Cơ sở Tâm lí học của hoạt động học | Tóm tắt lý thuyết Tâm lý học giáo dục | HNUE

Tóm tắt kiến thức Cơ sở Tâm lí học của hoạt động học về: Hoạt động học; Hình thành khái niệm khoa học cho học sinh,... Tài liệu học tập môn TÂM LÍ HỌC GIÁO DỤC tại trường ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NÔI giúp bạn học tập, ôn luyện và đạt điểm cao!

TÓM TẮT LÝ THUYẾT: CƠ SỞ TÂM LÍ HỌC CỦA HOẠT ĐỘNG HỌC

1. Hoạt động học

a) Định nghĩa hoạt động học

Học là quá trình tương tác giữa cá thể với môi trường, kết quả là dẫn đến sự biến đổi bền vững về nhận thức, thái độ hay hành vi của cá thể đó

Hoạt động học là hoạt động đặc thù của con người, được điều khiển bởi mục đích tự giác là lĩnh hội những kinh nghiệm lịch sử xã hội, nhằm thỏa mãn nhu cầu học, qua đó phát triển bản thân người học.

b) Đặc điểm của hoạt động học

- Đối tượng của hoạt động học là toàn bộ kinh nghiệm lịch sử- xã hội đã được hình thành và tích lũy qua các thế hệ, tồn tại dưới dạng các vật phẩm văn hóa và trong các quan hệ xã hội. Học tập là quá trình biến những kinh nghiệm của xã hội thành kinh nghiệm của cá nhân. Những kinh nghiệm xã hội đó có thể là những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo tương ứng và các giá trị v.v

- Mục đích của hoạt động học không phải hướng đến tạo ra sản phẩm vật chất hay tinh thần mới cho xã hội như các loại hoạt động khác, mà hướng đến làm thay đổi chính bản thân mình.

- Cơ chế của hoạt động học là bằng hệ thống việc làm của mình, người học tương tác với đối tượng học, sử dụng các thao tác thực tiễn và trí tuệ để cấu trúc lại đối tượng bên ngoài và chuyển vào trong đầu, hình thành và phát triển các cấu trúc tâm lí, qua đó phát triển bản thân.

- Hoạt động học không chỉ hướng vào việc tiếp thu những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mới mà còn tiếp thu được cả phương thức giành tri thức đó (cách học).

- Hoạt động học là hoạt động chủ đạo của học sinh.

Trong các giai đoạn phát triển của cá nhân, có một hoạt động đóng vai trò chủ đạo. Đó là hoạt động chi phối mạnh mẽ việc hình thành các chức năng tâm lí đặc trưng của giai đoạn lứa tuổi đó. Trong suốt quá trình phát triển của học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông, hoạt động chủ đạo của các em là học tập. Điều đó có nghĩa là mọi chức năng tâm lí cơ bản của học sinh như sự phát triển trí tuệ, tình cảm, ý thức, nhân cách v.v đều được quy định chịu tác động mạnh mẽ của hoạt động học tập của các em.

2. Hình thành khái niệm khoa học cho học sinh

a) Bản chất khái niệm khoa học

- Khái niệm là gì?

+ Khái niệm là những tri thức của loài người về một loại sự vật, hiện tượng, quan hệ nào đó đã được khái quát hóa từ các dấu hiệu bản chất của chúng.

Nói cách khác, khái niệm là sản phẩm của sự phản ánh tâm lý những thuộc tính bản chất chung nhất của sự vật, hiện tượng trong não người.

Có thể xem sự hình thành khái niệm tạo nên nền tảng của toàn bộ tri thức của loài người. Vì vậy, sự hình khái niệm được coi là nhiệm vụ cơ bản nhất của hoạt động dạy và học.

+ Khái niệm là một năng lực thực tiễn được kết tinh lại và “gửi” vào đối tượng.

Khi muốn có đối tượng thì phải thâm nhập vào đối tượng (bằng cách hành động với đối tượng) để tìm ra logic tồn tại của nó (khái niệm mà loài người đã gửi gắm vào đối tượng), bằng cách lập lại đúng chuỗi thao tác trước đây loài người đã phát hiện ra. Và từ đó, chủ thể có thêm một năng lực mới.

Như vậy, quá trình dạy học nói chung, quá trình hình thành khái niệm nói riêng là quá trình liên tục tạo ra cho trẻ những năng lực mới.

- Bản chất của khái niệm

+ Khái niệm có hai nơi trú ngụ: Một là, ở đối tượng, hai là, ở trong đầu chủ thể. Khái niệm có trong đầu chủ thể là kết quả của sự hình thành bắt đầu từ bên ngoài chủ thể, bắt đầu từ đối tượng.

