1. Bác sĩ là gì?
Bác sĩ (Doctor) là người được đào tạo chuyên môn về y khoa và có nhiệm vụ chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa các bệnh tật cho con người. Họ sử dụng kiến thức y học và kỹ năng lâm sàng để giúp bệnh nhân duy trì hoặc cải thiện sức khỏe.. Bác sĩ có thể chuyên về nhiều lĩnh vực khác nhau, như bác sĩ đa khoa, bác sĩ nội khoa, bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ nhi, bác sĩ tâm lý, bác sĩ tim mạch, v.v. Tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
2. Công việc của bác sĩ là gì?
Công việc của các Bác sĩ khá đa dạng và được phân chia nhiệm vụ riêng biệt tùy theo vị trí công tác hoặc theo chuyên khoa y tế. Tuy nhiên nhiệm vụ chung của họ là thăm khám, chẩn đoán, xây dựng phác đồ điều trị và thực hiện các giải pháp trị liệu để giúp người bệnh có thể mau chóng phục hồi sức khỏe. Nhìn chung công việc của các Bác sĩ bao gồm:
Đánh giá, chẩn đoán bệnh
Trước tiên, Bác sĩ cần thực hiện một cuộc trao đổi với bệnh nhân để hỏi han về tình trạng biểu hiện khác thường trong cơ thể và tiểu sử bệnh lý. Đồng thời Bác sĩ tiến hành kiểm tra sức khỏe bằng cách quan sát, sử dụng dụng cụ y khoa và làm xét nghiệm để đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Dựa trên những kết quả ban đầu sau khi kiểm tra,bác sĩ sẽ đưa ra phân tích, chẩn đoán sơ bộ và mô phỏng phương hướng điều trị cũng như tiên đoán hiệu quả sau trị liệu để người bệnh nắm rõ.
Lập phác đồ điều trị
Sau khi có sự chẩn đoán về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân,Bác sĩ thiết lập phác đồ điều trị dựa trên trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong nghề để xây dựng giải pháp điều trị tối ưu nhất. Trong trường hợp bệnh tình có mức độ nghiêm trọng cao, bác sĩ cần hội ý chuyên môn với hội đồng y khoa và các bác sĩ trong ngành để tìm ra giải pháp cứu chữa tốt nhất. Phác đồ sau khi được thiết lập phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố về phương pháp điều trị, loại máy móc, công nghệ hay liều lượng thuốc cần sử dụng, chế độ ăn uống, tập luyện hay kiêng khem trước, trong và sau quá trình điều trị.
Thăm khám bệnh nhân
Theo dõi tiến độ hồi phục và phản ứng của bệnh nhân sau khi điều trị là bước quan trọng trong tiến trình làm việc của Bác sĩ. Khi quá trình hồi phục của bệnh nhân không được tiến triển như dự đoán, bác sĩ sẽ bổ sung thêm các loại thuốc hỗ trợ hoặc xem xét phương án chữa trị kết hợp. Trường hợp bệnh nhân có những biểu hiện nguy hiểm như sốc hay gặp các tác dụng phụ, biến chứng, bác sĩ lập tức đưa ra giải pháp cứu vãn tình thế để đảm bảo sức khỏe người bệnh về trạng thái ổn định.
3. Những tố chất cần có nghề bác sĩ
Lòng nhân đạo, tình thương người
Làm nghề Y, bạn sẽ phải tiếp xúc với những nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Nếu bạn không có một tấm lòng thương người bạn sẽ không bao giờ đặt được mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân, cảm nhận được nỗi đau của họ để rồi từ đó hết lòng chăm sóc, cứu chữa. Một bác sĩ Đa khoa biết yêu thương bệnh nhân sẽ biết cách giúp họ nhiều nhất trong khả năng của mình.
Kiên trì và nhẫn nại
Đây là đức tính tiếp theo cần phải có của một người bác sĩ. Để trở thành một bác sĩ thực thụ bạn phải trải qua thời gian học tập dài hơn so với những ngành học khác không chỉ vậy, để có thể được khám chữa bệnh cho bệnh nhân bạn còn phải thông qua nhiều kì thi khó khăn. Tùy thuộc vào vị trí mà bạn muốn hướng tới, để có thể vững bước đi trên con đường trở thành một bác sĩ bạn cần có tính kiên trì vô cùng lớn.
Tính cẩn thận, tỉ mỉ, trung thực
Nghề Y là công việc chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và khám chữa bệnh cho con người. Đây là công việc mang tính sống còn bởi một quyết định của bạn có thể liên quan trực tiếp đến mạng sống của một người.
Nếu không có sự cân nhắc cẩn thận, đưa ra những quyết định sáng suốt bạn có thể sẽ phải ân hận cả đời.
Tạo được sự tin cậy, cảm thông với người bệnh
Khi người bệnh tìm đến bạn tức là họ đã quá suy sụp về thể xác lẫn tinh thần; và bạn chính là niềm hy vọng, là người an ủi, xoa dịu nỗi đau cho họ. Một bác sĩ thực sự giỏi họ sẽ biết cách tạo dựng niềm tin khiến người bệnh hoàn toàn tin tưởng vào mình, không chỉ tay nghề mà cả ở tấm lòng của một người thầy thuốc. Vì thế, một lương y nhất thiết phải luôn trở thành chỗ dựa đáng tin cậy đối với bệnh nhân.
