng tâm lý

Có nhiều cách phân loại hiện tượng tâm lý, thông thường người ta phân loại các hiện tượng tâm lý theo thời gian hình thành và tồn tại của chúng, vai trò của chúng trong cấu trúc nhân cách. Theo đó có ba loại hiện tượng tâm lý:

Các quá trình tâm lý

- Các quá trình tâm lý là những hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, có mở đầu, diễn biến, kết thúc tương đối rõ ràng.

- Có 3 quá trình tâm lý cơ bản sau:

+ Các quá trình nhận thức gồm: cảm giác, tri giác, trí nhớ, tưởng tượng, tư duy, ngôn ngữ.

+ Các quá trình cảm xúc biểu thị sự vui mừng hay tức giận, dễ chịu hay khó chịu, nhiệt tình hay thờ ơ…

+ Quá trình ý chí. Quá trình ý chí được thể hiện qua hành động ý chí của con người vượt qua khó khăn, trở ngại để đạt tới mục đích đã xác định.

Các trạng thái tâm lý

Là những hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối dài, việc mở đầu và kết thúc không rõ ràng. Có hai trạng thái tâm lý cơ bản là chú ý và tâm trạng.

Các thuộc tính tâm lý

- Là những hiện tượng tâm lý tương đối ổn định, bền vững, khó hình thành và cũng khó mất đi.

- Các thuộc tính tâm lý tạo thành những nét đặc trưng riêng của mỗi con người với tư cách là một nhân cách. Người ta thường nói tới bốn thuộc tính tâm lý điển hình của nhân cách : xu hướng, tính cách, khí chất và năng lực.

- Các loại hiện tượng tâm lý của con người quan hệ chặt chẽ với nhau tạo thành đời sống tâm lý phong phú, đa dạng của con người.

 

Xem thêm: 

Tóm tắt lý thuyết Tâm lý học giáo 

Tóm tắt lý thuyết chương 1: Nhập môn Tâm lý học giáo dục 

Tóm tắt lý thuyết chương 2: Sự phát triển tâm lí cá nhân 

Tóm tắt lý thuyết chương 3: Cơ sở tâm lí học của hoạt động học 

Tóm tắt lý thuyết chương 4: Cơ sở tâm lí học của hoạt động dạy học 

Tóm tắt lý thuyết chương 5: Động cơ và hứng thú học tập 

Tóm tắt lý thuyết chương 6: Cơ sở tâm lí học của quản lí lớp học 

Tóm tắt lý thuyết chương 7: Cơ sở tâm lí học của giáo dục đạo đức, thái độ, giá trị và nhân cách 

Tóm tắt lý thuyết chương 8: Hỗ trợ tâm lý trong trường học 

Tóm tắt lý thuyết chương 9: Lao động sư phạm và nhân cách người thầy giáo 

Câu hỏi trắc nghiệm Tâm lý học giáo dục

Câu hỏi trắc nghiệm Nhập môn tâm lý học giáo dục

Việc làm dành cho sinh viên:

Việc làm thực tập sinh tâm lý mới nhất

Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất

Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên

Việc làm thực tập sinh điều phối lớp học

Mức lương của thực tập sinh tâm lý là bao nhiêu?

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!