+ Quá trình “chuyển chỗ ở” như vậy là quá trình hình thành khái niệm ở chủ thể. Muốn tạo ra quá trình “chuyển chỗ ở” đó phải lấy hành động của chủ thể thâm nhập vào đối tượng làm cơ sở.

+ Trong dạy học, để hình thành khái niệm cho học sinh, người thầy phải tổ chức hành động cho học sinh tác động vào đối tượng theo đúng quy trình hình thành khái niệm; lấy hành động của các em làm cơ sở.

=> Nguồn gốc xuất phát của khái niệm là ở đồ vật, nơi con người đã “gửi” năng lực của mình vào; muốn có khái niệm thì phải lấy lại những năng lực đã được “gửi” vào đó. Cách lấy lại đó phải có những hành động tương ứng để hình thành khái niệm.

b) Sự hình thành khái niệm khoa học cho học sinh

- Điều khiển sự hình thành các khái niệm

Mỗi môn học, tập trung trong đó một hệ thống các khái niệm khoa học, bao gồm các khái niệm về sự vật, hiện tượng, về quy luật.

Nguồn gốc xuất phát của khái niệm là ở sự vật, hiện tượng. Từ khi con người phát hiện ra nó thì khái niệm có thêm một chỗ ở thứ hai là trong tâm lý, tinh thần của con người. Để tiện lưu trữ và trao đổi, người ta dùng ngôn ngữ “gói ghém” nội dung khái niệm lại. Con người muốn có khái niệm nào thì phải thâm nhập vào đối tượng (bằng cách thực hiện hành động với nó) để “lấy lại” khái niệm mà loài người đã “gửi gắm” vào đối tượng. Ví dụ: khái niệm cái thìa là đồ vật dùng để xúc thức ăn hay đồ uống, người có được khái niệm “thìa” là người nắm được các thao tác hành động đúng với nó.

Như vậy, bản chất tâm lý của quá trình hình thành khái niệm là quá trình chuyển hóa khái niệm từ sự vật, hiện tượng trong hiện thực thành cái tâm lý thông qua hoạt động. Chỉ khi khái niệm được chuyển hóa thành tâm lý dưới dạng ý tưởng thì quá trình hình thành khái niệm mới kết thúc. Tuy nhiên, khái niệm dưới dạng ý tưởng lại tiếp tục được sử dụng cho hoạt động của con người và tham gia vào việc hình thành các khái niệm tiếp theo tạo nên toàn bộ tri thức của con người.

Trong dạy học, muốn hình thành khái niệm cho học sinh, giáo viên phải tổ chức hành động của học sinh tác động vào đối tượng theo đúng quy trình hình thành khái niệm mà nhà khoa học đã phát hiện ra trong lịch sử.

- Nguyên tắc chung:

+ Xác định chính xác đối tượng cần chiếm lĩnh (khái niệm) của học sinh qua từng bài giảng, trong đó đặc biệt phải xác định chính xác bản thân khái niệm (logic của đối tượng); xác định phương tiện, công cụ cho việc tổ chức quá trình hình thành khái niệm.

+ Phải dẫn dắt học sinh một cách có ý thức qua tất cả các giai đoạn của hành động, nhất là giai đoạn hành động vật chất nhằm phanh phui logic của khái niệm.

+ Thực chất của sự lĩnh hội khái niệm là sự thống nhất giữa cái tổng quát và cái cụ thể, cho nên trong quá trình hình thành khái niệm phải tổ chức tốt cả hai giai đoạn: giai đoạn chiếm lĩnh cái tổng quát và giai đoạn chuyển cái tổng quát vào các trường hợp cụ thể.

Cấu trúc chung của quá trình hình thành khái niệm:

+ Làm nảy sinh nhu cầu nhận thức ở học sinh: Vì nhu cầu là nơi xuất phát và là nguồn động lực của hoạt động. Trong hoạt động giáo dục, phải khơi dậy ở học sinh lòng khao khát muốn hiểu biết; bằng cách tạo ra tình huống sư phạm, từ đó xuất hiện trong ý thức học sinh một tình huống có vấn đề.

+ Bất kỳ một tình huống có vấn đề nào cũng có các tính chất:

  • Chứa đựng mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa cái đã biết (có sẵn trong vốn hiểu biết của học sinh) và cái chưa biết.
  • Có tính chất chủ quan (cùng ở trong tình huống nhưng có thể xuất hiện mâu thuẫn ở người này, mà không làm xuất hiện mâu thuẫn ở người khác).

- Phá vỡ cân bằng trong hiện trạng nhận thức của học sinh.