Có khả năng quan sát, phán đoán tốt
Đây là tốt chất tiếp theo và cũng là tốt chất quan trọng mà một người Bác sĩ Đa khoa nói riêng và tất cả các lương y nói chung đều cần phải có. Thầy thuốc giỏi là người có khả năng quan sát, phán đoán tốt, nắm bắt được vấn đề và có thể chẩn đoán một cách chính xác và nhạy bén nhất trước mọi trường hợp bệnh. Khả năng này sẽ giúp bạn hình thành cách thức chữa bệnh của mình. Nếu bạn phán đoán đúng tức là đã có đến 30% cơ hội chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân của mình.
4. Vai trò của bác sĩ đối với xã hội
Vai trò chăm sóc sức khỏe
Nghề y là nghề rất đặc biệt vì liên quan đến mạng sống con người. Với vai trò cốt lõi là cứu người do đó Bác sĩ luôn được trọng dụng ở mọi xã hội từ xưa đến nay. Sự rèn giũa lâu dài về chuyên môn cùng với đó là y đức về lòng nhân ái, thương người giúp cho người Bác sĩ được ví như từ mẫu mà Bác Hồ đã nói cách đây đã lâu "Lương y phải như từ mẫu". Do đó không sai khi nói “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.
Vai trò đảm bảo chất lượng cuộc sống
Bác sĩ giúp chúng ta thăm khám, phát hiện và chữa các loại bệnh khác nhau. Đây là vấn đề đặt lên hàng đầu của tất cả ngành y tế. Cơ thể con người là một hệ thống phức tạp, luôn luôn phải đối mặt với nguy cơ của các loại bệnh tật. Nên có một ngành y tế phát triển sẽ giúp đảm bảo phòng chống và chữa bệnh cho người dân tốt hơn và ngày càng đảm bảo chất lượng ngày được nâng cao.
Vai trò ngăn chặn các loại dịch bệnh, tìm ra các loại vắcxin
Giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, điều trị bệnh, phòng chống các loại dịch bệnh để đảm bảo cuộc sống học tập và lap động. Chính vì vậy chúng ta có thể khẳng định vai trò của bác sĩ là rất lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội.
5. Những khó khăn thường gặp với bác sĩ
Thời gian học lâu
Thông thường để trở thành giáo viên, kỹ sư hay một hướng dẫn viên du lịch chúng ta chỉ mất từ 3 – 5 năm cao đẳng, đại học để hoàn tất chương trình. Thế nhưng, riêng ngành Y cần ít nhất 6 năm trở lên để học xong và mất từ 11 năm để có được chứng chỉ hành nghề bác sĩ và có được công việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế.
Chương trình học áp lực
Trong thời gian học tập, bạn sẽ trải qua quá trình đào tạo khá “nặng” từ cơ bản đến nâng cao. Kiến thức liên quan đến nhiều lĩnh vực và có tính chuyên môn cao nên không phải ai cũng có đủ trình độ, khả năng nhận biết để theo đuổi. Hơn nữa, một sinh viên trường y phải trải qua nhiều đợt thực tập tại các bệnh viện với lịch trình bận rộn.
Chi phí học tập cao
Do thời gian đào tạo lâu hơn nên kéo theo mức học phí cần đầu tư cũng cao gấp nhiều lần các chuyên ngành khác. Đây là yếu tố cần cân nhắc kỹ khi quyết định lựa chọn ngành học này.
Áp lực từ môi trường làm việc
Bác sĩ luôn được đánh giá là bộ phận tri thức tinh hoa của xã hội. Để có thể thi đỗ vào vào những trường đào tạo ngành y dược, người đó phải luôn luôn ở “top” đầu. Trở thành bác sĩ, họ hiển nhiên phải ưu tú hơn bạn bè và đặc biệt kỳ vọng xã hội đặt lên vai họ cũng lớn hơn những người làm trong ngành nghề khác. Đặc biệt, chương trình học ngành y rất nặng. Để có thể thành công họ phải mất rất nhiều thời gian học tập, bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng và thường xuyên bổ sung những kiến thức chuyên môn.
Làm tăng ca và những căng thẳng kéo dài
Với những đặc trưng công việc, nghề y đòi hỏi khắt khe cả về lao động trí óc lẫn tay chân, và đặc biệt là khả năng làm việc liên tục, nhưng vẫn đảm bảo phải chính xác và kịp thời. Bên cạnh đó, thời lượng làm việc của y-bác sĩ cũng nhiều hơn những ngành nghề khác. Đối với những người theo nghề bác sĩ, nếu không phải trực đêm thì họ sẽ phải trực ngày cuối tuần. Vất vả hơn là những dịp dịp lễ tết, số lượng bác sĩ trực có giới hạn trong khi lượng bệnh nhân nhập viện, chưa kể đến những trường hợp nhập viện bất ngờ do tai nạn.