+ Tổ chức cho học sinh hành động nhằm qua đó tìm ra những dấu hiệu, thuộc tính, các mối liên hệ giữa các thuộc tính, dấu hiệu; qua đó phát hiện ra logic của khái niệm.

+ Dẫn dắt học sinh vạch ra được những nét bản chất của khái niệm và làm cho các em ý thức được những dấu hiệu bản chất đó. Tính chính xác, chất lượng học tập phụ thuộc vào khâu này.

+ Hệ thống hóa khái niệm: đưa khái niệm vừa hình thành vào hệ thống khái niệm đã được học.

+ Luyện tập vận dụng khái niệm đã nắm được. Đây là khâu quan trọng; vận dụng khái niệm vào thực tế.

3.  Hiểu khái niệm (Theo Bloom)

Theo Bloom, lĩnh vực tri thức được chia thành sáu phạm trù chủ yếu, sắp xếp theo mức độ tăng dần gồm: Biết (Knowledge), Hiểu (Comprehension), Ứng dụng (Application), Phân tích (Analysis), Tổng hợp (Synthesis) và Đánh giá (Evaluation).

- Biết: Kiến thức ở mức “Biết” bao gồm những thông tin có tính chất chuyên biệt mà một người học có thể nhớ hay nhận ra sau khi tiếp nhận. Việc học thường bắt đầu từ nhu cầu “muốn biết” nhưng để “biết được cái gì đó”, người học chỉ cần vận dụng trí nhớ, nên thành quả đạt được ở mức Biết là rất thấp và thường không mang lại giá trị tăng thêm cho người sở hữu cái biết ấy. Thường mục tiêu giáo dục không dừng ở việc dạy các tri thức thuộc mức “Biết” này.

Ở tầng thấp nhất là học sinh biết được kiến thức qua sự truyền đạt của thầy. Làm thế nào để thầy cô xác định được là học sinh biết? Cách đơn giản nhất là thử xem học sinh có nhớ hay không, hay các hoạt động liên quan đến ký ức như: mô tả, kể lại, đọc thuộc lòng,...

- Hiểu (hay thông hiểu): Sau khi đã biết, trình độ nhận thức phải được nâng cao lên đến tầng thứ hai. Đó là hiểu thấu đáo, vì rất nhiều trường hợp, học sinh học thuộc lòng và nhớ rất giỏi, nhưng vẫn không thực sự hiểu.

Hiểu được chuyện gì đó tức là bao hàm việc đã biết nó, nhưng ở mức cao hơn trí nhớ. Ở mức này, người học có khả năng chỉ ra ý nghĩa và mối liên hệ giữa các thông tin (hay khái niệm) mà họ đã biết. Khi phát biểu một định nghĩa nào đó, tức là người học đã biết đến khái niệm, nhưng để chứng tỏ hiểu, họ phải có khả năng giải thích được các khái niệm trong đó, minh họa bằng các ví dụ hay hình ảnh, phát biểu lại (rephrase) định nghĩa đó dưới dạng khác mà không mất đi đặc trưng của khái niệm.

Để kiểm tra người học có hiểu khái niệm hay không, ta có thể yêu cầu người học chọn định nghĩa sát nhất với định nghĩa đã được học.

Làm thế nào để xác định được là học sinh hiểu? Bloom đề nghị kiểm tra sự hiểu thấu đáo của học sinh qua các hoạt động sau: tóm tắt nội dung, giải thích, trình bày lại bằng những từ khác, thuyết trình, thảo luận, nhận biết các yếu tố,...

- Ứng dụng: Ở tầng thứ ba là áp dụng. Các từ khóa chính để kiểm tra trình độ nhận thức ở tầng thứ ba gồm có: ứng dụng (công thức hay bài học vào hoàn cảnh khác), chứng minh, giải quyết vấn đề, minh họa, tính toán, sử dụng, thí nghiệm,...

Tri thức thuộc loại ứng dụng liên quan tới khả năng vận dụng kiến thức, biết sử dụng phương pháp, nguyên lý hay ý tưởng để giải quyết một vấn đề nào đó. Vấn đề được giải quyết ở đây phải khác (có khi là hoàn toàn mới) vấn đề đã được thảo luận trên lớp hay trong giáo trình.

Mục tiêu giáo dục dừng ở mức Ứng dụng là những mục tiêu “thực dụng”, mang lại giá trị cộng thêm cho người học vì các kiến thức có thể được đem ra áp dụng vào các vấn đề thực tiễn của người học.

Để đo lường khả năng ứng dụng, ta có thể sử dụng các bài thực hành hoặc kiểm tra các kĩ năng trong các bài trắc nghiệm (liệt kê các thủ tục, xem xét lỗi có thể phát sinh, lựa chọn giải pháp từ dữ kiện sẵn có,...).

Ba trình độ Biết, Hiểu và Vận dụng được xếp vào hạng trình độ nhận thức và tư duy thấp, thuộc loại cơ bản.

- Phân tích: Phân tích là khả năng chia nhỏ vấn đề thành các khái niệm thành phần có quan hệ hữu cơ với nhau để tìm hiểu bản chất của vấn đề. Với khả năng phân tích, người học đi đến bản chất của sự vật hay khái niệm, là tiền đề quan trọng để lấy chất liệu tổng hợp hoặc phê phán, từ đó đi tới sáng tạo cái mới.

- Tổng hợp: Tổng hợp là khả năng thu thập, kết hợp các thành phần rời rạc, vốn không bộc lộ rõ các mối liên kết, thành một chỉnh thể. Đây là mức cao hơn của tri thức. Hệ quả của phương pháp tổng hợp thường là các cải tiến, sản phẩm mới hoặc lý thuyết mới.

- Đánh giá: Đánh giá là khả năng đưa ra các phán xét hay-dở, tốt-xấu, tiến bộ – lạc hậu, phù hợp – không phù hợp v.v., về các vật liệu, kĩ thuật, khái niệm hay phương pháp. Để có được sự đánh giá, thông thường người học phải có khả năng phân tích vấn đề để rõ ngọn ngành, tổng hợp và so sánh từ nhiều nguồn, từ đó đưa ra các nhận định cuối cùng. Đây là mức cao nhất của trí tuệ. Kết quả của đánh giá thường làm phát lộ các tri thức mới, phủ định các tri thức đã biết, hoặc ít ra là tái khẳng định với các căn cứ xác đáng phương pháp hay vật liệu (materials) được nghiên cứu.

Ở tầng này người học phải có khả năng đưa ra những nhận xét, đánh giá, phê bình (tình huống, tác phẩm, v.v.), đưa ra những đề nghị, tiên đoán, chứng minh, và lập luận dựa trên những dữ kiện cụ thể đã được phân tích và tổng hợp ở hai tầng dưới.

Càng ở bậc học cao hơn thì yêu cầu về các mức tri thức cao hơn càng quan trọng. Các mục tiêu giáo dục ở bậc học phổ thông thường dừng ở hai mức Biết-Hiểu; ở bậc học thiên về thực hành (trung cấp, cao đẳng nghề) thì mục tiêu chủ yếu là Biết-Hiểu-Dùng, bậc học đại học thường có thêm các mục tiêu ở mức Phân tích và có thể có Tổng hợp và Đánh giá ở một số môn học. Các khóa học sau đại học chủ yếu đặt mục tiêu thuộc hai mức cuối cùng trong thang phân loại Bloom. Một trong những mục tiêu phổ quát của giáo dục là khả năng giải quyết vấn đề (problem-solving), vấn đề càng phức tạp thì tri thức và kĩ năng yêu cầu để giải quyết càng cao cấp hơn. Khi đó, người học cần có khả năng phân tích sắc bén, tổng hợp tri thức một cách hệ thống, cũng như có khả năng phản biện và đánh giá để có thể đưa ra giải pháp tốt nhất.

Xem thêm: 

Tóm tắt lý thuyết Tâm lý học giáo 

Tóm tắt lý thuyết chương 1: Nhập môn Tâm lý học giáo dục 

Tóm tắt lý thuyết chương 2: Sự phát triển tâm lí cá nhân 

Tóm tắt lý thuyết chương 3: Cơ sở tâm lí học của hoạt động học 

Tóm tắt lý thuyết chương 4: Cơ sở tâm lí học của hoạt động dạy học 

Tóm tắt lý thuyết chương 5: Động cơ và hứng thú học tập 

Tóm tắt lý thuyết chương 6: Cơ sở tâm lí học của quản lí lớp học 

Tóm tắt lý thuyết chương 7: Cơ sở tâm lí học của giáo dục đạo đức, thái độ, giá trị và nhân cách 

Tóm tắt lý thuyết chương 8: Hỗ trợ tâm lý trong trường học 

Tóm tắt lý thuyết chương 9: Lao động sư phạm và nhân cách người thầy giáo 

Câu hỏi trắc nghiệm Tâm lý học giáo dục

Câu hỏi trắc nghiệm Cơ sở tâm lí học của hoạt động học

Việc làm dành cho sinh viên:

Việc làm thực tập sinh tâm lý mới nhất

Việc làm gia sư các môn cập nhật theo ngày mới nhất

Việc làm thêm nhân viên phục vụ nhà hàng/ quán cafe dành cho sinh viên

Việc làm cộng tác viên tư vấn tâm lý học đường

Mức lương của thực tập sinh tâm lý là bao nhiêu?

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!